Dịch Cúm Gà (H5N1) Đang Tái Phát Tại Việt Nam

Thế giới đang lên tiếng cảnh báo dịch cúm gia cầm hay còn gọi là dịch cúm gà do vi khuẩn H5N1 gây ra đang lan rộng khắp thế giới mà khu vực Á châu là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất. Trong cuộc hội thảo của Diễn đàn hợp tác kinh tế Á châu- Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại Australia vào đầu tuần qua (1/11) đã đem vấn đề này ra thảo luận một cách rốt ráo. Đại diện của nhiều quốc gia cho biết họ đã tính đến chuyện có thể đóng cửa biên giới trong một thời gian khi dịch cúm gà này trở nên nghiêm trọng. Mặc dù biết rằng việc đóng cửa biên giới sẽ gây thiệt hại nhiều đến hoạt động thông thương giữa các quốc gia trong khu vực Á châu- Thái Bình Dương mà theo ước tính có thể lên đến 385 tỉ mỹ kim, nhưng không còn cách nào khác hơn. Cuộc hội thảo của APEC lần này có sự tham dự của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trọng tâm của đề tài thảo luận về dịch cúm gà là các chính phủ thành viên của APEC sẽ phải phản ứng như thế nào khi biết rằng virus H5N1 có thể lây nhiễm từ người sang người.

Ngoại trưởng Australia là ông Alexander Downer tuyên bố rằng Úc dự tính sẽ tiến hành việc kiểm tra thân nhiệt tất cả hành khách vào lãnh thổ mình, đóng cửa trường học và khuyến khích người dân làm việc tại nhà để giảm thiểu tiếp xúc giữa người và người trong thời gian dịch cúm gà bộc phát dữ dội.

Theo báo cáo mới nhất vào ngày 2 tháng 11 năm 2005 thì số người bị thiệt mạng vì dịch cúm gà tại ba nước Việt, Miên và Thái lên đến 62 người, trong đó có 0,5% trường hợp bị lây nhiễm từ người sang người. Nếu virus H5N1 từ những đàn chim di cư kết hợp với virus trong các loại gia cầm thì có sác xuất rất cao là một loại virus mới sẽ xuất hiện, dễ lây hơn mà cũng tàn khốc hơn. Việt Nam là nơi phát hiện nhiều người và gia cầm nhiễm cúm vì rất yếu kém trong việc kiểm soát các nguồn lây, vì vậy mà trong phiên họp về phòng chống dịch cúm gia cầm vào chiều ngày 2 tháng 11 vừa qua, ông Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng bộ Y tế, đã nói rằng “Việt Nam sẽ là điểm đầu tiên và cũng là điểm nóng của dịch cúm gia cầm”. Cũng theo ông Huấn thì Việt Nam bất lực trong việc ngăn chận cúm từ những đàn chim di cư, nhưng việc ngăn chận H5N1 lây lan từ gia cầm là có thể làm được. Một ổ dịch nhỏ xuất hiện nếu biết dẹp tắt ngay thì đại dịch sẽ không xảy ra, tuy nhiên với tình trạng như hiện nay thì điều này thật khó khăn. Tình hình vận chuyển gia cầm từ vùng dịch sang vùng không có dịch, buôn bán sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, ăn tiết canh… vẫn phổ biến như hồi chưa có dịch. Nếu người dân chưa ý thức được nguy cơ và tự giác thì cơ quan quản lý khó tạo ra sự thay đổi.

Theo các chi cục quản lý thị trường ở các thành phố lớn thì mặc dù đã có lệnh cấm nhưng tình trạng vận chuyển gia cầm sống vẫn tuôn vào thành phố vẫn tiếp tục tăng chứ không hề suy giảm. Về thuốc chữa trị thì ông Huân nói rằng bộ Y tế đang đàm phán với hãng dược liệu Roche để yêu cầu hãng này nhượng quyền, cho phép Việt Nam sản xuất loại thuốc Tamiflu để chữa trị cho các bệnh nhân bị nhiễm lây. Nếu Roche không đồng ý thì Bộ sẽ yêu cầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và một số nước để mua nguyên liệu làm thuốc.

Nhưng theo tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển thì nếu đại dịch cúm gà xảy ra thì Việt Nam không có thuốc gì để bảo vệ ngoài Tamiflu, nhưng thuốc này không tiêu diệt được vi khuẩn H5N1 mà chỉ ức chế sự nhân lên của virus và ngăn nó bám vào các tế bào. Vì vậy, thuốc chỉ có tác dụng trong 1-2 ngày đầu nhiễm bệnh. Nếu để lâu, virus sẽ sinh sôi nảy nở nhiều và gây tác hại thì Tamiflu không còn tác dụng nữa. Tuy nhiên tác dụng này (công hiệu của thuốc Tamiflu) cũng chỉ được chứng minh trong phòng thí nghiệm chứ chưa được khẳng định trên y học lâm sàng. Hầu hết các bệnh nhân được phát hiện ở Việt Nam đều được cho dùng Tamiflu, nhưng chỉ những người mới nhiễm, triệu chứng nhẹ mới có tiến triển tốt, và cũng không chắc là do tác dụng của thuốc này.

Các chuyên gia trên thế giới đã cho rằng khả năng xảy ra đại dịch cúm gà trong năm nay hoặc một vài năm tới gần như chắc chắn (chu kỳ cúm thường 20-30 năm). Sự trở lại của “cơn hồng thủy” bệnh cúm lần này được cho là đi cùng với sự xuất hiện của một loại virus mới dễ dàng lây từ người sang người, trong khi đó Việt Nam vẫn chưa chuẩn bị việc đối phó. Nếu có thì cũng chỉ bằng một vài buổi hội thảo hay qua vài văn thư mà thôi.