Dân Biểu Zoe Lofgren Và Loretta Sanchez Yêu Cầu CSVN Giải Thích Về Việc Đàn Áp Dân Oan

Dân biểu Zoe Lofgren

Văn phòng Dân biểu Zoe Lofgren, thuộc Đảng Dân chủ – California, vừa phổ biến một bản thông cáo báo chí cho biết, ngày 24 tháng 7 Dân biểu Zoe Lofgren đã gởi một lá thư đến Chủ tịch CSVN Nguyễn Minh Triết bày tỏ sự thất vọng sâu xa của bà về cách đối xử với những người biểu tình ôn hòa tại Sài Gòn vào ngày 18/7/07 vừa qua. Lá thư, yêu cầu Chủ tịch nhà nước CSVN hãy đích thân giải thích sự đàn áp tàn bạo những người dân oan tranh đấu ôn hòa cho nhân quyền, đồng thời lá thư cũng đã được chuyển đến cho bà Ngoại trưởng Rice. Qua lá thư, bà Dân Biểu Lofgren ghi rõ rằng nhà nước CSVN không đáp ứng với những tiêu chuẩn căn bản về nhân quyền mà Hoa Kỳ mong đợi, và CSVN phải cam kết mạnh mẽ trong vấn đề thúc đẩy nhân quyền.

Cũng trong cùng ngày, bà Dân Biểu Loretta Sanchez cũng đã gửi đến Nguyễn Minh Triết một thư tương tự nhằm nói lên sự thất vọng và bực mình về hành động đàn áp người dân oan khiếu kiện ôn hòa trong nước vào ngày 18-07 vừa qua. Bà cũng cho biết cũng “muốn được nghe thẳng từ ông chủ tịch nước tại sao những hành vi bạo động này đã được công an CSVN xử dụng đối với những người biểu tình ôn hòa trong nước”.

Dưới đây là bản dịch nguyên văn của lá thư của dân biểu Zoe Lofgren:

“Thưa Chủ tịch Triết,

Tôi viết thư này để bày tỏ sự thất vọng sâu xa của tôi về cách đối xử với những người biểu tình ôn hòa tại Tp. HCM ngày 18/7/07. Theo tôi biết thì có khoảng 1500 công an Việt Nam đã được điều động để phá vỡ một cuộc toạ kháng ôn hòa của 1700 nông dân. Tôi đã đọc những báo cáo cho biết khoảng 30 nông dân đã bị thương nặng vì hành vi bạo động của công an.

Là một Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ luôn vận động nhân quyền cho Việt Nam, tôi rất lo ngại về những báo cáo công an dùng bạo lực tại cuộc toạ kháng. Tôi đặc biệt lo ngại hơn khi mà ông vừa mới đến thăm bà Chủ tịch Hạ Viện Namcy Pelosi vào ngày 22/6, và bà ấy đã bày tỏ cho ông biết sự quan trọng của nhân quyền trong quan hệ hữu nghị giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Bà Chủ tịch Hạ Viện và các Dân biểu khác đã khẳng định rõ ràng rằng là để cho quan hệ hữu nghị giữa hai nước được phát triển, thì nhà nước Việt Nam phải có một cam kết mạnh mẽ để thúc đẩy nhân quyền.

Sự thật là, trước khi Việt Nam gia nhập vào Tổ chức Thương mãi Quốc tế (WTO), thì ông và Tổng thống Bush đã xác định rằng nhân quyền phải là một điều kiện không thể bị tách rời ra khỏi việc Việt Nam hội nhập vào cộng đồng quốc tế. Những quan điểm này đã được nêu lên bởi Tổng thống Bush trong chuyến viếng thăm vừa qua của ông đến Hoa Kỳ.

Qua những trao đổi về tầm quan trọng của nhân quyền trong buổi hội kiến hồi tháng 6 năm 2006 giữa ông và bà Chủ tịch Pelosi cùng với các Dân biểu Hoa Kỳ, tôi cảm thấy thất vọng và bực mình bởi những báo cáo về việc công an hành xử tàn bạo tại Tp. HCM vào ngày 18/7/07. Tôi mong muốn nhà nước Việt Nam hãy chú ý một cách nghiêm túc hơn về vấn đề nhân quyền. Những báo cáo liên tục về việc vi phạm nhân quyền tại Việt Nam trong vài tháng vừa qua, là điều thất bại trong việc thuyết phục nhân dân Hoa Kỳ rằng nhà nước Việt Nam có những tiêu chuẩn căn bản về nhân quyền mà các đối tác thương mãi và các thành viên của cộng đồng thế giới mong đợi.

Tôi muốn được nghe thẳng từ ông tại sao những hành vi bạo động này đã được công an Việt Nam xử dụng đối với những người biểu tình ôn hòa.

Kính thư,
Zoe Lofgren
Dân biểu Hạ viện

* Đồng kính gởi:
Bà Condoleezza Rice, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao”

Thưa Chủ tịch Triết

Dân Biểu Loretta Sanchez

Tôi viết (lá thư này) để bày tỏ sự thất vọng sâu xa của tôi về cách đối xử với những người biểu tình ôn hòa tại Sài Gòn ngày 18/7/07. Theo tôi biết thì có khoảng 1500 công an Việt Nam đã được điều động để phá vỡ một cuộc toạ kháng ôn hòa của 1700 nông dân. Tôi đã đọc những báo cáo cho biết khoảng 30 nông dân đã bị thương nặng vì hành vi bạo động của công an.

Là một Dân biểu Quốc hội đại diện cho một cộng đồng đông đảo của người Mỹ gốc Việt, tôi rất lo ngại về những báo cáo công an dùng bạo lực tại cuộc toạ kháng. Tôi đặc biệt lo ngại hơn khi mà ông vừa mới đến thăm Tổng thống Bush vào ngày 22/6, và ông ấy đã bày tỏ cho ông biết sự quan trọng của nhân quyền trong quan hệ hữu nghị giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Đặc biệt là Tổng thống Bush đã tuyên bố trong buổi họp báo chung với ông là ông ta đã nói với ông điều sau đây:

“Tôi cũng đã xác định rất rõ ràng là để cho những quan hệ được phát triển sâu đậm hơn, điều quan trọng là những người bạn của chúng tôi có một quyết tâm mạnh mẽ về nhân quyền, tự do và dân chủ. Tôi đã giải thích sự tin tưởng mạnh mẽ của tôi là xã hội được giàu đẹp hơn khi người dân được phép bày tỏ tư tưởng của họ một cách tự do hay được tự do hành đạo.”

Lời tuyên bố này liên quan đến tầm quan trọng của nhân quyền đối với Hoa Kỳ, là lời tuyên bố tiếp theo sau bản thông cáo chung giữa ông và Tổng thống Bush ngày 17/11/06. Bản thông cáo chung này cũng lại đề cập đến tầm quan trọng của nhân quyền:

“Tổng thống Bush đã giải thích Chiến lược An ninh Quốc gia của Hoa Kỳ, mà Chiến lược này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nền hòa bình thế giới và sự ổn định phát triển trong tất cả các quốc gia có sự tôn trọng hoàn toàn cho nhân quyền và những quyền tự do căn bản. Chủ tịch Triết đã báo cho Tổng thống Bush biết về những luật lệ và quy định được công bố mới đây về tự do tôn giáo đang được thi hành trên khắp các địa phương tại Việt Nam. Cả hai nhà lãnh đạo cũng đã ghi nhận tầm quan trọng của việc tiếp tục làm cho tiến triển vấn đề đối thoại nhân quyền song phương, và tái xác nhận rằng điều đó nên được thực hiện với một thái độ cởi mở, xây dựng và có kết quả”.

Qua những trao đổi về tầm quan trọng của nhân quyền trong buổi hội kiến hồi tháng 11/06 và tháng 6/07 giữa ông và Tổng thống Bush, tôi cảm thấy thất vọng và bực mình bởi những báo cáo về việc công an hành xử tàn bạo tại Sài Gòn vào ngày 18/7/07. Tôi muốn được thấy nhà nước Việt Nam chú ý một cách nghiêm túc hơn về vấn đề nhân quyền. Những báo cáo liên tục về việc vi phạm nhân quyền tại Việt Nam trong vài tháng vừa qua, là điều thất bại trong việc thuyết phục nhân dân Hoa Kỳ rằng nhà nước Việt Nam có những tiêu chuẩn căn bản về nhân quyền mà các đối tác thương mãi và các thành viên của cộng đồng thế giới mong đợi.

Tôi muốn được nghe thẳng từ ông tại sao những hành vi bạo động này đã được công an Việt Nam xử dụng đối với những người biểu tình ôn hòa.

Kính thư
Loretta Sanchez
Dân biểu Hạ viện

Đồng kính gởi:
Bà Condoleezza Rice, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao