Hai Ngày Công Tác Của Ông Nguyễn Chính Kết tại Thủ Đô Washington DC

Tâm Việt

Ngày thứ Sáu, 5 tháng 1, 2007, đã tỏ ra là một ngày thật chặt, thật khít khao của ông Nguyễn Chính Kết, đại diện của Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam hiện đang có mặt ở Hoa Kỳ để lãnh giải về Nhân quyền và đi trình bầy về sự trưởng thành của phong trào Dân chủ ở trong nước mà điển hình nhất là sự ra đời của Liên Minh DCNQ Việt Nam hôm 26 tháng 10, cách đây chưa đầy hai tháng rưỡi.

* Họp với Human Rights Watch

9g15 sáng, ông Nguyễn Chính Kết đã có mặt ở trụ sở tổ chức Human Rights Watch, một tổ chức phi chính phủ nổi tiếng về những hoạt động theo dõi tình hình nhân quyền trên thế giới, hàng năm vẫn đưa ra một bản tổng kết được báo chí thế giới đánh giá rất cao. Tọa lạc trên đường Connecticut ở thủ đô Hoa Kỳ, trụ sở HRW ở đây có đầy đủ phương tiện để làm videoconference (họp nhìn thấy nhau qua truyền hình) với Nữu Ước, tức trụ sở chính của HRW. Qua một số câu hỏi đặt cho ông Nguyễn Chính Kết về phong trào Dân chủ trong nước, họ đã được biết rõ hơn về tình hình của phong trào và những người đang đứng ở đầu sóng trong phong trào nàỵ Cuối buổi, họ đã thông báo cho ông Kết một tin vui, đó là: năm nay, HRW đã quyết định tặng tới tám giải thưởng nhân quyền Hellmann-Hammett cho những bộ mặt chính trong phong trào Dân chủ ở VN, đa phần người trẻ, đó là ngoài ông còn có Phương Nam Đỗ Nam Hải, LS Lê Thị Công Nhân, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, LS Nguyễn Văn Đài, nhà báo Nguyễn Vũ Bình, anh Lê Trí Tuệ và BS Phạm Hồng Sơn.

Ở HRW ra, một vị đi tháp tùng ông Kết đã nói đùa: “Thế là anh là một thứ lưỡng quốc trạng nguyên rồi nhé! Một đằng thì Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam ở Cali tặng anh giải Nhân quyền năm nay, đó là phía Việt Nam. Đến đây, anh lại được biết là anh lãnh giải của Human Rights Watch nữa, từ phía Mỹ.”

* Họp với NED (National Endowment for Democracy)

10g30, ông Kết sang tổ chức National Endowment for Democracy (Quỹ Tài trợ Quốc gia về Dân chủ), một tổ chức phi chính phủ nhưng được Quốc hội Hoa Kỳ cho tiền để thúc đẩy các chương trình dân chủ hóa trên thế giới. Tại đây, ông Kết đã gặp cô Louisa Greve là người chịu trách nhiệm tổng quát về các chương trình Á Đông của NED. Cô cho biết cô chuyên về Trung Quốc song vẫn mong có được những thông tin chính xác về Việt Nam mà cô cho là quan trọng không kém Trung Quốc bao nhiêu. Sau khi trao đổi, cô Louisa cám ơn ông Kết đã ghé qua để cho tin tức về phong trào Dân chủ ở quê nhà, đặc biệt là về Liên Minh DCNQ Việt Nam mà ông là một thành phần lãnh đạo.

* Qua Quốc Hội gặp bà Dân biểu Loretta Sanchez

11g30, ông Nguyễn Chính Kết có hẹn với văn phòng của bà Dân biểu Loretta Sanchez (Đảng Dân Chủ, khu vực Quận Cam ở Nam Cali), một trong những người quan tâm nhiều nhất đến phong trào Dân chủ ở Việt Nam. Bà Sanchez chào mừng sự hiện diện của ông Kết ở Hoa Kỳ mà bà được biết là đã qua một hành trình gian nan hiếm có, bà gọi ông và những người đấu tranh cho Dân chủ Nhân quyền khác ở Việt Nam là “những anh hùng đích thực” (“real heroes”) của Việt Nam. Sau khi ông Kết cám ơn bà về những nỗ lực của bà nhân danh các chiến sĩ dân chủ ở trong nước, bà Sanchez cho biết là dù bà rất bận rộn vì khóa Quốc hội mới họp lại và bà mới lãnh trách nhiệm chủ tịch một tiểu ban trong Hạ Viện, bà vẫn có ý định đi sang Việt Nam năm nay để thăm dò và thảo luận với một số lãnh đạo tôn giáo và các nhà tranh đấu cho Dân chủ VN về những biện pháp tốt nhất mà Quốc hội Mỹ có thể dùng để thúc đẩy vấn đề dân chủ hóa VN ngõ hầu giúp VN hội nhập nhanh chóng và dễ dàng hơn với thế giới sau khi đã được chấp nhận làm hội viên WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới). Chừng nào bà sang, bà rất mong sẽ được gặp lại ông Kết ở Sài Gòn.

* Gặp Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế

Ở văn phòng bà Sanchez ra, ông Kết đã ghé nơi cafeteria (phòng ăn công cộng) của Hạ Viện để nếm thử đồ ăn Mỹ (khá ngon) tại đây (Longworth House Office Building). Rồi ông đã đi cùng với hai người tháp tùng sang gặp Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (ụS. Commission on International Religious Freedom) trên đường North Capitol. Tại đây, ông đã chuyện trò rôm rả gần hai tiếng đồng hồ với ông Scott Flipsy, một chuyên viên của Ủy Hội về vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam. Ông Flipsy không những đã qua Việt Nam nhiều lần gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo của Việt Nam, cả những vị được chính quyền công nhận cũng như những vị mà chính quyền không chịu thừa nhận. Ông cũng còn đã viết luận án tiến sĩ của ông về tình hình tôn giáo của Việt Nam. Do vậy nên ông rất quen thuộc với hàng giáo phẩm, ông nhận ra ngay những vị thuộc các tôn giáo có ký tên trong Tuyên Ngôn về Tự Do Dân Chủ cho Việt Nam 2006 (ra ngày mồng 8 tháng 4 năm ngoái).
Qua cách trả lời các câu hỏi, ông Kết cho biết là theo ông, cần phải phân biệt bản chất của chế độ và những cách chế độ tìm cách ứng phó trước những chỉ trích đến từ bên ngoài. Khi bị áp lực mạnh từ các quốc gia dân chủ trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và Liên-Âu, thì chính quyền CS ở quê nhà tìm kế nới ra hay co lại, song trong bản chất thì một chế độ độc tài đảng trị như ở Việt Nam không đời nào tính rời bỏ tính cách chuyên chính của mình, vì họ phải duy trì quyền lực của họ bằng mọi giá. Do đó Hà Nội không thể nào thực tâm muốn thực thi nhân quyền, vì nếu cho thực thi nhân quyền là đã đe dọa đến sự sống còn của chế độ. Ở một đoạn, ông Scott Flipsy hỏi: “Tôi đã gặp Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn. Ngài nói, chế độ này cho phép tự do hành đạo nhưng phải phân biệt sự hành đạo thuần túy và sự hành đạo trong đó có việc làm chính tri.. Ông nghĩ sao về điều này?” Ông Kết trả lời: “Tôn giáo là một vấn đề lương tâm và liên đới. Nếu lương tâm tôi chọn hành đạo thuần túy, tôi sẽ hành đạo theo như ý nêu trên. Nhưng nếu lương tâm tôn giáo của tôi đòi tôi phải quan tâm đến người khác, nói lên những bức xúc của tôi khi xã hội còn đầy dẫy bất công thì tôi cũng sẽ phải làm theo lương tâm của tôi. Nếu gọi đó là chính trị thì cũng đành. Chứ nếu phân biệt như trên, làm theo sự gợi ý của đảng CS thì giáo hội có thể trở thành công cụ của chính quyền, đâu còn vấn đề lương tâm nữa!”

Trong buổi gặp gỡ vô cùng hứng thú này còn có mặt ông Tad Stahnke, phó chủ tịch Uỷ Hội chuyên trách về chính sách. Ông đã hỏi ông Kết: “Vậy thì ông khuyến cáo chúng tôi nên khuyên chính phủ Mỹ phải làm gì?” Ông Kết cho rằng nếu Mỹ đã có danh sách CPC, tức danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (“Countries of Particular Concern”), về mặt tôn giáo thì Mỹ cũng nên có một danh sách tương tự về mặt tự do ngôn luận (trong đó có cả tự do Internet, như đạo luật của Dân biểu Ed Royce đã đệ trình lên Quốc Hội Hoa Kỳ), nêu ra những quốc gia nào vi phạm tự do này như Việt Nam để áp lực Hà Nội phải tôn trọng cái quyền căn bản này của con người vì tự do ngôn luận là gốc của mọi thứ tự do.

* Đến Bộ Ngoại Giao

Sau hai tiếng đồng hồ trao đổi ở Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo, lúc 3g30, phái đoàn đã sang Bộ Ngoại Giao (trên đường C Street, NW) gặp ông Michael Orona, phụ tá chính của ông thứ trưởng Ngoại giao về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, và ông Douglas Sonnek, người phụ trách về Việt Nam trong Bộ. Cả hai ông Orona và Sonnek đều là những người am tường về Việt Nam, đã có nhiều dịp qua lại Việt Nam, và riêng ông Sonnek còn nói tiếng Việt, rất quen thuộc với những nơi như Tiểu Sài Gòn ở Nam Calị Ông Sonnek là người đã tham dự nhiều buổi làm việc thương lượng với Hà Nội về mặt kinh tế (để có được Hiệp ước Song phương về Thương mại với Hoa Kỳ và gần đây là những điều kiện cho phép Hà Nội vào WTO) còn ông Orona thì là một thành viên thường xuyên trong các cuộc “đối thoại về nhân quyền” (“human rights dialogues”) hàng năm với Hà Nội, cứ một kỳ ở Mỹ thì lại một kỳ ở Việt Nam.

Với những người hiểu biết như vậy nên cuộc gặp gỡ đã tỏ ra rất chi tiết và đi vào cụ thể. Như các điều kiện Hà Nội đưa ra để ngăn cản sách báo của hải ngoại đi vào Việt Nam hay độc quyền mà họ muốn giữ về vấn đề viễn thông. Nhưng ông Kết lại cho rằng không thể nói đến những cơ hội đồng đều nếu như Hà Nội được đầu tư vào Mỹ trong nhiều lãnh vực còn Mỹ thì lại không được đầu tư vào những lãnh vực “beo bở” như viễn thông, như Internet… hay người Việt hải ngoại không được bán sách báo, phim ảnh, âm nhạc vào trong nước. Ông kết luận: “Chỉ khi nào có cạnh tranh về những dịch vụ viễn thông hay Internet thì tình hình mới dễ thở và chính quyền không thể chặn được người dân nói lên những ý tưởng của họ.”

Cuối buổi, sau hơn 1 tiếng rưỡi trao đổi, ông Orona đã tuyên bố: “Đây là một trong những buổi gặp gỡ mà tôi cho là quan trọng nhất trong những ngày vừa qua.” Xong ông còn cho xem một đĩa sơn mài Việt Nam mà ông cho biết là BS Phạm Hồng Sơn tặng ông khi gặp ông ở Hà Nội. Ông cười: “Tôi nói với ông Sơn là tôi trông tới ngày ông Sơn sẽ có dịp qua Mỹ cầm cái đĩa này về.”

*Thứ Hai, 8/1/2007: Lên Quốc Hội

Tiếp theo buổi gặp gỡ với bà Dân biểu Loretta Sanchez hôm thứ Sáu, sáng thứ Hai 8 tháng 1, ông Nguyễn Chính Kết lại có dịp lên Quốc Hội Hoa Kỳ để gặp thêm mấy văn phòng nữa, đặc biệt là văn phòng của hai dân biểu thâm niên và có nhiều liên hệ với cộng đồng Việt Nam và cuộc đấu tranh cho dân chủ và tự do ở quê nhà. Một là Dân biểu Tom Davis (Cộng hòa, TB Virginia), một bộ mặt rất quen thuộc trong cộng đồng vùng Bắc Virginia, và thứ hai là Dân biểu Frank Wolf, “cha đẻ” của Đạo luật về Tự do Tôn giáo; chính từ khi có đạo luật này mà Hoa Kỳ đã có danh sách CPC (danh sách những quốc gia đáng quan tâm đặc biệt về mặt tự do tôn giáo) từ năm 1999, có Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế và có lệ Bộ Ngoại giao phải đưa ra một bản tường trình hằng niên vào tháng 9 mỗi năm về tình hình tự do tôn giáo trên thế giới.

Tại hai văn phòng này, ông Kết đã cám ơn những sự giúp đỡ trong quá khứ của hai dân biểu Tom Davis và Frank Wolf để đảm bảo là những vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo cần được sự quan tâm và chú ý của chính quyền cũng như Quốc hội Hoa Kỳ, không bị lãng quên. Ở văn phòng của ông Frank Wolf, đặc biệt phụ tá lập pháp của ông, cô Fay Johnson, đã nghe rất kỹ và ghi chép hàng trang giấy về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo như được ông Nguyễn Chính Kết mô tả và trình bầy. Cô cũng đã nhiều lần nhắc lại là đối với Quốc hội Hoa Kỳ, những người tranh đấu cho Dân chủ và Tự do Tôn giáo ở Việt Nam như G.S. Nguyễn Chính Kết được xem là những “gương can đảm” rất được sự trọng nể của các đồng viện của ông Wolf.

Nếu sáng ra đi trời còn mưa và gió khá lạnh (mà có anh bạn đùa gọi là “nhuần vũ”), đến khi ở mấy văn phòng kia ra thì mặt trời đã lên làm quang tạnh hết cả bầu trời. Ông Kết tâm sự với một người bạn đi cùng, ông tin đó là “một triệu chứng tốt.”

Sau các cuộc gặp gỡ liên tiếp trong hai ngày thứ Sáu và sáng thứ Hai, ông Kết đã được mời lên đài Á Châu Tự Do để cho trả lời phỏng vấn của Nguyễn An về những kết quả đã thâu lượm được cũng như về một vài dự kiến cho Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam trong năm 2007. Cuối ngày, ông Kết còn được nhà báo Đào Hiếu Thảo mời lên đàm luận trên hệ thống truyền thanh và truyền hình của Đài Việt Nam Hải Ngoại, nơi đây có thêm sự tham gia của bà Ngô Thị Hiền thuộc Ủy ban Tự do Tôn giáo Việt Nam và G.S. Nguyễn Ngọc Bích, một bộ mặt quen thuộc trong giới tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

* Mấy cuộc gặp gỡ trong cộng đồng

Dù như mục đích chính của ông Nguyễn Chính Kết khi đến Washington là đi vận động với chính giới Hoa Kỳ, từ Hành pháp (Bộ Ngoại Giao) đến Lập pháp (mấy văn phòng Quốc Hội) và các tổ chức phi chính phủ (HRW, NED, v.v.) ông cũng đã cố dành một số thời gian để đi gặp gỡ những nhân vật có ít nhiều liên quan đến cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ ở quê nhà. Chính vì thế mà ông đã gặp B.S. Nguyễn Quốc Quân (tối thứ Tư, 3/1), các ông Bùi Diễm, Nguyễn Mậu Trinh của Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt tại Hoa Kỳ (thứ Năm, 4/1), Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, người cầm đầu Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (sáng thứ Bảy, 6/1), các ông Nguyễn Cao Quyền, Trần Nhật Kim và Nguyễn Quốc Khải thuộc Diễn Đàn Dân Chủ Hoá Việt Nam (sáng Chủ nhật, 7/1), ông Hoàng Tứ Duy (thuộc VPAC), G.S. Đoàn Viết Hoạt và một số thành viên của Ủy Ban Helsinki Việt Nam (tối thứ Năm, 4/1), một số thành viên thuộc Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam (mới thành lập từ Hội Nghị Warszawa, Ba Lan, hồi cuối tháng 10) và mấy nhà báo, nhà văn ở trong vùng (trưa Chủ nhật, 7/1) như các nhà báo Lê Thiệp, Ngô Vương Toại, Nguyễn Đình Vinh, bà Giang Hữu Tuyên, ÔB. Trương Hồng Sơn, ÔB. Trần Tử Thanh, nữ sĩ Trương Anh Thụy, Tiến sĩ Nguyễn Huy Long, G.S. Đặng Đình Khiết, cụ Huỳnh Thanh Hưng v.v. chưa kể là vào trưa thứ Bảy, mồng 5/1, ông đã được mời đến nói chuyện về phong trào Dân chủ trong nước và những triển vọng của phong trào trước một cử tọa hơn 300 người tại bữa tiệc Tân Niên của Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh. Tại đây ông đã được một sự đón tiếp rất thân tình, tỏ ra có nhiều người mến mộ ông và qua ông, muốn gửi về trong nước một thông điệp đồng tình và ủng hộ.