Hội Thảo ngày 9/4/2009 về Khai Thác Bô-xit tại Tây Nguyên

Hoàng Cơ Định

Trong những ngày gần đây dư luận trong và ngoài nước quan tâm nhiều tới bản Kiến Nghị ký ngày 12/4/2009 do ba vị giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Thế Hùng và Phạm Toàn đề xuất, yêu cầu dự án khai thác bô-xit tại Tây Nguyên cần phải được đưa ra Quốc Hội để cứu xét trước khi tiến hành. Kiến nghị này đã được hưởng ứng bởi hàng trăm chuyên gia và đồng bào thuộc nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, ở trong và ngoài nước. Gần như chưa bao giờ có một sự đồng thuận rộng rãi như vậy từ trước tới nay. Vì tính chất đặc biệt quan trọng này mà bản Kiến Nghị Ngày 12/4 Yêu Cầu Quốc Hội Cứu Xét Về Dự Án Bô-xit Tây Nguyên đã làm lu mờ diễn tiến và kết quả của buổi Hội Thảo trước đó 3 ngày cũng liên hệ tới vấn đề này.

Vào ngày 9 tháng 4, 2009 một cuộc hội thảo quan trọng về việc khai thác bô-xit tại Tây Nguyên đã được diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Phó Thủ Tướng CSVN Hoàng Trung Hải. Đây là buổi hội thảo hứa hẹn bởi Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 2, 2009 sau khi tuyên bố “Dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên là chính sách lớn của Việt Nam, và cương quyết cho tiến hành dự án…”.

Trong buổi Hội Thảo nêu trên 11 báo cáo và 23 ý kiến đã được trình bầy về các dự án bô-xit Tây Nguyên.

Quan điểm của phía Nhà Nước thì vẫn bám vào các nguyên tắc tổng quát mà không xét tới các yếu tố cụ thể liên hệ tới các dự án đang cần được xem xét, điển hình là phát biểu của Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương Nguyễn Mạnh Quân:

    “Việt Nam có trữ lượng bô-xít lớn. Thời gian qua, tài nguyên này ngủ yên trong lòng đất và đã đến lúc chúng ta phải khai thác, phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Bô-xít được xác định là nguồn lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực, góp phần ổn định an ninh – chính trị trên địa bàn.”

Quan điểm này đã bị đả phá là hoàn toàn không đi đôi với thực tế qua các nhận định khoa học và cụ thể của các chuyên gia.

Kết luận, buổi hội thảo đã đi tới giải pháp đề nghị là:

    “Chỉ nên thí điểm dự án Tân Rai (Lâm Đồng), tạm dừng triển khai dự án Nhân Cơ (Đăk Nông) để nghiên cứu, tổng kết rồi đi tới quyết định triển khai tiếp hay không.”

Bản chất của giải pháp đề nghị này ra sao, phải chăng đó chỉ là một luận điệu nhằm mục đích lừa mị, một kết luận có tính chất bàn xuông hay một bước lùi của các thành phần chủ trương dự án? Sau đây là vài tóm tắt về nội dung buổi Hội Thảo để có ý niệm rõ hơn về bản chất và giá trị của cuộc họp bàn này. Trước tiên, cần phải nhắc lại rằng:

  1. Nguyên tắc hợp tác giữa CSVN và Trung Cộng trong dự án bô-xit Tây Nguyên đã được đặt ra từ hơn tám năm trước, vào tháng 12 năm 2001 giữa Giang Trạch Dân và Nông Đức Mạnh. Sau khi dự án chính thức tiến hành vào tháng 11 năm 2007, nguyên tắc hợp tác CSVN & Trung Cộng lại được xác định một lần nữa giữa Hồ Cẩm Đào và Nông Đức Mạnh vào tháng 6 năm 2008. Một tháng sau đó nhà máy đầu tiên của chương trình bô-xit Tây Nguyên chính thức khai trương bởi Hoàng Trung Hải tại Tân Rai, Lâm Đồng, tiếp theo là chương trình khai thác bô-xit tại Nhân Cơ, Dak Nông được tiến hành.
  2. Vào hai ngày 22 và 23 tháng 10 cuộc hội thảo giữa các khoa học gia và các nhà văn hóa đã đưa nguy cơ khai thác bô-xit Tây Nguyên ra ánh sáng công luận. Những người lên tiếng phản đối đầu tiên việc khai thác bô-xit tại Tây Nguyên là các khoa học gia trong guồng máy ĐCSVN như TS Nguyễn Thành Sơn, Ông Nguyễn Trung, TS Nguyễn Đông Hải, Nhà văn Nguyên Ngọc, Tướng Võ Nguyên Giáp vv… Sau khi Nguyễn Tấn Dũng xác định dự án khai thác bô-xit tại Tây Nguyên là chính sách lớn của đảng CSVN thì làn sóng phản đối lan rộng qua thành phần đối kháng ở trong và ngoài nước, giới ký giả và cộng đồng dân báo (Blogger). Từ đó, nguy cơ bô-xit trở thành hiện thực, gần gụi với mọi người, tuy rằng đối với môi trường quốc nội vấn đề thông tin mới chỉ giới hạn trên mạng Internet.
  3. Hầu hết các tổ chức đấu tranh cho dân chủ ở trong và ngoài nước đều có lên tiếng phản đối dự án khai thác bô-xit tại Tây Nguyên, trong số đó đảng Việt Tân hiện là tổ chức tham gia tích cực hơn cả trong việc báo động nguy cơ khai thác bô-xit tới đồng bào và dư luận quốc tế. Đảng viên Việt Tân đã tới các hiện trường Dak Nông và Lâm Đồng để ghi lại hình ảnh tiến hành của hai dự án và Đảng Việt Tân đã chính thức lên tiếng báo nguy vào ngày 20/3/2009. Ngoài ra, nhiều cán bộ Việt Tân cũng đã lên tiếng giải thích nguy cơ về bô-xit trên nhiều diễn đàn truyền thông bằng Việt ngữ và ngoại ngữ.
  4. Trong khi dư luận đồng bào đặt nặng vào nguy cơ ô nhiễm môi trường và họa xâm lăng của Trung Cộng qua hàng ngàn nhân công từ Trung Quốc gửi qua Tây Nguyên thì một yếu tố thứ ba có thể ảnh hưởng tới tình trạng hợp tác giữa CSVN và Trung Cộng trong vụ bô-xit Tây Nguyên, có tính chất rất quan trọng, đó là tình trạng suy xụp của thị trường Alumina và kim loại Nhôm trên thế giới trong năm 2008 và thời gian kế tiếp.

    Theo nguồn tin từ BBC thì:

    ”Tập đoàn Nhôm Trung Quốc (Chinalco), nhà đầu tư của dự án khai thác bauxite khổng lồ ở Tây Nguyên, vừa thông báo lợi nhuận năm 2008 giảm tới gần 100% so với một năm trước đó và chắc sẽ thua lỗ trong quý đầu 2009. Chinalco, cũng là công ty sản xuất nhôm lớn nhất Trung Quốc, cho hay sẽ cắt chi tiêu tới 34%, tương đương 1,9 tỷ đôla, trong năm nay vì nhu cầu nhôm thế giới giảm sút mạnh. Tân Chủ tịch Chinalco La Kiến Xuyên nói tại một cuộc họp báo tổ chức hôm thứ Hai 30/03 ở Thượng Hải rằng Chinalco “sẽ siết chặt các hợp đồng mua và sáp nhập tại các thị trường nội địa và quốc tế, đồng thời hoãn các dự án kế hoạch để đối phó với khó khăn hiện thời”. Nguyên nhân dẫn đến thua lỗ, theo tập đoàn này, là giá nhôm xuống quá thấp trên thị trường quốc tế. Ông La nói Chinalco đã giảm công suất tới 40% và sản lượng nhôm cũng giảm 24%.

  5. Tình trạng kinh tế của Chinalco đã có âm hưởng trên lời tuyên bố của Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải: “Quy hoạch bô-xit được chuẩn bị trong điều kiện kinh tế thế giới, khu vực phát triển nhanh, nhu cầu nhôm tăng nhanh, do đó dự kiến sản lượng lớn quá tham vọng. Đến nay, do khủng hoảng, các ngành đều phải xem xét, điều chỉnh lại quy hoạch theo con số dự báo mới. Việc điều chỉnh quy hoạch là cần thiết. Nếu không điều chỉnh mà vẫn tiếp tục dự án thì sẽ không hiệu quả.”

    Ông yêu cầu công ty TKV, trách nhiệm chươngtrình bô-xit Tây Nguyên, là phải: “Tính lại hiệu quả và cân đối tài chính của dự án. Khác với hai năm trước, bây giờ khi đồng vốn là cả một vấn đề, tập đoàn cần phải cân bằng, bố trí vốn cho từng giai đoạn đảm bảo hiệu quả kinh tế.”

Kết quả buổi Hội Thảo ngày 9/4/2009.

Buổi hội thảo đã đi tới giải pháp đề nghị là:

    “Chỉ nên thí điểm dự án Tân Rai (Lâm Đồng), tạm dừng triển khai dự án Nhân Cơ (Đăk Nông) để nghiên cứu, tổng kết rồi đi tới quyết định triển khai tiếp hay không.”

Lý do của đề nghị này được đại diện Nhà Nước nhấn mạnh vào khía cạnh kinh tế, vào tình trạng suy thái chung trên thế giới, nghĩa là không phải vì Nhà Nước vô trách nhiệm đối với nhu cầu bảo vệ môi trường sống của người dân và độc lập quốc gia. Trong khi đó Chinalco, công ty mẹ của dự án bô-xit Tây Nguyên đang có khó khăn kinh tế thực sự.

Trong tình huống này, có nhiều xác suất lời tuyên bố của Hoàng Trung Hải không phải chỉ là lời bàn xuông mà sẽ là bước lùi thực sự. Bước lùi này có tính chất giai đoạn hay vĩnh viễn sẽ tùy thuộc ở nỗ lực đấu tranh tiếp tục của người dân VN và cả tình hình thị trường Nhôm trên thế giới. Tuy nhiên,dầu cho thị trường có thuận lợi trở lại như cách đây 2 năm, thì theo các con số của TS. Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban Dự án Nhôm của Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam chứng minh, dự án Tân Rai và Nhân Cơ sẽ không hiệu quả.

Ngoài ra, trong buổi hội thảo, và từ nhiều tháng qua, một số vấn đề căn bản đã được nêu lên để phản đối dự án này củaNhà Nước : Quốc phòng, xâm lấn trá hình qua việc nhập nội hàng ngàn nhân công Trung Quốc, hủy diệt nếp sống văn hóa địa phương và nhất là nguy cơ phá hoại và đe dọa môi sinh. Yếu tố sau cùng này đã được ghi nhận qua phát biểu của Hoàng Trung Hải trong phần đúc kết hội thảo, ông Hải yêu cầu:

  • TKV phải thực hiện nghiêm túc quản lý khôi phục môi trường khai thác mỏ, giảm thiểu ảnh hưởng đến nông nghiệp, đảm bảo không lãng phí đất.
  • Tập đoàn cũng cần lập thiết kế kỹ thuật cho hồ chứa bùn đỏ để thẩm định.

Thời gian 5 tháng qua cũng là cơ hội mà hầu hết các thành phần quần chúng từ trong tới ngoài đảng CSVN, quốc nội tới hải ngoại, nhất loạt lên tiếng phản đối việc khai thác bô-xit tại Tây Nguyên.

Căn cứ trên bản chất “nói một đàng, làm một nẻo” của CSVN, các cuộc tranh đấu của quần chúng cần phải tiếp diễn một cách kiên trì thì mới mong những điều hứa hẹn trở thành hiện thực và phải làm sao chấm dứt ngay cả phân nửa dự án tại Tân Rai dầu cho dưới danh nghĩa là “thí điểm”. Vì với hết cả dữ kiện cụ thể vô cùng thuyết phục đã được nêu lên, còn có gì để mà thí nghiệm. Chẳng lẽ phải tiếp tục tàn phá một phần quê hương và lỗ lã thêm vài trăm triệu Mỹ kim để cứu vãn cho thể diện (?) của chế độ? Kết quả “thí nghiệm” khai thác than bởi TNK, cũng có sự hợp tác của cả chục ngàn công nhân Trung Quốc từ hơn 20 năm qua, đã biến Quảng Ninh thành vùng “Quảng Ninh Đen” nghèo khổ không đủ sao mà nay còn toan biến các đồi trà xanh tại Lâm Đồng thành một vùng sa mạc Lâm Đồng Đỏ ?

Sự việc Nhà Nước CSVN phải thay đổi do sự đòi hỏi của quần chúng là điều không dễ nhưng không phải là chưa từng xẩy ra. Vụ đánh thuế 10% trên số tiền đồng bào hải ngoại gửi về nước hay cấm đoán người có vòng ngực nhỏ không được lái xe gắn máy đã phải dẹp bỏ nhanh chóng, xa hơn là sự đầu hàng của chính sách bao cấp, là những bằng chứng cụ thể.

Chúng ta nên coi kết quả của cuộc hội thảo 9/4/2009 như thắng lợi của 5 tháng tranh đấu của quần chúng trong và ngoài nước và cần tiếp tục nỗ lực để đảm bảo các hứa hẹn của CSVN phải thành hiện thực. Cuộc vận động cho kiến nghị ngày 12/4/2009 yêu cầu Quốc Hội cứu xét trước khi thi hành dự án khai thác bô-xit tại Tây Nguyên nói lên ít ra những điều sau đây: Thứ Nhất là mặc dầu có lời hứa hẹn của Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải trong buổi Hội Thảo ngày 9/4/2009 tạm ngưng khai thác bô-xit tại Nhân Cơ, người dân VN chưa thể nào tin ở những lời người CS nói mà cần phải nhìn rõ những gì người CS làm. Thứ Nhì là khi phải chấm dứt khai thác bô-xit tại Nhân Cơ (Đắc Nông) thì chẳng có lý do gì để thí nghiệm khai thác tiếp bô-xit tại Tân Rai (Lâm Đồng).

Việc cứu xét bởi Quốc Hội về vấn đề khai thác bô-xit tại Tây Nguyên cũng sẽ phải căn cứ trên các dữ kiện khoa học và kinh tế đã được toàn thể giới khoa học và chuyên gia nêu lên từ nhiều tháng qua, kết quả cũng sẽ chỉ là phải bảo vệ mầu xanh cho Tây Nguyên, duy trì canh nông và chăn nuôi để mỗi tấc đất thật sự là một tấc vàng chứ không biến phần đất quê hương này thành một sa mạc chết.

Hoàng Cơ Định
hoangcodinh@jps.net