Đi Tìm Tác Giả “Khóc Mẹ Dân Oan”, Nhạc Sĩ Bí Mật Nhất Năm 2007

RFA

(Thiện Giao, phóng viên đài RFA)

Trong sản phẩm DVD số 57 của trung tâm Asia phát hành gần đây, khán giả được thưởng thức một bản nhạc với nội dung khác hẳn chủ đề tình yêu thường thấy trong các sản phẩm giải trí. Một bài hát có tên “Khóc Mẹ Dân Oan” của nhạc sĩ Mặc Thiên, đang sống trong nước, do ca sĩ Như Quỳnh trình bày, nói về những người dân oan từ miền Tây lên Sài Gòn khiếu kiện đất đai.

Bấm vào đây để nghe câu chuyện này
Tải xuống để nghe

Ca sĩ Như Quỳnh trình bày nhạc phẩm “Khóc Mẹ Dân Oan” của Mặc Thiên trên sân khấu Asia Entertaiment. Hình trích từ DVD Asia 57.

Không một ai trong giới thưởng ngoạn Việt Nam biết Mặc Thiên là ai, và người ta gọi anh là “người nhạc sĩ bí mật nhất năm 2007.” Để tìm hiểu về nhạc sĩ này, biên tập viên Thiện Giao có bài tường thuật sau đây.

Khi âm nhạc phản ảnh thời sự, chính trị

Đã từ lâu, các sản phẩm băng đĩa nhạc của một số trung tâm lớn tại Hải Ngoại được sao chép lậu và bán tại thị trường Việt Nam.

Đã từ lâu, cả người bán, người mua và công an văn hoá, công an khu vực tham gia trong một trò chơi như trò chơi “cút bắt.” Một cuộc chơi để, một bên thì cố gắng mua và bán cho được sản phẩm nguyên vẹn từ hải ngoại, một bên thì cấm cho bằng được, hoặc ép để cắt xén cho hết những đoạn có nội dung “nhạy cảm” trong các sản phẩm giải trí từ nước ngoài.

Nhưng đến những ngày gần đây, các sản phẩm giải trí không còn đơn thuần là giải trí, khi bắt đầu đề cập nhiều đến một số vấn đề thời sự, chính trị trong nước.

Và những ngày gần đây nhất, công an văn hoá Việt Nam, còn gọi là PA 25, bắt đầu ra chiến dịch truy quét để ngăn cấm một sản phẩm vừa phát hành, đồng thời, tìm cho ra tác giả một bài hát trong sản phẩm ấy.

Đó là cuốn DVD Asia số 57, đó là bài hát “Khóc Mẹ,” và đó là nhạc sĩ Mặc Thiên.

Mặc Thiên và Khóc Mẹ Dân Oan

“Khóc Mẹ,” còn có tên “Khóc Mẹ Dân Oan,” là nhạc phẩm đầu tiên xuất hiện trên một DVD giải trí để nói về phong trào dân oan các tỉnh miền Tây vào Sài Gòn, ra Hà Nội khiếu kiện các vấn đề đất đai.

Còn Mặc Thiên thì được dư luận gọi là “Nhạc Sĩ Bí Mật Nhất Năm 2007.”

Trong một sự tình cờ hi hữu, chúng tôi đã bắt được liên lạc với người nhạc sĩ bí mật này, và qua anh, một số bí mật liên quan đến nhạc phẩm “Khóc Mẹ” được “bật mí.”

“Khóc Mẹ” được sáng tác trong mùa Lễ Mẹ, Lễ Vu Lan. “Khóc Mẹ” được sáng tác sau khi người nhạc sĩ nhìn thấy các bà mẹ quê từ tỉnh lên Sài Gòn, trụ lại hàng tháng trời giữa mưa Sài Gòn, trên lề phố Sài Gòn, để đòi, trong tuyệt vọng và trong ôn hoà, những tài sản chắt chiu từ bao lâu.

“Khóc Mẹ” được sáng tác tại Sài Gòn trong một ngày mưa giữa năm 2007!

“Trung tuần tháng Bảy, 2007, trong những ngày mưa bão, mình mặc đủ áo đi ra đường, vẫn cảm thấy lạnh, thì đối với những người mẹ đang đấu tranh cho quyền lợi thì sao? Lúc ấy mình đi trên chiếc xe mà cũng không dừng lại được, mình thấy khó khăn cho một ai đó dừng lại tiếp tế cho những người mẹ đang chịu những cảnh thương tâm.

Những tấm bạc đơn sơ, chỉ có thể che nắng chứ không che nổi mưa tạt vào. Mình không thể đứng lại, mình chỉ đi mà không biết đi về đâu. Đi mà nước mắt cứ chảy. Về nhà, mình thấy rất là buồn, buồn mà không thể làm gì được, không thể ngủ được. Mình cầm bút lên viết mà nước mắt cứ tuôn, tuôn, tuôn, không cầm được.”

Thế là bài hát ra đời. Nhạc sĩ Mặc Thiên cho biết là, khởi thuỷ anh viết bài “Khóc Mẹ” để tặng các bà mẹ Tiền Giang. Lúc ấy, câu mở đầu bài hát được viết như sau:

“Một ngày trần gian khóc thương mẹ Tiền Giang.”

Về sau, khi các tỉnh khác cũng làm theo, câu đầu tiên của bài hát được đổi lại, thành ra:

“Một ngày trần gian khóc thương mẹ dân oan.”

Bài hát “Khóc Mẹ” ra đời vào dịp Vu Lan, là dịp, theo lời Mặc Thiên, mà những người mẹ đáng lẽ được nhận tình thương từ những người con của mình. Trong trường hợp này, thì những người mẹ lại phải chịu cảnh bão lũ. Anh nói, bài hát này được viết ra chỉ để chia sẻ cùng các bà mẹ chứ không biết, và cũng không dám, chia sẻ cùng ai.

Tâm sự của “Nhạc sĩ bí mật nhất năm 2007”

“Khóc Mẹ” có câu thơ nghe khá lạ tai:

“Vườn ruộng đất nhà tranh con hoán đổi Mẹ sống sao đây khi đổi mười lấy một?”

Mặc Thiên giải thích ý nghĩa như sau.

“Đổi mười lấy một, là điều mà người Việt Nam nào cũng biết. Những mảnh đất, những căn nhà, khi đã được vào các dự án hay bất cứ cái gì của chính quyền thì chỉ đổi được 1 phần 10 giá trị. Đó là nói cho có, chứ thực ra chưa tới 1 phần 10.

Những cuộc đổi tiền trước đây cũng vậy, không ai mà không đau lòng trước sự thay đổi thời thế bất ngờ. Số phận của những người bị thay đổi đó, thực là… tôi không biết làm sao mà tả được…”

Liên quan đến hai câu thơ khác,

“Ngại gì sương gió nuôi con qua khổ nạn Nay con sang giàu mẹ sống cảnh lầm than…”

Mặc Thiên giải thích ý nghĩa.

“Đó là nói về những người mẹ đã khổ công nuôi những đứa con của mình. Có những đứa con vì hoàn cảnh nào đó, vì sai lầm hay sa cơ, về với mẹ, mẹ lúc nào cũng mở lòng, dang tay ra đón không cần biết những đứa con đó đã làm gì. Nay, khi thành công thì lại quay lưng lại, lấy đất đai của mẹ. Những đứa con đó bây giờ là những đứa con có quyền thế.”

Trò chuyện cùng một người Việt Nam, có quan hệ gần gũi với giới bán băng đĩa nhạc trên đường Huỳnh Thúc Kháng, Sài Gòn, anh cho biết về hiện tượng “Khóc Mẹ” của Mặc Thiên.

“Những người trong nước cho đến bây giờ vẫn chưa được biết về nhạc sĩ Mặc Thiên. Rõ ràng những người trong nước khá quan tâm đến bài này. Cho dù cắt bớt phần giới thiệu, thì tên bài hát cũng đã nói rõ điều muốn nói. Bài hát ra đời khiến người nghe xúc động. Nói là “sốc” thì hơi lớn, nhưng rõ ràng là có tác động, có một cái gì đó như hiệu ứng rất rõ ràng với người nghe.”

Mặc Thiên, con người và các sáng tác

Trở lại câu chuyện của nhạc sĩ Mặc Thiên. Một số tin tức cho biết anh hiện sinh sống tại Qui Nhơn, và được biết đến nhiều trong giới nhạc sĩ Việt Nam. Bây giờ, bắt đầu bằng nhạc phẩm “Khóc Mẹ,” Mặc Thiên lui vào dòng nhạc ngoài luồng, một quyết định mà một số người gọi là “nguyện dâng đời mình để hát cùng dân tộc.”

Mặc Thiên cho biết anh vừa sáng tác xong bản nhạc “Khấn Nguyện.” Anh cũng đã hát tặng cho thính giả đài Á Châu Tự Do, nhưng vì an toàn của anh, chúng tôi không phát đoạn ghi âm này, mà chỉ viết lại lời thơ.

Được sự cho phép của Mặc Thiên, chúng tôi xin đọc nguyên văn lời của nhạc phẩm “Khấn Nguyện” để kết thúc bài tường trình này.

Con xin cuối đầu lạy trời cao
Khấn nguyện cùng tổ tiên
Xin cho đất mẹ bình yên
Thoát khỏi quân tham tàn
Đã đang tâm gieo rắt hận thù
Chia rẽ thâm tình quê hương
Buộc lòng người vượt trùng dương
Phơi thây giữa lòng biển khơi

Đau thương, uất nghẹn lòng hờn căm
Nước Việt giặc tràn lan
Quân gian kết bè ngoại bang
Chúng chẳng thương dân mình
Tính toan vơ vét đến tận cùng
Đất nhà tiền của nhân dân,
Đổ mồ hôi nhọc công lao
Qua bao năm khốn khó nguy nan

Xin ơn trên, xót thương dân tộc Việt Nam
Ban ân sống đời bình an
Không còn đói nghèo lầm than
Bắc Nam chung vai một lòng
Giữ non sông quê hương vẹn toàn
Nối lại giống nòi yêu thương
Ơn trời những bậc hiền nhân
Thoát cảnh ngục tù bạo quân
Xa nơi tối tăm nhục hình.

****

Khóc Mẹ Dân Oan