Dân Sinh và Dân Quyền: Hai Vấn Đề Căn Bản Của Dân Chủ

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

I-Dẫn Nhập:

Sau khi các chế độ Cộng sản tại Đông Âu và Liên Xô cũ tan rã, người ta đã vô cùng bàng hoàng về tình trạng phá sản về mặt đời sống của người dân tại những quốc gia được mệnh danh là ’làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu’ . Sự phá sản này bắt nguồn từ chính sách cai trị ác độc của các đảng cộng sản là ’dùng miếng ăn’ để sai khiến con người và ’dùng bạo lực’ để hủy hoại ý chí vươn lên của người dân. Những thủ đoạn cai trị này kéo dài càng lâu thì mức tác hại trên các mặt đời sống của người dân càng nhiều và khó hồi phục. Thật vậy, nhìn vào các quốc gia cộng sản cũ tại Đông Âu và Liên Xô, người ta thấy là tuy xã hội đã có những chuyển mình rất lớn trong nếp sống mới với nền kinh tế tự do trong thể chế dân chủ pháp quyền từ năm 1990 cho đến nay; nhưng trên mặt đời sống vẫn còn bị một số quán tính do cơ chế độc tài bao cấp cũ đè lên, với nhiều thói tật chưa được lành mạnh hóa. Chính những thói tật này đã phần nào làm ảnh hưởng lên tiến trình xây dựng nếp sống dân chủ từ một xã hội bị bưng bít trong nhiều năm và tạo ra những kẽ hở cho các đảng Cộng sản – tuy đã yếu thế và phải đổi tên – khai thác cũng như kích động những quán tính cũ của người dân để thu hút phiếu cử tri trong các cuộc bầu cử sau đó.

Nhận diện ra vấn đề này, chúng ta thấy rằng, đấu tranh để chấm dứt ách độc tài Cộng sản không chỉ đơn thuần là cuộc đấu tranh chấm dứt sự cầm quyền của đảng Cộng sản mà còn là một tiến trình đấu tranh giải quyết hai vấn đề Dân sinh và Dân quyền đã bị hủy diệt dưới chế độ độc tài, có ảnh hưởng trực tiếp vào nỗ lực xây dựng dân chủ ngay trong bối cảnh trước và sau khi chế độ Cộng sản bị tan rã. Nói cách khác, công cuộc đấu tranh chấm dứt ách độc tài cộng sản không chỉ là sự chiến đấu trực diện với chế độ chính trị như các nhà đối kháng hay các lực lượng đấu tranh đã và đang tiến hành mà còn phải tạo được sức bật từ các phong trào quần chúng để vừa tạo áp lực tấn công chế độ, vừa chuẩn bị những ý thức cần thiết giúp cho vấn đề chuyển đổi dân chủ được nhanh chóng và bền vững trong giai đoạn xây dựng hậu cộng sản.

Trong thời kỳ các đảng Cộng sản còn mạnh và khống chế toàn diện, dân sinh và dân quyền bị bóp nghẹt hoàn toàn. Nhưng từ khi các đảng Cộng sản gặp khủng hoảng kinh tế – xã hội, phải bãi bỏ chính sách ngăn sống cấm chợ, áp dụng biện pháp mở cửa, du nhập những phương tiện từ bên ngoài để nuôi sống bộ máy cầm quyền ở trong nước, họ trực diện hai vấn nạn.

Thứ nhất là đảng Cộng sản mất dần khả năng kiểm soát đời sống của người dân, dẫn đến sự suy thoái quyền lực của đảng trên một số lãnh vực.

Thứ hai là tình trạng mở cửa du nhập nền kinh tế thị trường hoang dã kiểu mạnh được yếu thua đã tạo ra nhiều nan đề trong xã hội, làm ảnh hưởng trầm trọng lên các mặt đời sống của người dân.

Hai vấn nạn nói trên cũng đã làm biến dạng các xã hội độc tài, với sự xuất hiện của nhiều khuynh hướng muốn đi tìm sự độc lập nằm ngoài khuôn khổ kiềm chế của đảng Cộng sản. Đây là bối cảnh đưa đến sự xuất hiện của những nhóm quần chúng, nương theo những biện pháp cải tổ của chế độ để đòi hỏi thêm những cải cách trên các mặt đời sống, kinh tế, xã hội và sau cùng là chính trị. Chính những áp lực đòi thay đổi, dưới các hình thức khiếu nại, tố cáo, đình công, bãi thị, biểu tình và cũng chính những biện pháp chấp vá để chống đỡ của đảng Cộng sản, đã làm bùng nổ hai mặt trận đấu tranh Dân sinh và Dân quyền trên toàn xã hội. Tuy nhiên, hai mặt trận đấu tranh nói trên có bộc phát lớn mạnh hay không tuỳ thuộc vào khả năng hỗ trợ và khai dụng của các lực lượng đối kháng để từng bước làm tê liệt mọi sinh hoạt của chính quyền trên toàn xã hội, theo một chuỗi những biến cố mà đảng Cộng sản không có thể kiểm soát được, như đã từng xảy ra ở Đông Âu, Liên Xô, Nam Dương và gần đây nhất là tại Ukrain, Kyrgystan… Kết quả của những biến cố này chính là sự nổi dậy của quần chúng một cách quy mô và rầm rộ vào những lúc cao điểm nhất, đẩy các chế độ cộng sản rơi vào thế tan rã. Đây là diễn trình thường xảy ra vào giai đoạn cuối của chế độ độc tài, khi mà hai vấn đề dân sinh và dân quyền được khai dụng thành những mũi xung kích: 1/Nhắm vào thượng tầng lãnh đạo để tạo áp lực thay đổi và 2/Nhắm vào quần chúng để tạo những đối kháng rộng khắp và công khai.

II- Những Nền Tảng Căn Bản Để Có Dân Chủ

Dân Chủ là một ý niệm được nhắc rất nhiều trong các tài liệu liên quan đến chính trị học và xã hội học. Trong phạm vi chính trị, dân chủ là nền tảng cai trị dựa trên sự phân quyền và quyết định theo đa số thành viên. Trong phạm vi xã hội, dân chủ là nền tảng sinh hoạt và trao đổi dựa trên sự thuận thảo giữa các cá nhân. Từ những ý niệm này, dân chủ đã gắn liền với thực tiễn đời sống của con người, trong đó nó nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của người dân trong việc trị nước để chấm dứt những sự ức hiếp, bóc lột, lạm dụng quyền hành của một người hay của một số người. Tránh được các tệ đoan trên, mỗi cá nhân trong cộng đồng mới hưởng được tự do, bình đẳng và công bằng. Tuy nhiên trong thực tế, vấn đề được đặt ra là làm thế nào để toàn dân hàng triệu người cùng thảo luận, thỏa hiệp chung về một vấn đề và trực tiếp giữ việc trị nước? Trả lời câu hỏi này, nhân loại đã trải qua hàng chục thế kỷ đấu tranh khốc liệt, từng bước hệ thống hóa lý tưởng dân chủ để ngày nay người ta đã định nghĩa dân chủ là chính thể ’vì dân, do dân và bởi dân’.

Mặc dù những ý niệm cao đẹp của dân chủ đã được con người tìm ra và áp dụng nó ngay từ thời Thượng cổ, nhưng không phải vì thế mà nó được trân quý áp dụng cho xã hội loài người một cách liên tục và suông sẻ. Mãi cho đến thế kỷ 18, khi cuộc cách mạng Hoa Kỳ (1783) và cuộc cách mạng Pháp (1789) bùng nổ, nhân loại mới bắt đầu đi vào tiến trình áp dụng thể chế dân chủ và từng bước cải tiến nó. Tuy nhiên tiến trình dân chủ hóa của nhân loại rất là cam go, luôn luôn bị đe dọa bởi nạn độc tài. Theo thống kê của Tổ chức Freedom House ở Hoa Kỳ thì tình trạng dân chủ tại các quốc gia có chiều hướng thay đổi từ thập niên 80 của thế kỷ trước cho đến nay như sau:

Vào năm 1983, có 55 quốc gia có tự do, có 76 quốc gia có tự do bán phần, trong khi có đến 64 không có tự do.

Vào năm 1993, có 75 quốc gia có tự do, có 73 quốc gia có tự gia bán phần, trong khi có 38 quốc gia là không có tự do.

Vào năm 2003, có 95 quốc gia có tự do, có 64 quốc gia có tự do bán phần, trong khi chỉ còn 22 quốc gia không có tự do.

Trong 20 năm qua, xu hướng tự do dân chủ tại các quốc gia có gia tăng và hiện chỉ còn 22 quốc gia ở vào ba trường hợp mất tự do vì nạn: 1/Quân phiệt như Burma, Sudan; 2/Phong kiến áp bức từ xa xưa truyền lại như Á Rập Saudi, Bhutan; 3/Độc tài đảng trị như Trung Cộng, Cuba, Việt Nam, Bắc Hàn. Tất cả những chế độ độc tài nói trên đều giống nhau ở bốn đặc tính căn bản:

Thứ nhất, mọi quyền lực của quốc gia và xã hội tập trung vào trong tay của một thiểu số thống trị.

Thứ hai, thiểu số thống trị đã lạm dụng quyền chuyên chính để đàn áp người dân và chối bỏ trách nhiệm về mọi lỗi lầm cũng như tội ác do chính họ gây ra.

Thứ ba, mọi quyền căn bản của người dân bị tước đoạt và dân chúng trở nên yếu đuối, thiếu tự tin và mất dần khả năng kháng cự.

Thứ tư, đời sống người dân bị bần cùng hóa, lạc hậu, tù đày, mất nhân phẩm và không hề được biết về quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình.

Trọng tâm chính của tiến trình dân chủ hóa tại các quốc gia là làm sao phá đổ những đặc tính phi lý của các chế độ độc tài nói trên để:

- Xác định lại quyền hạn của nhà cầm quyền.
- Xác định lại nhiệm vụ của nhà cầm quyền.
- Xác định lại những quyền căn bản của người dân
- Xác định lại trách nhiệm và bổn phận của người dân.

Bốn đòi hỏi nói trên là nền tẳng căn bản để có dân chủ, nhưng tạo dựng được hay không, tiến trình dân chủ hóa phải xác định hai vấn đề tiên quyết: Dân sinhDân quyền.

Dân sinh chính là lối sống tự do và những tiện nghi được thụ hưởng mà bất cứ chính quyền nào cũng phải cung cấp và bảo vệ sự bình đẳng cho người dân. Dân quyền là những quyền căn bản mà mọi công dân đều có quyền hành xử trong các sinh hoạt liên quan đến chính trị, kinh tế, xã hội để mưu cầu hạnh phúc mà các chính quyền phải tuyệt đối tôn trọng. Nếu Dân sinh bị phế bỏ, Dân quyền bị huỷ diệt thì con người sẽ không có một cuộc đời tự chủ, hoàn toàn bị thao túng bởi một thiểu số độc đoán đứng trên tất cả. Vì thế muốn tái lập một cuộc đời đáng sống, làm chủ chính mình và môi trường chung quanh, người dân phải hiểu biết và đấu tranh để giành lấy sự chủ động trên hai mặt trận Dân sinh và Dân quyền. Nói cách khác, nền tảng căn bản của dân chủ chính là sự bảo đảm của chính quyền trong việc thực thi đúng đắn những nguyên tắc về dân sinh và dân quyền. Ngược lại, người dân sẽ phải khai thác hai mặt trận này để tạo thành những áp lực đấu tranh trong diễn trình cải cách để sống còn của đảng cầm quyền.


III-Những Nền Tảng Của Dân Sinh:

Đây là lãnh vực liên quan đến hơi thở và mạch sống của từng cá nhân trong xã hội. Chính vì nó là hơi thở và mạch sống, con người dễ ’an phận’ khi bị cô lập; nhưng cũng dễ tạo thành sức bật mạnh mẽ khi nó được tác động đúng lúc. Dân sinh được định nghĩa trên ba mặt của đời sống như sau:

- Thứ nhất là những yếu tố liên quan đến sinh hoạt tự nhiên.
- Thứ hai là những yếu tố liên quan đến nhu cầu sinh tồn.
- Thứ ba là những yếu tố liên quan đến nhu cầu an toàn.

a/Dân Sinh Trên Phương Diện Tự Nhiên:

Con người sinh ra đã có một số giá trị nhân phẩm được xã hội tôn trọng và có quyền mưu cầu hạnh phúc. Chính quyền không thể nhân danh bất cứ điều gì để cướp đi nhân phẩm và quyền mưu cầu hạnh phúc của công dân. Trong những chế độ đặt trên nền tảng nhân bản, lấy con người làm gốc, chính quyền không những không can thiệp vào hai yếu tố nói trên mà còn lập ra những luật lệ để bảo vệ và khuyến khích sự phát triển các giá trị đạo đức, đề cao nhân phẩm và quyền mưu cầu hạnh phúc của từng cá nhân. Nhờ sự bảo vệ này mà người dân có một đời sống thoải mái, tự tin và hy vọng. Đây là nền tảng của Tự Do.

Song song, quyền bình đẳng trên phương diện dân sinh là một chủ đề căn bản của cuộc cách mạng dân chủ. Cuộc sống xa hoa, thừa thãi và sa đọa của một thiểu số cầm quyển giữa cảnh lầm than đói rách của đại đa số dân chúng là một tình trạng bất công không thể nào chấp nhận được. Sự bất công trong xã hội còn khiến cho một thành phần quần chúng phải tìm sống bằng mãi dâm, buôn lậu, làm hàng hóa giả mạo, bằng cướp giật và lường gạt…. tạo ra nhiều tệ đoan xã hội. Đây không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn là nỗ lực đóng góp chung của các đoàn thể, cá nhân để làm cho xã hội lành mạnh và công bằng. Nhưng muốn có được sự hợp tác giữa dân chúng và chính quyền trong việc tạo dựng công bằng xã hội, đầu tiên là phải giúp dân lấy lại quyền chủ động trong sinh hoạt tự nhiên. Đó là quyền được đối xử bình đẳng và quyền tự do mưu cầu hạnh phúc.

b/Dân Sinh Trên Phương Diện Sinh Tồn:

Từ những sinh hoạt tự nhiên, con người do sự sinh tồn sẽ tìm cách giải quyết lấy các nhu cầu của đời sống với những tiện nghi tối thiểu về thực phẩm, điện, nước, củi, gas, hệ thống vệ sinh, bảo vệ môi sinh, giáo dục, tín ngưỡng, phương tiện giao thông… Trong một xã hội tự do, con người sẽ tự động một mình hay liên kết với nhiều người, giải quyết các nhu cầu sinh tồn này mà không chờ đợi ai đó ban phát hay ra lệnh thi hành. Đương nhiên chính quyền có nhiệm vụ phải giúp dân giải quyết những tiện nghi nói trên, trong tinh thần phục vụ đại chúng chứ không phải ban phát theo kiểu gia trưởng cực quyền. Ví dụ, khi trong làng thiếu điện, người dân không nhất thiết phải làm đơn xin phép đảng hay cơ quan chính quyền cho phép rồi mới làm, mà có thể tụ tập nhau mua máy phát điện hay trả tiền cho công ty điện mang điện năng tới. Hay khi trong xóm thiếu nước, người dân cũng không cần phải xin phép đảng cho phép rồi mới làm mà cùng nhau đi đào giếng để lấy nước mà dùng. Khi con em của mình khôn lớn mà thiếu trường học trong làng, các phụ huynh có thể cùng nhau giải quyết lấy bằng chính những khả năng chung của tập thể. Đây là nền tảng của xã hội dân sự.

Chính quyền không có nhu cầu cầm tay người dân chỉ họ cách sống, bắt họ phải xin phép cái này, cái kia rồi mới cho làm hay không. Dưới thể chế độc tài đảng trị, vì đảng cầm quyền không tin vào dân, luôn luôn sợ dân nổi loạn lật đổ mình nên đã bày vẽ ra những mệnh lệnh để kiểm soát và khống chế các nhu cầu sinh tồn của người dân. Hậu quả của những sự kiềm chế này đã không chỉ tạo ra sự ỷ lại ở trong xã hội mà còn phá đổ bản năng sinh tồn của người dân, mọi thứ đều chờ đợi sự ban phát hay cho phép của chính quyền. Không giúp cho người dân vực lại sự tự chủ về ý thức sinh tồn, lâu dần trở thành thụ động và chấp nhận sự an bài một cách phi lý của guồng máy độc tài. Do đó, để xây dựng nếp sống dân chủ, điều quan trọng là phải giúp cho người dân nhìn thấy chính họ là nhân tố mang lại sự phồn vinh và phát triển của xã hội chứ không phải đảng Cộng sản. Đồng thời giúp họ liên đới đứng lên tự giải quyết lấy các nhu cầu của đời sống trong thôn xóm hay làng xã của mình.

c/Dân Sinh Trên Phương Diện An Toàn:

Cuộc sống con người không phải lúc nào cũng êm đẹp, luôn luôn có những bất trắc bất ngờ xảy ra do thiên tai, chiến tranh, khủng bố… khiến cho sự an toàn trong đời sống của người dân bị đe dọa. Chính quyền của mọi quốc gia đều phải tiên liệu những nguy cơ nói trên để thiết lập ra những hệ thống an toàn, tức là những định chế về dân sinh để bảo đảm cuộc sống yên bình cho người dân. Đó là những định chế giúp đỡ cho người dân được hưởng trợ cấp trong những hoàn cảnh bất ngờ, không may như thất nghiệp, đau yếu, bị tai nạn hoặc gặp thiên tai. Ngoài ra, sức khoẻ của người dân còn được chăm lo bằng một nền y tế đại chúng, chú trọng đến phòng ngừa với những dịch vụ y tế miễn phí, hoặc với phí tổn thấp. Nói chung, chính quyền phải có bổn phận thiết lập những định chế để trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng có thể bảo đảm mọi sự an toàn trong đời sống cho dân chúng. Đây là nền tảng của chế độ an sinh xã hội.

Dưới những chế độ độc tài Cộng sản, an toàn là xa xí phẩm. Đảng Cộng sản luôn luôn đặt người dân ở trong tình trạng bị đe dọa thường trực, đặc biệt là dùng biện pháp bao vây kinh tế và sách nhiễu sự an toàn của các thành viên trong gia đình, thân tộc hầu làm áp lực những người không nghe theo những mệnh lệnh của chế độ. Do đó, người dân khó có thể chờ đợi những biện pháp bảo vệ an toàn từ các chế độ độc tài mà sẽ phải tự lực làm lấy bằng chính sự hợp tác của mỗi cá nhân trong xã hội. Nói cách khác, mỗi thành viên trong cộng đồng tự hợp tác và lập ra những nhóm, những tổ để giúp đỡ và bảo vệ lẫn nhau, từng bước mở rộng thành phong trào hầu vừa mở rộng sự quan tâm của nhiều thành phần dân chúng khác, vừa tạo áp lực lên chế độ phải thực hiện những định chế bảo đảm sự an toàn trong đời sống dân chúng.

Tất cả những nhu cầu trong đời sống của người dân Việt Nam nói trên đã và đang bị đảng Cộng sản Việt Nam chà đạp một cách trắng trợn. Khai thác và kích động các nhu cầu này thành một thế trận để đòi hỏi đảng Cộng sản Việt Nam phải tôn trọng, sẽ làm bùng nổ mặt trận đấu tranh dân sinh, với những hậu quả thật khó lường.

IV- Những Nền Tảng Của Dân Quyền:

Những nền tảng của dân quyền đã được Liên Hiệp Quốc thể chế hóa trong hai văn kiện có tên là Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị và Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa, thông qua vào ngày 16 tháng 12 năm 1966. Nhà nước Cộng sản Việt Nam đã ký tham gia và tôn trọng thực thi nội dung của 2 bản Công Uớc này vào tháng 9 năm 1982; nhưng trong thực tế, Cộng sản Việt Nam đã không có bất cứ nỗ lực nào để tôn trọng hai Công ước này. Một cách tổng quát, dân quyền được định nghĩa trên ba phương diện chính trị, kinh tế và văn hóa như sau:

a/Dân Quyền Trên Phương Diện Chính Trị:

Trong Công Uớc Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị, Liên Hiệp Quốc đã minh định rất rõ rằng: ’Theo tuyên ngôn nhân quyền thì con người chỉ được tận hưởng tự do về dân sự và chính trị, không bị sợ hãi và thiếu thốn, nếu tạo được những điều kiện để mỗi người có thể hưởng các quyền dân sự và chính trị cũng như các quyền kinh tế, xã hội văn hóa của mình’. Từ sự minh định này, Công Ước đã quy định một số điểm căn bản về quyền con người mà mọi quốc gia thành viên tham gia vào Công ước phải tôn trọng như: Quyền được hưởng tự do và an ninh cá nhân và không bị bắt giam vô cớ; Quyền lập hội với một số cá nhân có cùng một quan tâm; Quyền lập công đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình; Quyền tín ngưỡng; Quyền ứng cử, bầu cử; Quyền bình đẳng trước luật pháp; Quyền ngôn luận; Quyền tham chính; Quyền từ chối sự ép buộc phải chấp nhận một quan điểm hay tư tưởng nào đó của xã hội; Quyền khiếu nại, tố cáo những điều bất công đối với mình hay đối với gia đình mình mà chính quyền phải giải qưyết chứ không thể làm ngơ hay dùng uy quyền để trù dập; Quyền tham gia vào việc điều hành các công việc xã hội một cách trực tiếp hoặc gián tiếp mà chính quyền phải khuyến khích chứ không được ngăn cản; Quyền tự do rời khỏi bất kỳ nước nào kể cả đất nước của chính người đó; Quyền tự do đi lại và chọn lựa nơi cư trú trong phạm vi lãnh thổ quốc gia của mình mà chính quyền không thể lấy bất cứ lý do gì để ngăn cấm…

Những quyền quy định trong Công Ước về Dân sự và Chính trị không khác gì mấy trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền; nhưng việc thi hành đã có hai điều khác biệt: 1/Các quốc gia khi ký tham gia vào Công ước sẽ phải thể chế hóa các điều quy định của Công Uớc thành những luật lệ để tôn trọng và khuyến khích sự phát triển dân quyền trong quốc gia mình. 2/Liên hiệp quốc thành lập một Ủy ban, gọi là Ủy Ban Nhân Quyền gồm 18 thành viên để theo dõi việc thi hành Công Uớc và khuyến cáo các quốc gia thành viên vi phạm. Tuy nhiên trong thực tế, việc theo dõi và khuyến cáo của Ủy Ban Nhân quyền còn gặp rất nhiều khó khăn và phức tạp do những xung khắc về chính trị. Hầu hềt các quốc gia tự do đã từng bước nâng cao nếp sống người dân và trình độ dân trí nên các quyền của con người được tôn trọng và bảo vệ một cách tốt đẹp. Trong khi đó, tại những quốc gia độc tài, đặc biệt là độc tài cộng sản, nhóm lãnh đạo luôn luôn sợ dân chúng giỏi hơn mình, sợ người dân không phục tùng các mệnh lệnh độc tôn của mình nên cố tìm cách ngăn chận bằng bưng bít thông tin, giáo dục một chiều và bạo lực đàn áp. Do đó, muốn dân quyền được bảo vệ và phát triển, xã hội phải tổ chức trên nền tảng đa nguyên để mọi xu hướng, mọi tư tưởng và mọi cá nhân được tự do phát triển một cách trọn vẹn và làm chủ thực sự trên xã hội mình đang sống.


b/Dân Quyền Trên Phương Diện Kinh Tế:

Trong Công Uớc Quốc Tế về Kinh Tế, Liên Hiệp Quốc đề cập khá nhiều về quyền làm việc và quyền kiếm sống của con người tại các quốc gia, trong đó chính quyền không chỉ có bổn phận bảo vệ người dân có việc làm tốt, phù hợp với khả năng mà còn có nhiệm vụ tổ chức những chương trình huấn nghiệp để giúp người dân thăng tiến công việc làm hoặc chọn lựa những ngành nghề phù hợp với trào lưu xã hội. Ngoài những quy định căn bản liên quan đến cuộc sống, dân quyền trên phương diện kinh tế còn liên hệ đến ba nhu cầu sau đây:

Thứ nhất là quyền tư hữu phải được xác định một cách minh bạch. Người dân phải làm chủ trên những mảnh đất, tài sản, nhà cửa do chính mình làm ra. Chính quyền phải công nhận và bảo vệ quyền tư hữu cũng như các quyền tự do kinh doanh cá thể hay tập thể của mọi công dân trong xã hội. Phải chấm dứt những trò chơi lật lọng của nhà nước theo kiểu ’nuôi béo rồi làm thịt’ với mục tiêu khuyến dụ người dân kinh doanh, đầu tư, tích tụ tài sản để rồi sau đó dựng ra những lý cớ mơ hồ hay giả tạo, tịch biên tài sản, đưa ra tòa xét xử theo luật rừng hầu cướp đoạt tài sản của dân.

Thứ hai là chính quyền không nên và không thể cạnh tranh với người dân về lãnh vực kinh tế. Chính quyền chỉ nên tạo ra sân chơi bình đẳng để mọi cá nhân tham gia và khuyếch trương những hoạt động kinh doanh, sản xuất. Quyền tự do kinh doanh của người dân phải được bảo đảm bằng lòng tin của người dân đối với nhà nước. Người dân không thể an tâm kinh doanh khi chính sách và luật kinh tế của nhà nước thay đổi mỗi ngày, mỗi nơi, và tùy hứng của chính quyền.

Thứ ba là chính quyền không thể nhân danh chiêu bài ’làm chủ tập thể’ để cưỡng bách người dân làm theo chủ trương kinh tế của chính quyền. Chính quyền không được đối xử bất công giữa các thành phần kinh tế , không được có những chính sách ưu đãi khu vực nhà nước trong khi lại tìm cách chèn ép khu vực tư doanh. Tình trạng này không chỉ làm nền kinh tế bị què quặc mất cân đối, mà còn làm cho tài nguyên quốc gia rơi vào túi riêng của nhóm cán bộ chóp bu nắm uy quyền điều hành ở bên trên.

Nói chung, dân quyền trên phương diện kinh tế chính là quyền bình đẳng trong mọi sinh hoạt kinh tế của người dân. Mọi người phải có cơ hội đồng đều để phát triẻn. Quyền bình đẳng kinh tế nhằm bảo đảm cho dân sinh được thăng tiến, làm cho dân giàu nước mạnh.

c/Dân Quyền Trên Phương Diện Văn Hóa:

Công Ước Quốc Tế về Văn Hóa đã quy định rằng:’Cácquốc gia thành viên công ước công nhận mọi người đều có quyền: a/Được tham gia vào đời sống văn hóa; b/Được hưởng các lợi ích tiến bộ khoa học và các ứng dụng của nó; c/Được bảo hộ các quyền lợi tinh thần và vật chất phát sinh từ bất kỳ sáng tạo khoa học, văn học hoặc nghệ thuật nào của chính mình; d/Các quốc gia thành viên cam kết quyền tự do không thể thiếu được đối với nghiên cứu khoa học và các hoạt động sáng tạo..’ Cũng giống như lãnh vực kinh tế, những quy định của Liên Hiệp Quốc về quyền con người trong lãnh vực văn hóa chỉ là những điểm căn bản tối thiểu phải có. Trong thực tế, con người phải chiến đấu nhiều hơn những quy định nói trên để có được một đời sống văn hóa đúng nghĩa, nhất là dưới những chế độ độc tài. Sự chiến đấu này, không đơn thuần là một cuộc đối đầu mang tính thách đố chính trị, mà nó là sự phủ nhận, bất cộng tác về các chính sách cũng như các ứng xử của chế độ độc tài, một cách tiệm tiến. Cụ thể ra, dưới chế độ độc tài, văn hóa và nghệ thuật chỉ để phục vụ cho nhu cầu tuyên truyền hơn là phục vụ nhân sinh. Những tài liệu, sách báo, những đoàn văn nghệ, kể cả những cuốn phim, vở kịch, bài hát đều thực hiện theo đơn đặt hàng của ban văn hóa – tư tưởng của đảng. Do đó mà sinh hoạt văn hóa rất nghèo nàn và hoàn toàn mang tính hình thức.

Dân quyền trên phương diện văn hóa là một cuộc chiến đấu nhằm xác định hai yếu tố căn bản:

Thứ nhất là người dân không bị cưỡng bức đi theo một chủ thuyết hay một ý thức hệ nào. Chính quyền có nhiệm vụ tạo điều kiện cho mọi người dân được đón nhận các luồng thông tin một cách bình đẳng và tuyệt đối tôn trọng quyền chọn lựa của mỗi người. Không ai có thể nhân danh bất cứ chủ trương gì để ép buộc dân tộc phải xóa bỏ những cái đẹp của văn hóa dân tộc để đi phục tùng theo điều tôn thờ mang tính độc đoán của một thiểu số.

Thứ hai là người dân có quyền được hưởng một nền giáo dục đầy đủ và công bằng, để mở mang kiến thức, được học về những quyền căn bản của mình cũng như được sử dụng kiến thức để thăng tiến đời sống. Sự phân biệt đối xử trong giáo dục phải tuyệt đối ngăn cấm và chính quyền phải để xã hội tham gia, giải quyết trực tiếp các sinh hoạt của giáo dục, văn hóa và nghệ thuật. Mọi chỉ đạo của chính quyền trong lãnh vực văn hóa, nghệ thuật phải được chấm dứt, nên để cho các cá nhân, các đoàn thể văn hóa, nghệ thuật tự phát triển lấy trong khuôn khổ luật định.

Nền văn hóa của một nước có lành mạnh và phát triển hay không tuỳ thuộc vào trình độ dân trí và mức sống của người dân rất nhiều. Do đó khi dân quyền trong lãnh vực chính trị và kinh tế được nâng cao thì sẽ giúp cho đời sống văn hóa của người dân trở nên phong phú, đồi dào. Chính vì thế mà Liên Hiệp Quốc đã thể chế hóa ba yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa qua hai Công Ước Quốc Tế để kêu gọi các quốc gia thành viên tham gia và tôn trọng, để quyền của con người được đối xử giống nhau và định nghĩa như nhau. Điều này cho chúng ta thấy là không thể nào viện dẫn sự khác biệt chủng tộc hay văn hóa, để nói rằng cách hành xử nhân quyền, dân quyền nơi này khác nơi kia, Á Châu khác Âu Châu, Phi Châu khác với Mỹ Châu. Tất cả chỉ là nguỵ biện, che đậy những dã tâm của những kẻ độc tài và bạo chúa mà thôi.

V- Kết Luận:

Kinh nghiệm từ những thay đổi tại Đông Âu và Liên Xô cũ, bước khởi đầu của việc tạo ra những áp lực đấu tranh của các phong trào dân chủ là đòi chế độ độc tài phải giải quyết các nhu cầu dân sinh dân quyền. Quần chúng cần phải được hướng dẫn để đưa ra những đòi hỏi thiết thực và chính đáng, trước hết là phương diện dân sinh.

Tất cả những trường hợp phân biệt đối xử, lạm dụng quyền lực ức hiếp người dân cần được khiếu nại, tố cáo để giải quyết thỏa đáng. Bệnh nhân phải được hướng dẫn để đòi nhà cầm quyền đối xử bình đẳng trong các trị liệu tại bệnh viện. Quần chúng tại đô thị cần hướng dẫn để đòi nhà cầm quyền phải giải quyết các nhu cầu điện, nước, giao thông, nhà ở… theo đúng những quy hoạch của luật pháp mà các cơ quan chính quyền không thi hành. Quần chúng cần giúp đỡ để đẩy mạnh các vụ khiếu nại về ruộng đất, nhà cửa, ruộng vườn bị trưng dụng trong các đợt hợp tác hóa sau năm 1975 mà không trả lại đúng như lúc đầu. Quần chúng cần được hướng dẫn để đòi hỏi các quyền lợi về giáo dục cho con em mình được tốt đẹp trong thời đại toàn cầu hóa bằng cách đòi hỏi nhà nước chấm dứt kiểm soát Internet, chấm dứt việc ngăn chận những trao đổi trong và ngoài…

Trên mặt dân quyền, quần chúng cần được hướng dẫn để đòi lại quyền tư hữu, đòi lại ruộng đất bị công hữu hóa, đòi bồi thường thiệt hại các vụ đánh tư sản mại bản, cải cách ruộng đất, kinh tế mới. Đặc biệt là đòi giải quyết những vụ án oan trong quá khứ như vụ Nhân Văn Giai Phẩm, Chống Đảng Xét Lại và vụ Tù Cải Tạo… Bên cạnh đó là những cuộc đấu tranh đòi hỏi tôn trọng các quyền tự do về tôn giáo, tín ngưỡng, tư tưởng …. Song song, quần chúng cần được hướng dẫn để phát động kế hoạch đòi quyền tự do ra báo, tự do lập hội dưới hình thức của những đoàn thể dân sinh để hướng dẫn quần chúng hiểu biết về các quyền lợi của mình trong xã hội. Khi có nhiều nhóm, nhiều tổ chức dân sinh ra đời, trực tiếp giúp đỡ người dân, thì sẽ tạo ra thành một phong trào quần chúng, với những điểm nóng xuất hiện ở nhiều nơi trên toàn quốc.

Đây là diễn trình đang xảy ra tại Việt Nam với phong trào khiếu kiện, tố cáo đã tạo thành một mối lo sinh tử của đảng Cộng sản Việt Nam, khiến cho Ban bí thư đảng Cộng sản Việt Nam phải ra chỉ thị yêu cầu các địa phương phải ngăn chận làn sóng này trước khi quá trễ. Bên cạnh đó những tiếng nói đòi dân chủ của các nhà đối kháng đã và đang tạo nhiều sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước. Tình hình này cho chúng ta thấy là mặt trận Dân sinh Dân quyền đã và đang bộc phát tại Việt Nam. Điều hướng hai mặt trận này để tạo thành các sức ép mạnh mẽ lên chế độ Cộng sản Việt Nam hiện tại, tuỳ thuộc vào sự khôn ngoan và ý thức chung của mọi người trong chúng ta.

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Nhà thờ Đức Bà ngay trung tâm Sài Gòn, một thành phố từng được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông. Ảnh minh họa: Chris Jackson/ Getty Images

Tựa vào di sản miền Nam tự do, tôi chọn đứng thẳng

Ba Mươi Tháng Tư, cứ đến gần ngày này là trái tim người miền Nam lại nhói đau. Tôi là một người thế hệ 8x, tuy chưa từng trực tiếp chứng kiến cuộc chiến “nồi da xáo thịt” của đất nước giai đoạn trước 1975, nhưng gia đình tôi, tồn tại hai dòng tư tưởng quốc gia và cộng sản, và ông bà tôi, cậu, dì tôi là những nhân chứng sống cho giai đoạn lịch sử này.

Ảnh chụp khúc đường Tôn Đức Thắng (Q.1, Sài Gòn) trước (hình trái) và sau (phải) khi chặt hạ cây xanh. Ảnh: 24h.com

Có nên chặt cây xanh để xây đường sắt trên không?

Không cần phải nói dài dòng, ích lợi của cây xanh trước tiên là thẩm mỹ, nhưng quan trọng hơn cả là nó giữ cho môi trường trong sạch bằng cách hút khí dioxit carbon và thải ra oxy. Chính vì thế khi đi trong rừng hoặc thậm chí dưới những con đường có hai hàng cây xanh lá thì chúng ta cảm thấy mát mẻ và dễ chịu. Cây xanh vì thế trở thành một phần của hệ sinh thái đô thị. Điều này không phải và không thể nói ngược lại.

Vậy thì chặt bỏ hàng trăm (nếu tính cả hai thành phố Hà Nội và Sàigòn) thì phải nói là hàng ngàn cây để xây metro có phải là lý do hợp lý và chính đáng không?

Ảnh minh họa bởi Paul Nelson/RFA.

Thêm một ông phải về: Vương Đình Huệ!

Việc ông Huệ bị phế truất khiến cho con đường trở thành tổng bí thư ĐCSVN của ông Tô Lâm có nhiều cơ hội hơn. Giờ đây chỉ còn hai ứng cử viên khác đủ điều kiện cho chức vụ này, đó là bà Trương Thị Mai và Thủ tướng Phạm Minh Chính. 

… Những gì đã được làm nhằm chính danh hóa/hợp pháp hóa ĐCS lấm bẩn bởi tham nhũng, giờ đây, đã khiến đảng này trở nên mất uy tín hơn trong mắt người dân – những người nhìn thấy vấn nạn tham nhũng đã xảy ra trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao như thế nào.