Hội Nghị APEC 2006

Ngày 18 và 19 tháng 11, hội nghị APEC được tổ chức tại Hà Nội thế nhưng dự thảo các văn bản quan trọng như Tuyên ngôn Hà Nội, Kế hoạch hành động Hà Nội, đã được chính thức công bố vào ngày 7 tháng 11 năm 2006. Bản tuyên ngôn Hà Nội sẽ được 21 quốc gia trong khối APEC đem ra bàn thảo và biểu quyết tại hội nghị. Nếu hiệp ước tự do mậu dịch (FTA) được toàn thể các nước trong khối APEC ký kết với nhau thì APEC sẽ trở thành một vùng tự do mậu dịch lớn nhất thế giới với 40% dân số của quả địa cầu và 60% tổng sản lượng (GDP) thế giới.

Nếu sự việc này tiến hành thông suốt, Hoa Kỳ sẽ dành được thêm nhiều ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á, nơi mà Trung quốc đang chiếm ưu thế, vì vậy Bắc Kinh nhiều phần tìm cách ngăn cản; chính vì lẽ đó mà nhiều chuyên gia kinh tế chưa dám quả quyết hội nghị APEC lần này tiến bước ở mức độ nào. Được biết nội dung chính của bản Tuyên ngôn Hà Nội gồm có ba điểm như sau: Thứ nhất, tự do mậu dịch và xúc tiến đầu tư; Thứ hai, xúc tiến việc bảo an cho toàn khối APEC và; Thứ ba, hướng về một cộng đồng có sức mạnh hoạt động. Trong phần thứ ba này nói rõ các nước phải thống nhất việc bài trừ tham nhũng, phải rõ ràng minh bạch trong mọi vấn đề, phải xúc tiến việc cải thiện mạng lưới Internet và hạ tầng cơ sở.

Ngoài bản dự thảo tuyên ngôn này ra còn có thêm bản dự thảo kế hoạch hành động Hà Nội với nội dung gồm 5 điểm:
Thứ nhất, ủng hộ việc mậu dịch đa phương;
Thứ hai, tái xác nhận kế hoạch đẩy mạnh những hoạt động đầu tư, thương mại của các tập đoàn cũng như tư nhân;
Thứ ba, nâng cao chất lượng các hiệp định tự do thương mại song phương và hiệp định mậu dịch khu vực;
Thứ tư, đẩy mạnh kế hoạch hành động làm ăn đã quyết định ở Pusan (Pusan Business Plan) và
Thứ năm, đẩy mạnh sự hiệp tác kinh tế, kỹ thuật.

Hội nghị APEC cũng bàn thêm về hiệp ước Doha Round, tức là việc giao thiệp mậu dịch đa phương của tổ chức WTO. Trước đây, những đề án về hiệp định tự do mậu dịch của APEC là do các cơ quan dân sự phát khởi, lần này nếu có sự nhận thức và đồng tình của lãnh đạo các quốc gia trong khối APEC thì quả thật APEC sẽ tiến thêm một bước nữa.

Hiện nay, Hoa Kỳ khó lấn lướt được Trung quốc trong quan hệ mậu dịch ở khu vực Đông Nam Á vì tại đây Trung quốc đã có những hiệp ước mậu dịch song phương với các nước. Vì vậy Hoa Thịnh Đốn phải dựa vào APEC để tranh dành ảnh hưởng ở ASEAN. Tuy Nhật là quốc gia đồng minh của Mỹ, nhưng vẫn có một số khúc mắc quyến lợi trong việc Hoa Kỳ muốn APEC trở thành một khu tự do mậu dịch, và như thế Nhật Bản phải cho mọi mặt hàng của các quốc gia APEC nhập vào nước mình. Còn về phía Trung quốc chắc chắn sẽ tìm đủ mọi cách, từ công khai đến vận động ngầm, để ngăn cản việc Hoa Kỳ muốn gia tăng quan hệ thương mại với ASEAN.

Hội nghị APEC ở Hà Nội lần này, Hoa Kỳ muốn các nước thành viên phải bị ràng buộc phần nào vào những quy luật của APEC đã đưa ra, chứ không áp dụng chiếu lệ như trước đây. Chính vì lẽ đó, Bắc Kinh sẽ tìm cách chống đối và đương nhiên sẽ kêu gọi một số nước ở ASEAN theo mình. Mã Lai, Nam Dương, Brunei là những quốc gia có dị ứng với Hoa Kỳ, nên Trung quốc chẳng cần kêu gọi, họ cũng đã chống lại việc Mỹ muốn ảnh hưởng vào khu vực ASEAN. Bắc Kinh chỉ cần lôi kéo thêm Hà Nội vào là đủ. Vào ngày 30 tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Trung quốc Ôn Gia Bảo đã gặp riêng ông Nguyễn Tấn Dũng tại Nam Ninh (Trung quốc) nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 15 quan hệ đối thoại ASEAN-Trung quốc để bắt Hà Nội phải theo Bắc Kinh chống lại việc Hoa Kỳ dùng APEC để tranh dành ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á. Nội dung chính của cuộc gặp gỡ tay đôi này đến nay vẫn được giữ kín, nhưng theo các phân tích gia thì Bắc Kinh lôi ông Dũng về phía mình cũng chẳng mấy khó, vì ông Dũng được coi như một trong những người lãnh đạo Việt Nam thân Trung quốc. Kéo Việt Nam theo mình, Trung quốc chỉ có thêm lượng chứ thực chất không đáng kể, vì tiếng nói của Hà Nội không mấy có trọng lượng đối với nền mậu dịch thế giới.

Vì là nước đứng ra tổ chức hội nghị APEC, nên Hà Nội chủ tọa các buổi hội họp, nhưng mọi chuyện đã được các cường quốc sắp xếp cả rồi. Khi bế mạc hội nghị, người chủ tọa chỉ đứng ra đọc bản tuyên ngôn đã viết sẵn là coi như xong nhiệm vụ.

Đạt được thỏa thuận trong hội đàm thương mại giữa hai nước đã là một việc khó, nên chuyện làm sao cho tất cả 21 quốc gia trong APEC đồng thuận về vấn đề mậu dịch là một nan đề, không thể nào giải quyết được tại hội nghị APEC ở Hà Nội lần này. Đó là nhận định chung của các nhà am hiểu tình hình thế giới.