Đạo Luật Chống Lại Sự Phân Hóa Quốc Gia Mà Bắc Kinh Sắp Ban Hành Là Cái Gì?

Vào ngày 5 tháng 3 sắp đến Quốc hội của Trung Quốc sẽ nhóm họp để biểu quyết một đạo luật mà theo chính quyền Bắc Kinh là rất quan trọng đó là luật trừng phạt bất kỳ ai hoặc thế lực nào muốn làm phân hóa Trung Quốc. Được biết đạo luật này đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội nước này thông qua vào cuối năm 2004 và bây giờ sẽ được đem ra phiên họp khoáng đại Quốc hội để biểu quyết. Nội dung của đạo luật này vẫn chưa được công bố nhưng theo lời ông Ngô Ban, Chủ tịch Quốc hội, thì đây là một đạo luật cho phép chính quyền Trung Quốc có quyền sử dụng vũ lực quân sự để ngăn cản những cuộc vận động đòi độc lập, gây trở ngại cho việc thực hiện sự thống nhất đất nước một cách hòa bình trong tương lai. Nói rõ ra là chính quyền cộng sản Bắc Kinh muốn hợp pháp hóa việc sử dụng vũ lực quân sự để tấn công Đài Loan khi cần.

Theo các chuyên gia về vấn đề Trung Quốc-Đài Loan thì đạo luật này chỉ có tính cách dằn mặt người dân Đài Loan không nên tham gia vào những vận động đòi độc lập do Tổng thống Trần Thủy Biển và cựu Tổng thống Lý Đăng Huy chủ xướng.

Được biết đã có những ý kiến chống đối nhau trong những người được chỉ định soạn thảo đạo luật này. Một số người cho rằng chẳng cần thiết phải ban hành đạo luật này vì theo hiến pháp hiện hành Trung Quốc cũng có thể sử dụng vũ lực quân sự để tấn công Đài Loan, đưa ra thêm đạo luật này ra chỉ mua chuốc thêm sự phản đối của nhiều quốc gia khác.

Đúng như sự dự đoán đó, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã có phản ứng ngay về chuyện chính quyền cộng sản Bắc Kinh muốn hợp pháp hóa việc sử dụng vũ lực quân sự tấn công Đài Loan. Ngày 19 tháng 2 vừa qua một phiên họp liên bộ Ngoại giao và Quốc phòng giữa hai nước Mỹ-Nhật đã được tổ chức tại thủ đô Washington để khẳng định lập trường của hai nước này là vấn đề Đài Loan phải được giải quyết qua đối thoại, cương quyết phản đối việc sử dụng vũ lực quân sự. Hoa Kỳ và Nhật Bản chủ trương giải quyết vấn đề Đài Loan trong hòa bình vì không muốn Bắc Kinh lợi dụng cái cớ đó để tăng cường quân bị uy hiếp chiến lược của Mỹ-Nhật tại Đông Nam Á. Sự việc Trung Quốc sử dụng tàu ngầm nguyên tử xâm phạm lãnh hải Nhật Bản vào tháng trước là bằng chứng cho thấy lực lượng hải quân Trung Quốc đang tăng cường hoạt động tại toàn khu vực Á châu, đó là chưa kể đến việc trang bị những dàn hỏa tiển tối tân đang nhắm vào Đài Loan và cũng chẳng khó khăn gì trong việc chuyển phương giác các dàn hỏa tiển đó về hướng Nhật Bản.

Hoa Kỳ thì cũng muốn nhân dịp này để gióng lên một lời cảnh báo đối với một số nước Âu châu có ý định bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Bắc Kinh kể từ khi biến cố Thiên An Môn xảy ra. Khi Bắc Kinh gây ra bất ổn trong vùng Á châu thì Âu châu cũng phải chịu trách nhiệm chứ không thể phủi tay làm ngơ được.

Về phía Đài Loan thay vì sợ những lời hù dọa của chính quyền cộng sản Bắc Kinh qua cái đạo luật đó, đã có hơn 1 triệu người dân Đài Loan tham gia ký tên vào bản xin chữ ký do ông Lý Đăng Huy phát động hôm 28 tháng 2 vừa qua để phản đối về cái đạo luật “Chống lại sự phân hóa quốc gia” mà Quốc hội Trung Quốc sắp thông qua sắp ban hành. Về phía chính quyền thì Tổng thống Trần Thủy Biển cũng đã đệ trình lên Quốc hội Đài Loan một pháp án chống lại sự sát nhập vào Trung Quốc, gọi là đạo luật “Phản Thôn Tính”. Mục đích của đạo luật này là để bảo vệ Đài Loan bằng mọi giá khỏi sự thôn tính của chính quyền đại lục.

Trước phản ứng khá quyết liệt của Hoa Kỳ và Nhật Bản, chính quyền Bắc Kinh không còn cách nào khác hơn là lên án Mỹ-Nhật đã xen vào chuyện nội bộ của Trung Quốc. Suốt cả tuần qua các cơ quan truyền thông đại chúng tại Trung Quốc được lịnh của Đảng và nhà nước mở chiến dịch công kích thật ráo riết hai nước Mỹ-Nhật về chuyện này. Thế đối đầu về chiến lược giữa Trung Quốc và hai nước Mỹ-Nhật chắc chắn sẽ triển khai rộng hơn nữa mà vấn đề Đài Loan là một trong những nguyên do chính.

Đài Loan là một đảo quốc nhỏ, chẳng lợi lộc gì khi có chiến tranh xảy ra với Trung Quốc, nhưng không phải vì thế mà ngồi im để cho Bắc Kinh tìm đủ mọi cách thôn tính, quyết bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ bằng mọi giá, cương quyết không nhượng cho đối phương một tất đất, tất biển trong khi đó Việt Nam của chúng ta đâu phải là nước nhỏ mà tại sao chính quyền Hà Nội hết nhượng đất rồi đến nhượng biển cho Bắc Kinh, khi nào thì chính quyền cộng sản Việt Nam mới bị đem ra xử về tội bán nước.