Đình Công Đã Lan Rộng Tới Miền Bắc

Tính cho đến sáng ngày 22 tháng 2 năm 2006, hơn 4000 lao động làm việc tại công ty trách nhiệm hữu hạn Sao Vàng ở Hải Phòng đã bước sang ngày thứ năm của cuộc đình công đòi tăng lương, như thế là làn sóng đình công tại các tỉnh miền Nam vào cuối tháng giêng vừa qua đã lan đến miền Bắc. Những công nhân tham gia đình công cho biết mức lương tối thiểu hiện nay mà doanh nghiệp trả cho mỗi người là 400.000 đồng/tháng, quá thấp vì thế tổng thu nhập của một lao động chỉ được từ 7 đến 8 trăm ngàn đồng/ tháng, không đủ sống. Các công nhân này yêu cầu công ty phải tăng mức lương tối thiểu lên thành 710.000 đồng cho mỗi người theo đúng nghị định số 03 về lương tối thiểu trong những xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Giám đốc công ty Giày da Sao Vàng là Lê Đại Dương tuyên bố rằng việc hàng loạt công nhân đình công không được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật, không thông qua tổ chức công đoàn công ty (một bộ phận của đảng CSVN), nên có thể coi đây là hành vi tự ý nghỉ việc. Theo luật định, 5 ngày nghỉ tự do (không có phép) thì công ty có quyền chấm dứt hợp đồng lao động đối với những người đến hôm nay (22/2) vẫn không chịu đi làm. Ngày 21/2, ông Dương đã ra trước cổng công ty để trực tiếp nói chuyện với hàng ngàn công nhân đang đình công. Ông Dương thông báo rằng công ty chỉ đồng ý tăng thêm 80,000 đồng cho lương cơ bản và những ngày đình công sẽ được tính vào phép năm 2006, riêng ngày đình công 21/ 2 thì công nhân nào không đi làm sẽ coi là nghỉ không có lý do. Không một công nhân nào chấp nhận mức lương tăng quá thấp như lời ông Dương thông báo nên vấn đề chưa được giải quyết.

Ngoài ra, cũng vào ngày 21 tháng 2, hơn 1000 công nhân làm việc tại nhà máy giầy da (chi nhánh của công ty Sao Vàng) ở thị xã Uông Bí (Quảng Ninh) cũng đã đồng loạt đứng lên đình công đòi tăng lương. Giám đốc nhà máy không chịu tiến hành việc đối thoại nên công nhân đã bỏ về hết. Ông Phạm Văn Oanh, Trưởng ban chính sách, Liên đoàn lao động thành phố, cho biết công nhân đã hiểu lầm Sao Vàng là công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Thực tế Sao Vàng là doanh nghiệp tư nhân 100% vốn trong nước, chuyên gia công da giày cho công ty Stella Foot Wears (Đài Loan). Phía công nhân phản luận lại rằng nếu bảo công ty Sao Vàng là doanh nghiệp trong nước thì tại sao công nhân các bộ phận lại chịu sự điều khiển trực tiếp của người nước ngoài; khi tổ trưởng, ca trưởng đề nghị tăng lương cho công nhân lại phải những người chủ quản nước ngoài đồng ý thì mới được. Bằng chứng là việc duyệt bảng chi trả lương cho công nhân là do chính đối tác đặt hàng là công ty Stella tiến hành. Trong một số bảng lương không hề có chữ ký của giám đốc nhà máy Sao Vàng mà chỉ có chữ ký của chủ quản, người nước ngoài, và ông Chu Chao Ming đại diện điều hành của Stella.

Báo điện tử VN.Express có đăng lời phân trần của ông Oanh như sau: Họ (các công nhân tham gia đình công) yêu cầu chúng tôi giải thích là cùng một tuyến đường, chỉ cách nhau một bờ rào, tại sao một bên nhân công được hưởng lương tối thiểu 710.000 đồng, một bên chỉ 400.000 đồng. Thực sự chúng tôi khó thuyết phục khi mức lương tối thiểu giữa các loại hình doanh nghiệp (vốn nước ngoài, vốn trong nước) chênh lệc quá lớn. Tờ báo này viết rằng sự bối rối của ông Oanh cũng là tình trạng chung của các công đoàn cơ sở.

Đài Á Châu Tự Do trong buổi phát thanh hôm thứ bảy 18 tháng 2 năm 2006 đã thuật lại lời bà Sonha Grush, Ủy ban Công nhân Quốc Tế, trình bày trước tổ chức này vào cuối tháng 12 năm ngoái như sau: Tổng liên đoàn Lao động VN là một bộ phận của đảng CSVN, hơn là một tổ chức đại diện cho quyền lợi của giai cấp công nhân. Dù rằng luật lao động Việt Nam công nhận quyền đình công nhưng các cuộc đình công vừa qua liên tục bị các quan chức nhà nước kết án là bất hợp pháp. Bà Grush còn nhận định thêm là công nhân Việt nam đã nhận thức được sức mạnh tập thể của họ, và điều đó sẽ khiến nhà cầm quyền khó khăn hơn trong ý định chế ngự tập thể nghèo nhất và khổ nhất nước này.

Tổng liên đoàn lao động VN rúng động vì những loạt đình công đó nên đã gia tăng hoạt động của họ tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Nhưng dĩ nhiên không phải là để đẩy mạnh việc tranh đấu cho quyền lợi công nhân mà lại là nhằm giới hạn không để đình công lan rộng có thể trở thành mối đe dọa cho sự bền vững của chế độ. Những cuộc đình công của công nhân từ các khu công nghiệp ở miền Nam lan ra tận niềm Bắc cho thấy là mặt trận đấu tranh dân sinh, dân quyền đang bắt đầu bộc phát tại Việt Nam và chắc chắn sẽ còn lan rộng trên nhiều nơi. Những cuộc đình công này đang là mối lo sinh tử của Hà Nội vì nếu giải quyết không khéo sẽ bùng nổ thành những khủng hoảng chính trị – xã hội trong thời gian tới.