Khả Năng Cạnh Tranh Kinh Tế Của Việt Nam Tiếp Tục Tụt Hạng

Trong báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh Tế Thế giới (World Economic Forum) cho biết chỉ số cạnh tranh tăng trưởng (GCI) của nền kinh Việt Nam vào năm 2003 ở vị trí 60/ 101 đến năm 2004 tụt xuống hạng 79/ 104 và năm 2005 lại tiếp tục xuống hạng nữa để ở vị trí 87/ 117, thấp hơn vị trí của các nước trong khu vực như Philippines, Indonesia… Về chỉ số cạnh tranh doanh nghiệp của Việt Nam cũng không thoát khỏi cảnh tiếp tục tụt hậu. Năm 2003 ở vị trí 50/ 102, sang năm 2004 tụt xuống hạng 79/ 104 và hạng 80/ 116 vào năm 2005. Còn theo bản xếp hạng của cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) về chỉ số sẵn sàng điện tử hóa nền công nghiệp của 65 quốc gia thì thứ hạng của Việt Nam là 61/ 65. Đây là con số xác định thông qua 100 chỉ tiêu, trong đó bao gồm các chỉ tiêu định lượng như số lượng các máy chủ, số lượng các websites, số lượng điện thoại đang được sử dụng… và các chỉ tiêu định tính như khả năng sử dụng thuần thục các công nghệ này của người dân, tính minh bạch hóa của hệ thống pháp lý và hoạt động kinh doanh các công nghệ này, mức độ khuyến khích sử dụng công nghệ kỹ thuật số (Digital) của chính phủ.

Mặc dù những báo cáo của WEF hay EIU rất chính xác vì dựa theo phương pháp điều tra khách quan và trung thực, nhưng chính quyền CSVN vẫn không công nhận những kết quả này và tuyên bố rằng chưa lúc nào mà nền kinh tế Việt Nam phát triển và tăng trưởng như lúc này. Trong một cuộc họp báo của Thứ trưởng Trần Đình Khiển thuộc bộ Kế hoạch Đầu tư vào ngày 19 tháng 4 tại Trung tâm báo chí của đại hội đảng lần thứ X, vẫn cường điệu khoe về những thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam qua 20 năm đổi mới và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong 5 năm tới ( 2006-2010). Tuy nhiên khi càng nói thì càng lòi ra những mặt yếu kém và thiếu sót đúng như những gì mà các bản báo cáo của hai cơ quan WEF và EIU nêu ra, sau khi khoe chung chung về 5 thành tựu là đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng nhanh; tạo dựng được tiền đề phát triển kinh tế xã hội; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng trưởng khả năng hội nhập và đạt nhiều thành tựu về xã hội, xóa đói giảm nghèo. Ông Khiển còn nói đến các chỉ tiêu chủ yếu cho 5 năm tới ( 2006-2010) sẽ là: “xác lập trên cơ sở đảm bảo phát triển nhanh và bền vững theo ba trục chính Kinh tế-Xã hội-Môi trường. Trong đó , mục tiêu kinh tế đến năm 2010 sẽ gấp 2,1 lần năm 2000. GDP bình quân đầu người sẽ đạt từ 1.050-1.100 USD; về xã hội thì 5 năm tới sẽ phải giải quyết thêm việc làm cho 8 triệu người. Từ nay trở đi phát triển kinh tế xã hội phải gắn chặt với bảo vệ môi trường, coi đó như 1 trong 3 trục phát triển chính. Bằng cách nào để đạt cho được các chỉ tiêu đề ra đó không thấy trình bày đến, ông Khiển chỉ nói rằng dĩ nhiên là chính phủ sẽ có cách.

Vì quá cường điệu nên ông Thứ trưởng Trần Đình Khiển bị lâm vào thế kẹt khi có một câu hỏi đặt ra là tại sao trong kế hoạch 5 năm tới của đại hội X không thấy nói đến mục tiêu này?. Ông Khiển trả lời rằng ngay từ đại hộì IX đã xác định mục tiêu này, trong đó nói là đến năm 2020 sẽ đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Còn tiêu chí thế nào là một nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì đã có nhiều cuộc bàn thảo và phải được tiếp tục xác định cho rõ. Kế hoạch 5 năm tới nằm trong lộ trình, một giai đoạn từ nay đến 2020 nên không cần thiết phải nhắc lại mục tiêu này? Để trả lời câu hỏi chính phủ đã có giải pháp nào chưa để huy động vốn đầu tư phát triển được hữu hiệu? Ông Khiển đáp rằng trước đây Việt Nam quá chú trọng ở khâu huy động vốn và phân bổ vốn cho đầu tư, nhưng nay việc quản lý sử dụng chống lãng phí, thất thoát đã trở nên cấp bách chính vì vậy mà chính phủ đã có nhiều biện pháp quyết liệt chống các việc tiêu cực này.

Việc quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí của chính quyền CSVN như thế nào ai cũng biết khỏi cần phải bàn ở đây, nhưng đối với câu hỏi là hầu hết các kế hoạch trong nhiều năm qua chưa chứng tỏ các nhà hoạch định của Việt Nam có tầm nhìn chiến lược dài, hay nói khác đi còn có tầm nhìn ngắn, thì liệu kế hoạch 5 năm tới và xa hơn là đến năm 2020 có thoát khỏi yếu kém này hay không?. Ông Thứ trưởng Khiển đành phải thú nhận cái thực tế đó nên phải xuống giọng nói như sau: “Đúng là đang có hạn chế này, trong quy hoạch có vấn đề cụ thể có thể thấy ngay, nhưng cũng có cái phụ thuộc vào công tác dự báo. Chính phủ đang rà soát lại công tác quy hoạch, kế hoạch với một tư tưởng chỉ đạo là cần một tầm nhìn xa hơn, dài hạn hơn. Nếu khâu nào, nội dung nào cán bộ trong nước không làm được, phải thuê chuyên gia giỏi nước ngoài thực hiện.”

Qua hai bản báo cáo của WEF và EIU cho thấy khả năng cạnh tranh kinh tế của Việt Nam ngày càng tiếp tục tụt hậu thế mà quan chức cao cấp nhà nước CSVN vẫn còn cường điệu thì quả thật hết thuốc chữa.