Giá tính thuế tài nguyên

FB Duc Minh Nguyen

Tít bài báo trên nên đổi lại: “UBND tỉnh tăng giá tính thuế tài nguyên, doanh nghiệp xin trả lại mỏ cát.”

Doanh nghiệp đấu giá mỏ cát năm 2023, lúc mà giá tính thuế là 150 ngàn đồng/khối. Cuối 2023, UBND tỉnh Quảng Ngãi tăng giá tính thuế lên 230 ngàn đồng/khối. Doanh nghiệp sẽ phải nộp thêm 13,9 tỷ đồng nếu tiếp tục khai thác. Họ đã quyết định xin trả lại mỏ.

Đây chính là một vấn đề rất lớn của ngành khoáng sản Việt Nam khi cho phép UBND cấp tỉnh quyết định giá tính thuế theo từng năm. Nó không khác gì việc cho thuê nhà 10 năm, nhưng giá thuê thì chủ nhà được phép thay đổi hàng năm.

Đối với cát, thời hạn khai thác ngắn, thường chỉ vài năm, đầu tư ban đầu không lớn, nếu có rủi ro thì dễ dàng thanh lý tài sản, mà việc tăng giá này đã có ảnh hưởng đến vậy.

Thử hỏi với những mỏ khoáng sản chiến lược như đất hiếm, thời hạn khai thác 20-30 năm, đầu tư ban đầu cực lớn gồm cả xây dựng mỏ và nhà máy chế biến đi kèm, nếu rủi ro thì không biết bán đi đâu, vậy thì ai dám xuống tiền khi không chắc về nghĩa vụ thuế của mình?

Thuế tài nguyên, được tính bằng tích của 3 tham số: sản lượng khai thác, giá tính thuế, và thuế suất. Thuế suất thì chỉ có Quốc hội và UBTVQH được phép điều chỉnh, nhưng giá tính thuế lại đang cho phép UBND cấp tỉnh quy định từng năm theo khung trần sàn của Bộ Tài chính.

Xác định giá tính thuế tài nguyên là một vấn đề thú vị. Về lý thuyết, giá tính thuế chính là giá khoáng sản bán ra. Nhưng nếu để doanh nghiệp tự kê khai giá này thì nguy cơ chuyển giá rất cao. Doanh nghiệp chỉ cần móc nối với bên mua, ghi giá trên hợp đồng thấp hơn giao dịch thật, là có thể giảm đáng kể nghĩa vụ thuế.

Để chống lại điều này, có nhiều cách khác nhau.

Cách thứ nhất, khá thô thiển, là Nhà nước sẽ tự áp đặt một mức giá mà Nhà nước cho là hợp lý. Nếu giá của doanh nghiệp thấp hơn thì nộp theo giá Nhà nước ấn định. Cách làm này sẽ ổn nếu cán bộ khách quan, làm điều tra thị trường kỹ, và linh hoạt điều chỉnh theo diễn biến thị trường. Trên thực tế, cả 3 điều này rất khó có được.

Ví dụ về tính khách quan. Nếu năm nào đó, một tỉnh nào đó thâm hụt ngân sách, UBND tỉnh sẽ có xu hướng đẩy giá tính thuế lên để thu thêm, bất chấp giá thực trên thị trường không tăng như vậy. Ở một tỉnh khác, doanh nghiệp “quan hệ” tốt với tỉnh thì UBND tỉnh sẽ hạ giá tính thuế cho loại khoáng sản mà doanh nghiệp đó khai thác, khoản chênh lệch chia nhau.

Cách thứ hai là dùng công cụ chống chuyển giá. Doanh nghiệp sẽ phải lập báo cáo để chứng minh giá bán của mình là phù hợp với thị trường (nguyên tắc arm’s length). Họ sẽ phải tìm kiếm giá của các giao dịch khác tương đương và chứng minh rằng giá của mình không thấp quá so với mặt bằng giá chung.

Cách này đánh vào đúng bản chất của vấn đề và hầu hết các quốc gia phát triển đều dùng. Tuy nhiên, nó cũng phải dựa trên một giả định là cán bộ thuế khi xem lại báo cáo này cũng phải khách quan và trung thực. Một điều mà mình cũng khá nghi ngờ sau khi nói chuyện với nhiều chuyên gia tư vấn thuế chuyên về chuyển giá.

Nhưng dù sao cách thứ hai này cũng cho phép thêm nguồn tin đầu vào (từ doanh nghiệp), thêm cơ hội tranh luận khi thanh kiểm tra thuế, và thêm nghĩa vụ giải trình (khiếu nại tố cáo). Dù nghĩa vụ thuế của cả hai phương pháp trên đều chưa thể xác định chính xác, nhưng phương sai của phương pháp thứ hai thấp hơn. Điều này cực kỳ quan trọng khi đầu tư dự án khai thác khoáng sản lớn vì phương sai nghĩa vụ thuế thấp thì rủi ro giảm, dự án dễ được rót tiền hơn.

Tất cả những phân tích trên khiến mình quay trở lại một mệnh đề bất di bất dịch trong ngành khoáng sản: Tài nguyên quốc gia sẽ là đòn bẩy thịnh vượng hay là lời nguyền đói nghèo lạc hậu, phụ thuộc vào sự trong sạch của chính quyền.

Nguồn: FB Duc Minh Nguyen