Ðảng Cướp Ruộng Đất

Ngô Nhân Dụng

Dân Việt Nam đang lo thóc gạo lên giá. Nhưng trong lúc đó thì chính các tờ báo điện tử của đảng Cộng Sản Việt Nam ngày hôm qua mới loan tin có hàng ngàn nông dân ở tỉnh Thái Bình đang bỏ ruộng! Người thì bỏ ruộng hoang không cầy cấy nữa, người thì trả lại ruộng đất cho hợp tác xã, vì “làm quần quật, mỗi ngày cũng chưa đủ tiền đong một bơ gạo.”

Thế thì “Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý” họ đang làm cái gì? Họ đang lo sửa lại luật Ðất Ðai, mà nhìn vào bản dự thảo đã thấy kết cục khi sửa xong luật thì ở khắp nơi bọn đảng viên cường hào ác bá vẫn nắm quyền quyết định số phận con người và ruộng đất ở nông thôn cũng như thành thị. Họ là một “Ðảng Cướp Ruộng” từ hơn nửa thế kỷ nay!

Bắt đầu với chuyện thóc gạo lên giá. Từ năm 2007 cả thế giới đã tiên đoán gạo sẽ lên giá, vì lúa mì đã lên giá trước (180% một năm) kéo theo đậu nành (82%) và các nông sản khác. Tháng Giêng năm 2008, thời tiết lạnh bất ngờ và côn trùng phá hoại, 100 ngàn mẫu lúa ở Việt Nam coi như bị xóa sổ; trong lúc bên Trung Hoa họ cũng bị lạnh và mất mùa. Nhắm mắt cũng phải đoán được là thị trường lúa gạo cả thế giới sẽ tăng giá. Nhưng các quan chức cộng sản phụ trách xuất cảng gạo ở nước ta vẫn ký những hợp đồng bán 860 ngàn tấn gạo trong ba tháng đầu năm nay, tăng thêm 5.3% so với số xuất cảng cùng thời gian trong năm 2007. Ðối với họ, việc bán gạo cho Phi Luật Tân hay Indonesia sinh lợi quá, họ không cần biết đến nhu cầu của người nông dân Việt Nam làm không đủ gạo ăn. Ðảng lãnh đạo, nhà nước quản lý như thế đó.

Nhưng nông dân thì cổ rất thấp và miệng rất bé. Cho nên nhà báo điện tử VietNamNet đã tới tỉnh Thái Bình, và thấy bắt đầu từ 5 năm trước các nông dân đã bỏ ruộng mà đi rồi. Mỗi năm các nhà nông làm cho hợp tác xã ở một làng 4 ngàn dân đã trả lại 4 mẫu Tây ha (hectares) hay 5 mẫu. Tất cả các địa phương đều có hiện tượng bỏ ruộng, nhà báo kể. Một nông dân tính toán cho nhà báo nghe: Làm một sào ruộng (360 mét vuông) mỗi năm chi phí hết 500,000 đồng (Việt Nam), kể cả phân bón, thuốc trừ sâu bọ, các khoản đóng góp, vân vân, nhưng không kể công người làm việc. Nếu được mùa, sẽ bán thóc thu được 1,560,000 đồng. Tính ra kiếm được hơn một triệu đồng. Nếu đem chia cho 180 ngày làm việc cực nhọc, mỗi ngày kiếm được 6,000 đồng, khoảng 30 xu tiền đô la Mỹ. Nếu người nông dân lại phải đi thuê trâu bò kéo cầy, thuê máy tuốt lúa, thì chỉ còn 3,000 đồng. Chưa đủ mua một bơ gạo!

Cho nên nông dân có ruộng thì bỏ ruộng hoang, thuê của hợp tác xã loại ruộng xấu nhất thì đem trả lại. Nhà báo lên tới tỉnh hỏi thăm ông giám đốc sở nông nghiệp thì ông chỉ biết than là vấn đề nó khó quá, ông đã “chỉ đạo cho các đoàn thể… tiếp tục gieo cấy, kiên quyết không để ruộng đất bị bỏ hoang!” Ông còn đề nghị nhà nước ngăn không cho các thứ phân bón, thuốc trừ sâu lên giá! Tóm lại, cách nhìn của một viên chức cấp tỉnh vẫn là theo lối ra lệnh, đúng cung cách xã hội chủ nghĩa, “không cần biết đến cái gọi là thị trường.”

Hồi Tháng Ba, 2008, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã viết những lời than thống thiết về cảnh sống của nông dân Việt Nam. Ông viết, “Ðời sống với chất lượng sống đúng nghĩa cần phải báo động, ở mức cao nhất… đất canh tác của nông dân ngày càng bị thu hẹp… dù họ lao động quên ăn quên ngủ trên cánh đồng thì cũng chỉ đủ duy trì sự sống… phải có một cuộc cách mạng lớn trên tư duy… thì mới có cơ hội thay đổi cuộc sống của họ.” Chính vì tình trạng nông thôn khốn khó như vậy cho nên mới có cảnh “những cuộc tha hương kiếm ăn của hàng triệu con em những người nông dân… các cô gái lấy chồng ngoại quốc… những cô gái trẻ con em những người nông dân tìm về thành phố để làm tất cả những gì họ có thể làm…” Nguyễn Quang Thiều viết. Chưa hết, “Chúng ta đang báo động về việc bỏ học của học sinh các vùng nông thôn… (vì) học xong các em lại trở về còng lưng cuốc đất như ông cha các em mà thôi…”

Hơn 70 năm sau khi Hồ Chí Minh hô hào các nông dân ủng hộ đảng Cộng Sản của ông ta cướp chính quyền, sau một cuộc chiến tranh tàn khốc trong đó đảng Cộng Sản sử dụng con em của nông dân làm bia đỡ đạn đi xâm chiếm miền Nam để bành trướng chủ nghĩa cộng sản mà Hồ Chí Minh theo lệnh Stalin mang về Việt Nam, đó là thảm cảnh của nông dân nước ta bây giờ.

Thế còn “công cuộc đổi mới” của đảng Cộng Sản thì sao? Nhìn vào những cuộc bàn thảo về sửa đổi “Luật Ðất Ðai” trong mấy tuần qua, chúng ta thấy họ không hề thay đổi. Ðảng Cộng Sản vẫn theo đường lối của Hồ Chí Minh, học từ Mao Trạch Ðông và Stalin, là không cho nông dân cũng như dân thành phố được làm chủ ruộng hay đất. Cuối cùng chỉ có đảng Cộng Sản thực sự làm chủ ruộng đất. Stalin, Mao Trạch Ðông đã dậy Hồ Chí Minh là muốn nắm toàn quyền trên mạng sống mọi người thì phải kiểm soát cái bao tử, cho ăn được ăn, bắt nhịn phải nhịn. Ruộng đất là nguồn sống của người dân các nước nông nghiệp như Việt Nam, Trung Hoa. Mao bắt đầu, rồi Hồ bắt chước, họ tung ra các chiến dịch đấu tố. Bề ngoài chỉ là để giết các địa chủ và những người không theo đảng cộng sản, nhưng bên trong chính là để đảng Cộng Sản, từ sau đó, nắm toàn quyền kiểm soát ruộng đất trên toàn quốc. Ðó là một vụ ăn cướp đất vĩ đại, được gọi là “cách mạng!”

Ðảng Cộng Sản nói đổi mới, đổi mới, bỏ nhiều thứ cộng sản lắm! Nhưng từ thời đấu tố 1953-56 đến giờ, họ không bao giờ bỏ cái quyền phân phát đất đai cho người dân sử dụng, được sử dụng thôi chứ không được làm chủ. Nghĩa là đảng Cộng Sản dùng guồng máy và pháp luật của nhà nước muốn lấy lại ruộng đất lúc nào cũng được. Nắm quyền kiểm soát ruộng đất là nắm sinh mạng của bẩy chục triệu nông dân Việt Nam – và cả dân thành phố nữa. Cho nên họ đã phải cướp lấy, chiếm lấy đất, và bây giờ vẫn dùng pháp luật bảo vệ đất, ruộng, khắp nước Việt Nam trong tay họ!

Từ năm bẩy năm nay những vụ khiếu kiện vì người dân bị mất đất, mất ruộng đã nổi lên khắp nơi, cũng chỉ vì đảng Cộng Sản trao cho các đảng viên thuộc hạ quyền chiếm đất của người dân. Chiếm đất một cách “hợp pháp” vì họ có quyền đó, quyền hành mà bọn cán bộ thừa hành đã được đảng và nhà nước giao cho, mà đảng thì lúc nào cũng ngồi trên cao nhất, không ai cãi được! Những chữ “quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đền bù giải tỏa, tái định cư,” vân vân, đều là thứ ngôn ngữ hoa mỹ che đậy một sự thật nhơ bẩn: Ðảng Cộng Sản nắm toàn quyền trên ruộng đất cả nước. Chống lại những quyết định của xã, của huyện, của thành phố, vân vân, tức là chống lại đảng cộng sản, “chống nhà nước xã hội chủ nghĩa,” tội có ghi trong bộ luật hình sự. Cả một guồng máy bóc lột và đàn áp dựa trên một quy tắc trừu tượng, là ruộng đất thuộc về nhà nước! Mà đảng lãnh đạo nhà nước, cho nên các ông chủ sau cùng là các thủ lãnh đảng, từ cấp xã trở lên!

Dự luật về sử đổi Luật Ðất Ðai vẫn bảo vệ quy tắc “ăn cướp đất” đó. Bộ Tài Nguyên-Môi Trường đã “đề xuất” rằng khi có những dự án phát triển kinh doanh, cần giải tỏa đất của tư nhân, dù ở nông thôn hay thành thị, thì “bỏ cơ chế chủ đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất” (tức là người đang “làm chủ” mảnh đất, ruộng, như chúng ta thường hiểu). Ðảng Cộng Sản vẫn nói họ theo chính sách nửa dơi nửa chuột, “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.” Không cho người đang làm chủ miếng đất mặc cả để thỏa thuận việc mua bán, đổi chác với nhà đầu tư muốn dùng miếng đất vào việc kinh doanh, như thế thì quy tác “kinh tế thị trường” vứt đi đâu? hay đó chính là “hướng xã hội chủ nghĩa?”

Quả như vậy. Cũng theo dự án sửa đổi luật đất dai của đảng Cộng Sản, đối với những miếng đất sẽ phải giải tỏa họ định “giao đất cho các trung tâm khai thác và phát triển quỹ đất,” gồm những người do đảng và nhà nước chỉ định. Sau đó cơ quan này sẽ “triển khai đền bù để tạo quỹ đất sạch (nghĩa là đã đuổi sạch được dân đi nơi khác?) Sau đó họ sẽ “tổ chức đấu giá đất.” Nếu bán được giá cao thì sao? Họ sẽ chuyển giao phần lợi nhuận vào ngân sách nhà nước!

Cả một kế hoạch ăn cướp đất nhân danh “định hướng xã hội chủ nghĩa!”

Ví dụ đảng cộng sản ở trong huyện, trong xã, “quy hoạch” một vùng để làm khu công nghiệp (hoặc cho dân Trung Quốc mở cơ xưởng, cho dân Ðài Loan làm sân cù, tùy thích). Họ sẽ có toàn quyền lấy đất của dân. Giá nào? Họ sẽ nói là giá thị trường. Nhưng thị trường nào? Khi một thửa ruộng được bán cho người khác, cũng để làm ruộng, người ta trả một giá. Nếu biết chỗ đó sẽ làm nhà máy, thị trường sẽ tìm ra giá khác. Nếu biết sẽ có nhiều nhà máy, nếu có thêm bến, cảng, ga xe lửa, thị trường lại đổi giá nữa. Khi không có thị trường thật, chỉ có ông nhà nước ngồi trên, các nông dân hầu bên dưới, thì làm sao có giá thị trường?

Ðó là một kế hoạch ăn cướp nhân danh luật pháp! Quả nhiên, đảng Cộng Sản đã dự tính trước: Nếu sau khi tịch thâu đất của dân rồi mà bán cho Ðài Loan hoặc Hàn Quốc được giá cao thì sẽ đem bỏ vào quỹ của nhà nước! Quỹ đó sẽ được dùng để xây cầu làm đường; mà trong vụ thầu nào thì các đảng viên trong xã, trong huyện cũng đều có phần chấm mút!

Cả một kế hoạch ăn cướp đất đang được bàn bạc giữa các cán bộ nhà nước cộng sản. Quyền hành trên ruộng đất vẫn thuộc vào tay các đảng viên từ cấp xã trở lên! Các cường hào tha hồ lộng hành! Trong khi đó thì người nông dân Thái Bình đang lo không biết mỗi ngày kiếm được 3,000 đồng thì nên ăn cháo với cái gì. Hồi xưa cụ Nguyễn Hữu Ðang đã có kế hoạch ăn thứ chả làm bằng thịt cóc, nhà trí thức đó đã sống được đến trên 90 tuổi. Có lẽ bên cạnh việc sửa đổi luật đất đai, các tài năng trí tuệ của đảng cũng nên nghiên cứu việc phát triển việc ăn chả cóc để phổ biến, cho dân chúng thêm biết ơn Bác và Ðảng! (Người Việt; Thursday, May 22, 2008)

Ngô Nhân Dụng