Hạ Viện Hoa Kỳ Thông Qua Dự Luật Nhân Quyền Đối Với Bắc Triều Tiên

Một lính Bắc Hàn tại khu phi quân sự Bàn Môn Điếm, ngăn đôi hai miền Nam Bắc Hàn Quốc. (Hình của AFP/Choi Jae-Ku)

Ngày 4 tháng 10 vừa qua, Hạ Viện Quốc Hội Hoa Kỳ đã thông qua tu chính án về dự luật Nhân Quyền Bắc Triều Tiên, một hình thức công kích thẳng vào chế độc tài của ông Kim Chính Nhật. Trong bản tu chính dự luật này có ghi rõ là sự độc tài sùng bái chính quyền Kim Chính Nhật đã tạo ra thảm trạng làm cho 2 triệu người dân Bắc Triều Tiên bị chết đói, trên 20 vạn người đang bị câu lưu hay giam cầm trong các trại cải tạo và xua đuổi hơn mấy mươi vạn người khác vào đường cùng phải tìm đường chạy trốn ra hải ngoại. Ba điểm chính của dự luật Nhân Quyền đó là:

1/ Từ đây trở đi trong vòng bốn năm, mỗi năm Hoa Kỳ sẽ xuất ra 20 triệu mỹ kim để hỗ trợ cho các tổ chức Nhân Quyền trên thế giới nhằm cứu giúp những người tị nạn Bắc Triều Tiên,

2/ Bắc Triều Tiên phải cung cấp toàn bộ thông tin về những nạn nhân người Nhật, người Đại Hàn bị Bắc Hàn bắt cóc, nếu nạn nhân nào còn sống mà chính quyền Bình Nhưỡng không cho họ trở về nước theo ý nguyện của họ thì Hoa Kỳ sẽ không nói đến chuyện viện trợ kinh tế cho Bắc Triều Tiên.

3/ Bắc Triều Tiên phải sử dụng khoảng viện trợ nhân đạo theo đúng mục tiêu của nó nghĩa là phải cải thiện chế độ lao tù, xúc tiến việc tái ngộ những gia đình bị ly tán, phân phối tiền viện trợ đến những nạn nhân cần được giúp đỡ.

Ngoài ra dự luật Nhân Quyền này cũng yêu cầu chính quyền Bắc Kinh phải cải thiện cách đối xử đối với những người tị nạn Bắc Triều Tiên đang có mặt tại Trung Quốc, ngưng ngay chuyện áp giải họ về cho chính quyền Bình Nhưỡng, một mặt yêu cầu Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc tiến hành việc điều tra tình trạng đàn áp nhân quyền tại Bắc Triều Tiên.

Chính quyền Bình Nhưỡng đã gay gắt chỉ trích về dự luật Nhân Quyền này, lên án Hoa Kỳ can thiệp vào chuyện nội bộ và còn đưa ra những lập luận cho rằng Hoa Kỳ là nước vi phạm nhân quyền nhất thế giới qua những vụ xâm lăng A Phú Hãn và gần đây nhất là vụ Iraq. Về phía dư luận tại Hàn quốc thì chia làm phe rõ rệt một bên chống, một bên ủng hộ dự luật Nhân Quyền này. Nhiều đoàn thể thiện nguyện, một số trí thức, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia được thành lập dưới thời Tổng thống Kim Đại Trung, đảng tả phái Dân Chủ Lao Động và ngay cả đảng đang cầm quyền Uri của Tổng thống Lô Vũ Huyễn thuộc một phe chống đối gay gắt về việc tu sửa dự luật nhân quyền nói trên. Các đoàn thể này đã tổ chức các cuộc biểu tình rầm rộ trước sứ quán Mỹ tại Hán Thành vào những ngày qua để yêu cầu Hoa Kỳ phải triệt bỏ dự luật Nhân Quyền này với lý do nếu nó thành đạo luật chắc chắn sẽ gây trở ngại cho việc hòa hợp hòa giải, hiệp tác, đối thoại hầu thống nhất đất nước chứ không phải cho rằng chính quyền Bình Nhưỡng tôn trọng nhân quyền.

Về phía ủng hộ tu chính dự luật nhân quyền thì cho rằng những người chống đối đạo luật Nhân Quyền Bắc Triều Tiên này lại là những người trước đây thường hô hào chống chính quyền độc tài, cổ súy cho sự tôn trọng Nhân Quyền và Dân Chủ thế mà nay họ lại ngoảnh mặt làm lơ trước việc chính quyền độc tài cộng sản Bắc Triều Tiên ra tay đàn áp người dân miền Bắc, họ là những người lợi dụng danh nghĩa Dân Chủ, Nhân Quyền nhưng thực chất là những thế lực thân Bắc Triều Tiên. Hai khuynh hướng này chắc sẽ còn tranh cãi nhau gay gắt hơn trong tương lai để tranh thủ dư luận, đây là một chuyện rất bình thường trong một nước tự do dân chủ. Chính quyền Trung quốc cũng lên tiếng phản bác cho có lệ chứ không hung hãn như trước đây vì hai lý do: 1/Chính quyền Bình Nhưỡng không còn nghe lời Bắc Kinh như xưa, tình hữu nghị giữa hai nước bị nhiều sứt mẻ và 2/Chính quyền Trung quốc cũng không muốn bị lên án bao che cho chính quyền ông Kim Chính Nhật rất có hại cho kỳ tổ chức Thế Vận Hội Bắc Kinh vào năm 2008.

Nhật Bản tuy là một nước tiên tiến của thế giới tự do nhưng chính quyền lẫn người dân ít ai quan tâm đến chuyện nhân quyền bị chà đạp tại các nước khác thế mà lần này cũng phải đặt biệt quan tâm và phần đông đều ủng hộ vì dự luật Nhân Quyền này có đề cập đến số phận của những người Nhật bị Bắc Triều Tiên bắt cóc. Nhiều câu hỏi được đặt ra là tại sao chính phủ Nhật lại quá yếu trong việc áp lực Bắc Tiều Tiên phải trả lời về số phận của hơn 200 công dân Nhật bị Bắc Hàn bắt cóc hiện nay sống chết ra làm sao. Chính quyền Thủ tướng Koizumi đang ở vào thế kẹt, khó mà giữ thái độ lập lờ, nếu không dứt khoát thì lần bầu cử tới chắc chắn sẽ mất phiếu, nhìn thấy viễn ảnh như vậy nên ông Abe, một nhân vật cao cấp trong đảng cầm quyền đã lên tiếng tuyên bố không phải chính phủ Nhật không nghĩ đến chuyện chế tài Bắc Triều Tiên nếu chính quyền Bình Nhưỡng cứ tiếp tục ngoan cố, tránh né không muốn thật tâm giải quải quyết vấn đề các người Nhật bị bắt cóc.

Các chuyên gia cho rằng không thể nào làm cho chính quyền Bình Nhưỡng cải thiện nhân quyền bằng một dự luật Nhân Quyền như thế này, tuy nhiên dự luật này có giá trị về mặt nhân đạo cho phép Hoa Kỳ xuất ra một ngân sách lớn giúp cho những người tị nạn Bắc Triều Tiên đang lâm vào con đường cùng và mục tiêu xa hơn là góp tay làm sụp đổ chế độ cộng sản độc tài Bắc Triều Tiên. Về phía Cộng sản Việt Nam, vì đã làm mích lòng Bắc Triều Tiên trong vụ cho phép người tỵ nạn Bắc Hàn cư trú tại Việt Nam một thời gian trước khi được đưa tới Nam Hàn, nên lần này để lấy điểm với Bắc Hàn, phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Cộng sản Việt Nam đã lên tiếng phản đối nhưng không có tác dụng mấy.