Khi CSVN muốn nâng đại học lên tầm quốc tế

Trung Điền

Tháng 6 vừa qua, Bộ giáo dục Cộng sản Việt Nam đã công bố kế hoạch vay 400 triệu Mỹ kim từ hai Ngân hàng thế giới (IMF) và Ngân hàng phát triển Á Châu (ADB) để nâng cấp bốn trường đại học theo tiêu chuẩn quốc tế. Bốn trường đại học này gồm: đại học Việt Đức trong khuôn viên đại học quốc gia thành phố Sài gòn, đại học khoa học công nghệ trong khuôn viên đại học Hòa Lạc, đại học Đà Nẵng và đại học Cần Thơ. Theo dự tính của Bộ giáo dục thì đến năm 2013, Việt Nam sẽ xây dựng bốn đại học nói trên theo mô hình công lập, phi lợi nhuận, đạt tiêu chuẩn quốc tế và đến năm 2020, có ít nhất một trong 4 trường nói trên có tên trong danh sách 200 đại học hàng đầu của thế giới.

Theo bà Trần Thị Hà, vụ trưởng vụ giáo dục đại học của Cộng sản Việt Nam thì một trường đại học mang đẳng cấp quốc tế trước hết phải là trường đại học đa ngành và tập trung vào nghiên cứu (ít nhất là 20-30% ngành học là ở bậc hậu đại học), biết tập trung trọng điểm, hướng vào nhu cầu xã hội. Đặc biệt là phải có đội ngũ giảng viên xuất sắc tạo động lực cho sự thu hút nhân tài của cả nước tham gia vào các chương trình nghiên cứu mang tầm vóc quốc tế. Kế hoạch lập 4 trường đại học nói trên nằm trong “chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam từ năm 2009 – 2020” của Cộng sản Việt Nam nhằm “sản xuất” ra 20 ngàn sinh viên có văn bằng tiến sĩ, đáp ứng cái gọi là những trụ cột của nền công nghiệp của Việt Nam vào năm 2020.

Việt Nam hiện nay có khoảng 400 đại học đủ loại từ công lập (do nhà nước lập ra) đến dân lập (do tư nhân bỏ vốn hợp doanh) nhưng đa số thiếu chất lượng và tạp nhạp, đáp ứng chưa tới 20% yêu cầu của xã hội. Việc Bộ giáo dục chọn ra bốn trường trong số hơn 400 trường để nâng lên tầm vóc quốc tế chỉ là chạy theo bệnh “thành tích” cố hữu của đảng Cộng sản Việt Nam. Người ta đã thấy ngay sự thất bại của kế hoạch này vì nó mang tính tuyên truyền nhiều hơn là thực chất. Tại sao?

Giáo sư Hoàng Tụy, một nhà giáo dục có uy tín tại Việt Nam đã phê phán rằng: nếu “chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020” có thực hiện được tốt đẹp thì trình độ giáo dục vào năm 2020 của Việt Nam chỉ tương đương với trình độ giáo dục của thế giới vào năm 1950: lạc hậu và còn xa mới hòa nhập được với nền văn minh thời đại. Do đó mà ở Việt Nam hiện nay, đã xảy ra hiện tượng là gia đình nào có tiền đều gửi con ra nước ngoài, chạy trốn giáo dục trong nước. Theo giáo sư Hoàng Tuỵ thì sở dĩ nền giáo dục Việt Nam quá bê bết như hiện nay là bởi những quan niệm sai lầm của cấp lãnh đạo. Không thay đổi những quan niệm sai lầm này mà chỉ loay hoay cải sửa chỗ này, nới lỏng chỗ kia thì chỉ hành động “đánh bùn sang ao” mà thôi.

Cộng sản Việt Nam muốn nâng trình độ đại học lên tầm quốc tế, trước hết, cần phải nghiêm chỉnh thay đổi những vấn đề cốt lõi sau đây:

Thứ nhất là phải chấm dứt chính sách quản lý tập trung vào trong tay Bộ giáo dục mà phải để cho các trường tự chủ về hướng nghiên cứu, giảng dạy, tuyển sinh và tự quản về hành chánh. Ngày nào mà Bộ giáo dục mang những nghị quyết của đảng Cộng sản Việt Nam ép buộc các trường đại học phải tổ chức và sinh hoạt theo khung của đảng, coi vấn đề nhồi nhét các chương trình chính trị của đảng là chính thì giáo dục Việt Nam không bao giờ ngóc đầu lên nổi. Sự kiện này không những giết chết óc sáng tạo của ban giảng huấn ở các trường mà còn biến các sinh viên thành những con vật thí nghiệm cho chính sách đổi mới nửa vời, hồng không ra hồng, mà chuyên không ra chuyên như hiện nay.

Thứ hai là nền giáo dục đại học phải xây dựng trên ba yêu cầu: 1/ Phải có cơ sở vật chất tương xứng; 2/ Phải có một đội ngũ giảng huấn và nghiên cứu theo đúng tiêu chuẩn quốc tế; 3/ Phải có một tầng lớp sinh viên đủ tiêu chuẩn qua một cuộc tuyển chọn công khai và minh bạch. Trong ba yêu cầu này, yêu cầu số 3 là quan trọng và then chốt nhất, vì những sinh viên được tuyển chọn phải có đủ khả năng và trình độ, để học hỏi hầu góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Những gì không đáp ứng ba yêu cầu nói trên đều phải loại bỏ ngay tức khắc. Ngoài ra, để thực hiện các yêu cầu này, cộng sản Việt Nam phải tôn trọng nguyên tắc sinh hoạt dân chủ đa nguyên, mọi ý kiến phê bình hay chỉ trích đều phải được tôn trọng và lắng nghe.

Thứ ba là muốn giáo dục góp phần đưa Việt Nam thành một quốc gia công nghiệp, ngay từ bây giờ, thay vì chỉ tập trung đầu tư vào ngành đại học thì còn nên dồn nỗ lực đào tạo thế hệ mầm non theo đúng chương trình giáo dục nhân bản, dựa trên ba trụ cột chính là: 1/ Tư cách con người (đạo đức xã hội); 2/ Ý thức xã hội (công dân giáo dục và hiểu biết lịch sử đúng đắn của dân tộc); 3/ Tri thức chuyên môn (những ngành nghề trong xã hội). Phải bỏ ngay chương trình nhồi nhét chính trị vào đầu tuổi thơ mà tập trung hướng dẫn nếp sống nhân bản, khoa học và sáng tạo. Khi thế hệ mầm non biết nhìn vấn đề khoa học và luôn luôn sáng tạo thì khi ở lứa tuổi 20, họ sẽ góp phần tích cực và hiệu quả trong công cuộc phát triển.

Thứ tư là chấm dứt mọi bức tường lửa ngăn chận những luồng thông tin trên mạng Internet, đồng thời chấp nhận quyền tự do tiếp cận thông tin của người dân. Trình độ dân trí và sự trưởng thành của một nền giáo dục tuỳ thuộc nhiều vào mức độ tự do báo chí của mỗi quốc gia. Phát triển xã hội trong thế kỷ 21 tùy thuộc rất nhiều vào sự phổ cập của mạng lưới tin học. Do đó, muốn nâng giáo dục lên hàng quốc tế mà tìm cách ngăn chận, kiểm soát mạng thông tin Internet là việc làm đi ngược lại xu hướng chung của nhân loại trong thế kỷ 21.

Thứ năm là khuyến khích việc thành lập các trung tâm học thuật và các viện nghiên cứu chuyên môn. Chính quyền không thể nào làm hết mọi công việc nghiên cứu. Ngay cả các đại học – dù có sẵn cán bộ giảng huấn – cũng chỉ tiến hành một số lãnh vực nghiên cứu phù hợp với khả năng của mỗi đại học mà thôi. Trong khi đó số chuyên gia và trí thức ở ngoài xã hội làm việc trong các công ty, viện nghiên cứu rất đông và đa diện. Đây chính là nơi góp phần đưa trình độ nghiên cứu chuyên môn của quốc gia lên hàng quốc tế. Do đó mà chính quyền không nên ra lệnh cho chuyên gia nghiên cứu cái này, không nghiên cứu cái kia mà phải để cho giới trí thức tự do phát huy khả năng và tự do liên kết qua các viện nghiên cứu để phục vụ xã hội.

Tóm lại, muốn coi giáo dục là quốc sách và nâng trình độ đại học Việt nam lên hàng quốc tế vào năm 2020, Cộng sản Việt Nam phải chấm dứt sự chi phối vào các lãnh vực nghiên cứu của chuyên gia. Cụ thể là hủy bỏ Quyết Định 97. Không làm ngay điều này thì việc Cộng sản Việt Nam đi vay mượn 400 triệu Mỹ Kim để đưa 4 đại học lên tầm quốc tế trong 4 năm tới chỉ là bánh vẽ mà thôi.

Trung Điền
Ngày 7/10/2009