Dư Luận Nhật Đề Cập Về Bản Báo Cáo Sập Cầu Cần Thơ

Ngô Văn

Ngày 2 tháng 7 năm 2008, ông Nguyễn Hồng Quân, Bộ trưởng Xây Dựng của chính quyền CSVN đã cho công bố bản báo cáo điều tra cuối cùng về nguyên nhân gây ra việc sập cầu Cần Thơ (26/9/2007) trong lúc đang thi công làm thiệt mạng trên 54 người và hàng chục người khác bị thương.

Bản báo cáo điều tra này đã được chính quyền Hà Nội gởi cho Tokyo vào ngày 4/7/2008, qua sáng hôm sau nó được xuất hiện ngay trên các mặt báo phát hành tại Nhật. Với bản báo cáo này, tai nạn sập cầu Cần Thơ coi như được hai chính quyền Hà Nội và Tokyo khép sổ lại, nhưng đối với gia đình các nạn nhân thì không thể nào xếp lại được vì có rất nhiều vấn đề Ủy ban điều tra không truy tìm đến nơi đến chốn, nếu không muốn nói là dấu kín hay chỉ lướt qua hầu giúp cho các hãng thầu, các hãng thi công được nhẹ tội.

Sau khi công bố bản báo cáo điều tra cuối cùng, ông Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân vui ra mặt nói với các ký giả rằng phía (chính phủ) Nhật đã thống nhất với kết quả điều tra, nghĩa là không còn thắc mắc gì nữa, ông Quân còn nói thêm là chắc chúng tôi khó mà truy trách nhiệm về hình sự thêm nữa đối với các hãng thầu Nhật vì họ đã thực hiện trách nhiệm dân sự, đền bù thiệt hại như thế là quá đủ.

Điều tra một tai nạn là đi tìm nguyên nhân vì sao nó xảy ra, lỗi ở khâu nào, do ai gây nên để truy trách nhiệm hầu ngăn chận trường hợp tương tự có thể xảy ra sau này. Bản báo cáo điều tra cuối cùng của Việt Nam đưa ra kết luận tai nạn sập cầu là do việc lún lệch các trụ tạm P13 và P14, điều này không thể dự đoán trước được. Báo cáo như vậy là coi như cho rằng chẳng có đơn vị nào, cả thầu lẫn thi công, phải chịu trách nhiệm hành chánh về vụ này vì nó vượt khỏi khả năng dự đoán của con người. Không truy thêm trách nhiệm hành chánh đối với các hãng thầu Nhật thì Tokyo dại gì mà không gật đầu đồng ý, có điên mới không nhất trí với cái bản báo cáo điều tra cuối cùng do Hà Nội đưa ra.

Về phía chính phủ Nhật là như thế, nhưng giới truyền thông và nhất là các chuyên gia xây dựng Nhật thì có cái nhìn khác về bản báo cáo điều tra cuối cùng này. Các báo Nhật khi đăng tin này đã kèm theo một lời nhận xét như sau: Bản báo cáo điều tra cuối cùng của Việt Nam đưa ra rõ ràng là không muốn truy thêm trách nhiệm đối với Nhật Bản, có lẽ Hà Nội không muốn làm mất lòng Tokyo, nơi cung cấp nhiều nguồn viện trợ ODA cho họ. Một hãng thầu lớn có tiếng với thế giới mà khi để xảy ra tai nạn là mình phải chịu trách nhiệm chứ không thể bảo là ’’không dự đoán trước được’’ như bản báo cáo kết luận. Nếu không dự đoán trước được thì làm sao bảo đảm an toàn cho toàn công trình xây dựng do mình đảm nhiệm, như thế từ đây về sau có quốc gia nào dám mời vào đấu thầu. Nếu muốn thế giới tín nhiệm và đánh giá cao về kỹ thuật xây dựng của Nhật thì đừng tự ru ngủ mình với cái báo cáo đó.

Một phụ nữ chờ tin người thân mất tích.

Các chuyên gia xây dựng hàng đầu của Nhật thì nói rằng những chiếc cầu như cầu Cần Thơ thì Nhật đã xây rất nhiều, xây trong nội địa nước Nhật cũng có mà xây ở các nước cũng không phải là ít, có cái còn khó khăn hơn cầu Cần Thơ nhiều, nhưng chưa bao giờ xảy ra tai nạn chứ đừng nói đến chuyện tai nạn kinh hồn như vụ sập cầu Cần Thơ vừa rồi. Khi điều tra thì thấy ngay họa đồ thiết kế không có vấn đề gì. Nên nhớ sau khi sập cầu Cần Thơ phía Nhật Bản cũng phải trình họa đồ thiết kế cây cầu này cho Hiệp hội xây dựng Thế giới kiểm định, bao gồm kết quả điều tra địa chất tại nơi xây cầu. Như vậy tai nạn xảy ra rõ ràng là ở khâu thi công do các hãng Việt Nam và Trung quốc thực hiện, nhưng chẳng phải như thế là hãng thầu chính không có trách nhiệm. Chúng tôi nghĩ rằng hãng thầu chính biết chắc những hãng thi công vì muốn kiếm nhiều lời nên không giữ đúng chất lượng thi công theo như họa đồ thiết kế quy định để bảo đảm mức độ an toàn tối đa cho công trình xây cất. Biết mà không nói ra vì nhiều lý do, kể cả bị áp lực cũng là có trách nhiệm nặng, coi như không tuân thủ theo phương châm căn bản nhất của ngành kiến thiết đó là ’’An Toàn Là Trên Hết’’. Vụ sập cầu Cần Thơ là một vết nhơ cho ngành kiến thiết Nhật, không bao giờ rửa sạch được.

Phải xếp sổ vụ sập cầu Cần Thơ lại cho nhanh và nhất là không dám truy trách nhiệm cho các hãng thầu Nhật để khỏi làm mất lòng Tokyo, nên mới có cái báo cáo điều tra cuối cùng đó do chính ông Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân tuyên bố. Sinh mạng của hơn 54 công nhân, thợ thuyền trong vụ sập cầu Cần Thơ là cái giá mà chính quyền CSVN đem ra thương lượng để mong Tokyo tiếp tục viện trợ. Đây không phải chỉ là nhận xét của người Việt Nam, mà ngay báo chí Nhật cũng nói lên điều này. Một chính quyền như thế không có tư cách đại diện cho người dân Việt Nam., chắc chắn là như vậy.

Ngô Văn