Hà Nội Muốn Bó Các Đại Lý Internet

Cách đây hơn một năm, vào ngày 14 tháng 7 năm 2005, liên bộ Bưu chính Viễn thông, Văn hóa Thông tin, Công an và Kế hoạch Đầu tư đã cho ra một Thông tư số 2 về việc quản lý các đại lý Internet. Nội dung chính của Thông tư này là hướng dẫn thi hành Nghị định số 55/ 2001/ NĐ-CP. Theo đó thì các chủ đại lý Internet (chủ cửa tiệm Internet) phải có trình độ tin học cấp A và người được thuê trông coi dịch vụ phải có trình độ tương đương. Trong vòng sáu tháng, kể từ khi khai trương cửa hàng Internet, chủ đại lý phải qua lớp huấn nghiệp của vụ quản lý Internet do nhà nước cung cấp nghiệp vụ tổ chức và các máy tính của cửa hàng phải được cài đặt phần mềm lưu giữ thông tin của khách. Về phía người sử dụng, thông tư này cũng quy định phải xuất trình giấy tờ có khả năng xác thực nhân thân như giấy chứng minh nhân dân, thẻ học sinh, hộ chiếu…

Chính cái thông tư này đã làm cho các cửa hàng Internet tại Việt Nam phải nhức đầu tìm cách đối phó, nhưng rồi mọi chuyện cũng đâu vào đó nếu chủ đại lý Internet “biết đìều” với quan chức đi kiểm tra và chính quyền địa phương. Trong thời gian gần đây số người vào tiệm Internet tìm cách vượt tường lửa để truy cập các website “độc hại” càng lúc càng nhiều khiến nhà nước CSVN lo ngại, tìm cách siết chặt kiểm soát hơn nữa, chỉ thị các toán thanh tra đi kiểm soát phải cố gắng lùng bắt những ai vi phạm, không được lơ là trách nhiệm…Về phía các cơ quan chức năng có thanh tra đi kiểm soát thì nói rằng vì có quá nhiều đại lý Internet nên việc thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định khiến họ quá tải. Riêng tại Hà Nội theo thống kê chưa đầy đủ thì hiện đã có gần 4000 đại lý Internet. Nếu theo quy định thì chỉ riêng việc đi kiểm tra đã là không xuể đối với các cơ quan, đấy là chưa kể những vi phạm phát sinh từ phía đại lý cần phải xử lý.

Vào tháng 7 vừa qua, bộ Bưu chính Viễn thông CSVN lại ra quyết định bắt buộc các đại lý Internet phải lắp đặt phần mềm quản lý vì theo báo cáo của các thanh tra thì đã có quá nhiều tác hại do việc quản lý lỏng lẻo của các đại lý Internet, mở cửa quá thời gian quy định, gây mất an ninh trật tự, tuyên truyền và truy cập các website độc hại… Cũng theo bộ Bưu chính Viễn thông này thì việc cho ra đời hệ thống văn bản quản lý kinh doanh Internet đã góp phần giảm thiểu tác hại, ngăn ngừa vi phạm, tiện cho việc quản lý. Cụ thể, ngoài các yêu cầu về cơ sở vật chất, các đại lý theo quy định chỉ được kinh doanh từ 6 giờ sáng đến 12 giờ khuya, có sổ theo dõi khách hàng, phải cài đặt phần mềm để ngăn ngừa truy cậpcác website độc hại. Đối với khách hàng, chính sách quy định người sử dụng dịch vụ Internet phải từ 14 tuổi trở lên và phải trình giấy tờ tùy thân để đại lý vào sổ theo dõi. Nếu khách hàng dưới 14 tuổi sử dụng dịch vụ thì phải có sự bảo lãnh, chịu trách nhiệm của người thân.

Hầu hết các chủ kinh doanh cửa hàng Internet đều than rằng những cái thông tư liên bộ, những cái quyết định của bộ Bưu chính Viễn thông cộng thêm một số luật riêng của các chính quyền địa phương là rào cản công việc kiếm sống của các đại lý Intenet. Ông Vương Hữu Hùng, chủ cửa tiệm Internet nói với ký giả tờ báo Lao Động rằng khi yêu cầu xuất trình giấy tờ, khách hàng phản ứng rằng đại lý không được quyền, và thực tế không ai hợp tác thực hiện điều này. Còn anh Nguyễn Việt Hưng, một khách hàng, thì nói : Việc kiểm tra tư cách pháp nhân là quá vô lý, mà thực chất chỉ là thủ tục phiền hà. Hơn thế, tôi cho rằng đây là sự vi phạm quy định hành chánh.

Theo các chủ đại lý, nếu thử thực hiện quy định này thì hậu quả là cửa hàng sẽ vắng khách. Các khách sạn lớn cũng cho rằng việc bắt phải đóng cửa đại lý Internet trước 24 giờ cũng khiến khách nước ngoài không thể giao dịch vì lệch múi giờ. Việc lưu giữ thông tin (tên tuổi, nghề nghiệp…) của khách sử dụng Internet trong 30 ngày là rất khó vì máy hoàn toàn có thể nhiễm virus và dữ kiện bị xóa… Từ nhữngbất cập này đã khiến 91,5% các đại lý Internet ở thành phố Sài Gòn phản đối việc yêu cầu khách hàng xuất trình giấy tờ tùy thân; 72,5% không đồng tình yêu cầu có người bảo lãnh đối với trẻ em dưới 14 tuổi. Nhiều đại lý cho rằng chính sách trên kìm hãm việc kinh doanh, vi phạm quyền cá nhân.

Muốn vào WTO mà Hà Nội đi ngược lại những quy định của tổ chức này là khuyến khích mở rộng mạng trao đổi Internet. Hơn nữa trong thời đại tin học ngày nay mà vẫn có mấy cái thông tư, quyết định quá vô lý và kỳ quái như thế để siết chặt sự kiểm soát việc sử dụng Internet của người dân hầu bưng bít thông tin thì quả thật những người nắm quyền hiện nay tại Việt Nam toàn là những kẻ điên rồ và chắc chắn không thể nào kiểm soát nổi vì người dân Việt Nam ngày nay có rất nhiều cách truy cập các website bằng nhiều ngõ mà chế độ không thể nào kiểm soát nổi.