Giấy Phép Còn Là Một Bổng Lộc Của Cán Bộ, Quan Chức Nhà Nước

Ngô Văn
Người ta chỉ nghe ông Dũng nói nhiều chứ không làm bao nhiêu

Khi lên nhậm chức Thủ tướng vào cuối tháng 6 năm 2006, ông Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố là sẽ cho cải cách nhiều chuyện mà trong đó việc cải cách bộ máy hành chính nhà nước đặt ưu tiên hàng đầu. Từ đó đến nay đã gần 8 tháng, người ta chỉ nghe ông Dũng nói nhiều chứ không làm bao nhiêu. Ngay những chuyện dễ làm nhất nhưng làm khổ dân không ít đó là việc các loại giấy phép vẫn đang còn nằm chất đống.

Chính quyền CSVN hô hào cải cách nhưng khi mới bắt tay vào đã bị ngay các cơ quan, bộ, ngành của chính phủ cản trở bằng chính những giấy phép tùy tiện và không có căn cứ pháp lý. Càng nhiều giấy phép thì sự phụ thuộc của công dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước càng nhiều. Phụ thuộc càng nhiều thì quyền hành của cán bộ, công chức nhà nước càng nhiều. Tất cả tạo nên một môi trường dung dưỡng cho các loại tiêu cực, xin-cho, ban phát, ơn nghĩa, ân huệ. Nội dung của câu trên là của ký giả Lê Thanh Phong viết trên trang điện tử của tờ Lao Động, ngày 7 tháng 2 năm 2007. Ký giả Lê Thanh Phong còn viết thêm rằng: một nhà nước mạnh là nhà nước tạo ra sự minh bạch trong toàn hệ thống, đơn giản hóa các hình thức quản lý để bộ máy vận hành thông suốt. Sự hoàn thiện của hệ thống các thể chế và cơ chế là yếu tố quan trọng tăng tốc độ vận hành của cổ máy hành chính, nhằm đáp ứng với yêu cầu của thực tế.. Tư duy của toàn xã hội – trong đó có cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp – đã quá chịu sự hạn chế từ cơ chế quản lý. Một doanh nghiệp muốn thực hiện ngay một dự án khả thi, trong một thời gian nhất định, nhưng đành phải mất thời gian để thực hiện hàng loạt các thủ tục giấy phép, nhận đủ hàng chục con dấu do các cơ quan nhà nước cấp, thì thời cơ không còn.

Càng nhiều giấy phép thì sự phụ thuộc của công dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước càng nhiều.

Tờ Tuổi trẻ đã cho đăng những lời phàn nàn của một số đại diện doanh nghiệp về chuyện giấy phép. Trước tiên là doanh nhân Lê Hải Thịnh than thở như sau: nhà nước nói là đến năm 2010 phải có khoảng 500.000 doanh nghiệp mới duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Nhưng nếu người kinh doanh cứ phải loay hoay mãi với những giấy phép con thì mục tiêu 500 ngàn doanh nghiệp sao đạt được. Chưa kể người đã kinh doanh cũng không thể mở rộng qui mô ngành nghề hoạt động của mình bởi kiểu quản lý cái gì cũng phải xin.

Còn ông Thân Hải Thanh, Tổng giám đốc công ty dịch vụ du lịch Bến Thành Tourist thì phát biểu rằng: qui định của ngành văn hóa, thông tin về việc phải có giấy phép mới được hoạt động đối với các loại hình dịch vụ như vũ trường, karaoke… trong các khách sạn đã được xếp hạng sao là vô lý. Các nhà đầu tư bỏ ra hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng để xây dựng khách sạn cao cấp thì đương nhiên phải có các dịch vụ trên đi kèm, nếu không có dịch vụ trên làm sao đủ tiêu chuẩn để được xếp hạng sao. Chưa hết, cùng nghị định nhưng mỗi nơi hiểu một kiểu, từ đó đưa ra những qui định khác nhau buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ gây không ít phiền hà. Cũng loại dịch vụ hoạt động trong lãnh vực vũ trường, nhưng ở Sài Gòn qui định không cho phép vũ trường hoạt động bên ngoài khách sạn, trong khi Hà Nội vẫn được phép hoạt động. Chính những loại giấy phép con này đã làm nhiều doanh nghiệp phải chạy chọt, gây lãng phí thời gian và tiền bạc.

Trở lại bài viết của ký giả Lê Thanh Phong, ở đoạn cuối viết rằng: cuộc sống có qui luật riêng của nó không thể chờ đợi sự đủng đỉnh của các tấm giấy lạm quyền. Chính vì cái qui luật khắt khe của cuộc sống đó, nên tất cả các cá nhân, đơn vị khi có việc phải phụ thuộc vào các thủ tục hành chính đã phải bó gối ngồi nhìn cơ hội đi qua. Họ đã mất thời gian, vuột đi cơ hội làm giàu. Những giá trị này không chỉ riêng nhà đầu tư mà là của cả xã hội.

Nhà nước nói cấm các bộ, ngành tự ý ban hành giấy phép con, nhưng trên thực tế giấy phép con vẫn cứ ra đời ngang nhiên. Điều này chứng tỏ các bộ, ngành đã không chấp hành qui luật của chính phủ.

Ông Dũng hứa sẽ quyết tâm cải cách và diệt trừ tham nhũng nhưng không còn ai tin những đều lãnh đạo chính quyền CSVN nói nữa.

Trước đây khi ông Khải lên nắm quyền đã chỉ trích người tiền nhiệm là ông Kiệt không chịu cải cách bộ máy hành chính và để cho nạn tham nhũng lộng hành khiến nhiều người tưởng rằng ông Khải sẽ cải cách, thế nhưng tình trạng còn tệ hơn trước. Nay ông Dũng lên nắm quyền cũng lên tiếng cho rằng bộ máy hành chánh thời trước ù lì, còn tham nhũng thì ngày càng lan rộng, ông Dũng hứa sẽ quyết tâm cải cách và diệt trừ tham nhũng nhưng không còn ai tin những đều lãnh đạo chính quyền CSVN nói nữa. Ông nào lên làm thủ tướng cũng phải tìm cách đục khoét tài nguyên quốc gia, mấy ông lãnh đạo ăn thì cũng phải để cho cấp dưới có lộc để hưởng chứ. Giấy phép con cũng là một trong những bổng lộc nên làm gì có cái chuyện xử lý nghiêm khắc những cá nhân có trách nhiệm ban hành giấy phép con như ký giả Lê Thanh Phong đề nghị.

Ngô Văn