Gia Đình Tại Việt Nam Đang Có Nguy Cơ Bị Khủng Hoảng

Trong một tài liệu nghiên cứu của Nhóm Nghiên Cứu Gia Đình – Xã Hội Việt Nam, về mối quan hệ gia đình của người dân hiện nay đã đưa ra một kết luận khá tiêu cực rằng: ’Hiện tượng khủng hoảng và tan vỡ gia đình ngày càng tăng là biểu hiện của sự xuống cấp đạo đức, của lối sống thực dụng và ích kỷ hơn. Con người trong xã hội đổi mới hiện nay ít quan tâm đến nỗi đau của người khác, nhất là sự thiệt thòi của trẻ em khi gia đình rơi vào khủng hoảng. Những giá trị truyền thống cũng không còn được coi trọng như trước đây và mối quan hệ gia đình cũng lỏng lẻo’. Với đối tượng thăm dò là 600 gia đình trong thành phố Sài Gòn, nhóm nghiên cứu nói trên đã cho rằng thời gian mà cha mẹ dành cho việc học hành và giáo dục con cái chỉ đạt 43% số cha mẹ dành từ 5-15 phút / ngày cho con, 12% dành 1 giờ trở lên và có đến 22% không ngó ngàng gì đến con cái vì bận kiếm sống.

Ngoài ra, do sự mở cửa kinh tế sau nhiều năm sống trong cảnh ngăn sống cấm chợ, hầu hết các gia đình Việt Nam đã bung ra làm kinh tế một cách thái quá, thậm chí coi vật chất như một phương tiện để tạo động lực trong việc giáo dục trẻ em. Nhiều gia đình đã có cơ hội giàu có quá nhanh dưới nhiều hình thức kể cả tham ô, nhũng lạm đã quá dễ dãi trong việc đáp ứng nhu cầu vật chất, tiền bạc của con cái, nhưng lại hoàn toàn không chú ý đến việc xem con mình sử dụng đồng tiền như thế nào. Sự lơ là trong việc quan tâm đến hành vi tiêu dùng của con cái lại được tiếp sức thêm bởi quan điểm khá thịnh hành trong nhiều gia đình Việt Nam hiện nay là ứng xử với con cái bằng tiền bạc, xem đó là giải pháp tốt nhất để đạt mong muốn của cha mẹ. Nói chung là tình trạng lơ là trong việc giáo dục con cái ở nhà suy giảm thấy rõ, trong khi đó các bậc phụ huynh thì chạy ngược chạy xuôi kiếm tiền cho con đi học các lớp luyện thi, các lớp học thêm rất tốn kém nhưng kết quả giảng dạy không bao nhiêu. Theo thống kê thì hầu hết trẻ em trong các gia đình hiện nay ở những khu vực thị trấn, thị xã, thành phố phó thác cho hệ thống trường học từ nhà trẻ, mẫu giáo cho đến các cấp phổ thông. Một nghiên cứu với 300 đối tượng gia đình cho thấy là có 70% gia đình này gửi con cái học bán trú trong thời gian đi làm.

Khảo sát 900 hộ gia đình sống quanh vùng Sài Gòn, cho thấy là 17% trong số họ vì quá bận rộn với việc mưu sinh nên không có thì giờ chuyện trò hay tâm sự với con ; 35% cho biết là họ cố gắng làm cũng chỉ dành từ 5 – 15 phút mỗi ngày cho con cái và 14,7% thừa nhận họ chưa một lần cùng con cái đi chơi giải trí nơi công cộng như công viên, rạp hát. Chính vì lẽ đó, có những đứa trẻ đã quên mất tên người bố trong gia đình hay là không thích bố vì bố hay mẹ đi quá nhiều, không ngó ngàng gì đến gia đình. Theo Tiến sĩ Hoàng Bá Thịnh thuộc đại học Sài Gòn cho rằng sự phát triển của thị trường và các dịch vụ xã hội đã khiến cho các gia đình ở đô thị xuất hiện xu hướng ’dịch vụ hóa các công việc trong gia đình’ đến mức mà nhiều gia đình tại Việt Nam đã không còn phải làm công việc gia đình ngoài những việc liên quan đến .. .vệ sinh cá nhân.

Tình trạng khủng hoảng gia đình nói trên bắt nguồn từ ba nguyên nhân chính. Thứ nhất là sự phá đổ nếp sống truyền thống gia đình lâu đời của dân ta, trong thời kỳ đảng Cộng sản Việt Nam cố áp dụng chủ trương ’tiến nhanh tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội’ để xây dựng mẫu người xã hội chủ nghĩa mới. Thứ hai là người dân sau bao năm sống trong cảnh ngăn sống cấm chợ, thiếu thốn mọi thứ nay được mở ra trong bối cảnh hỗn loạn của nền kinh tế thị trường hoang dã nên đã quá chú trọng vào vật chất, sẵn sàng làm bất cứ những gì để có tiền, để làm giàu khiến cho các giá trị tinh thần, đạo đức bị xem thường. Thứ ba là chính sách giáo dục bưng bít và cai trị bằng bạo lực của đảng Cộng sản Việt Nam đã làm cho người dân không còn dám tin lẫn nhau ngay cả đối với người thân trong gia đình, khiến tính nhân bản trong xã hội Việt Nam hiện nay đã bị suy đồi một cách trầm trọng. Phục hồi lại nền tảng gia đình Việt Nam đòi hỏi rất nhiều nỗ lực; nhưng trước hết phải nâng cao dân trí bằng sự mở rộng thông tin đại chúng để mọi người có thể hiểu biết về các giá trị của nhân sinh, giá trị của gia đình để giảm bớt những đua đòi vật chất. Song song với mở rộng thông tin đại chúng, nền giáo dục Việt Nam phải được tổ chức theo xu hướng xã hội hóa và đặc biệt là tạo điều kiện tham gia đóng góp của các tổ chức tôn giáo, từ thiện để giúp giải quyết những mặt tiêu cực của xã hội mà một mình chính quyền làm không xuể. Muốn làm được những nỗ lực này, trước hết Việt Nam phải là một xã hội dân sự, trong một chính thể dân chủ đích thực.