Khát Vọng Tự Do

Ngô Nhân Dụng
Ông Hugo Chávez Frias.

Ông Hugo Chávez Frias, tổng thống xứ Venezuella vẫn cổ động việc xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội thế kỷ 21. Dân Venezuella có vẻ thích những chính sách xã hội, họ đã bỏ phiếu bầu cho ông Chavez hai lần, năm ngoái ông thắng thêm một nhiệm kỳ 6 năm với đa số áp đảo 63% phiếu bầu. Nhưng ngày Chủ Nhật vừa qua dân Venezuella đã bác bỏ một dự án thay đổi hiến pháp mà ông Chavez đưa ra trưng cầu dân ý.

Nếu được trên 50% cử tri đồng ý, 69 điều trong tổng cộng 350 điều của hiến pháp sẽ được tu chính, trao thêm nhiều quyền hạn cho người làm tổng thống. Ông tổng thống sẽ có quyền quyết định chính sách của ngân hàng trung ương, tức là có quyền in tiền! Tổng thống sẽ có quyền chỉ định nhiều chức vụ đứng đầu các địa phương mà trước đây do dân bầu lên. Dân chúng sẽ bị giảm bớt quyền tham dự vào việc nước; thí dụ, thay vì 10% sẽ phải có 30% chữ ký cử tri kiến nghị mới có thể yêu cầu chính phủ phải tổ chức trưng cầu dân ý. Ông tổng thống cũng gia tăng quyền hạn khi hiến pháp được sửa lại để chính phủ có quyền quốc hữu hóa tài sản của tư nhân dễ dàng hơn. Một điều bị nhiều người chống đối nhất là sửa hiến pháp để cho phép các vị tổng thống được tái cử, tái cử, tái cử hoài không giới hạn. Ðó là điều khiến các đảng đối lập và tập thể sinh viên đại học Venezuella tố cáo ông Chavez muốn trở thành một “lãnh tụ anh minh suốt đời” kiểu Fidel Castro. Cuối cùng, ông Chavez đã thua trước khát vọng tự do dân chủ của dân Venezuella.

Thông điệp mà các cử tri gửi ông tổng thống của họ là: Cái này không phải là thứ Chủ Nghĩa Xã Hội chúng tôi muốn xây dựng. Thế kỷ 21 không thể chấp nhận một thứ chủ nghĩa xã hội dựa trên độc tài chuyên chế của đầu thế kỷ 20!

Dù theo chủ nghĩa nào chăng nữa, một quốc gia chỉ đáng ngẩng mặt lên với thế giới bên ngoài nếu ở trong nước người dân bảo vệ được các định chế tự do dân chủ. Khi quyền lực được tập trung, quyền lực không bị giới hạn, đó là những dấu hiệu báo trước những nguy cơ phản dân chủ. Người cầm quyền có thể lạm dụng quyền hành, càng nhiều quyền càng lạm dụng, họ dễ xâm phạm các quyền tự do bình thường của người dân. Tướng Raul Baduel, một người đã có công dẹp tắt một cuộc đảo chính hụt năm 2002, tái lập chính quyền cho ông Hugo Chavez, hồi Tháng Bảy năm nay vẫn còn làm bộ trưởng quốc phòng Venezuella, nay đã đứng về phe phản đối Chavez. Ông nói, “Một chế độ dân chủ phải thận trọng giữ lấy quy tắc phân quyền, với các định chế đối lực với nhau. Cuộc trưng cầu ý kiến sửa hiến pháp này sẽ tai hại cho chế độ dân chủ hiến định.”

Bà Anson Chan (Trần Phương An Sinh).

Cũng trong ngày Chủ Nhật vừa qua, một cuộc bỏ phiếu khác ít được dư luận thế giới chú ý, đã diễn ra ở Hồng Kông. Cử tri ở vùng thuộc địa Anh Quốc cũ này đã đi bầu một nghị viên của viện lập pháp, trong đó chỉ có một nửa nghị viên là do dân cử, nửa kia do chính quyền Bắc Kinh chọn. Trong cuộc bỏ phiếu bán phần này, ứng cử viên được các cử tri tín nhiệm là bà Anson Chan (Trần Phương An Sinh). Ứng cử viên Rigina Ip (Lưu Thúc Nghi) đã thua bà Chan 12% số phiếu. Cả hai bà đều là cựu công chức lâu năm trong chính quyền Hồng Kông nhưng có khuynh hướng khác hẳn nhau. Bà Chan trước đây là người đứng đầu guồng máy công chức Hồng Kông cũng là một người nhiệt liệt đòi thêm các quyền tự do dân chủ cho dân chúng; còn bà Ip đứng hẳn về phía Bắc Kinh, chủ trương dân Hồng Kông phải chờ đợi, không nên đòi dân chủ tự do trước khi đảng Cộng Sản sẵn sàng cho phép. Bà Ip là người đã đề xướng một đạo luật “cấm nổi loạn” năm 2003, nhắm đè bẹp những người bất đồng chính kiến với đảng Cộng Sản, tương tự như điều 88 trong bộ hình luật Việt Nam. Dự luật đó đã bị dân biểu tình phản đối mạnh mẽ, cuối cùng phải bỏ.

Hồng Kông là một điểm thí nghiệm cho đời sống tự do, ngay khi lãnh thổ này còn là một thuộc địa, chưa hề theo thể chế dân chủ. Mặc dù trước năm 1997 các quan cai trị do chính phủ Anh bổ nhiệm, họ vẫn tôn trọng các quyền tự do dân sự, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và báo chí, tự do hội họp và lập hội, nhất là chế độ tự do kinh tế. Nhờ các quyền tự do đó mà Hồng Kông đã phát triển một xã hội công dân năng động, người dân thành lập các hội, các phong trào tự nguyện độc lập với chính quyền. Các công chức làm việc theo các quy tắc không khác gì guồng máy hành chánh bên Anh Quốc, cho nên đây cũng là một nơi mà nạn tham nhũng thấp nhất ở Á Châu. Cũng nhờ thế họ có một guồng máy tư pháp được tiếng là độc lập và công minh. Hồng Kông không những trở thành một con rồng kinh tế ở Á Ðông mà còn là nơi xã hội công dân phát triển cao nhất. Chính nếp sống tự do cá nhân, được huân tập trong xã hội công dân năng động, đã khiến dân Hồng Kông dám đứng lên đòi tự do khi chính quyền theo lệnh Bắc Kinh đưa ra các đạo luật phản dân chủ.

Cuộc bỏ phiếu ở Hồng Kông hôm Chủ Nhật vừa qua không có tác dụng chính trị thực tế nào. Vì dù các nhà dân chủ có thắng phiếu để vào ngồi trong viện lập pháp, họ vẫn là thiểu số, dễ bị áp đảo. Nhưng giá trị biểu tượng của cuộc bầu cử này rất cao. Người dân Hồng Kông muốn bày tỏ nguyện vọng sống tự do dân chủ bằng cách thể hiện qua lá phiếu. Vì vậy đã có hơn một nửa số cử tri đi bầu. Thông điệp của họ khi ủng hộ bà Anson Chan là: Chúng tôi muốn tự do, càng sớm càng tốt.

Trong ngày hôm đó, ở Venezuella người dân cũng bày tỏ ý kiến chống lại một ý định thiết lập chế độ độc tài trong một quốc gia đã được sống với các hiến pháp dân chủ từ năm 1958. Trước ngày bỏ phiếu, các người quan sát, kể cả những người đối lập với Tổng Thống Chavez vẫn nghĩ thế nào ông cũng thắng và sẽ lên ngôi vị tổng thống suốt đời. Nhưng các cử tri Venezuella đã thay đổi cục diện, một cách hòa bình. Cử tri Venezuella đã hai lần bầu cho Tổng Thống Chavez với tỷ số 20% cao hơn các đối thủ, nhưng trong cuộc trưng cầu dân ý này đã có 44% số cử tri vắng mặt. Nhiều người dân nghèo từng được hưởng các trợ cấp xã hội của ông Chavez đã ngồi nhà, không đi bầu vì không muốn bỏ phiếu chống. Nhiều người đã từng ủng hộ ông Chavez vì các chính sách dùng lợi tức do dầu lửa mang lại giúp dân nghèo, nay cũng chống lại ông, và họ nêu lên các lý do đơn giản. Một người dân ở xóm nghèo nhất thủ đô nói, “Tôi không đồng ý trao quá nhiều quyền cho ngôi vị tổng thống.” Một tài xế xe buýt nói, “Xưa nay tôi vẫn bầu cho Tổng Thống Chavez, nhưng bây giờ ông ấy lại muốn làm một chế độ độc tài kiểu Cuba.” Nhưng lực lượng quan trọng nhất đã cổ động chống ông Chavez là các sinh viên đại học. Với nguồn tài nguyên ít ỏi, chỉ có tấm lòng yêu tự do dân chủ không có gì lay chuyển nổi, sinh viên các đại học, ở nhiều thành phố đã đứng lên chống lại ý đồ độc tài, mặc dù họ bị cảnh sát đáp lại với lựu đạn cay và dùi cui trong suốt mấy tháng vừa qua.

Hai cuộc bỏ phiếu ở Hồng Kông và Venezuella cho thấy khắp thế giới bây giờ, khi người dân được bày tỏ ý kiến tự do, họ đều muốn được sống tự do hơn và tự do trong lâu dài hơn. Họ sẽ còn phải tranh đấu trong những năm tới. Tại Hồng Kông thì chính quyền do đảng Cộng Sản Trung Quốc chỉ định sẽ tiếp tục kềm tỏa đời sống của dân trong hàng chục năm nữa. Tại Venezuella, Tổng Thống Hugo Chavez đã nắm thêm được nhiều quyền hành trong các năm gần đây, sẽ tìm mưu kế khác để củng cố địa vị của ông. Nhưng ngọn gió dân chủ tự do đã thổi lên, sẽ không ai dập tắt được, người dân các xứ này sẽ còn nhiều cơ hội bày tỏ ý nguyện sống tự do dân chủ. (Người Việt; Tuesday, December 04, 2007)

Ngô Nhân Dụng