ĐỔI MỚI TỪ ĂN BÁM ĐẾN ĂN CƯỚP

Trần Đức Tường

Từ nhiều năm nay, và nhất là trước những tố cáo của người dân và của quốc tế liên quan đến vấn đề vi phạm Nhân Quyền và tình trạng không có dân chủ tại Việt Nam, CSVN luôn dở giọng điệu khoe khoang sự thành công của chính sách “đổi mới” của họ. Cao điểm của những khoe khoang này là trong dịp CSVN tổ chức Hội Nghị APEC hồi cuối năm 2006. Chẳng là thời điểm đó đánh dấu 20 năm đảng CSVN đưa ra đường lối “đổi mới”.

21 năm trôi qua. Đã có một thế hệ Việt Nam trưởng thành với hàng chục triệu người không hề biết đến cái thời kỳ trước “đổi mới”. Và không biết tại sao CSVN lại phải “đổi mới”. Dĩ nhiên là bộ máy tuyên truyền cộng sản chỉ nói đến “thành quả” của “đổi mới” mà không nói đến tình trạng cơ cực của dân chúng cả nước trong bốn chục năm trước đó. Năm 1945, nước ta là một nước thuộc địa, bị thực dân đô hộ gần một thế kỷ. Do cục diện thế giới, dân ta đã dành được độc lập. Thay vì nghiên cứu để đưa ra một đường hướng với những giải pháp phù hợp với xã hội và dân tộc Việt Nam vừa thoát khỏi xiềng xích nô lệ, Hồ Chí Minh theo lệnh của quốc tế cộng sản đã ôm mớ chủ thuyết si cuồng từ Châu Âu về áp đặt trên đất nước ta. Trong nhiều tài liệu, CSVN khen ngợi Hồ Chí Minh đã “vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào tình hình thực tế Việt Nam”. Thực chất CSVN đã chẳng vận dụng sáng tạo gì. Họ bị Staline và Mao Trạch Đông đè đầu, cưỡi cổ, không cho phép CSVN làm điều gì khác với giáo điều và mệnh lệnh của Bắc Kinh và Điện Cẩm Linh.

Cán bộ Tầu cộng đã chỉ đạo trực tiếp cuộc “cải cách ruộng đất” đẫm máu tại miền Bắc trong 2 thập niên 50 và 60. Tập đoàn lãnh đạo CSVN từ Hồ Chí Minh đến Trường Trinh, không kẻ nào dám cãi lệnh. Sau cuộc “cải cách ruộng đất”, đến thời kỳ triệt phá kinh tế tư sản tư doanh và đưa ra chính sách “làm ăn tập thể”. Tài sản, ruộng đất của nhân dân đã bị CSVN tước đoạt để xung vào các “hợp tác xã” công nghiệp và nông nghiệp. Người dân từ vị thế chủ nhân của đất đai, ruộng vườn, cơ sở công kỹ nghệ đã trở thành công nhân trong các hợp tác xã này. Trong lúc cộng sản tuyên truyền “phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân” thì thực chất nhân dân chỉ là đám nô dịch của cán bộ cộng sản mà thôi. Bọn này bản chất ngu tối và lười biếng đã trở thành những người quản lý hợp tác xã, những chủ nhân ông đích thực. Chúng không đụng tay đến công cụ, nông cụ sản xuất; trong lúc người dân đầu tắt mặt tối, bán lưng cho trời, bán mặt cho đất từ sáng sớm tinh mơ đến lúc trời tối mịt. Làm như trâu bò mà không đủ ăn, đủ mặc. Bọn cán bộ cộng sản thì phè phỡn, chấm công, o ép nhân dân không khác gì cai phu đồn điền dưới thời thực dân đô hộ. Không sản xuất mà vẫn được hưởng tiêu chuẩn hơn hẳn những người lao động. Bọn chúng quả là bọn ăn bám.

Đến năm 1989, không thể chấp nhận kiếp sống khốn nạn do chủ nghĩa Mác-Lênin mang lại, nhân dân các nước XHCN Đông Âu đã nhất loạt đứng lên giật sập các chế độ cộng sản. Hang ổ của chủ nghĩa này là Liên Xô cũng bị sụp đổ vào năm 1991. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã bị nhân loại quẳng vào xọt rác. Trước nguy cơ sụp đổ, CSVN cũng đã từ bỏ con đường XHCN bằng cách chuyển nền kinh tế XHCN sang hướng kinh tế thị trường, xóa bỏ cung cách làm ăn tập thể, giải tán các hợp tác xã, nhất là trên lãnh vực nông nghiệp. CSVN đã gọi sự chuyển hướng này là “đổi mới”. Họ sợ không dám nói đến “thay đổi” nên đã dùng từ ngữ “đổi mới”. Nhưng họ không nói tại sao phải “đổi mới”. Vì nêu ra lý do “đổi mới” tức là thú nhận chủ nghĩa Mác-Lênin là vô giá trị nếu không muốn nói là tai họa cho đất nước. Bao nhiêu năm họ dẫn dắt cả nước đi con đường này là một sự sai lầm vĩ đại không thể tha thứ được.

Sau khi chuyển sang kinh tế thị trường, với bản chất ăn bám, CSVN vẫn không hề làm ra ra được bất cứ một thứ sản phẩm nào, họ đã đào bới đất đai để chiêu dụ đầu tư nước ngoài. Hơn thế nữa, họ còn cướp đoạt đất đai, ruộng vườn của nhân dân để bán cho doanh nhân nước ngoài. Hành động ăn cướp của cường quyền CSVN được luật pháp bất công do chúng đặt ra, đã khiến cho hàng triệu người dân bị thiệt thòi, oan ức. Tiếng kêu của dân oan đã vượt biên giới Việt Nam ra đến toàn thế giới, đã vang động lên đến tận trời xanh. Tội nghiệp cho nhân dân ta, vẫn tưởng dưới chế độ XHCN ở Việt Nam còn có công lý, đã ngày đêm lặn lội, suốt năm này qua tháng khác đội đơn đi khiếu kiện.

Biết được rằng, đi kiện kẻ cướp với tướng cướp sẽ không có hiệu quả, người dân đã xuống đường biểu tình, đấu tranh. Bạo quyền vẫn không có tỏ thiện chí giải quyết thỏa đáng cho nhân dân. Tệ hơn thế nữa, CSVN đã cô lập đám dân oan khiến họ đói khát, màn trời chiếu đất rất là thê thảm. Trước cảnh thương tâm đó, nhiều nhà hảo tâm đã giúp đỡ lương thực, quần áo cho những người khiếu kiện.

Trong những nhà hảo tâm, có Hòa Thượng Thích Quảng Độ và chư tôn đức thuộc GHPGVNTN. Lập tức bạo quyền cộng sản huy động báo đài trong nước vu cáo, bôi nhọ.

Càng ngày CSVN càng lộ rõ bộ mặt bỉ ổi của họ. Họ đã “đổi mới” từ ăn bám sang ăn cướp. Vì ăn cướp thời nay làm giầu mau hơn ăn bám thời bao cấp.