Giá Cả Sinh Hoạt Tại Việt Nam Càng Ngày Càng Tăng Tốc

Ngô Văn

Theo sự công bố của nhà nước CSVN thì năm nào nền kinh tế Việt Nam cũng có sự tăng trưởng cao, đặc biệt năm nay (2007), mới chỉ 6 tháng đầu con số đã đạt 7,8%. Nếu thật vậy thì đây là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ những năm gần đây.

Khi một quốc gia thực sự có chỉ số tăng trưởng kinh tế cao thì người dân chắc chắn sẽ dễ thở hơn trong việc mua sắm. Không lý Việt Nam lại nằm trong trường hợp ngoại lệ, nghĩa là vẫn có sự tăng trưởng kinh tế cao mà người dân lại sợ mỗi khi phải đi chợ mua đồ. Vào những năm cuối thập niên 40 của thế kỷ trước, người dân miền Bắc mỗi khi đi chợ là phải gánh theo cả thúng tiền ’’Cụ Hồ’’, những năm cuối thập niên 70 thì người dân cả nước phải đựng những đồng tiền đó bằng bao bố mỗi khi đem ra giao dịch. Nói như thế để cho thấy là đồng tiền ’’Cụ Hồ’’ chẳng có giá trị gì cả. Bây giờ người dân đã thoát khỏi cảnh phải gánh tiền khi đi chợ vì đã có giấy bạc mệnh giá lên đến cả 1 triệu đồng, nhưng không phải vì thế mà giá trị đồng tiền tăng, ngược lại là đằng khác.

Bây giờ cầm 60 ngàn đồng ra chợ chẳng mua được gì cho bốn miệng ăn trong một ngày, đó là lời thổ lộ của chị Hoa được đăng trên trang điện tử của tờ Tuổi Trẻ ngày 26/7/2007. Giá cả sinh hoạt tại Việt Nam trong những tháng gần đây tăng tốc một cách chóng mặt khiến người dân chỉ còn nước than trời. Theo Tổng cục Thống kê của nhà nước CSVN thì trong tháng 7/2007, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng ở mức kỷ lục, thêm 0,94%. Người đi chợ phải chi nhiều tiền hơn, nhưng hàng hóa mua được chẳng bao nhiêu so với trước. Con số mà Tổng cục Thống Kê này đưa ra cũng không đúng vì bây giờ nửa ký thịt heo đã mất đứt 30.000 đồng, trong khi lúc trước chỉ có hai mươi mấy ngàn là cùng.

Báo Tuổi Trẻ viết rằng hầu hết các bà đi chợ khi được hỏi đều thừa nhận rất ngán đi chợ, vì cứ xách giỏ đi vòng vòng không biết mua gì, đụng vào cái gì cũng tăng vù vù nên ớn quá. Cũng theo con số thống kê của nhà nước CSVN đưa ra thì trong các nhóm mặt hàng tăng giá, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng nhiều nhất. Trong nhóm này lương thực tăng 15,03%, thực phẩm tăng 10,06%. Nếu so với tháng 6/2007 thì thực phẩm cũng tăng đến 2,29. một số tỉnh thành còn tăng cao hơn như Hải Phòng 6,95%, Thái Nguyên 3,32%. Nhóm mặt hàng thứ hai tăng giá mạnh là nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 19.93% so với tháng 7/2006. Các nhóm khác như dược phẩm, y tế hay giáo dục đều tăng từ 4 đến 8%.

Hãy nghe ý kiến của các quan chức nhà nước CSVN nói về những biện pháp ngăn chận tình trạng giá cả leo thang như hiện nay. Trước hết là Ông Ngô Trí Long, quan chức viện Nghiên cứu khoa học thị trường và giá cả thuộc bộ Tài chánh. Theo ông Long thì để kiềm chế tốc độ tăng CPI trong các tháng tới, yếu tố quan trọng nhất cần khống chế là yếu tố tâm lý. Còn Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thì nói rằng quan trọng nhất hiện nay là phải đảm bảo cung cầu hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng hóa thiết yếu, đẩy mạnh sản xuất và nếu không đủ thì phải tăng cường nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu, kiểm soát tiền tệ, tăng lương cho viên chức hành chánh, bao gồm cả người trong khối Đảng và đoàn thể. Đối với đơn vị sự nghiệp thì phải tìm biện pháp để thúc đẩy vì khối này luôn luôn có biên chế tăng cao, không giảm được cho nên phải để cho các thành phần kinh tế tham gia, qua đó giải quyết thu nhập (không thể nào tránh được chuyện lạm dụng chức vụ và quyền hạn để trục lợi trong việc kinh doanh).

Những biện pháp mà các quan chức cao cấp của nhà nước đưa ra rất chung chung, nên dự báo là trong tháng 8 tới chỉ số giá cả có thể tăng cao hơn.Từ trước đến nay, tại Việt Nam các mặt hàng tiêu dùng và nhu yếu phẩm một khi đã lên giá thì đừng bao giờ trông mong chúng hạ giá lại như xưa. Những gia đình nào có thân nhân ở nước ngoài gởi tiền về giúp đỡ thì may ra còn chống cự được qua ngày với giá cả leo thang như hiện nay, còn phần đông chỉ còn cách uống nước cầm hơi, mà giá nước cũng sẽ tăng trong nay mai.