Họa Vô Đơn Chí!

Trần Hùng

Tiếng Việt có câu “Họa vô đơn chí”, có nghĩa là khi tai họa xẩy đến, nó không đến một mình, mà thường đi có đôi, có chùm. Câu này thể hiện chính xác hoàn cảnh của CSVN hiện nay, trong nhiều lãnh vực, cũng như chỉ riêng trong lãnh vực “bao che tham nhũng”, khi mà vụ trước còn đang làm đảng lúng ta lúng túng, thì cái họa tiếp theo nó đã đổ ập đến, chẳng thèm báo trước. Cuối tuần vừa qua, báo chí Mỹ đồng loạt loan tin 4 nhân viên của công ty Nexus Technologies đã bị tống giam và bị bộ Tư Pháp Hoa Kỳ truy tố về tội hối lộ cho các viên chức CSVN để đạt được các hợp đồng béo bở trong thời gian qua.

Công ty Nexus Technologies có trụ sở chính ở Delaware, và có các văn phòng đặt tại Philadelphia, New Jersey và Việt Nam. Trong danh sách khách hàng mà công ty này liệt kê trên trang nhà của họ, người ta thấy có: Tổng công ty dầu khí Petro Vietnam, lien doanh Vietsov Petro, Tổng Công Ty Ðiện Lực Việt Nam và 3 nhà máy nhiệt điện Thủ Ðức, Bà Rịa và Phú Mỹ, Tổng Công Ty Hàng Không Việt Nam, sân bay Tân Sơn Nhất, công ty Quản Lý Bay Miền Nam, công ty Dịch Vụ Bay Miền Nam, Cảng Sài Gòn, Cảng Dầu Khí Vũng Tàu, công ty Cấp Thoát Nước Sài Gòn, Viện Cơ Học Ứng Dụng, VinaControl (cơ quan giám định chất lượng sản phẩm), công ty Cao Su Phú Riềng, công ty Phát triển Công Nghệ Thông Tin (của Bộ Quốc Phòng CSVN), Tổng Công Ty Than… có nghĩa là toàn thể những đối tác kinh doanh của công ty này đều là ở Việt Nam. Điều này không lạ, vì hầu hết những người sáng lập và điều hành công ty là người Mỹ gốc Việt. Báo Philadelphia Enquirer cho biết, một số họ còn có những liên hệ gia đình thân thuộc.

Huỳnh Ngọc Sĩ.

Như đã trình bầy ở trên, vụ này nổ ra trong lúc CSVN còn đang lúng túng không biết phải giải quyết ra sao để ém nhẹm một trường hợp tương tự đang bị quốc tế chú mục từ nhiều tháng nay. Đó là việc chính phủ Nhật truy tố 4 viên chức của PCI, một công ty tham vấn xây dựng cầu đường của Nhật tại Việt Nam về việc hối lộ các viên chức CSVN để được trúng thầu. Viên chức bị nêu đích danh cầm tiền hối lộ là Huỳnh Ngọc Sĩ, phó giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải Sài Gòn kiêm trưởng ban quản lý dự án Xa Lộ Ðông Tây dài 22 cây số ở Sài Gòn trong đó có cả một con đường hầm bên dưới lòng sông.

Báo chí Nhật cho biết, công ty PCI đã phải hối lộ cho quan chức CSVN khoảng $3 triệu đô la, bằng 10% trị giá gói thầu như họ thú nhận với công tố viên quận Tokyo. Người ta hiểu rằng, Huỳnh Ngọc Sĩ không thể hưởng trọn số tiền hối lộ này, mà phải chia chác cho những cán bộ cao cấp đã bao che cho y.

Hồ Xuân Sơn.

Ngay sau khi sự việc nổ ra, vào tháng 6-2008, công tố viên quận Tokyo đã gửi cơ quan tư pháp CSVN các câu hỏi cần thẩm vấn Huỳnh Ngọc Sĩ và muốn đưa điều tra viên sang Việt Nam để thẩm vấn trực tiếp nhưng CSVN không đáp ứng. Thứ Trưởng Ngoại Giao Việt cộng Hồ Xuân Sơn thậm chí còn chê trách chính phủ Nhật là không chịu bịt miệng báo chí Nhật, để những tờ báo này loan tải tin tức phương hại đến uy tín của chính phủ Việt Nam.

Thái độ ngoan cố và ngớ ngẩn nói trên đã bị báo chí Nhật đả kích nặng nề, khiến CSVN vào cuối tháng 8 đã phải thay đổi thái độ. Trong một cuộc họp báo tại Hà Nội, phát ngôn viên Lê Dũng tuyên bố: “Sẽ hợp tác chặt chẽ với phía Nhật Bản để sớm làm rõ và xử lý thỏa đáng vụ việc phù hợp với luật pháp Việt Nam”.

Tham nhũng vốn là một căn bệnh kinh niên của chế độ Việt cộng. Lãnh đạo CSVN dù đã lên tiếng báo động về thảm họa này, và nhiều lần tuyên bố quyết tâm bài trừ tham nhũng, nhưng không ai tin tưởng vào những lời hứa hẹn của họ. Và mặc dù có nhiều con hạm tham nhũng bị dư luận tố cáo và bị đưa ra xét xử chiếu lệ, nhưng đây mới chỉ là một phần rất nhỏ. Lãnh đạo chóp bu của cộng sản vẫn tiếp tục moi móc tài nguyên của đất nước, chiếm đoạt tài sản của đồng bào, và ăn cắp tiền viện trợ của nước ngoài.

Cho đến nay, lần đầu tiên có trường hợp tham nhũng tại Việt Nam bị lôi ra ánh sáng bởi chính luật pháp văn minh của loài người. Dư luận tiên đoán rằng, với bản chất ngoan cố cố hữu, Việt cộng sẽ tìm những thủ đoạn tinh vi để ém nhẹm. Họ có thể huy động các cơ quan truyền thông quốc doanh đăng tải tin tức xuyên tạc để làm lạc hướng. Họ cũng có thể sẽ đưa ra một số con dê ra tế thần, như đã từng làm nhiều lần trong quá khứ. Tuy nhiên, với quyết tâm phanh phui sự việc của người dân trong nước, và được sự tiếp tay của cộng đồng quốc tế, người ta không cho rằng CSVN có thể thành công. Những trường hợp vừa bị Hoa Kỳ và Nhật Bản phanh phui chỉ mới là mảng trên của tảng băng, còn rất nhiều những trường hợp khác, liên quan đến các nhân vật lãnh đạo của CSVN, sẽ tiếp tục bị lôi ra ánh sáng trong thời gian tới. Báo chí Đức cũng đã đề cập đến việc hối lộ quan chức CSVN của công ty Siemens, là một đại công ty điện khí và điện tử của CHLB Đức. Vì cuộc điều tra còn đang diễn tiến nên chưa có nhiều chi tiết được công bố. Nhưng nó sẽ là nỗi kinh hoàng kế tiếp của CSVN!.

Việc các quốc gia dân chủ phanh phui tệ nạn tham nhũng liên quan đến Việt Nam, trước tiên là do nhu cầu của chính những nước này. Họ cần áp dụng luật pháp nghiêm minh để duy trì lề lối kinh doanh lương thiện, đàng hoàng, vốn là những yếu tố quan trọng để xây dựng một nền kinh tế vững mạnh. Nhưng những biện pháp nói trên đồng thời cũng là đòn đánh thẳng vào guồng máy tư pháp của CSVN. Từ trước đến nay, Việt cộng vẫn tuyên truyền về việc xây dựng một “nhà nước pháp quyền”, nhưng trên thực tế, đây vẫn chỉ là một chế độ đảng quyền, với sự diễn giải về luật pháp tùy ý và áp dụng luật lệ tùy tiện. Công lý vẫn bị lợi dụng để làm công cụ trấn áp của chế độ độc tài, như các trường hợp xử án những nhà dân chủ đã và đang diễn ra.

Nhưng nay gió đã đổi chiều. Trong thời gian qua, người ta cũng đã thấy những nỗ lực của phong trào dân chủ, quyết dành cán cân công lý về phiá mình. Để thần công lý không tiếp tục bị xử dụng làm tấm khiên che chắn cho những tên độc tài, mà ngược lại, sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Người ta đã thấy quyết tâm của cô Phạm Thanh Nghiên qua lá đơn khởi kiện Uỷ Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội, về quyết định của Uỷ Ban này bác đơn xin biểu tình của cô. Người ta đã thấy tinh thần dũng cảm của nhiều vị luật sư ở trong nước, sẵn sàng bảo vệ cho những tiếng nói lương tâm. Đặc biệt, trong vụ xử án nhà báo Điếu Cầy giữa tuần này, có đến 5 vị luật sư cùng hiên ngang đứng lên. Đó là bước tiến ngoạn mục của phong trào dân chủ. Giờ đây, thêm những đòn tấn công từ phiá bên ngoài, cái gọi là “luật pháp xã hội chủ nghĩa” chắc chắn sẽ không còn là nơi chốn an toàn cho những kẻ độc tài. Và khi chính chế độ độc tài cũng không còn tin tưởng vào khả năng trấn áp bằng luật pháp nằm trong tay mình, để khi truy tố giáo dân Thái Hà, họ còn phải xử dụng những thủ đoạn ma đạo như chụp mũ, bôi nhọ, ngụy tạo chứng từ, và đàn áp bằng bạo lực, thì người ta hiểu rằng cái nền tư pháp này chỉ còn là một cây cột mục.

Trần Hùng

****