“Dân Chủ” Kiểu Cộng Sản Việt Nam Trong Hành Động

Đỗ Hoàng Điềm

(Xã luận đăng trên Wall Street Journal, ngày 31 tháng 5, 2007)

Cuộc bầu cử Quốc Hội Việt Nam vào ngày 20 tháng 5 đã tạo ra một số dư luận bởi vì đã có 875 ứng cử viên tranh cử cho 500 ghế – và 180 người trong số này là ứng cử viên “độc lập” không có liên hệ đến đảng cầm quyền Cộng Sản. Nhưng trong số ứng viên ngoài đảng CS này, đã có 150 người được đảng chấp thuận trước khi tuyên bố ứng cử. Như thế, chỉ có 30 ứng cử viên “tự đề cử” được cho phép ra tranh cử.

Trong nhiều tháng qua, đảng cầm quyền CSVN tuyên truyền cuộc bầu cử này là một dấu hiệu Việt Nam đang cởi mở chính trị. Lãnh đạo đảng Nông Đức Mạnh tuyên bố rằng khóa kế tiếp của Quốc Hội sẽ làm hoàn hảo hơn nguyên tắc của “nền pháp trị xã hội chủ nghĩa của nhân dân, bởi nhân dân và vì nhân dân.” Không ai có thể thực sự tin vào bất cứ điều gì của những phát biểu ngoa ngữ này, đặc biệt là vì ngay chính những ứng cử viên độc lập cũng đều phải qua sự sàng lọc của Mặt Trận Tổ Quốc trước khi họ có thể tranh cử. Tuy nhiên, có một sự thay đổi, đó là các giới chức lãnh đạo đảng và chính quyền đã bỏ nhiều công sức để tuyên truyền rằng cuộc bầu cử lần này là một dấu hiệu của sự cải cách chính trị so với những cuộc bầu cử trong vòng 20 năm trước đây. Tại sao?

Câu trả lời là Đảng Cộng Sản Việt Nam đã tiến hành một chiến dịch để thay đổi hình ảnh của mình đối với quốc tế. Mục đích sau cùng là để lãnh đạo cao cấp xuất hiện như là người chiến thắng của một môi trường có vẻ dân chủ hơn dù sự thật đảng này vẫn nguyên vẹn là một chế độ độc tài tàn ác. Vì vậy, rất có thể là trong vòng vài năm gần đây, sẽ có một hệ thống bầu cử ra dáng đa đảng. Cuộc bầu cử lần này được xem như là một thí nghiệm thực tập nhỏ của chế độ.

Nhưng nó sẽ không phải là dân chủ thực sự. Dấu hiệu rõ rệt nhất, điều không thể nghi ngờ gì nữa, đó là cuộc bầu cử vừa qua trùng hợp với chiến dịch đàn áp đối kháng khốc liệt nhất từ khi Hà Nội phát động chiến dịch “đổi mới” cách đây 20 năm. Lần lượt, những nhà hoạt động dân chủ đã bị kết án tù bởi vì họ đòi hỏi quyền tự do lựa chọn chính quyền trong công bằng và tự do. Có những người vẫn đang chờ đợi ngày bị đem ra xử với tội danh cáo buộc là ‘’âm mưu lật đổ chính quyền. Bản án có thể đến mức độ tử hình.

Với chiến dịch đàn áp hiện nay, phong trào dân chủ Việt Nam đang cùng lúc trực diện với một thử thách quan trọng và một cơ hội lớn lao. Sự thử thách, trước hết, là tồn tại. Đảng Cộng Sản Việt Nam cố gắng tận diệt những tổ chức độc lập, đặc biệt là những đảng phái chính trị. Tuy nhiên, nếu phong trào có thể tồn tại sau chiến dịch đàn áp này trong vòng sáu tháng, một năm hoặc có thể lâu hơn, thì nó sẽ là bước ngoặt của tiến trình dân chủ thực sự tại Việt Nam.

Sau 32 năm liên tục đàn áp, phong trào dân chủ tại Việt Nam nhất định không lùi bước. Lần đầu tiên, phong trào dân chủ không chỉ bao gồm những cá nhân đơn lẻ mà đã quy tụ những nhóm có tổ chức. Nhà cầm quyền cộng sản chưa từng mục kích một phong trào quần chúng đại diện bởi nhiều đảng chính trị và tổ chức độc lập công khai thách đố quyền lực của họ như vậy. Song song với sự bất mãn trong xã hội, đặc biệt là từ giới nông dân và công nhân, khát vọng có những thay đổi thực sự đang trở nên ngày càng mãnh liệt chưa từng thấy tại Việt Nam.

Nhưng phong trào dân chủ cũng cần sự hỗ trợ từ thế giới bên ngoài. Những quốc gia dân chủ có thể áp lực Hà Nội để trả tự do tất cả những nhà đối kháng đang bị cầm tù, và phải tôn trọng nhân quyền, đặc biệt là tự do ngôn luận. Khi ngày càng có thêm nhiều người Việt Nam dũng cảm đòi quyền tự do lập hội, những tổ chức phi chính phủ từ bên ngoài Việt Nam có thể cung cấp kinh nghiệm và tài nguyên để nuôi dưỡng xã hội công dân còn phôi thai tại Việt Nam.

Ở mốc điểm trọng yếu này của dân tộc Việt Nam, điều quan trọng là thế giới không chấp nhận một chế độ độc tài và tham nhũng, mà phải nhìn xa hơn những lợi nhuận ngắn hạn. Làn gió thay đổi đang thổi tới Việt Nam và cộng đồng quốc tế có thể đóng một vai trò rất quan trọng để tác động lên hướng tiến triển này.