Đường dây lừa đảo trực tuyến liên quan Trung Quốc gia tăng hoạt động tại Việt Nam

RFA

Một căn cứ cưỡng bức lao động lừa đảo qua mạng tại Cambodia năm 2022. Ảnh: Reuters

Việt Nam là quốc gia có số người dùng mạng xã hội thuộc hàng đầu trên thế giới và đang dần trở thành một trung tâm lớn về tin giả và lừa đảo tuyển dụng qua không gian mạng.

Đây là nội dung được nêu ra trong buổi hội thảo trực tuyến về nội dung “Lừa đảo qua mạng và buôn người ở Campuchia và Việt Nam,” do Viện Hòa Bình (USIP), có trụ sở tại Hoa Kỳ, tổ chức hôm 2/7/2024.

Ông Andrew Wells-Dang, chuyên gia cấp cao chuyên về Việt Nam của USIP, cho biết một trong những mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh ở Đông Nam Á là sự hiện diện ngày càng tăng của các mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia, trong số đó có nhiều mạng lưới có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Từ khi bắt đầu với các hoạt động cờ bạc trực tuyến, sòng bạc và rửa tiền, những mạng tội phạm này đã chuyển trọng tâm sang các hoạt động lừa đảo qua mạng tinh vi hơn. Nhiều người trên khắp thế giới là nạn nhân của những vụ lừa đảo có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Tệ hơn, những kẻ lừa đảo còn lôi kéo người khác đến làm việc tại các trụ sở với hứa hẹn về một công việc hợp pháp, sau đó họ bị bắt làm con tin và buộc phải lừa lại người khác:

“Hôm nay chúng ta sẽ nghe các nhà hoạt động và nhà nghiên cứu thuộc các tổ chức phi lợi nhuận nói về phạm vi của vấn đề này và cụ thể là nó ảnh hưởng như thế nào đến người dân ở Việt Nam và Campuchia. Cả hai nước đều là nạn nhân của nạn buôn người và lừa đảo. Đặc biệt, Campuchia đã trở thành căn cứ hoạt động của một số mạng lưới tội phạm.”

Bà Diệp Vương, chủ tịch của tổ chức phi lợi nhuận Pacific Links Foundation, nhận định Việt đang dần trở thành trung tâm của tin giả và lừa đảo tuyển dụng qua mạng. Nguyên do chính là sau đại dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn hồi phục. Thêm vào đó, ngày càng có nhiều tin giả và do đó số lượng tuyển dụng lừa đảo qua mạng ngày càng tăng.

Theo DataReportal, tính đến hết tháng 5/2023, trong số 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook, TikTok và Youtube nhiều nhất thế giới – Việt Nam lần lượt xếp vị trí thứ 6, 7 và 9.

Ông Jason Tower, chuyên gia cấp cao chuyên về Burma của USIP, cho biết Việt Nam đã bị ảnh hưởng nhiều với tư cách là một quốc gia tiền tuyến. Biên giới Việt Nam bị bao vây bởi những ổ tội phạm này. An ninh biên giới của Việt Nam bị ảnh hưởng sâu sắc.

Gần đây hơn, các nhóm tội phạm gốc Trung Quốc đang tìm cách tạo dựng chỗ đứng tại Việt Nam nhằm biến Việt Nam thành trung tâm cho hoạt động lừa đảo trực tuyến:

“Bằng chứng cho điều này là vào tháng 6 năm nay, chỉ cách đây vài tuần, Công an Việt Nam đã triệt phá được 5 trung tâm lừa đảo đang được các nhóm tội phạm Trung Quốc [điều hành]. Nó minh họa cách thức mà các mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia này đang cố gắng giành được nhiều chỗ đứng hơn ở Việt Nam, ảnh hưởng đến an ninh của Việt Nam.”

Ông Ryan McKean, Giám đốc Văn phòng Đại diện Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL), thuộc Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội phát biểu tại hội thảo rằng tội phạm xuyên quốc gia đang gây ra bất ổn toàn cầu. Nó làm xói mòn nền dân chủ, làm giảm tăng trưởng kinh tế và đầu tư.

Đông Nam Á đã trở thành nơi sản sinh ra các mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia và nhiều mạng trong số đó có nguồn gốc hoặc liên kết với Trung Quốc, đang tạo ra một làn sóng tội phạm mới trên toàn thế giới.

Những trung tâm lừa đảo này được điều hành bởi các mạng lưới tội phạm chuyên buôn bán người và lao động cưỡng bức và đánh cắp số tiền khổng lồ từ nạn nhân trên khắp thế giới.

Theo ông Ryan McKean, có hai nhóm nạn nhân chính của các đường dây lừa đảo qua mạng. Thứ nhất là những người bị dụ dỗ đến làm việc ở các trụ sở của nhóm lừa đảo. Những công việc này thường được quảng cáo là thuộc ngành công nghệ, để rồi chính những người lao động này bị lừa và bị cưỡng bức làm việc và lừa đảo lại người khác.

Họ thường là nam giới được đào tạo kỹ năng về công nghệ và ngoại ngữ. Ước tính có khoảng 300.000 nạn nhân buôn người từ hơn 60 quốc gia đang bị giam giữ tại các trung tâm lừa đảo ở Đông Nam Á.

Theo thông tin của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại thành phố Sihanoukville, Campuchia, vào ngày 09/3 vừa qua, hơn 100 công dân Việt Nam đang làm việc trái phép tại một cơ sở lừa đảo rủ rê đánh bạc trực tuyến đã bị các cơ quan chức năng Campuchia bắt giữ, trục xuất về nước.

Nhóm nạn nhân thứ hai chính là mục tiêu của những trò lừa đảo qua mạng. Hoa Kỳ và các công dân Đông Nam Á là mục tiêu chính của mạng lưới này. Vào năm 2023, công dân Hoa Kỳ đã thiệt hại ước tính khoảng 3,5 tỷ USD vì những âm mưu tội phạm này. Con số này có thể bị đánh giá thấp do báo cáo chưa đầy đủ.

Theo ông Ryan McKean, mối đe dọa ngày càng tăng này sẽ đòi hỏi sự hợp tác quốc tế được cải thiện để chống lại khả năng hoạt động xuyên biên giới của các nhóm tội phạm:

“Hoa Kỳ cam kết sát cánh cùng các đối tác Đông Nam Á để hỗ trợ các nỗ lực của họ trong việc ngăn chặn, triệt phá tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và các hoạt động lừa đảo trực tuyến.”

Tiến sĩ Hải Lương, giảng viên chuyên ngành tội phạm học tại Đại học Griffith, Úc nêu một số giải pháp mà chính phủ Việt Nam cần thực hiện để ngăn chặn tình trạng tội phạm trực tuyến, bao gồm: cải tiến khuôn khổ pháp lý, tăng cường hợp tác song phương/đa phương giữa các quốc gia liên quan, tuyên truyền các phương thức tuyển dụng của các mạng lưới lừa đảo xuyên quốc gia, đầu tư và nâng cao quyền lực của chính quyền địa phương, tăng cường chia sẻ thông tin để điều tra tội phạm, nhận diện và hỗ trợ nạn nhân bị lừa đảo cưỡng bức phạm tội.

Nguồn: RFA