Kết Quả Phiên Tòa Phúc Thẩm Xét Xử Hai Luật Sư Nguyễn Văn Đài Và Lê Thị Công Nhân

Ls. Nguyễn Văn Đài và Ls. Lê Thị Công Nhân trong một tòa án phi phám.

Kết quả phiên tòa phúc thẩm xử hai luật sư Nguyễn Văn Đài, 38 tuổi, và Lê Thị Công Nhân, 28 tuổi, tại Tòa án tối cao ở Hà Nội hôm 27 tháng 11 (giờ Việt Nam) đã diễn ra trái với mong đợi của các luật sư, các cá nhân và tổ chức đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền. Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân chỉ được giảm một năm tù so với bản án sơ thẩm do Tòa án thành phố Hà Nội tuyên hôm 11 tháng 5 năm 2007.

Phiên tòa phúc thẩm dự tính kéo dài hai ngày nhưng đã kết thúc chỉ trong vài giờ đồng hồ.

Theo báo chí Việt Nam, “tại phiên tòa phúc thẩm, thẩm phán Nguyễn Minh Mắn thay mặt hội đồng xét xử tuyên mức án mới với Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công nhân nhưng giữ nguyên mức án quản chế sau hạn tù giam”.

Theo tường thuật của VietnamNet, phiên tòa đã thu hút sự chú ý của báo giới trong và ngoài nước, khi có hàng chục phóng viên các hãng thông tấn quốc tế và các báo trong nước theo dõi đưa tin.

Hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân bị công an Việt Nam bắt ngày 6 tháng 3 năm 2007. Theo bản án sơ thẩm, Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân bị kết án về tội ’Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Căn cứ vào điều luật 88 của Bộ luật hình sự, Nguyễn Văn Đài bị tuyên án 5 năm tù giam, 4 năm quản chế; Lê Thị Công Nhân bị tuyên án 4 năm tù giam, 3 năm quản chế”. Ngay sau đó, cả hai luật sư này đã làm đơn kháng cáo vào ngày 26 tháng 5 năm 2007.

Theo lời tường thuật của Thông Tấn Xã Việt Nam, tại phiên tòa Lê Thị Công Nhân thừa nhận “đã chống lại Cuộc bầu cử Quốc hội khoá XII…, tham gia sáng lập đảng Việt Nam thăng tiến…” khi trả lời thẩm vấn của chủ tọa phiên tòa.

Tuy nhiên theo lời một nhà đấu tranh dân chủ là ông Nguyễn Phương Anh, nói với website Đàn Chim Việt, thì: “Trong phiên tòa phúc thẩm, Tòa án Cộng sản tuyên bố là nếu Đài và Nhân nhận tội thì sẽ giảm hết án tù ở và số năm còn lại sẽ là tù treo, chỉ còn lại 3 năm quản chế nhưng hai luật sư Đài và Nhân vẫn giữ vững lập trường không nhận tội.”

Chi tiết này phù hợp với lời Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân được đài BBC trích dẫn: “Luật sư Lê Thị Công Nhân nói cô ’luôn khuyến khích cuộc đấu tranh bất bạo động vì dân chủ’. Luật sư Nguyễn Văn Đài thì nói ông ’chỉ có quan điểm khác với đảng Cộng sản Việt Nam’”.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của BBC, luật sư Đặng Dũng, một trong số các luật sư bào chữa cho hai bị cáo trước khi phiên tòa diễn ra cho biết: “Thứ nhất là căn cứ vào các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và coi rằng có hiệu lực trên cả các đạo luật trong nước thì mọi hành vi bị coi là ’chống nhà nước xã hội chủ nghĩa’ theo như cáo trạng của hai bị cáo là không đúng. Trong lần xử sơ thẩm vừa rồi chưa thấy xem xét các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia”.

“Căn cứ vào các công ước Việt Nam đã ký kết thì có nhiều hành vi họ được phép làm, chính là những hành vi mà họ đang bị nhà nước kết án, chứ không thể chỉ căn cứ theo luật hình sự.” Luật sư Đặng Dũng cho biết các hành vi này gồm chuyện luật sư Nguyễn Văn Đài bị cáo buộc viết bài trên BBC, trên các trang mạng, việc thu thập tài liệu, hay chuyện văn phòng luật sư Thiên Ân của ông Đài cử người đi tìm hiểu về tình hình tôn giáo. Tất cả những việc này, theo luật sư Đặng Dũng, là việc làm bình thường của những ai hành nghề luật sư.

Ông Nguyễn Phương Anh cho biết thêm, công an đã cố tình ngăn cản và hành hung các nhà đấu tranh dân chủ như Nguyễn Xuân Nghĩa, Lê Quốc Quân, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Lê Thanh Tùng, Nguyễn Thượng Long, Vũ Văn Hùng, Nguyễn Tiến Trung, Dương Hùng, Vũ Cao Quận, Nguyễn Danh Bộ, Đỗ Bính… khi họ muốn vào tham dự phiên tòa.

“Chúng tôi có đến địa điểm phiên tòa sẽ diễn ra ở 48 Phố Lý Thường Kiệt, nhưng đây không phải phiên tòa công khai gì hết nên khi chúng tôi có ý định tiến lại sát địa điểm trên thì bị hàng chục công an xông ra xô đẩy, bắt phải đứng cách xa 300m, trong khi ở đó không hề có bất cứ một biển cấm nào.”

Trước khi phiên tòa này diễn ra, có vẻ như hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân đã biết rằng họ sẽ không được thả. Bà Trần Thị Lệ, thân mẫu của LS Lê Thị Công Nhân, trong một lần vào thăm con gái, cho đài BBC biết: “Lúc gặp Công Nhân rất vui và nói những vụ phúc thẩm như thế này sẽ không có giảm án và không có kỳ vọng là được thả nên đã chuẩn bị tinh thần y án.’ (Người Việt; Tuesday, November 27, 2007)