Giáo Dục Xuống Cấp Ngay Trong Bộ Giáo Dục CSVN

Quốc Hội Cộng sản Việt Nam lại mang vấn đề giáo dục ra tiếp tục… thảo luận. Đây là vấn đề mà Hà Nội đã thão luận trong gần 10 năm qua nhưng bế tắc trong phương hướng giải quyết vì sự bê bối quá mức của những kẻ thi hành. Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 20 tháng 9 vừa qua, Tào Hữu Phùng (Phó chủ nhiệm Quốc hội) đã kể về tình huống của chính những người thân trong gia đình của ông ta như sau: “Tôi đã yêu cầu vợ tôi nghỉ lớp tại chức, lớp tại chức mở vô tội vạ nên chất lượng không ai quản lý. Vợ tôi cũng đòi đi thi đại học tại chức khoa luật và đỗ ngay. Khi vào học, thi học kỳ, mỗi học sinh góp 100.000 đồng cho thầy là qua hết. Học như vậy chẳng trách ra trường nhiều người chẳng biết gì. Còn cô cháu gái, tốt nghiệp sư phạm thì nói với tôi rằng cháu rất sợ các em học sinh giỏi đặt câu hỏi, vì không trả lời được.” Ông Phùng nói tiếp: “Tình trạng giáo sư đại học, nhiều người được phong tặng chức giáo sư mà chỉ có vài nghiên cứu đăng trên các báo ít danh tiếng. Nhiều thầy giáo dạy quá hàng trăm giờ mỗi năm, như vậy thời gian đâu để nghiên cứu”.

Trong bản Báo cáo giám sát về ngành giáo dục cũng đã cho rằng cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo có xu hướng buông lỏng quản lý, không kiên quyết, không nghiêm túc xử lý và đấu tranh chống tiêu cực. Không những thế, họ còn tiếp tay cho gian dối. Nguyên nhân sâu xa là do thu nhập hạn chế nên cán bộ giáo dục, giáo viên đều tìm cách tăng thu nhập. Giáo viên phổ thông dạy thêm tràn lan, giảng viên đại học tập trung cho việc dạy tại chức. Ông Phùng cho rằng lương thấp không phải là nguyên nhân suy thoái đạo đức các nhà giáo. Nếu nói lương thấp sẽ giải thích thế nào việc thầy giáo ở Cao đẳng Truyền thanh truyền hình không cần tiền mà chỉ ‘‘đổi tình lấy điểm’’.

Đại biểu Hoàng Thanh Phú thì cho rằng căn nguyên của việc suy thoái đạo đức nhà giáo là do công tác đào tạo đại học và sau đại học yếu kém. Những tiến sĩ, thạc sĩ ‘‘rởm’’ lại trở thành những người thầy đào tạo thế hệ trẻ. Như vậy tránh sao khỏi chất lượng đào tạo càng ngày càng thấp. Vụ trưởng phòng Tổng hợp bộ Giáo Dục & Đào tạo Đào Thị Bình ’tình cờ’ bị phát giác có hành vi gian lận trong kỳ thi tuyển công chức của bộ ngay tại phòng làm việc của mình khiến chẳng ai tin vào khẩu hiệu chống tiêu cực mà bộ này đưa ra. Được biết vào lúc 8 giờ 20 phút sáng ngày 9 tháng 9 năm 2006, bà Bình đã gọi một giáo viên tiếng Anh tên là Bùi Thị Hiền đến phòng làm việc của mình, sau đó bà Bình bỏ đi để lại cô giáo Hiền ngồi lại một mình trong phòng, vào thời điểm đó trong trụ sở bộ GD & ĐT(gần phòng làm biệc của bà Bình) đang có một buổi thi tuyển công chức của bộ này về môn Anh ngữ. Trong những thí sinh dự thi kỳ thi tuyển này có cô em gái của bà Bình tên là Bùi Thanh Hoa và Bùi Quang Việt (em rể cô giáo Hiền). Khi đề thi được phát ra, khoảng mấy phút thì thí sinh Việt xin phép ra ngoài vì đau bụng, một lát sau thí sinh Hoa cũng xin phép ra ngoài đi vệ sinh. Cả hai thí sinh này đều chạy đến phòng làm việc của bà Bình để cho cô giáo Hiền chỉ cách giải đề thi. Ông Hoàng Gia Khiêm, Vụ phó vụ Tổ chức cán bộ có việc đến phòng bà Bình nên bắt gặp được vụ việc gian lận thi cử đó.

Trước sự việc đó, Bộ trưởng bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân khi bị hỏi ngành giáo dục đang mở cuộc vận động chống tiêu cực, ông nghĩ sao khi tiêu cực được phát hiện ngay trong trụ sở bộ Giáo Dục & Đào Tạo? Ông Bộ trưởng này trả lời rằng: Đây là chuyện bình thường, khi trình độ chung còn yếu kém thì tiêu cực bộc lộ khắp nơi. Mấy ngày nay, tôi đọc báo thấy hơi buồn khi dư luận nói tiêu cực ngay cạnh phòng Bộ trưởng. Tôi không liên can gì đến vụ này. Một câu hỏi khác cho ông Bộ trưởng này là vụ tiêu cực của bà Bình được phát hiện ngày 9 tháng 9, nhưng tại sao đến ngày 12 tháng 9 ông mới biết, trong khi phòng bà Bình ở sát ngay bên cạnh phòng ông? Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trả lời quanh co rằng: ’việc này đã được báo cáo rất chậm, hôm thi tuyển công chức của bộ diễn ra vào ngày thứ bảy (9/ 9), sau đó là ngày nghỉ. Thứ hai tôi bận đi công tác và đến thứ ba (12/ 9) mới biết vụ việc. Thực ra văn phòng bộ có thể báo cáo vụ việc này cho tôi bằng điện thoại”.Hiện nay bà Đào Thị Bình chưa bị xử lý, chỉ làm tờ kiểm điểm, vẫn đi làm bình thường và đang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ.

Khi những bộ phận lo tổ chức và đào tạo các thế hệ trẻ của đất nước mà biến chất trở thành nơi dung túng những tệ nạn tham ô, hủ hóa thì chắc chắn ngành giáo dục không thể nào tốt đẹp và hướng thiện. Nếu Quốc hội CSVN không nhìn ra thủ phạm chính là cơ chế quản lý của đảng Cộng sản thì dù có bàn đi bàn lại qua năm này tháng nọ cũng sẽ không bao giờ giải quyết được các vấn nạn giáo dục tại Việt Nam.