Hoa Kỳ Đòi Cộng Sản Việt Nam Phóng Thích 4 Nhà Đấu Tranh Tại Việt Nam

Trong một bản tin loan tải rộng rãi trên các diễn đàn, Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đang kêu gọi Cộng sản Việt Nam phải đưa tên bốn người bất đồng chính kiến vào trong danh sách ân xá tù nhân, trước thời gian Tổng thống George W. Bush sang thăm Việt Nam vào tháng 11 sắp tới. Bốn người được nêu tên gồm các ông Mã Văn Bảy, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn và Phan Văn Bản đã bị giam giữ nhiều năm vì đã có những hành động đấu tranh cho nền dân chủ tại Việt Nam. Đây không phải là lần đầu tiên Hoa Kỳ lên tiếng yêu cầu Hà Nội phóng thích tù nhân chính trị tại Việt Nam mà xảy ra khá thường vào những dịp ân xá hay những lúc hai phía có những trao đổi quan trọng. Lần này, Hoa Kỳ lấy mốc điểm Tổng thống Bush sang Việt Nam dự Hội Nghị APEC vào tháng 11 năm 2006 để đưa ra lời kêu gọi nói trên. Thật ra thì Hoa Kỳ phải đi nước cờ trước trong việc đòi hỏi Cộng sản Việt Nam phải phóng thích tù nhân chính trị vì nếu không, các tổ chức nhân quyền cũng sẽ kêu gọi Hoa Kỳ phải có chính sách quyết liệt hơn với Cộng sản Việt Nam về việc đối xử với những người bất đồng chính kiến.

Hiện nay Ủy ban tài chánh Thượng viện và Ủy ban tài chánh &Thuế vụ Hạ viện bàn thảo về việc nên hay không cấp quy chế mậu dịch bình thường vĩnh viễn cho Cộng sản Việt Nam với hai phe bênh và chống rõ rệt. Nhiều nghị sĩ và dân biểu Mỹ muốn trì hoãn hoặc chấm dứt bình thường hóa quan hệ thương mại với CSVN cho đến khi nào Hà Nội có những tiến bộ nhiều hơn về vấn đề tôn trọng nhân quyền. Theo lời Thiếu tướng Cộng sản Phạm Đức Chấn, giám đốc Cục Quản lý Tù nhân thuộc Bộ Công An CSVN nói rằng, Hà Nội đang xem xét ân xá cho khoảng sáu đến bảy ngàn tù nhân vào dịp lễ mồng 2 tháng 9. Ông này còn cho rằng, con số này có thể bao gồm một số người bị giam giữ mà một số tổ chức nhân quyền coi là tù chính trị. Tuy nhiên, Phạm Đức Chấn vẫn lập lại chủ trương của đảng Cộng sản là không có người bất đồng chính kiến bị giam giữ tại Việt Nam mà chỉ giam giữ những người vi phạm an ninh quốc gia và họ có thể được xét ân xá nếu đáp ứng được các yêu cầu của nhà nước CSVN. Phạm Đức Chấn nói rằng, tổng số tù nhân có liên quan đến an ninh quốc gia trong các nhà tù Việt Nam hiện giờ vẫn chưa có. Danh sách đầy đủ các tù nhân được thả trong đợt ân xá này sẽ được công bố vào ngày 15 tháng 8 tới đây. Tù nhân có thể được xem xét thả tự do trước thời hạn nếu họ được ghi nhận là “cải tạo tốt”, nếu họ tuổi trên 60, nếu họ bị ốm nặng hoặc nếu họ là người thân của liệt sĩ trong chiến tranh, cùng nhiều tiêu chuẩn khác.

Theo tòa Đại sứ Hoa K thì Đại Sứ Michael Marine bày tỏ sự thỏa mãn về những kết quả ngoại giao giữa Hoa Kỳ với Cộng sản Việt Nam, trong đó có việc vận động ân xá. Trong các đợt ân xá trước, Hà Nội đã trả tự do cho một vài tù nhân là đối tượng của các phong trào đối kháng tại Việt Nam. Vào tháng Giêng vừa qua, cựu chiến binh Nguyễn Khắc Toàn đã được thả sau khi ngồi tù 4 năm trong tổng số án tù 12 năm. Tổ chức Ân xá Quốc tế nói ông Toàn bị bắt giam vì trao đổi tài liệu với bên ngoài qua diễn đàn internet liên quan về các vụ kiện của nông dân chống lại việc tham nhũng công khai và tịch thu đất đai. Tổ chức này cũng cho biết, hai người trong danh sách của tòa Đại sứ Hoa Kỳ đưa ra cũng bị bắt vào cùng khoảng thời gian tháng Giêng năm 2002. Nhà báo Nguyễn Vũ Bình chịu án 7 năm tù, còn Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn bị 5 năm tù, cho đến nay chưa được thả. Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng quan tâm tới ít nhất 40 người Thượng bị kết án tù nhiều năm hồi 2005 sau các vụ phản đối đòi quyền đất đai và tự do tôn giáo. Danh sách ân xá năm nay đang được Hội đồng Đặc xá của Cộng sản Việt Nam soạn thảo và sau đó phải được tân Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phê chuẩn.

Những hành động xin ân xá của Hoa Kỳ và phóng thích của Hà Nội sau đó, được lập lại nhiều lần như là một điệp khúc ’đáp lễ ngoại giao’, khi hai phía có những vấn đề cần giải quyết trên các mặt buôn bán hay đối ngoại. Vì là điệp khúc nên Hà Nội đã chơi trò ’bắt rồi thả, thả rồi bắt’ nên sự kiện Hoa Kỳ đòi Hà Nội phóng thích tù nhân chính trị chỉ giải quyết một nửa vấn đề. Nghĩa là Cộng sản Việt Nam dùng đòn bắt thả để trao đổi với Mỹ. Nhìn như vậy, chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn các cuộc vận động để những đòi hỏi của Hoa Kỳ đối với Hà Nội phải tạo những áp lực mạnh hơn và nhất là ngăn chận những trận bố ráp khác đối với các nhà đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam. Người ta dự kiến rằng, Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị một cuộc bố ráp mới nhắm vào tập thể cùa những người liên hệ nhóm 8406 sau khi tổ chức xong cuộc họp thượng đỉnh APEC. Do đó, nếu các ông Mã Văn Bảy, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn và Phan Văn Bản có được phóng thích, chúng ta sẽ phải tiếp tục đấu tranh để cảnh giác dư luận Hoa Kỳ và Thế giới về một trận bố ráp mới của Hà Nội sắp diễn ra, nhằm bảo vệ cho những người trong khối 8406 cũng như các lực lượng đấu tranh khác.