Doanh Nghiệp Xuất Khẩu Giày Da Việt Nam Đang Gặp Bất Lợi Trong Vụ Kiện Chống Bán Phá Giá Tại Thị Trường Âu Châu

Vào ngày 7 tháng 7 năm 2005, Ủy ban Âu Châu (EU) đã chính thức quyết định mở cuộc điều tra chống bán phá giá giày da của hai nước Việt Nam và Trung quốc theo đơn kiện của Liên đoàn giày da Âu châu (CEU). Theo Ủy ban điều tra thì từ năm 2002 cho đến quý đầu năm 2005, số lượng giày da của Việt Nam xuất cảng sang thị trường các nước Âu châu đã tăng đến 79% (từ 78,1 triệu đôi vào năm 2002 nay đã lên đến 139,6 triệu đôi), trong khi đó giá bán lại giảm 30%. Các nhà sản xuất giày da ở EU cho rằng do việc các nhà xuất cảng giày da Việt Nam bán phá giá khiến cho việc sản xuất giày da của EU giảm đến 14%, đe dọa đến công ăn việc làm của mấy triệu người liên quan đến công nghệ dày da của EU.

Cũng như các doanh nghiệp xuất cảng cá basa và tôm trong vụ kiện chống bán phá giá tại Hoa Kỳ trước đây, phần lớn doanh nghiệp giày da xuất cảng Việt Nam cũng nói là họ không hề bán phá giá và khẳng định rằng sẽ theo đuổi đến cùng vụ kiện. Tuy nhiên sau đó khoảng 10 ngày thì phân nửa doanh nghiệp tham gia vụ kiện đã xin rút lui vì sợ tốn tiền mà sác xuất thua kiện rất là cao. Bằng chứng là vụ kiện cá basa, cá tra trước đây tại Mỹ tốn gần cả triệu đô la, vụ tôm khoảng 3 triệu Mỹ kim mà vẫn thua. Vụ giày da lần này chắc còn phải tốn kém nhiều hơn nữa.

Vì chưa công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường nên phía nguyên đơn (tức là phía nạp đơn kiện, gồm có 814 nhà sản xuất giày ở EU) đề nghị Ủy ban điều tra chọn Brazil là quốc gia có nền kinh tế thị trường để là chuẩn cho việc tính toán giá cả. Nhưng theo ý của Hiệp hội giày da Việt Nam (Lesaso) đề nghị chọn Indonesia vì nước này có cách thức sản xuất và mức giá tương đương với Việt Nam, còn nếu chọn Brazil thì sẽ gặp nhiều bất lợi vì giá thành phẩm của nước này cao hơn Việt Nam rất nhiều. Ví dụ cũng một đôi giày da đồng chất lượng giá của Brazil là 19,94 Euro và giá của Việt Nam là 8,52 Euro. Cả bên Nguyên lẫn bên Bị có thể có ý kiến lựa chọn nước làm tiêu chuẩn giá cả cho phù hợp để so sánh, nhưng chỉ nội trong 10 ngày kể từ ngày 7 tháng 7. Tờ Jakarta Post, số ra ngày 25 tháng 7, trong mục kinh tế có loan tin cho hay không có doanh nghiệp xuất khẩu giày da nào của Indonesia đồng ý cho các doanh nghiệp xuất khẩu giày da Việt Nam sử dụng giá cả của mình làm tiêu chuẩn đối chiếu trong vụ kiện bán phá giá giày da tại EU. Khi biết dược tin này thì chỉ còn một ngày nữa là hết hạn đề nghị chọn quốc gia làm tiêu chuẩn so sánh giá cả, Hiệp hội giày da Việt Nam liền liên lạc ngay với ngành sản xuất giày của Thái Lan để tìm kiến sự giúp đỡ nhưng cũng chưa nhận được trả lời.

Nếu thua kiện thì tất cả các loại giày có xuất xứ từ Việt Nam sẽ bị áp dụng một mức thuế cao để chống phá giá. Thuế chống phá giá mà EU áp dụng là giá trị nhỏ nhất giữa biên độ phá giá và biên độ gây ra thiệt hại. Biên độ gây ra thiệt hại là tổng chi phí sản xuất mặt hàng giày dép của doanh nghiệp sản xuất cộng với một tỷ lệ từ 5 đến 15% cho lợi nhuận.

Sắp đến ngày ra tòa rồi mà Hiệp hội giày da Việt Nam vẫn chưa quyết định về việc chọn luật sư cho các doanh nghiệp Việt Nam, chỉ loan báo đã chọn công ty luật YKVN tư vấn cho các doanh nghiệp trong việc trả lời các bảng câu hỏi của ủy ban điều tra đưa ra. Các doanh nghiệp tham gia điều tra phải trả lời đầy đủ và chính xác, đúng hạn các yêu cầu về những dữ liệu mà ủy ban điều tra đưa ra, nếu không thì mức thuế bị áp đặt thường dựa trên thông tin của bên kiện. Nếu doanh nghiệp chứng minh được hoạt động của mình tuân theo quy luật thị trường, không chịu sự can thiệp trực tiếp của nhà nước thì mới được hưởng quy chế hoạt động trong điều kiện thị trường. Các doanh nghiệp được hưởng quy chế này có quyền sử dụng giá bán trong nước mà định giá cho hàng xuất cảng mình.

Căn cứ vào đạo luật chống phá giá hiện hành và lịch sử điều tra chống bán phá giá của EU, người ta có thể dự đoán là các mặt hàng giày dép xuất cảng Việt Nam khó tránh khỏi việc bị áp dụng biện pháp chống phá giá trong vụ kiện này. Trách nhiệm này một phần là lỗi ở các doanh nghiệp do sự thiếu hiểu biết về luật cạnh tranh trong thị trường Âu châu, nhưng phần lớn là do nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam không có đủ khả năng hướng dẫn cho các doanh nghiệp ngay từ đầu để tránh những thiệt hại quá nặng khi chỉ cắm đầu lo khâu sản xuất mà thôi.