Hà Nội Nặng Tay Trong Việc Răn Đe Những Ai Làm Rối Loạn Trật Tự Công Cộng

Ngày 22 tháng 4 năm 2005 vừa qua, Cộng sản Việt Nam đã cho tổ chức phiên tòa lưu động tại Quận 1, thành phố Sài Gòn để xét xử 7 thanh niên mà công an gọi là đã chủ mưu trong vụ gây rối trật tự công cộng vào tối ngày 21 tháng 3 năm 2005. Bảy thanh niên này, theo công an thì mặc dù không quen nhau cũng không có sự bàn bạc trước, nhưng vì bất đồng đã tạo ra vụ án gây mất trật tự công cộng, với các bản án khá nặng gồm Đỗ Quang Toàn 4 năm tù giam, Dương Tuấn Đức, Lê Thị Cẩm Tú, Nguyễn Văn Nhung và Trần Văn An cùng mức án 4 năm 6 tháng tù giam; Nguyễn Phước Đại 1 năm 6 tháng tù. Riêng Lâm Hoàng Anh thì bị 2 năm tù treo. Vụ xét xử đã diễn ra khá nhanh, trong vòng 1 tháng kể từ khi có biến sự xảy hôm tối 21 tháng 3, khi hơn 400 đồng bào quanh khu vực ngã tư Trần Hưng Đạo và Đề Thám đã tụ tập ngăn chận vụ công an hành hung người lái xe gắn máy.

Theo công an thì lúc 10 giờ đêm ngày 21 tháng 3, Đỗ Quang Toàn chạy xe gắn máy trên đường Trần Hưng Đạo. Khi đến ngã tư Trần Hưng Đạo – Đề Thám, Toàn vượt đèn đỏ nên bị hai cảnh sát giao thông là Trần Minh Tuấn và Nguyễn Thế Hùng thổi còi dừng xe và kiểm tra giấy tờ. Toàn không chịu nên bị mời về bót để giải quyết. Toàn không chịu đi mà đứng cản xe cảnh sát và la ó, chửi bới rồi dùng tay giật bảng tên của cảnh sát giao thông tên Tuấn. Cả hai gằng co nhau khiến dân chúng đi đường hiếu kỳ đứng lại xem mỗi lúc một đông, nên hai cảnh sát Trần Minh Tuấn và Nguyễn Thế Hùng phải liên lạc cầu cứu thêm lực lượng cảnh sát 113 và đồn công an Phạm Ngũ Lão đến giải tán.

Trong đám đông tụ tập la hét, kích động, có Lê Thị Cẩm Tú và Dương Văn Đức mà theo báo cáo của cảnh sát thì đã tỏ ra ủng hộ việc làm của Đỗ Quang Tòan cho nên khi công an yêu cầu giải tán thì Cẩm Tú chống cự, còn Dương Văn Đức thì la hét, chửi bới. Trong khi đó, Trần Văn An và Nguyễn Văn Nhung cùng nhảy vào tham gia với Dương Văn Đức kéo chiếc xe mô tô của cảnh sát ra đường và châm lửa đốt. Đám đông còn tiếp tục kéo đến trụ sở đoàn 1 cảnh sát giao thông quận 1 dùng gạch, đá ném vào trụ sở. Trong lúc này, Nguyễn Phước Đại và Lê Hoàng Anh đang ngồi uống cà phê trong quán đã nghe tin chạy đến xem và đã dùng cây đập vỡ thân của xe jeep đang đậu trước trụ sở rồi dùng chai xăng gắn mồi lửa ném vào trụ sở của đoàn 1.

Qua những tường trình về diễn tiến sự kiện ’rối loạn đêm 21/3’ của công an đưa đến việc Viện kiểm sát kết án khá nặng đối với 7 thanh niên nói trên, cho thấy là Cộng sản Việt Nam đang lo sợ các hình thức chống đối bộc phát không tổ chức này. Theo báo cáo của công an thì trong ba tháng từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2005 vừa qua, cả nước có tất cả 80 vụ chống và đánh cảnh sát, công an mang tính chất hành hung, đồng thời đập phá trụ sở của cảnh sát khu vực. Trước sự kiện này, Bộ công an Cộng sản Việt Nam đã yêu cầu các giám đốc công an địa phương phải ’quản lý’ những đối tượng hung hãn có biểu hiện gây rối trật tự công cộng, chống lại công an, cảnh sát. Bộ công an còn chỉ thị là những vụ án chống công an, cảnh sát phải điều tra nhanh và đưa ra xét xử gấp để ’răn đe tội phạm, không để tái diễn tình trạng trên’. Ngay cả trong tài liệu mật của Bộ công an ghi lại phiên họp của các ban ngành công an phía Nam hôm mồng 5 tháng 4, đã đánh giá rằng hiện tượng công an, cảnh sát giao thông liên tục bị đám đông hành hung là một hiện tượng mới, đáng quan ngại. Sự quan ngại của công an đến từ hai lý do:

Thứ nhất là dân không còn biết sợ guồng máy bạo lực, một trong gọng kềm độc ác của các chế độ vô sản chuyên chính là bạo lực và ngu dân. Mất một trong hai gọng kèm này, chế độ sẽ bị lung lay. Bởi vì khi mà dân từ chỗ khinh thường, xem nhẹ quyền lực của công an, cảnh sát giao thông thì sẽ bắt đầu đi đến thái độ bất cần và không còn tuân thủ những mệnh lệnh của công an.

Thứ hai là dân đã dám đánh công an, cảnh sát thì khi có một sự bất mãn nào đó bộc phát ở trong dân, công an, cảnh sát sẽ rất khó ngăn chận và chỉ còn một đường là chạy trốn hoặc án binh bất động khi sự bất mãn của dân lên cao điểm. Khi đó dù có ra lệnh đàn áp bao nhiêu, giới lãnh đạo ở bên trên sẽ không còn có thể lèo lái bộ máy bạo lực ở bên dưới.

Sự lo sợ của bộ công an Cộng sản Việt Nam không phải là không có cơ sở. Tình hình này thường xảy ra vào những lúc giới cầm quyền bất lực giải quyết các nhu cầu thăng tiến và biến đổi của xã hội mà người dân đòi hỏi. Mười lăm năm trước đây khi biến cố Đông Âu xảy ra trong hai năm 1988 và 1989 hay tại Liên Xô năm 1990 và 1991 thì những khủng hoảng xã hội do các chính sách đổi mới kinh tế tạo ra, đã làm bùng nổ liên tục các cuộc khiếu kiện, đánh đập, rượt đuổi công an, cảnh sát. Sự hành hung công an, cảnh sát xảy ra hàng ngày và công nhiên giữa đường phố dù là các chế độ cộng sản đã mang tù tội ra dọa nhưng khó có thể nào dập tắt khi người dân không còn sợ. Cho nên việc Hà Nội đã nặng tay kết án 7 thanh niên trong vụ gấy rối đêm 21/3 chỉ là sự răn đe quá lố và chỉ tạo thêm sự bức trong người dân mà thôi.