Hội Chợ Thiên Nhiên Aichi Expo 2005 và Sự Cẩu Thả Của Gian Hàng Cộng Sản Việt Nam

Nature’s Wisdom (tạm dịch là Sự Thông Thái Của Thiên Nhiên) là chủ đề của hội chợ quốc tế 2005 hay còn được gọi là Aichi Expo 2005 được tổ chức tại tỉnh Aichi cách Tokyo chừng 400 cây số về hướng Tây Nam. Aichi Expo kéo dài trong 185 ngày từ 25 tháng 3 đến 25 tháng 9 năm 2005. Đây là một hội chợ quốc tế có quy mô lớn với sự tham gia của 121 quốc gia và bốn tổ chức quốc tế. Hội chợ đã thành công vượt bực ngoài sự dự tưởng của Ủy ban tổ chức. Tính đến. ngày 22 tháng 7 lượng du khách đến với Aichi Expo 2005 đã lên tới con số 12.010.901 người. Với cái đà này thì chắc chắn sẽ dễ dàng vượt quá chỉ tiêu mà Ủy ban tổ chức đặt ra là 15 triệu du khách cho 185 ngày của Aichi Expo 2005. Mặc dù đây là một Expo lớn đầu tiên của thế kỷ 21, nhưng ngay từ đầu Ủy ban tổ chức đã nhấn mạnh rằng đây không phải là một hội chợ có tính cách thương mại mà là một Expo để xiển dương thiên nhiên và nói lên sự cần thiết trong việc phải ra sức bảo vệ môi trường thiên nhiên. Một hội chợ triển lãm những đồ rất cổ tới các sản phẩm công nghệ hiện đại nhất trong nỗ lực bảo vệ môi sinh vì vậy đã yêu cầu các quốc gia tham gia Aichi Expo 2005 nên sử dụng ít nhất 2/ 3 diện tích gian hàng để giới thiệu về phong cảnh thiên nhiên của đất nước cũng như những thành quả mà quốc gia mình đã đóng góp cùng nhân loại trong việc bảo vệ thiên nhiên.

Ngoại trừ Việt Nam, hầu hết các nước có gian hàng tại Aichi Expo 2005 đều thực hiện gian hàng của mình theo đúng như lời yêu cầu của Ủy ban tổ chức, đặc biệt hai nước Mỹ và Nhật đã dành trọn gian hàng của mình để triển lãm về chủ đề Thiên Nhiên nên lúc nào cũng có đông người xem. Tại tòa nhà hình cầu (Global House) trong một cái tủ lạnh khổng lồ bằng lồng kiến người ta chưng con khổng tượng mamút (Mammoth) đã chết cách đây 18.000 năm nhưng xác vẫn còn nguyên vẹn vừa đào được tại vùng Siberia vào tháng 9 năm 2004. Đây là dự án chung của Nhật và Nga nhằm bảo tồn gene của loài thú đã tuyệt chủng này. Thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ mà muốn vào xem xác con Mammo thẫn này thì phải xếp hàng chờ từ ba cho đến bốn tiếng đồng hồ mới hy vọng chen chân vào được bên trong. Gian hàng của Hoa Kỳ với những phát minh mới và thành tựu trong lãnh vực khám phá không gian vũ trụ đã là nơi thu hút sự chú ý nhiều nhất của người đi xem hội chợ.

Campuchia đã tham gia Aichi Expo 2005 với một sự chuẩn bị thật kỹ càng, họ đã cho dựng mô hình đền thờ Đế Thiên Đế Thích (Angkor Wat) một cách thật công phu trong gian hàng của mình, giới thiệu kỹ thuật cắt những tảng đá lớn để xây đền Angkor Wat cách đây cả ngàn năm, ngoài ra còn thiết kế một cánh rừng rậm, sông hồ thiên nhiên gắn liền với đời sống của người dân Camphuchia.

Gian hàng Việt Nam tại Aichi Expo 2005 chỉ dựng một chiếc nhà tranh vách đất, một cái phòng làm nơi hội họp và được giới thiệu đó là một kiểu kiến trúc cổ xưa nhất của Việt Nam. Ngoài hai tác phẩm đó ra du khách không tìm thấy gì gọi là “Sự thông thái của thiên nhiên” trên đất nước Việt Nam. Tất cả diện tích còn lại của gian hàng Việt Nam được sử dụng làm nơi bán đồ thủ công nghệ, nào là giỏ tre, đồ bằng mây, tranh sơn mài, khăn thêu… bày bán với giá từ một đến vài chục Mỹ kim nhưng cũng gọi đây là sản phẩm do tay con người chế tạo từ tài nguyên thiên nhiên cho hợp với chủ đề của Aichi Expo 2005. Trong khi nhân viên phụ trách những gian hàng của các quốc gia khác chú tâm vào chuyện giới thiệu với du khách về sự liên hệ mật thiết giữa thiên nhiên và đất nước mình thì toàn bộ nhân viên gian hàng Việt Nam lại là những người bán hàng gần như chuyên nghiệp.

Một vài phái đoàn quan chức cao cấp từ Hà Nội sang thăm gian hàng Việt Nam tại Aichi Expo 2005 hầu hết đều gật đầu thích thú khi nhìn thấy có nhiều du khách vào gian hàng mua một vài món đồ làm quà kỷ niệm. Thêm một chuyện khác nữa cần đề cập đến là ban nhạc cổ truyền Việt Nam với các nhạc cụ như đàn tranh, đàn bầu, đàn độc huyền cầm… trình diễn cho du khách nghe với mục đích giới thiệu về nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, nhưng không hiểu do sáng kiến của ai mà ban nhạc cổ truyền này khi trình diễn thì chủ yếu chơi các bài nhạc Nhật đang thịnh hành.

Nhiều người Việt sinh sống tại Nhật cùng với bạn bè người bản xứ đi xem Aichi Expo 2005 có ghé vào gian hàng Việt Nam, khi ra về những người bạn Nhật đã thốt lên một câu rằng quả thật chúng tôi xấu hổ dùm cho người Việt Nam. Vào đây là muốn tìm hiểu thêm về những giá trị thiên nhiên mà Việt Nam có được nhưng chẳng thấy giới thiệu. Muốn vào nghe để biết âm điệu về nhạc cổ truyền Việt Nam như thế nào thì lại được nghe toàn là nhạc Nhật.

Cám ơn những người bạn Nhật đã nói lên lời chân thành là xấu hổ dùm cho người Việt Nam. Là người Việt Nam, chúng tôi phải sử dụng đến hai chữ tủi nhục mới đúng nghĩa.