Hai Công Đoàn Nước Úc Tranh Đấu Giúp Công Nhân Việt Ở Mã Lai

Người Việt

SYDNEY 6-6 (NV) – Hai tổ chức công đoàn tại nước Úc vừa tham gia đấu tranh giúp các nhân công Việc Nam lao động tại Mã Lai chống lại sự bóc lột của giới tư bản và trong sự quay mặt đi chỗ khác của nhà cầm quyền Hà Nội.

“Công Ðoàn May Mặc (Textile, Clothing, Footwear Union of Australia – TCFUA) và Công Ðoàn Vận Tải (Transport Workers Union – TWU) ở Úc vừa ra nghị quyết chính thức để làm một số hành động hầu bênh vực cho công nhân Việt ở Malaysia bị ngược đãi và bóc lột.” Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng Việt Nam cho hay hôm Thứ Sáu 6 Tháng Sáu 2008.

Theo nguồn tin này, hai tổ chức trên đã “Viết thư đến chính quyền Mã Lai yêu cầu giải quyết, bay qua Kuala Lumpur để gặp Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Mã Lai, viết thư đến ngoại trưởng Úc bày tỏ sự quan tâm, và yêu cầu Tổ Chức Lao Ðộng Thế Giới (ILO) điều tra.”

Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng Việt Nam là một tổ chức thiện nguyện của người Việt đa quốc gia đã từng tới Mã Lai điều tra và giúp đỡ cho công nhân của một hãng thu nhận nhiều công nhân người Việt Nam ở nước này chống lại sự bóc lột lao động và ngược đã làm mất phẩm giá con người. Ủy ban cũng can thiệp để chính phủ Hoa Kỳ và một số tổ chức quốc tế can thiệp cho hơn 200 công nhân Việt Nam ở Jordan, Trung Ðông, chống lại sự bạo hành và gian lận lương bổng của chủ nhân.

Các vụ việc nói trên đều được báo chí ở Việt Nam đưa tin nhưng nhà cầm quyền Hà Nội đã lờ đi hoặc chỉ nói mồm mà không có hành động cụ thể để bảo vệ người lao động đã do họ “xuất cảng” để kiếm lời.

Ðể tìm cơ hội thoát đói khổ, nhiều người đã phải cầm cố nhà cửa, vay mượn ngân hàng để đóng các khoản lệ phí nhiều ngàn đô la, hầu có cơ hội đi lao động ở nước ngoài. Trái với những gì được cam kết, hầu hết các người “xuất khẩu lao động” đều đã bị lừa. Tiền lương thường chỉ bằng phân nửa hoặc ít hơn những gì họ được cho biết khi còn ở Việt Nam. Tới nơi thì hộ chiếu bị chủ nhân thu giữ và trở thành những kẻ nô lệ lao động bất đắc dĩ và mặc tình cho chủ bóc lột, hành hạ, làm nhục. Bản tin Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng Việt Nam cho hay TCFUA là công đoàn duy nhất ở Úc của những người làm trong kỹ nghệ may mặc, kể cả may tại nhà. TWU là công đoàn duy nhất của những người lái xe vận tải, xe buýt, và nhiều ngành nghề khác. Số thành viên tổng cộng của họ là hơn 80 ngàn người. Hiện nay TCFUA và TWU có nhiều trăm người Việt là thành viên, và con số này đang tăng lên vì nhiều người biết rằng có gia nhập công đoàn thì mới bảo vệ được quyền lợi của mình.

Theo bản tin của ủy ban trên “Trong Tháng Năm, TCFUA và TWU đã có các đại hội thường niên của họ và, sau đó, mỗi đại hội đã thông qua 1 nghị quyết với đa số tuyệt đối. Các nghị quyết đã được đưa ra sau khi trong các tháng qua, đại diện của UBBV đã đến trình bày bằng chứng về việc công nhân Việt tại Mã Lai bị bóc lột, kể cả lá thư cầu cứu mà nhiều công nhân đã trao UBBVLÐVN khi UBBVLÐVN thăm viếng Malaysia hồi Tháng Ba để nhờ phổ biến. Lâu nay, TCFUA và TWU đã tiếp tay UBBVLÐVN trong nhiều công tác. Với 2 nghị quyết này, TCFUA và TWU chính thức nhập cuộc, sát cánh cùng cộng đồng Việt tranh đấu cho người lao động Việt Nam đang bị bóc lột và áp bức.”

Sau đây là nguyên văn các nghị quyết nói trên, do UBBVLÐVN dịch từ tiếng Anh, như sau:

TWU: “Ðại hội của TWU vô cùng quan tâm trước những trường hợp bóc lột công nhân Việt làm việc tại Malaysia trong kỹ nghệ may mặc. Ðại hội yêu cầu chủ tịch liên bang và tổng thư ký liên bang của TWU viết thư đến đại sứ Malaysia tại Úc và ngoại trưởng Malaysia yêu cầu cho hay chính quyền Mã Lai đã làm gì để chặn đứng sự bóc lột này. Ngoài ra, đại hội cũng yêu cầu văn phòng toàn quốc của TWU viết thư đến ngoại trưởng Úc bày tỏ sự quan tâm và nêu lên nhu cầu cần phải có một cuộc điều tra bởi International Labour Organisation”.

TCFUA: “TCFUA quan tâm về vấn đề bóc lột công nhân Việt Nam làm việc tại Malaysia trong những xưởng máy sản xuất sản phẩm cho các hãng lớn quốc tế, như UBBVLÐVN đã thông báo cho đại hội đồng của TCFUA. Ðại hội yêu cầu tổng thư ký TCFUA viết thư đến tổng trưởng nhân dụng Malaysia kêu gọi điều tra về tình hình người lao động Việt tại đây. Ngoài ra, TCFUA cũng sẽ xét đến lời yêu cầu của UBBVLÐVN để gởi đại diện TCFUA bay qua Malaysia gặp Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Malaysia (MTUC – Malaysian Trade Union Congress).

Khoảng 120,000 người Việt Nam đang bán sức lao động và bị bóc lột cùng tận tại Mã Lai Á. Ðã có hơn 400 người Việt Nam chết khi đi lao động ở nước này phần nhiều có nguyên nhân mờ ám nhưng không hề được nhà cầm quyền địa phương điều tra. Nhà cầm quyền CSVN cũng không để ý.

“Nó coi mình giống như một kẻ nô lệ cho nó chứ không có một quyền lợi nào cả. Cho nên em rất mong muốn là mình có thể đòi được quyền lợi cho mình và cho tất cả mọi người.” Bà Nguyễn Thị Thanh, một công nhân Việt Nam đang lao động tại Malaysia kể như vậy về tình hình đối xử của chủ nhân đối với lao động Việt Nam nơi bà làm việc trong một cuộc phỏng vấn của một tờ báo điện tử phổ biến trên Internet. “Em sang đất nước Mã Lai này thì mức lương của công nhân mình không bằng lương của công nhân dọn vệ sinh của đất nước họ. Ðiều đó em cũng chẳng biết hỏi ai và cũng chẳng biết tại sao như thế. Những người môi giới Việt Nam tại sao lại chấp nhận điều kiện như thế để đưa người Việt Nam mình sang đây lao động? Ðiều đó rất là bất công. Em cũng hi vọng trong thời gian tới có người nào đó quan tâm đến vấn đề này để bớt thiệt thòi cho những người dân lao động như bọn em.” Một phụ nữ khác tên Phan Thị Bé phát biểu.

Không những không tranh đấu cho công nhân của mình, nhà cầm quyền CSVN còn đả kích hoạt động của Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng Việt Nam là “chính trị hóa” vấn đề lao động.

Người Việt

****

Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam (UBBV)
Committee To Protect Vietnamese Workers (CPVW)
Ba Lan: Ul. Waryńskiego 3-00- Warszawa, Poland; Tel: +48 606 831 600
www.baovelaodong.com, baovelaodong@gmail.com
& www.protectVietworkers.com, protectVietworkers@gmail.com
—∞—

THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN BẢO VỆ NGƯỜI LAO ĐỘNG VN (UBBV)
về việc
Thâu thập hồ sơ công nhân Việt xuất khẩu lao động bị chết
hoặc bị thương trong thời gian làm việc

Theo những nguồn tin mà UBBV thu thập được, trong những năm qua, có hàng trăm công nhân Việt Nam được xuất khẩu đi lao động tại các nước Đài Loan, Mã Lai, Hàn Quốc và các nước khác bị chết trong thời gian làm việc. Nhiều trường hợp tử vong không được điều tra kết luận chính xác, dẫn đến việc đền bù không thỏa đáng, thậm chí không được đền bù, gây thiệt thòi và oan trái cho công nhân và gia đình. Ngoài ra, còn có rất nhiều công nhân bị thương tật do tai nạn lao động xẩy ra tại công xưởng, nhà máy không được nhận bảo hiểm, không được đền bù.

Để có bằng chứng để bênh vực, bảo vệ, đòi hỏi quyền lợi chính đáng của công nhân bị chết, bị tai nạn lao động khi làm việc ở nước ngoài theo các hợp đồng lao động. UBBV đề nghị thân nhân các công nhân bị chết, các công nhân bị tai nạn chưa có kết luận, chưa được đền bù thỏa đáng gửi thư về UBBV nêu cụ thể về trường hợp của mình theo nội dung sau:

Họ, Tên;
Ngày, tháng, năm sinh;
Quê quán;
Nơi làm việc khi bị chết hoặc khi bị tai nạn lao động( Tên nhà máy, địa chỉ nhà máy; Quốc gia);
Ngày bị tai nạn;
Thời gian điều trị;
Kết luận của chủ nhà máy;
Số tiền được đền bù (nếu có);
Hoàn cảnh bị chết, bị tai nạn lao động;
Kiến nghị của bản thân hoặc gia đình.

Những thông tin trên đây giúp UBBV có chứng cứ khi làm việc với Giới chủ, Nghiệp đoàn Lao động và Chính phủ các nước có liên quan trong việc đòi bồi thường những thiệt hại mà người lao đông Việt Nam phải gánh chịu.

UBBV mong được sự tiếp tay của các cơ quan truyền thông, báo chí, các cá nhân chuyển tải thông báo này đến công nhân và thân nhân của họ, giúp người lao động khỏi thiệt thòi.

Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động VN
email: baovelaodong@gmail.com
điện thoại: +48 606 831 600 (ông Trần Ngọc Thành, Ba Lan)