Dân Oan Sẽ Đứng Dậy

Trung Điền

Tối ngày 18 tháng 7 vừa qua, Cộng sản Việt Nam đã chỉ thị cho công an và dân quân thuộc 18 tỉnh phía Nam như Tiền Giang, Cần Thơ, Rạch Giá, Bình Dương, Bình Thuận…. đột nhập vào khu vực văn phòng quốc hội II trên đường Hoàng Văn Thụ, cưỡng chế khiêng từng người dân oan bỏ lên xe chở về trụ sở công an tỉnh và sau đó bắt đi về nhà với lời hứa là chính quyền địa phương sẽ trực tiếp giải quyết các khiếu kiện của dân. Mặc dù không tin vào lời nói của công an; nhưng sau 27 ngày đêm cầm cự dưới những điều kiện khắc nghiêt của thời tiết, hầu hết những người dân oan đã về nhà, nhưng với một tinh thần khác. Đó là sẽ nhập cuộc đấu tranh trở lại nếu chính quyền địa phương tiếp tục làm ngơ như các lần trước.

Đã hơn 1 tuần trôi qua kể từ buổi tối cho công an cưỡng bức đem dân trở về địa phương, chính quyền trung ương lẫn địa phương đã không có bất cứ một hành động cụ thể nào gọi là xúc tiến giải quyết các yêu sách của dân oan khiếu kiện. Phó thủ tướng Cộng sản Việt Nam Trương Vĩnh Trọng, người từ Hà Nội vào Sài Gòn họp với đại diện chính quyền của 18 tỉnh phía Nam hôm 16 tháng 7, ra lệnh ’hốt’ dân mang về địa phương đã nói giọng nhân nghĩa trong một cuộc phỏng vấn của báo nhân dân hôm 21 tháng 7 rằng: “chính quyền phải có trách nhiệm giải quyết các ruộng đất của người dân theo đúng luật định; đồng thời các địa phương phải tìm những phương án hiệu quả ở hai bên, để giải quyềt dứt khoát các vụ khiếu kiện không nên để kéo dây dưa lâu dài vì sẽ chỉ tạo thêm bất ổn xã hội”. Việc ông Trương Vĩnh Trọng chỉ thị các địa phương giải quyết những vụ khiếu kiện thật nhanh không phải vì thương dân mà vì sợ bất ổn xã hội. Cái lo của ông Trọng có lý nhưng cách giải quyết lại hoàn toàn bất hợp lý. Tại sao?

Thứ nhất, họ Trương chỉ thị cho các địa phương giải quyết, tức là các địa phương phải lấy đất, lấy nhà để trả lại cho người bị cướp. Thế nhưng những nhà, đất và ruộng mà cán bộ đã cướp cách nay hai thập niên, đã tấu tán vào tay nhiều người thì làm sao ’lấy lại’ trả cho dân, nếu chính quyền Trung Ương không nhúng tay vào một trong hai cách: 1/ Ra chỉ thị cho cán bộ nào cướp ruộng đất phải trả lại cho dân; 2/ Xuất quỹ Trung ương để cho các địa phương đền bù những ruộng vườn đã cướp của dân oan. Không làm một trong hai điều nói trên, mà chỉ sai địa phương giải quyết một cách chung chung thì chẳng khác nào làm công viêc vứt bùn sang ao.

Thứ hai, Trung ương phủi tay không muốn giải quyết vì những cán bộ ăn chia trong các vụ cướp đất, cướp ruộng của dân cách nay 2 thập niên, đã trở thành những cán bộ cao cấp ở Trung Ương. Do đó, giao cho địa phương giải quyết tức là họ Trương muốn bắt đàn em nhận tội thay cho đàn anh. Nếu mối quan hệ giữa trung ương và địa phương chặt chẽ như dưới thời toàn trị cách nay một thập niên, chỉ thị của ông Trương Vĩnh Trọng có thể địa phương sẽ nghe và làm theo. Nay thì đảng đã áp dụng cơ chế thị trường với phương châm ’lời ăn lỗ chịu’ thì đời nào địa phương giải quyết thay cho trung ương.

Rõ ràng là Hà Nội đã không nhìn ra những hậu quả nghiêm trọng do chính sách ăn cướp ruộng đất của dân trong quá khứ và đang tiếp tục chơi trò đu giây câu giờ giữa hai đầu trung ương và địa phương. Điều thấy rõ nhất qua chỉ thị của Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng là các địa phương phải giải quyết những vụ khiếu kiện của dân oan tại địa phương. Chỉ thị của họ Trương khiến cho nhiều người nghi ngờ rằng, phải chăng Hà Nội muốn đem vấn đề dân oan khiếu kiện xuống địa phương để những cuộc tụ tập của dân oan nếu có thì số lượng không đông, vài ba chục người và nhất là thế giới không chú ý và không được sự yểm trợ từ bên ngoài nên không thể kéo dài lâu ngày như tại trước văn phòng quốc hội II ở Sài Gòn vừa rồi. Đây cũng có thể là một lối tính toán của bộ công an nhằm ngăn chận việc tập trung dân oan về Thủ đô hay ở Thành phố lớn mà phân tán mỏng ra từng địa phương hầu nếu có biến động thì dễ bề đối phó.

Dân oan không thể không tiếp tục đứng dậy trước thái độ làm ngơ của Hà Nội. Lần này không thể đấu tranh ngắn hơn 27 ngày mà phải dài hơn và nhất là phải có sự yểm trợ mạnh hơn của các cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Với những điều kiện thích hợp đó, cuộc đấu tranh có thể nên bắt đầu từ địa phương, để vừa buộc chính quyền địa phương giải quyết như Phó thủ tướng cộng sản Việt Nam đã ra lệnh, vừa đẩy các chính quyền địa phương rơi vào hoàn cảnh tức nước vỡ bờ. Do đó, muốn lấy lại ruộng đất, dân phải đấu tranh và đấu tranh có phương pháp. Sự thắng lợi qua 27 ngày đấu tranh kiên trì của hàng ngàn dân oan khiếu kiện tại văn phòng quốc hội II , là một kinh nghiệm đấu tranh thực tế nhất, cần chúng ta khai triển rút kinh nghiệm cho cuộc đứng dậy của dân oan trong thời gian mới nhất.

Trung Điền
July 25 2007