Hãy Đừng Dùng Gươm!

Trần Hùng

Sau 5 tháng chuẩn bị cho việc dàn dựng một vụ án giả tạo, tòa án cộng sản ở Sài Gòn tuần vừa qua đã đem vụ “Điếu Cầy” ra xử, và sau đó, bản án tiền chế 30 tháng tù giam về tội gọi là “trốn thuế” đã được ban ra trong sự chủ động của các quan tòa cộng sản. Cộng thêm số thời gian phải trải qua sau lớp song sắt, anh Nguyễn Văn Hải còn phải “đền bù” cho nhà nước một số tiền là 900 triệu đồng.

Bản án không làm cho nhiều người ngạc nhiên, bởi vì từ dư luận quốc nội cho đến quốc tế, ai cũng biết rằng nhà nước CSVN đã ngụy tạo việc “trốn thuế” để trấn áp anh Hải, được biết nhiều hơn dưới biệt hiệu “Điếu Cầy”, vì anh đã tích cực chống đối việc Trung cộng thôn tính Hoàng Sa và Trường Sa.

Người ta nhớ lại vào cuối năm 2007, sau khi Trung cộng ban hành nghị định thiết lập đơn vị hành chánh Tam Sa bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, dư luận trong và ngoài nước đã nổ ra một làn sóng chống đối mạnh mẽ. Trong nước, thanh niên sinh viên đã tổ chức biểu tình trước các tòa đại sứ và lãnh sự Trung cộng tại Hà Nội và Sài Gòn. Ngoài nước, tòa đại diện của Trung cộng tại những thành phố có đông người Việt cư ngụ đều bị bao vây. Trong số những nhà dân chủ trong nước đứng lên hô to khẩu hiệu “Hoàng Sa Trường Sa”, có anh Điếu Cầy hiên ngang ở hàng đầu. Người ta sẽ không bao giờ quên hình ảnh 7 chiến sĩ áo đen hiên ngang đứng trước tòa nhà quốc hội cũ của VNCH tại trung tâm Sài Gòn một ngày giữa tháng giêng 2008 để giăng biểu ngữ xác định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo thân yêu này, với anh Điếu Cầy là người đứng giữa, đứng thẳng và nhìn thẳng….

Những ngày sau đó, anh và một số bạn hữu luôn luôn tích cực đánh động dư luận về 2 quần đảo bị chiếm đoạt này. Và khi ngọn đuốc ô nhục Thế Vận Bắc Kinh sắp sửa chạy ngang Sài Gòn vào cuối tháng 4, để triệt hạ làn sóng chống đối của những người yêu nước, công an đã bắt giữ Điếu Cầy vào ngày 19-4, và sau đó truy tố anh về tội danh gọi là “trốn thuế”.

Việc dàn dựng những sự việc dối trá là thủ đoạn thông thường của CSVN nhằm đàn áp những người đối kháng. Những chi tiết của việc gán ghép trắng trợn này đã bị dư luận trong và ngoài nước phơi bầy ra ánh sáng. Nó lộ liễu đến nỗi ở trong nước, ngoại trừ những tờ báo quốc doanh, không một trang báo mạng (blogs) nào lại tin vào việc anh Hải trốn thuế. Một sinh viên ở Hà Nội viết trên blog của mình: “Được cha mẹ nuôi học 15 hay 16 năm nay, dù ngu đến đâu chúng tôi cũng hiểu rằng chất phi lý, phi pháp và bất chính đã len vào vụ án”. Một bài viết khác kết luận bằng câu: “Nhà nước có thể giữ chân Điếu Cầy trong vòng 30 tháng, nhưng nhà nước không thể triệt hạ được lòng yêu nước của người dân. Sẽ có nhiều người khác thay thế Điếu Cày”.

Việc đàn áp người dân bằng thủ đoạn gian trá không phải là sáng kiến mới của CSVN. Họ đã xử dụng thủ đoạn này trong suốt quá trình hiện diện của họ gần một thế kỷ nay. Nhưng tất cả những gì mà nhà nước đang làm chứng tỏ họ đang trong cơn hoảng loạn. Việc kết án Điếu Cầy cũng như bắt giữ một loạt những nhà dân chủ vào tuần qua, trong khi mọi người đang đồng loạt đòi hỏi phải hủy bỏ, phủ nhận công hàm dâng Hoàng, Trường Sa của Phạm Văn Đồng đúng 50 năm trước, chỉ làm rõ thêm điều mà dư luận vẫn hằng cáo buộc về việc CSVN dâng đất bán biển cho bá quyền Trung cộng.

Đúng như vậy, trước dư luận căm phẫn về việc nhượng đất, nhượng biển, làm mất đảo về tay Trung cộng, CSVN vẫn thường lên tiếng chống chế. Tuy nhiên, việc làm của họ lại hoàn toàn đi ngược lại, qua việc trấn áp thô bạo những tiếng nói bảo vệ lãnh thổ, mà trường hợp Điếu Cầy là thí dụ mới nhất. Trong trường hợp khai thác dầu khí ở biển Đông, Việt Cộng cũng chỉ cho phát ngôn viên Lê Dũng nói đến hai chữ “chủ quyền” sau khi Hoa Kỳ đã mớm lời, khiến người ta ngờ rằng Hà Nội đã bị Hoa Thịnh Đốn buộc phải cất tiếng nói để bảo vệ quyền lợi của công ty Exxon, chứ không phải bảo vệ quyền lợi của dân tộc Việt Nam. Về điều này, thông điệp mới nhất của đại lão hoà thượng Thích Quảng Độ đã nói rõ như sau: «Nếu không dựa vào sức mạnh toàn dân làm nòng cốt để giữ nước mà cứ nay chạy theo nước này mai chạy theo nước khác cầu viện để bảo vệ quyền bính riêng tư của một nhóm người, thì hậu quả sẽ là mất nước và biến mình thành công cụ tay sai cho ngoại nhân mà thôi».

Chiến dịch đàn áp những tiếng nói bảo vệ Hoàng Sa Trường Sa vẫn chưa thể hiện hết bản chất độc tài của chế độ. Hiện nhà nước còn đang tung một lực lượng công an hùng hậu để đàn áp giáo dân Thái Hà.

Tại Hà Nội, có 2 điểm nóng về việc nhà nước chiếm đất nhà thờ, đã âm ỉ từ mấy chục năm nay, đó là tại tòa Khâm Xứ và tại giáo xứ Thái Hà. Vụ cầu nguyện đòi toà Khâm Xứ đã lên đến cao điểm vào dịp Giáng Sinh 2007, và bây giờ đến phiên nhà thờ Thái Hà. Để đòi lại khu đất bị nhà nước chiếm dụng, giáo dân Thái Hà đã tụ tập vào giữa tháng 8 để cầu nguyện trong vòng ôn hoà. Nhưng những đòi hỏi chính đáng của họ đã không được quan tâm giải quyết theo luật pháp và lẽ phải, mà đối phó lại những tiếng kinh cầu nguyện, là bạo lực và thủ đoạn.

Bạo lực là những đợt truy quét, bắt giữ và tra vấn những giáo dân tham gia cầu nguyện. Nhiều giáo dân đã bị bắt giữ, có người đang bị truy nã, nhưng không ai sờn lòng. Đức giám mục Thái Bình an nhiên: “Chào các bạn, tôi sẽ đi tù”. Trước đó, Đức Tổng giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt đã khẳng định: “Nếu có ai vì cầu nguyện mà phải đi tù, thì tôi sẵn sàng đi tù thay cho họ!”. Nhiều giáo dân, linh mục tình nguyện làm vị thánh tử đạo thứ 118. Nhiều người đã bị đánh đổ máu, đã bị xịt hơi cay. Nhưng sóng sau vẫn cao hơn sóng trước. Dùi cui điện không đánh đổ được niềm tin của người dân!.

Thủ đoạn là những bài báo xuyên tạc, bôi nhọ trên các báo, đài quốc doanh. Quy kết tội hình sự, hủ hoá, phản động, quá khích… không từ một thủ đoạn nào. Cho phóng viên làm phóng sự giả tạo, nhà nước còn dựng lên giáo dân giả, linh mục giả, chế tạo văn bản giả để mong lôi lẽ phải về phiá mình. Rất tiếc, lẽ phải không phải là thứ để có thể bị nhà nước cưỡng bức đi theo mình, nên chính nghĩa vẫn lưu lại linh địa Đức Bà cùng với giáo dân. Ngày đêm vẫn có những lớp người dồn dập theo nhau đến để dâng lên Chúa Cứu Thế lời cầu nguyện từ trái tim của mình. Lời lẽ xuyên tạc của nhà nước không át được tiếng kinh cầu nguyện!.

Đàn áp, giam cầm không phải là thủ đoạn mới của CSVN. Tuy nhiên, chính thái độ kiên cường của những người bị đàn áp mới làm cho chế độ độc tài phải kinh ngạc. Thái độ hiên ngang đi vào nhà tù nhỏ để dân tộc Việt Nam thoát ra khỏi nhà tù lớn chính là sự khởi đầu cho con đường sáng của người dân Việt. Những chế độ độc tài cộng sản tại Đông Âu trước cơn giẫy chết đều đã từng xử dụng bạo lực thô bạo để đàn áp người dân của họ. Họ đã từng giam cầm biết bao nhiêu người, nhưng chế độ càng đàn áp thì phong trào đấu tranh càng phát triển. Hành động đàn áp của họ chỉ như một thứ men làm gia tăng cường độ tranh đấu, để sau cùng, tất cả những chế độ độc tài này đều đã theo nhau đi vào nghĩa địa của lịch sử. Người tù chính trị Vaclav Havel đã chấp nhận trải qua nhiều năm tháng trong ngục tù cộng sản, nhưng chế độ này cũng không thể khuất phục được ông. Khi ông bước chân ra khỏi nhà tù, cũng là lúc chế độ cộng sản Tiệp đi vào quá khứ. Những nhà đấu tranh dân chủ cho Việt Nam không mong mỏi điều gì hơn là được làm công dân của một nước Việt Nam tự do, trong đó nhân quyền được đề cao, pháp luật được tôn trọng, và lẽ phải không bị cường quyền chiếm đoạt. Với quyết tâm mạnh mẽ của người dân, những thủ đoạn đàn áp của CSVN sẽ không bao giờ mang lại kết quả như họ mong muốn. Ngược lại, họ cần suy nghĩ đến lời cảnh báo của Giám Mục địa phận Thái Bình Nguyễn Văn Sang: “Những ai dùng gươm sẽ chết vì gươm”.

Trần Hùng