Đình Công Là Giải Pháp Cuối Cùng Của Người Lao Động

Ngô Văn
Nếu công ty vẫn không giải quyết hay giải quyết mà vẫn còn nhiều thiệt hại cho công nhân, giải pháp cuối cùng của người lao động là đình công.

Tại các nước tiên tiến người lao động không những được luật pháp bảo vệ mà còn có quyền tự mình đứng lên đòi hỏi quyền lợi tại nơi mình làm việc mỗi khi quyền lợi đó bị xâm phạm. Hầu như mọi công ty, hãng xưởng lớn và vừa đều có tổ chức Nghiệp đoàn Lao động (đương nhiên là do công nhân tự thành lập, không liên hệ đến nhà nước) thì Ban đại diện nghiệp đoàn sẽ đứng ra bênh vực quyền lợi cho công nhân, trước hết là đề đạt nguyện vọng của người lao động lên Ban giám đốc công ty để yêu cầu giải quyết. Nếu vì lý do nào đó mà công ty làm ngơ không giải quyết hoặc giải quyết cho qua chuyện, đại diện nghiệp đoàn sẽ lên gặp thẳng Ban giám đốc để thương thuyết. Đến giai đoạn này rồi mà công ty vẫn không giải quyết hay giải quyết mà vẫn còn nhiều thiệt hại cho công nhân, giải pháp cuối cùng của người lao động là đình công. Tình tự một vụ đình công của công nhân để đòi quyền lợi theo như quy định thường là như vậy, chẳng có gì sai trái với luật lệ của nhà nước.

Thế nhưng tại đất nước chúng ta ngày nay những vụ đình công như thế của người lao động lại bị chính quyền cộng sản Việt Nam cho là không đúng tình tự, thủ tục quy định và vi phạm luật lệ. Muốn đình công phải qua Công đoàn, mà công đoàn chỉ bảo vệ quyền lợi cho đảng, cho nhà nước và cho các chủ xí nghiệp để hưởng lợi chứ chẳng bao giờ đếm xỉa đến quyền lợi của người công nhân. Vì thế, những cuộc đình công của người lao động Việt Nam sau này hầu như không thông qua công đoàn. Ở các nước đình công có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào, khi mà quyền lợi công nhân bị xâm phạm trắng trợn. Tại Việt Nam, thường đến những ngày cuối năm Âm lịch mới xảy ra nhiều cuộc đình công, chính vì thế mà hiện nay chính quyền CSVN đang tập trung lực lượng để trấn áp những cuộc đình công của người lao động nếu có xảy ra.

Công nhân công ty Linh Trung đình công

Theo ông Phan An, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ, đình công đã gia tăng về số lượng lẫn mức độ. Năm 1990, vụ đình công đầu tiên xuất hiện tại một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Từ năm 1994 trở đi, các vụ đình công có qui mô ngày càng lớn xảy ra liên tục. Tính đến hết tháng 6 năm 2006 chỉ riêng tại địa bàn thành phố (Sài Gòn) đã xảy ra 578 vụ đình công, tại các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế (kể cả doanh nghiệp nhà nước). Điều đó cho thấy đình công đã trở thành hiện tượng xã hội phổ biến và người lao động ngày càng sử dụng ’’vũ khí’’ đình công nhiều hơn. Trong đó gần 50% vụ đình công xảy ra tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (nhiều nhất là Hàn quốc, Đài Loan), 69% thuộc ngành may, da giày, dệt. Số người tham gia đình công ngày càng đông: có vụ lên đến 18 ngàn người. Tổng cộng đến giữa năm 2006 đã có 225.682 lượt người tham gia đình công. Thời gian đình công có khi kéo dài đến 7 ngày, khó hòa giải. Thời điểm xảy ra thường vào cuối năm Âm lịch là thời điểm chuẩn bị nhận lương, tiền thưởng.

Ông giáo sư Phan An đã viết ra một số sự thật, vì không thể che dấu được, để rồi buộc tội những người lao động tham gia đình công như sau: dù phần lớn người lao động đều đòi hỏi chính đáng, thế nhưng các vụ đình công đều không đúng trình tự, thủ tục qui định và đều vi phạm về chủ đề đình công. Các cuộc đình công đều do người lao động bộc phát mà không có tổ chức công đoàn cơ sở tổ chức theo quy định của luật lao động. Điều đó cho thấy sự hiểu về pháp luật của người lao động còn hạn chế cũng như vai trò của công đoàn cơ sở khá mờ nhạt.

Tại sao những cuộc đình công vừa qua lại không qua công đoàn? Điều này ông giáo sư An chắc chắn biết rõ, vì công đoàn đâu có bênh vực quyền lợi cho người lao động, chỉ lo bảo vệ đảng và các chủ doanh nghiệp để hưởng lợi. Quy chụp cho người lao động đình công sai luật là giúp cho các chủ doanh nghiệp đủ mọi thành phần có lý do chính đáng để tiếp tục bóc lột sức lao động của người dân Việt Nam. Còn về phía nhà nước thì chưa bao giờ xử lý nghiêm khắc chủ doanh nghiệp vi phạm luật lao động, chỉ ráo riết lùng bắt và xử thiệt nặng những ai mà chính quyền nghi là người đứng đầu những cuộc đình công đó.

Người lao động sẽ không còn đình công nếu như sự bóc lột chấm dứt

Khi bị chủ doanh nghiệp bóc lột sức lao động quá mức chịu đựng, thì đương nhiên người công nhân phải tự đứng lên đòi lại quyền lợi cho mình qua hình thức đình công cho dù biết rằng sẽ bị bắt. Trước đây, có thể người dân còn sợ chính quyền trả thù, nhưng nay đã không còn tiêu cực như trước nữa mà đang can đảm đứng lên đấu tranh. Người lao động sẽ không còn đình công nếu như sự bóc lột chấm dứt, cớ gì mà ông giáo sư An phải lo khi viết câu: “tại thành phố HCM, cứ đến cuối năm Âm lịch thường xảy ra nhiều vụ đình công và e rằng những năm sau cũng vậy”.