Gìn giữ giá trị văn học Miền Nam Việt Nam sau biến cố 30/4/1975

VOA

Ảnh chụp màn hình VOA

Phá huỷ hay có thể nói triệt tiêu hoàn toàn văn học tự do Miền Nam Việt Nam là một trong những việc làm đầu tiên mà cộng sản Bắc Việt thực hiện sau biến cố 30/4/1975. Hàng nghìn gia đình được kích động bởi lực lượng cán bộ cộng sản đã tràn vào nơi làm việc và tư gia của các văn sĩ, những nhà báo, nhà văn hoá nổi tiếng để chỉ điểm, thu giữ sách vở giao nộp cho chính quyền mới. Nhà văn Uyên Thao, chủ bút của tờ nhật báo Sóng Thần là một trong những nạn nhân của ‘cơn cuồng phong’ triệt tiêu văn hoá này.

Nhà văn Uyên Thao, thành phố Falls Church, bang Virginia nói:

Lúc đó thì tôi thấy đám hàng xóm ở xung quanh mình thì họ bị kích động ào tới. Họ cứ ào ào vô thì mình cũng chẳng cản trở được gì cả. Thành ra chúng nó muốn làm gì chúng nó làm, còn cán bộ đứng ở đâu chỉ bảo thì mình cũng chẳng biết nữa. Nó cứ chạy ào ào vô thì tha hồ nó gì thì nó làm thôi.

Câu chuyện của nhà văn Uyên Thao cũng là câu chuyện của gần như tất cả những người bạn văn chương của ông một thời sau biến cố 30/4/1975. Biết bao nhiêu cuốn sách, bao gồm cả những tác phẩm giá trị của các thế hệ văn chương Miền Nam, bị thu giữ và sau đó đốt tiêu huỷ như cách nói của chế độ mới là “xoá bỏ văn hoá đồi truỵ của chế độ cũ.”

Nhưng không vì thế mà văn học Miền Nam một thời bị xoá bỏ hoàn toàn, khi hàng vài chục năm qua vẫn có những người miệt mài sưu tầm và phổ biến lại nhiều tác phẩm như cách mà bạn bè văn chương gọi vui là đang ‘vá lại linh hồn.’

Nhà văn Trần Hoài Thư, thành phố Plainfield, bang New Jersey phân tích thêm:

‘Vá lại linh hồn’ có nghĩa là mình thấy những tác phẩm nào bị đốt huỷ hoặc là ở dưới đáy vực sâu chẳng hạn thì bây giờ mình phải tìm lại mình phải phủi bụi đi, mình phải layout lại, rồi đủ chuyện hết đó. Mình lại làm lại tất cả từ giai đoạn đầu cho tới giai đoạn cuối, để mà phổ biến ra công cộng. Đó là một chặng đường rất dài, dài dằng dặc.

Rất may mắn là hầu hết những tác phẩm có giá trị của văn học Miền Nam vốn bị chế độ Cộng Sản Miền Bắc coi là ‘văn hóa đồi truỵ’ lại được lưu giữ đầy đủ và nguyên vẹn tại nhiều thư viện khác nhau trên đất Mỹ. Đó là cơ sở để cho những người như nhà văn Trần Hoài Thư, nhà văn Uyên Thao tìm kiếm lại và phổ biến cho những bạn đọc yêu mến văn chương Miền Nam một thời.

Tất cả đều được làm với tâm nguyện lưu giữ lại những gì đẹp nhất của văn chương Miền Nam cho nhiều thế hệ bạn đọc.

Nhà văn Uyên Thao, thành phố Falls Church, bang Virginia cho biết:

Những cái sách vở mà mình từng có ở nhà của mình thì tôi nghĩ là riêng những cái kỷ niệm của bạn bè bao gồm những người có mặt hoặc những người đã mất rồi thế mà bây giờ mình không giữ lại được những cái kỷ niệm đó thì chỉ là chuyện riêng tư thôi nhưng lớn hơn nó còn là tài sản chung của cả dân tộc nữa.

Nhà văn Trần Hoài Thư, thành phố Plainfield, bang New Jersey chia sẻ:

Nếu như mình không làm thì tương lai con cháu mình hay đơn giản là thế hệ mình thôi nếu muốn sưu tập, muốn khảo cứu hay muốn dẫn chứng thì lấy đâu mà tìm đây?!

Không chỉ tìm kiếm, phủi bụi và giới thiệu lại những giá trị văn học Miền Nam Việt Nam một thời mà những nhà văn như Uyên Thao và Trần Hoài Thư thông qua những tạp chí Tiếng Việt và các tủ sách của mình đang tiếp tục giới thiệu với bạn đọc những tác phẩm văn học mới của các tác giả cả ở trong nước và hải ngoại, đặc biệt là những tác phẩm có giá trị nhưng bị nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội kiểm duyệt, cấm đoán.

Một dòng chảy của văn học Miền Nam Việt Nam một thời, của văn học tự do có thể nói vẫn âm thầm sống và đến tay bạn đọc yêu mến sau gần nửa thế kỷ kể từ biến cố 30/4/1975.

Nguồn: VOA