Đề Nghị Mức Án Cho Hai Nhà Báo

BBC
Hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải (hàng sau) cùng hai viên chức cảnh sát, Tướng Phạm Xuân Quấc và Ðại tá Ðinh Văn Huynh bị đưa ra xử trước Tòa Án Nhân Dân Hà Nội.

Trong phiên sơ thẩm hai nhà báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên tội ’lợi dụng quyền tự do dân chủ’ hiện đang diễn ra tại Hà Nội, Viện Kiểm sát vừa đề nghị mức án.

Cùng với hai phóng viên Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến, hai cựu quan chức công an Phạm Xuân Quắc và Đinh Văn Huynh cũng bị đưa ra tòa vì tội ’cố ý làm lộ bí mật công tác’.

Báo chí trong nước loan tin chiều 14/10, đại diện Viện kiểm sát TP Hà Nội đã nói mức án trong cáo trạng.

Bị cáo Phạm Xuân Quắc, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội bị đề nghị một năm tù treo.

Bị cáo Nguyễn Văn Hải bị đề nghị nhận án tù treo từ 18 cho đến 24 tháng.

Bị cáo Nguyễn Việt Chiến và Đinh Văn Huynh bị đề nghị mức án cao nhất từ 24 cho đến 30 tháng tù.

Tội danh cáo buộc hai cựu nhà báo là “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.

Hai bị cáo cựu quan chức an ninh, từng là cán bộ điều tra bị truy tố về tội danh “Cố ý làm lộ bí mật công tác”.

Theo luật sư Cù Huy Hà Vũ nói với BBC đầu giờ tối 14/10 quan điện thoại từ Hà Nội, lãnh đạo các báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ không có mặt tại tòa làm chứng.

Ông Vũ là người bào chữa cho bị cáo Phạm Xuân Quắc.

Còn luật sư Hà Đăng, người bào chữa cho một trong các bị cáo nói ông đề nghị hình thức cảnh cáo.

Một nguồn tin có mặt tại tòa nói rằng ông hy vọng mức án tòa công bố ngày mai sẽ thấp hơn Viện kiểm sát đề nghị.

Nguồn tin cho hay tòa đã cho phép luật sư trình bày lý lẽ của họ, do vậy tòa đã kết thúc khá muộn, hôm thứ Ba (14/10) sau 6 giờ chiều, giờ Hà Nội.

Phiên tòa

Được biết cả bốn ông đều đã xuất hiện trước tòa trong phiên khai mạc sáng thứ Ba 14/10. Phóng viên ảnh Huy Khâm có mặt tại chỗ nói với BBC không khí trong phòng xử yên tĩnh ’vì nhận thức đây là sự việc nhạy cảm’, với thành phần vài chục người chủ yếu là công an và nhà báo.

Phiên tòa đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.

Giáo sư Tương Lai từ TP Sài Gòn nói với BBC ông vẫn cho rằng việc bắt hai phóng viên là biện pháp ’xử lý thiếu khôn ngoan’.

“Có thể họ có sai lầm về nghiệp vụ và phải rút kinh nghiệm, nhưng trong thời điểm nhạy cảm hiện nay, khi VN muốn mở rộng dân chủ, tạo không khí cởi mở, hòa hợp, thì việc bắt họ là không ổn.”

Ông nói thêm: “Ngay cả việc bắt họ với một tội danh, nhưng khi đưa ra xử lại với một tội danh khác, cũng là chuyện không hay”.

Tuy nhiên theo giáo sư, “công khai hóa trước tòa cũng là việc làm cần thiết” để dư luận đánh giá sự việc.

“Đưa tin khách quan”

Phiên tòa theo kế hoạch sẽ diễn ra trong hai ngày 14 và 15, nhưng một số nguồn tin cho hay có thể tòa sẽ tuyên án sớm.

Trong buổi sáng thứ Ba 14/10, sau phần đọc cáo trạng của Viện Kiểm sát, tòa đã tiến hành thủ tục xét hỏi đối với ba bị cáo Phạm Xuân Quắc, Đinh Văn Huynh và Nguyễn Việt Chiến cho tới giờ nghỉ trưa.

30 phóng viên Việt Nam cùng đại diện một số hãng thông tấn nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam đã được cấp giấy phép tới theo dõi phiên xử.

Đại diện một số sứ quán nước ngoài cũng có mặt tại tòa án với tư cách quan sát.

Một nhà báo muốn giấu tên nói với BBC rằng giới truyền thông trong nước được chỉ đạo xem đây là phiên tòa “bình thường, không có động cơ chính trị”.

Truyền thông trong nước được yêu cầu đưa tin “chính xác, khách quan, không đưa tin giật gân, không bình luận về các tình tiết xét xử, tranh tụng”.

Các bản tin đăng tải trên báo trong nước cũng nhấn mạnh đây là vụ xử “hai cựu cảnh sát và hai nguyên nhà báo”.

Luật sư bào chữa

Các phóng viên trong và ngoài nước chỉ theo dõi phiên tòa qua màn hình vô tuyến.

Tới dự xét xử có thân nhân của hai nhà báo cùng đại diện lãnh đạo hai tờ báo là TBT Lê Hoàng (báo Tuổi Trẻ) và Phó TBT Nguyễn Quang Thông (báo Thanh Niên).

Thế nhưng, bà Nguyễn Thị Hiền, mẹ nhà báo Nguyễn Văn Hải, cho biết gia đình bà “không được mời tới tham dự phiên tòa”.

Bà Hiền nói: “Chúng tôi già rồi, không biết đâu mà lần, nên không biết xin ở đâu cả. Chúng tôi ở nhà nên chịu chết, không biết thế nào”.

Các nhà quan sát nhận định, nếu phiên toà xét xử công khai theo như tuyên bố của chính quyền thì người thân có quyền tham dự, “trừ những người hợp đặc biệt người ta có thể hạn chế số lượng”.

Phiên xử lần này đã được một số tổ chức nước ngoài coi như phép thử về tự do báo chí và cam kết chống tham nhũng của chính phủ Việt Nam.

Tổ chức Phóng viên Không biên giới cũng đã kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho hai nhà báo.

Được biết tại tòa có hiện diện đông đảo các luật sư bào chữa cho bốn bị cáo. Phóng viên Nguyễn Việt Chiến có tới bốn luật sư.

Trước phiên xử, luật sư Hà Đăng bào chữa cho ông Chiến nói với BBC ông hy vọng tòa sẽ xử ’đúng người đúng tội’ và hy vọng sẽ có đối chất để làm rõ các cáo buộc.

Tuy nhiên số nhân chứng ra đối chất chỉ có mười người, ít hơn nhiều so với dự kiến là 27 người. Hiện chưa rõ họ vắng mặt vì lý do gì.

BBC Luân Đôn