Hội Nhập Song Hành Với Chiến Đấu Cho Tự Do Ngôn Luận

Bùi Minh Quốc

Lời mở của Tác giả:

Một số đồng nghiệp văn chương trong và ngoài nước gần đây đã thực hiện một sáng kiến rất hay: lập một diễn đàn trên mạng mang tên HỘI LUẬN VĂN HỌC VIỆT NAM (HLVHVN) để cùng nhau thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề hội nhập của văn học Việt Nam. Tôi trân trọng gửi bài viết này cùng lúc đến hai địa chỉ là Ban biên tập HLVHVN và Ban biên tập TALAWAS với mong muốn rủ rê các đồng nghiệp thường đọc TALAWAS (tôi tin là rất đông) mà chưa biết HLVHVN thì cùng tham gia bàn luận cho rôm rả. Tôi cũng chưa có điều kiện đọc hết ý kiến của các đồng nghiệp về đề tài chúng ta đang bàn, nên lỡ ý nào của tôi vô tình giống với ý tác giả khác thì xin lượng thứ.

****

Tôi luôn nghĩ văn học Việt Nam, dù được tạo ra ở Hà Nội, Sài Gòn, Pa-ri, Oa-sinh-tơn, Ca-li-phooc-ni-a, Béc-lin hay một buôn/bản làng hẻo lánh nào đó ở Cà Mau, Tây Nguyên, Tây Bắc, Việt Bắc thì đều là một; là nền văn học Việt Nam nằm trong văn hóa văn hiến Việt Nam, trước kia là thế mà nay vẫn thế. Nhưng lịch sử éo le và bi thảm đã không cho nó được là một. Chiến tranh, đấu tranh giai cấp, ly tán, chia cắt, di tản, vượt biên, du học và xuất khẩu lao động rồi cư trú mưu sinh ở xứ người… đã khiến văn học Việt Nam phải phát triển trong những không gian tự nhiên khác nhau, không gian chính trị khác/xung khắc nhau, do đó được nhìn nhận tiếp nhận, theo những nhãn quan cảm quan khác nhau.

Thế nên giờ đây chúng ta mới phải cùng nhau thảo luận để tìm cách mở đường cho văn học Việt Nam hội nhập không những với mặt bằng đời sống văn hóa toàn cầu, mà còn có chuyện phải hội nhập trong nội bộ dân tộc như hội nhập Bắc Nam (trước kia và di lụy đến nay), hội nhập trong ngoài – trong nước và hải ngoại.

Theo thiển nghĩ của riêng tôi, chúng ta cần phải gắn quá trình hội nhập với cuộc chiến đấu cho tự do ngôn luận trên đất nước ta hiện nay, mà sát sườn nhất hệ trọng nhất đối với giới cầm bút là tự do báo chí và tự do xuất bản.

Hãy hình dung, vui sướng biết bao, đến một ngày nào đó – tôi mong là sẽ không còn quá xa nữa nhờ sự nỗ lực chung – sách của đông đảo các nhà văn Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài (cùng các tác phẩm xuất bản ở miền Nam trước năm 1975) sẽ được xuất bản lưu hành bình thường ở trong nước, người thưởng thức cần bao nhiêu in bấy nhiêu, in nhiều bán hết thì tác giả và nhà xuất bản hưởng lộc lớn (từ độc giả), bán ế thua lỗ thì tác giả và nhà xuất bản chịu, nghĩa là nhà văn Việt Nam chúng ta được pháp luật Việt Nam đảm bảo thực hiện cái quyền (mà hiến pháp Việt Nam đã ghi từ lâu) bình thường như mọi nhà văn ở những nước có tự do báo chí và tự do xuất bản: Nhà văn được quyền tự in và bán sách của mình; như người nông dân Việt Nam hiện nay được quyền mang cân lúa của mình ra chợ bán.

Để đi tới được một ngày bình thường muôn vàn sung sướng như thế, những người cầm bút trung thực không thể ngồi chờ ai ban phát cho mà phải chiến đấu để giành lấy. Như Phùng Quán đã chiến đấu.

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét

Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá

(Trích bài “Lời mẹ dặn” – Thơ Phùng Quán)

Nhà thơ Phùng Quán.

Phùng Quán đã dõng dạc cất lên tuyên ngôn thơ đanh thép về cái lẽ sinh tử đối với người cầm bút, “yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét”, dù cho cái đáng ghét khu trú ngay ở những chốn đầy quyền uy mà suốt bao năm ròng được cả một dàn đồng ca liên tục dâng lên những lời yêu kính, hoặc ngược lại, cái đáng yêu lại nằm trong những vùng vẫn bị nhìn với con mắt cảnh giác, kỳ thị một cách bất công. Bất chấp mọi khổ nạn gây ra bởi những thế lực sợ sự thật, Phùng Quán đã sống và viết trọn đời đúng như lời thơ tuyên ngôn từ thời trẻ ấy, thật là “nhất quán tận can trường” – như một vế trong đôi câu đối mà tiến sĩ Hà Sĩ Phu tiễn ông khi ông lên đường về cõi vĩnh hằng.

Phùng Quán tiêu biểu cho sự lựa chọn sống và viết của một bộ phận văn nghệ sĩ trí thức Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua, song hành với một sự lựa chọn khác: lựa chọn của Nguyễn Đình Thi.

Phùng Quán của “Lời mẹ dặn” vẫn luôn là Phùng Quán sống và viết theo lời mẹ dặn “làm nhà văn chân thật suốt đời”, còn Nguyễn Đình Thi của “Diệt Phát-xít”, của “Người Hà Nội” thì không phải như thế. Lúc gần cuối đời, Nguyễn Đình Thi đã gửi lại hậu thế những lời này:

Người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ
Tay tôi vướng nhiều đồ bỏ
Nhiều dây nhợ tự buộc mình

Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Tôi biết tôi đã nhiều lần ác
Và ngu dại còn nhiều lần hơn

(Trích bài “Gió bay” – Thơ Nguyễn Đình Thi, NXB Văn học, 2001)

Cùng chung một sự lựa chọn như nhà văn Nguyễn Đinh Thi là nhà văn Nguyễn Khải, cũng đã gửi lại hậu thế những lời gan ruột này 8 tháng trước khi mất:

“Chúng tôi biết nhau trong một thời kỳ hoà bình, là những viên chức nhà nước của một thời thanh bình. Anh (Nguyễn Đình) Thi là viên chức cấp cao, tôi là viên chức cấp thấp, cả cao lẫn thấp đều là thành viên của cái thế giới viên chức. Cái thế giới ấy có sống trong nó, sống với nó mới thấy hết cái tầm thường, cái nhỏ nhen, khó có ai tôn trọng được ai trong cuộc ganh đua vừa vô nghĩa vừa buồn cười. Trong cuộc ganh đua ấy không có người thắng, cả mọi người đều thua vì đã tự hạ mình trong nhiều chuyện nghĩ lại cũng là nhảm. Lại thêm nhiều chục năm chúng tôi luôn luôn bận rộn bởi nhiều cuộc tranh cãi về lập trường quan điểm giai cấp trong văn nghệ. Các cuộc tranh luận ấy lại diễn ra trong bầu không khí chính trị thường xuyên căng thẳng của một thế giới chia đôi, một đất nước chia đôi và một xã hội cũng bị chia ra bởi các cuộc đấu tranh giai cấp.”

(Nguyễn Khải – “Chiến sĩ-nghệ sĩ” – báo Văn Nghệ số 17,18 ngày 29.4/5.5.2007)

Đau quá, xót quá.
Mà thương quá.
Mà cũng cảm phục quá.

Phải có một nội lực tinh thần thế nào mới viểt ra nổi những lời như thế về chính bản thân mình. (Tôi chưa đọc thấy ở đâu những lời tương tự của ông Tố Hữu, người mà tôi tự cho rằng mình đã chịu ảnh hưởng nhiều bởi thơ và đời ông giai đọan “Từ ấy”. Tôi mong các ủy viên bộ chính trị trước kia và hiện nay nên noi gương hai nhà văn Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Khải mỗi khi nhắc nhở đảng viên đẩy mạnh phê bình và tự phê bình).

Hai nhà văn Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Khải đều là những tài năng thuộc cỡ hàng đầu của đất nước, những gương mặt tiêu biểu của văn học cách mạng, trong nhiều năm đã là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Hội Nhà văn Việt Nam, cái sống cái viết cái lãnh đạo chỉ đạo của các ông có tầm ảnh hưởng dẫn dắt tới hàng trăm cây bút khác, nhất là lớp trẻ. Cũng xin nói luôn, tôi dẫn trên đây những điều chiêm nghiệm của các ông cũng là để tự mình chiêm nghiệm và chia sẻ với các thế hệ kế tiếp, chứ vào thời ấy, trong hoàn cảnh ấy khó có ai nói giỏi được, mấy ai cưỡng nổi những o ép đe dọa và cám dỗ, giả dụ tôi cùng thời với các ông, chắc gì tôi đã đủ can đảm để lựa chọn sống và viết được như Phùng Quán. Vì thế, tôi hiểu chữ “nhất quán” của tiến sĩ Hà Sĩ Phu có chứa thêm một nghĩa nữa là nhất (ông) Quán (hoặc chỉ có một ông Quán mà thôi).

Thấy hiện ra rõ mồn một cái sự đời đơn giản này: nếu chế độ chính trị là chế độ dân chủ, có tự do báo chí và tự do xuất bản, thì ông Thi, ông Khải chẳng tội gì phải đeo bám lấy cái chức tổng thư ký, phó tổng thư ký Hội để phải xông ra viết bài đánh các ông Nhân văn – Giai phẩm, mà lập tức vứt béng ngay chức tước đi để mở báo tư, nhà xuất bản tư, đăng bài in sách của mình và đồng nghiệp; ông Phùng Quán cũng thế, mở ngay một tờ báo tư để đăng bài phản bác lại những ai đánh mình, báo ông văn ông được nhiều người đọc thì ông thừa sức sống sung túc bằng ngòi bút chân thật của mình chứ đâu đến nỗi phải mấy chục năm ròng sống cảnh câu cá trộm, uống rượu chịu, viết văn chui (nhờ người khác đứng tên trên tác phẩm của mình để được in, để kiếm chút nhuận bút còm rất phập phù khi có khi không).

Thế nhưng cái “nếu” đơn giản ấy, bình thường ấy đã không có.

Đến bây giờ vẫn chưa có, dù đã có đủ thứ “tư”, doanh nghiệp , bệnh viện , trường … Đảng viên đảng cộng sản vốn theo lý thuyết chống tư hữu, xóa bỏ thị trường tư bản nay cũng được làm kinh tế , chỉ riêng tư tưởng văn hóa thì không được . Thật là phi lý quá quắt, trong khi mục tiêu dân chủ, công bằng đã được ghi rành rõ trong cương lĩnh của Đảng từ 7 năm nay (Đại hội lần thứ 9, năm 2001).

Tập “Trần Dần – Thơ”, nếu có nhà xuất bản tư thì đã được công bố ngay từ khi tác giả còn sống chứ đâu phải cất ngăn kéo lâu đến thế. Gia đình nhà thơ và các bạn hữu, đồng nghiệp thuộc mọi lứa tuổi nhiệt thành trân trọng những giá trị chân thiện mỹ trong cái văn nghiệp bị vùi dập mà tầm cỡ chưa ai lượng hết của ông đã kiên nhẫn chờ cả 10 năm sau ngày ông tạ thế. Đưa bản thảo đến nhà xuất bản Hội Nhà văn, nơi mọi người đinh ninh là bà đỡ đáng tin cậy nhất cho các giá trị văn chương, thì bị từ chối. Phải đưa vào một nhà xuất bản địa phương tít trong miền Trung. May thay, hồn thơ linh thiêng và bất tử của Trần Dần đã gặp được ở đây những con mắt xanh, những tấm lòng vàng, mà tiêu biểu là nhà văn Đà Linh (Nguyễn Đức Hùng), phó giám đốc-tổng biên tập, bí thư đảng ủy nhà xuất bản Đà Nẵng. Tập thơ ra đời, hình như bằng nguồn tài chính của Công ty văn hóa Nhã Nam thông qua phương thức liên kết xuất bản, đã có mặt trên các quầy sách, nhưng đưa đến Văn Miếu để giới thiệu trong Ngày thơ Việt Nam thì bị ách lại ngay đêm trước bởi một cú điện thoại. Rồi là một đoàn thanh tra liên ngành đến Công ty Nhã Nam để tịch thu 19 cuốn sách tồn kho và phạt 15 triệu đồng vì tội “vi phạm qui trình xuất bản”. Muốn biết đầu đuôi sự thể cái gọi là “vi phạm qui trình xuất bản” ra sao, xin đọc đoạn tường thuật trên trang 9 báo Tiền Phong ra ngày chủ nhật 9.3.2008. (Mời coi phần Phụ lục)

Rất hoan nghênh ba nhà báo nêu trên và BBT báo Tiền Phong đã kịp thời cung cấp cho bạn đọc những thông tin cụ thể về vụ việc đầy những thao tác lắt léo (mà cũng khá vụng về) của một thế lực chống đổi mới; không kiếm được cớ gì ở nội dung tác phẩm thì cố dùng cái vỏ “vi phạm qui trình xuất bản” để quyết tiếp tục đẩy Trần Dần vào bóng tối.

Nhà thơ Trần Dần

Nhưng hành vi của họ không che nổi cặp mắt tinh tường con tim nhạy cảm của các văn nghệ sĩ trí thức tha thiết với đổi mới, quyết tâm chiến đấu cho đổi mới. Ngày 1.3.2008, bảy anh chị em gồm giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhà thơ dịch giả Dương Tường, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên phó chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà thơ nhà báo Nguyễn Thị Giáng Vân, nhà văn dịch giả Châu Diên (Phạm Toàn), dịch giả và nhà nghiên cứu văn học Cao Việt Dũng đã dũng cảm và tháo vát cùng nhau viết và ký chung một bức thư ngỏ lên tiếng bảo vệ Trần Dần đồng thời thông tin rộng rãi đến các đồng nghiệp xa gần. Lập tức chỉ trong vài ngày đã có 134 văn nghệ sĩ trí thức cùng tham gia ký tên, bảy ngày sau thì số người đã lên tới 218 và chỉ tạm dừng khi có thông báo của nhóm bảy người khởi xướng.

Mừng quá! Vui quá!

Lâu lắm mới lại có một cuộc như thế này. Như có một luồng gió lành dậy lên xua bớt cái không khí xìu xìu ển ển đùng đục lởn vởn những giọng triết lý yềm thế ngụy biện cho một kiểu lựa chọn bạc nhược mà nhà văn Nguyễn Đình Chính, con trai nhà văn Nguyễn Đình Thi gọi là “ngậm miệng ăn tiền, quay mặt vào tường để viết tác phẩm lớn”(?) Nhìn vào danh sách ký tên, thấy hiện ra một cuộc “hội nhập” rất tự nhiên và ngoạn mục. Những người Việt Nam hoạt động sáng tạo và những người quan tâm đến văn hóa văn học, từ mọi miền đất nước, từ bao chân trời góc biển trên toàn cầu, có cả các bạn người nước ngoài, rất khác nhau về nhiều mặt, với việc lên tiếng bảo vệ Trần Dần, trong chớp mắt đã cùng tập hợp trên con đường Chân Thiện Mỹ, con đường chiến đấu giành lấy một trong những quyền thiêng liêng nhất của con người: quyền được công bố công trình sáng tạo của mình.

Xin nhắc lại một chủ trương có tính nền móng, tính nguyên tắc:
NHÌN THẲNG VÀO SỰ THẬT, NÓI RÕ SỰ THẬT
Tôi thấy hồn thơ Phùng Quán hiển thị trong chủ trương ấy.

Đà Lạt, 27.3.2008
Bùi Minh Quốc

(HỘI LUẬN VĂN HỌC VIỆT NAM)

Phụ lục:

“Ngày 10.8.2007, ông Nguyễn Đức Hùng (tức nhà văn Đà Linh) – phó giám đốc kiêm tổng biên tập NXB Đà Nẵng ký quyết định xuất bản “Trần Dần – Thơ”, kèm theo một hợp đồng kinh tế với đối tác là Cty Nhã Nam (Hà Nội). Hợp đồng nêu rõ: Nhã Nam chỉ được triển khai in ấn sau khi bản thảo đã thẩm định xong và sau khi nhận được bản thảo chính thức từ phía NXB có đóng dấu giáp lai vào từng trang… Việc thẩm định bản thảo bắt đầu từ văn bản thẩm định ngày 25.7.2007, do nhà văn Đà Linh – thường trực chi hội Nhà văn VN tại Đà Nẵng, kiêm chủ tịch hội đồng nghệ thuật Hội nhà văn TP Đà Nẵng thực hiện. Sau đó là các thẩm định bằng văn bản của nhà thơ Bằng Việt – chủ tịch Hội LHVHNT Hà Nội, nguyên chủ tịch Hội đồng thơ Hội nhà văn VN (2 khóa); và giáo sư Hoàng Ngọc Hiến. Các ý kiến thẩm định đều khẳng định giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật của thơ Trần Dần được nhìn nhận dưới ánh sáng của Đổi Mới, và tuyển tập là một chân dung khá đầy đủ mà lâu nay vẫn còn ẩn kín của thi tài độc đáo bậc nhất Việt Nam này. GS Hoàng Ngọc Hiến khẳng định: ”Trần Dần đã được truy tặng Giải thưởng nhà nước. Trần Dần đã được chiêu tuyết. Tuy nhiên chiêu tuyết bằng sự truy tặng giải thưởng vẫn là một sự chiêu tuyết bằng biện pháp hành chính (tôi vẫn nhìn nhận cách chiêu tuyết này là hết sức cần thiết). Nhà văn trước hết phải được chiêu tuyết bằng tác phẩm. Tôi xem việc xuất bản tập “Trần Dần – Thơ” mới thực sự là chiêu tuyết cho Trần Dần, là sự bổ sung cơ bản cho sự chiêu tuyết bằng truy tặng giải thưởng…”.

Tính pháp lý cao nhất cho việc xuất bản cuốn sách, theo ông Hùng, đó là bản thảo này đã được đưa vào kế hoạch, đăng ký đề tài xuất bản từ năm 2006, đã được chủ quản là UBND TP Đà Nẵng thông qua, sau đó được Cục Xuất bản chấp nhận bằng văn bản số 816-2006/CXB/05/79/DaN ngày 2/11/2006. Do không chuẩn bị kịp, sang năm 2007, bản thảo này được đăng ký lại, UBND TP Đà Nẵng một lần nữa thông qua, sau đó lại được Cục xuất bản chuẩn y theo kế hoạch xuất bản hàng năm bằng văn bản số 279-2007/CXB/33-27/DaN ngày 17/4/2007. Đáng ngạc nhiên, ngay sau khi ông Nguyễn Đức Hùng ký quyết định xuất bản, thì ngày 11/8/2007, giám đốc NXB Đà Nẵng-ông Nguyễn Hữu Chiến (mới về NXB được 10 ngày) lại ký quyết định khác thu hồi quyết định cho xuất bản trước đó 1 ngày, mà như ông Hùng khẳng định, bản thân ông cũng như các bên liên quan cũng không hề được trao đổi, và cũng không hề nhận được quyết định mới này. “Suốt 23 năm qua – ông Hùng nói – tại NXB Đà Nẵng tôi đã từng ký xuất bản hàng trăm cuốn sách nhưng chưa khi nào xảy ra sự việc như thế này… Là phó giám đốc trực-tổng biên tập kiêm bí thư đảng ủy, từ trước tới nay giữa các đời giám đốc và tôi cùng chịu trách nhiệm như nhau trong mọi quyết định của NXB, điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của luật xuất bản…”. Một điều nữa, dù quyết định ngưng việc xuất bản “Trần Dần – Thơ” do ông Nguyễn Hữu Chiến ký từ ngày11/8/2007, nhưng mãi đến 25/2/2008, tức là hơn 6 tháng sau, Cục Xuất bản mới nhận được (?), trong khi việc in ấn, nộp lưu chiểu đã tiến hành đầy đủ theo luật định, và sách chính thức phát hành sau khi nộp lưu chiểu 15 ngày.

(Trích tường thuật của Trần Tuấn – Dương Thị – Trần Thanh; báo Tiền Phong 9.3.2008)