Hủy Bỏ Điều 4 Hiến Pháp Có Phải Là Kim Chỉ Nam Đấu Tranh Của Các Nhà Dân Chủ?

Nguyên Hà

Ngày 7/5/2007, nhà bình luận chính trị hải ngoại Trần Bình Nam có bài viết Nhận diện sách lược đấu tranh đăng trên trang Web “ykien.net” đã vạch ra sách lược: Cách đây mấy năm ông Hà Sĩ Phu cũng nghĩ đến cái phòng tuyến sau cùng của đảng Cộng sản Việt Nam là Điều 4 Hiến Pháp (HP), nhưng ít ai để ý. Và 6 năm trước đây Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam (TC/PHVN) do ông Trần Quốc Bảo lãnh đạo đã phát động cuộc đấu tranh “Bỏ 4” đòi hỏi đảng Cộng sản Việt Nam qua quốc hội do đảng kiểm soát hãy hủy bỏ Điều 4 HP, tạo điều kiện cho một số đảng phái chính trị khác xuất hiện ngang hàng với đảng Cộng sản, và để cho dân, qua bầu cử tự do dưới sự kiểm soát của quốc tế, bầu ra một quốc hội thật sự đại diện cho dân. Ông Lê Hồng Hà, một cựu đảng viên đảng Cộng sản ly khai đã viết rằng Điều 4 trong bản HP là một sỉ nhục quốc gia. Và đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu xử dụng Điều 4 như luật căn bản để cấm các đảng chính trị, không phải là ngoại vi của đảng, xuất hiện. Đảng Cộng sản Việt Nam đang bám vào phòng tuyến cuối cùng như ông Hà Sĩ Phu tiên đoán, và cái điểm chúng ta cần tập trung sức mạnh để đánh vào cũng bắt đầu lộ diện. Phải chăng điều 4 Hiến pháp cũng giống như lá bùa mà Phật tổ như Lai đã dán lên núi Ngũ Hành Sơn nhốt Tôn Ngộ Không đến 500 năm?

Người dân Việt Nam, dù ở quốc nội hay hải ngoại đều biết tác phẩm Tây Du Ký học giả Trung Hoa Ngô Thừa Ân, trong đó có một chi tiết rất lý thú: Sau khi thoát khỏi lò bát quái của Thái Thượng lão quân, Tôn Ngộ Không đánh thẳng vào điện Linh Tiêu của Ngọc Hoàng, thiên binh thần tướng không thể cản nổi và Phật tổ Như Lai phải xuất hiện biến năm ngón tay thành năm ngọn núi (Ngũ Hành Sơn) đè lên người Tôn Ngộ Không. Mặc dù bị núi Ngũ Hành Sơn nặng cả triệu tấn đè trên cổ, nhưng Tôn Ngộ Không với 72 phép thần thông vẫn giãy dụa và có khả năng thoát ra được. Thấy vậy Phật Tổ Như Lai mới dán lên thêm một lá bùa mới nhốt được Tôn Ngộ Không. Mãi đến 500 sau, khi Đường Tam Tạm đi thỉnh kinh ngang qua, nghe tiếng kêu cứu liền gỡ lá bùa và giải thoát được Tôn Ngộ Không và thâu nhận làm đồ đệ. Như vậy, phải chăng Điều 4 của bản Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992 cũng giống như một lá bùa mà Đảng Cộng sản đã gắn trên đầu của 82 triệu người dân Việt Nam, và chỉ cần bãi bỏ điều 4 Hiến pháp thì người dân Việt Nam sẽ được tự do, dân chủ, thoát khỏi ách cai trị độc tài của Đảng Cộng sản?

Nếu như một người nào đó hiểu rõ bản chất của Đảng cộng sản Việt Nam thì chắc chắn sẽ khẳng định là không? Nhìn vào hệ thống pháp luật của Nhà nước Việt Nam rất đồ sộ được Quốc Hội ban hành với hơn 150.000 văn bản đầy đủ tất cả: Hiến pháp, Bộ luật, luật, pháp lệnh, Nghị quyết, Nghị định…, bao trùm lên tất cả các lĩnh vực: hình sự dân sư, kinh tế, thương mại, hành chính, xây dựng, đất đai, tài chính, ngân hàng…., thì bình thường chúng ta rất dễ ngộ nhận là Việt Nam là một quốc gia pháp quyền. Thế nhưng, ở đất nước Việt Nam thì ban hành Hiến pháp, pháp luật là một việc, còn Hiến pháp, văn bản pháp luật đó có được đi vào thực tế hay không là chuyện khác! Điều này rất dễ dàng nhìn thấy tại phiên tòa xét xử Linh mục Nguyễn Văn Lý ngày 30/03/2007 ở TAND tỉnh Thừa Thiên – Huế về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” qui định tại Khoản 1, Điều 88 – Bộ luật hình sự của Nước CHXHCN Việt Nam, với mức án 8 năm tù giam. Theo điều 69 Hiến Pháp là: “Công dân có quyền tự do, ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo qui định của pháp luật” thì hoàn toàn mâu thuẫn nhau.

Hiến Pháp là văn bản pháp luật tối thượng, có giá trị cao nhất trong hệ thống pháp luật thì như vậy Linh mục Nguyễn văn Lý hoàn toàn có quyền hội họp, lập hội… Điều 88 bộ luật hình sự là trái với Hiến pháp thì đương nhiên không có giá trị pháp lý, thế nhưng vì thành lậpp nhóm 8406 (còn gọi là khối 8406) “Đảng Thăng Tiến Việt Nam”, Linh mục Nguyễn Văn Lý phải ra trước vành móng ngựa chịu cảnh bịt mồm để tòa án xử một cái tội được qui định tại Khoản 1, Điều 88 – Bộ luật hình sự của nước CHXHCN. Sắp tới, hai Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân vì “ngộ nhận” ở nước Việt Nam có Hiến pháp, nên cũng chuẩn bị ra tòa cũng với cái tội được qui định tại Khoản 1, Điều 88 – Bộ luật hình sự. Vào trước thời điểm trước khi mở phiên tòa xét xử hai Luật sư Nguyễn Văn Đài với Lê Thị Công Nhân ra trước TAND Tp Hà Nội, chuyên mục “Vì An ninh tổ quốc” của Đài truyền hình Việt Nam (bộ máy tuyền truyền của Đảng cộng sản) phát sóng trên toàn quốc hình ảnh của hai luật sư này lên truyền hình trong trang phục áo phạm nhân, với những buộc tội “đanh thép”, với những lời bình có tính chất lăng mạ, xuyên tạc, bôi nhọ.… Như vậy, vào thời điểm đó, toàn thể người dân Việt Nam đều bị tạo ấn tượng hai Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân đã phạm tội, mặc dù tòa án Việt Nam chưa xét xử, chưa định tội. Việc này đã vi phạm nghiêm trọng điều 72 Hiến pháp: “Không ai được coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực của pháp luật”. Như vậy, những công dân Việt Nam nào mẫu mực, sống và làm việc theo Hiến Pháp thì rất dễ vào tù bóc lịch.

Hiến pháp được Quốc hội Việt Nam ban hành “cho đẹp đội hình”

Chính vì thế, ở đất nước Việt Nam hoàn toàn không có nguyên tắc Hiến định. Thật sự, Hiến pháp được Quốc hội Việt Nam ban hành “cho đẹp đội hình”, cho cộng đồng quốc tế lầm tưởng là Việt Nam là một nhà nước pháp quyền, chứ không có giá trị gì cả. Khi vận mệnh dân tộc đang nằm dưới sự cai trị của chế độ độc tài của Đảng cộng sản, khi Đảng cộng sản còn tồn tại thì ở Việt Nam hoàn toàn không có Hiến pháp và pháp luật, thì mục tiêu các nhà dân chủ đấu tranh tiến tới Quốc hội Việt Nam phải bỏ điều 4 của Hiến pháp cũng chẳng có ý nghĩa gì lớn lao. Giả sử, điều 4 hiến pháp bị bãi bỏ trong sự cai trị độc tài của Đảng cộng sản thì giống như chúng ta nhổ một cây cỏ ở ngoài đồng, chỉ nhổ phần ngọn thì không bao giờ tiêu diệt được cây cỏ đó. Kể từ khi được thành lập đến nay, đảng CSVN đã có một quá trình thay hình đổi dạng, nhưng vẫn giữ nguyên bản chất, để lừa đảo và tiêu diệt các lực lượng dân tộc. Trong sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản, và trước xu thế dân chủ và kinh tế toàn cầu hóa hiện nay của thế giới, đảng CSVN có sắc suất cao sẽ đổi tên, biến dạng thêm lần nữa, qua việc hủy bỏ điều 4 HP, thành lập vài đảng đối lập giả hiệu, để trình diễn vở kịch dân chủ che mắt thế giới, nhưng thực chất bên trong, đảng CSVN vẫn chỉ đạo, kiểm soát và điều khiển mọi cơ cấu xã hội từ địa phương đến trung ương. Trong khung cảnh chính trị này, sự kiện điều 4 HP biến mất chẳng có giá trị hay mang lại lợi ích gì cho đất nước, dân tộc Việt Nam.

Vì thế, nhận thức cần được điều chỉnh lại rằng, công cuộc đấu tranh chống lại chế độ độc tài của Đảng cộng sản để giành lấy nền tự do dân chủ thật sự, có thể được ví như người nông dân nhổ cỏ để chăm sóc lúa vào những vụ mùa: “nhổ cỏ phải nhổ cho tận gốc”, như cố Tổng thống Nga Boris Yeltsin đào mồ chôn chủ nghĩa xã hội của liên bang xô viết, giải tán đảng sộng sản vào đầu thập niên 90. Kết luận, điều 4 Hiến Pháp không thể nào như lá bùa của Phật Tổ Như Lai gắn trên ngũ hành sơn để nhốt Tôn Ngộ Không đến 500 năm, và chắn chắc không thể là kim chỉ nam hành động của các nhà đấu tranh dân chủ. Hủy bỏ điều 4 Hiến Pháp không phải là điều kiện ắt có và đủ để giải quyết tận gốc vấn đề của đất nước, nhưng có thể được thừa nhận như một trong những rào cản cần được tháo gỡ, để khởi đầu cho tiến trình từng bước vô hiệu hóa toàn diện sự thao túng của đảng CSVN trong guồng máy nhà nước cũng như đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của người dân Việt Nam.

9-5-2007
Nguyên Hà (Hà Tây)