Hơn 30.000 Công Nhân Ở Khu Công Nghiệp Bình Dương Đình Công Liên Tục

Theo tin hãng thông tấn Pháp AFP, có khoảng 30.000 công nhân VN đã đồng loạt đình công ở 38 công ty khác nhau ở miền Nam Việt Nam từ hồi tuần qua.

Qua tin chính thức của nhà nước CSVN, AFP loan tải cho biết các công nhân ở các nhà máy thuộc tỉnh Bình Dương, đã đồng loạt đình công vì bất mãn với đồng lương và điều kiện làm việc, bao gồm cả việc than phiền về bữa ăn ở cantin thiếu phẩm chất.

Nguyễn Phung Trung, phó Giám đốc phòng Lao Động, Thương Binh và Xã Hội CSVN tỉnh Bình Dương cho phóng viên AFP hay rằng, kể từ hôm 1/10, khoảng 30.000 công nhân từ 38 công ty đa số do ngoại quốc làm chủ đã đồng loạt đình công. Trung cho biết, hàng ngàn công nhân ở một nhà máy sản xuất giày dép do Đài Loan làm chủ đã đình công từ đầu tuần rồi, đòi tăng lương cũng như những điều kiện làm việc phải được cải thiện. Ông này còn nói thêm rằng, đa số những người đình công đã trở lại làm việc để không bị sa thải, nhưng không thấy đề cập đến con số cụ thể là bao nhiêu người đã trở lại làm việc? Những đòi hỏi của công nhân có được đáp ứng hay không? Và nếu có, thì được đáp ứng như thế nào?

Việt Nam, một đất nước với 84 triệu người dân nhưng công nhân các nhà máy chỉ thu nhập 50 Mỹ kim một tháng, đã trở thành điểm đến của những công ty sản xuất giày dép, may mặc, thực phẩm, đồ điện tử và sản xuất đồ phụ tùng xe hơi.

Cho đến nay, các công đoàn lao động độc lập với nhà nước CSVN đều hoàn toàn bị cấm hoạt động. Những chuyên gia nghiên cứu quan hệ lao động giữa công nhân và chủ trong ngành kỹ nghệ ở Việt Nam cho rằng, hiện đang thiếu vắng một cơ chế phân xử công minh, và minh bạch trong hầu hết các hãng xưởng hiện nay để có thể giải quyết những bất đồng trong lao động cho êm thắm giữa công nhân và chủ nhân.

Những người hoạt động cho Hiệp Hội Đoàn Kết Công-Nông Việt Nam (United Workers-Farmers Organization), một tổ chức hoạt động độc lập và hiện đang bị nhà nước CSVN cấm đoán, trong qúa khứ đã đòi hỏi quyền thành lập một công đoàn lao động độc lập để bảo vệ quyền lợi của công nhân, họ lên tiếng tố cáo công an đã bắt bớ và bỏ tù nhiều thành viên của họ trong năm vừa qua.