Khi Hoa Đỏ gặp Hoa Trắng

Vũ Thạch

Cái bắt tay trước ống kính truyền hình giữa Chủ Tịch Đảng Cộng Sản Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào, và Chủ Tịch Trung Hoa Quốc Dân Đảng, Liên Chấn, vào ngày thứ sáu 29 tháng 4 năm 2005, sau hơn nửa thế kỷ không đội trời chung đã làm nhiều người kinh ngạc. Tuy nhiên đối với giới quan sát thường trực thì con đường dẫn đến buổi gặp gỡ này đã được chuẩn bị từ lâu. Vấn đề là cả hai phía đang có mưu định gì hay sẽ gặt hái được lợi nhuận gì từ cuộc diện kiến này?

Về phía Đảng Cộng Sản Trung Quốc, nhiều nhà phân tích đồng ý ngay đây là thủ thuật của lục địa nhằm phân hóa công luận Đài Loan sau nhiều năm hăm dọa không kết quả mà còn bị thế giới lên án, nhất là khi Hoa Lục hăm dọa bằng cách bắn hỏa tiễn vào vùng biển bao quanh đảo quốc này.

Tuy vậy, một số nhà phân tích khác cho rằng chủ ý của Bắc Kinh trong việc này không chỉ đơn thuần nhằm đối phó với Đài Loan, mà nằm trong kế hoạch qui mô để chuyển hướng chú ý của công luận Trung Quốc ra khỏi các tai ương khủng khiếp hơn nhiều đang và sắp xảy ra. Thật vậy, hầu hết các nhà phân tích tài chánh thế giới đều đồng ý Bắc Kinh đang đứng sát bên bờ một vực thẳm kinh tế, do kết quả của việc định giá đồng nhân dân tệ cố định theo Mỹ kim khiến ngân quỹ quốc gia mất giá trầm trọng; do hệ thống ngân hàng chằng chịt những vay nợ thâm thủng từ khu vực quốc doanh khiến nhà nước không dám nghĩ đến việc chấn chỉnh mà chỉ tiếp tục trút tiền vào cái túi không đáy này; do những lo sợ khi các ngân hàng quốc tế tiến vào Trung Quốc theo đúng qui định của WTO sẽ làm lộ các ung thối bên dưới hệ thống ngân hàng nhà nước và làm xụp đổ hầu như toàn bộ hạ tầng tài chánh nội địa; do cảnh “tức nước vỡ bờ” đến từ tình trạng khác biệt giàu nghèo quá lớn trong xã hội đang xuất hiện ngày một nhiều, một đông, và một táo bạo hơn.

Đứng trước các nguy cơ đe dọa cả chế độ, cứ ngày một rộng dần với vô phương ngăn chận đó, Bắc Kinh trong gần một năm qua đã đưa ra cả một chính sách qui mô khích động lòng ái quốc và phẫn nộ của nhân dân để chuyển hướng sự chú ý của công luận. Trong chính sách đó, các vụ hải quân Trung Quốc bắn giết ngư dân Việt Nam trong vùng biển Đông, các toán biểu tình đả đảo Nhật Bản rất ồn ào nhưng trật tự dưới sự điều động của công an Bắc Kinh, và nay với vụ bắt tay ông Liên Chấn để cùng tuyên bố Đài Loan là đất Trung Hoa, đều là những vụ việc có điều hướng nhất quán.

Tóm tắt lại thì việc ông Hồ Cẩm Đào bắt tay Liên Chấn chỉ là thủ thuật của Bắc Kinh nhằm che dấu các lằn nứt động đất bên dưới và hy vọng kéo dài sự tồn tại của chế độ.

Về phía Trung Hoa Quốc Dân Đảng, sau nhiều năm nhân danh bảo vệ tự do để độc quyền cai trị một cách hà khắc suốt từ năm 1949, đảng này đã bị loại ra khỏi chính quyền bằng lá phiếu của người dân vào năm 2000, và một lần nữa thất bại vào năm 2004. Ngày nay, nhìn vào tấm gương Hồng Kông, nơi mà quyền tự do của con người cứ thu nhỏ dần theo lệnh từ Bắc Kinh, người dân Đài Loan lại càng trân quí không khí tự do và càng muốn làm chủ vận mạng của mình.

Trong tình trạng bí lối, THQDĐ bất cần lý tưởng tự do mà họ từng nhân danh trong nhiều thập niên, mà chỉ tập trung vào việc kiếm quyền bằng thủ thuật hù dọa dân về cơn thịnh nộ của Bắc Kinh và kiếm tiền bằng cách đầu tư nhiều tỷ mỹ kim vào đủ kiểu làm ăn với Hoa Lục.

Nhìn sâu vào những chi tiết hậu trường đó, người ta mới thấy cả 2 đảng Cộng Sản Trung Quốc và Quốc Dân Trung Hoa đều chỉ nhắm vào những mục tiêu phục vụ chính mình, mà quan trọng nhất là duy trì hay cố tìm lại quyền cai trị. Mọi tuyên bố vì danh dự quốc gia hay quyền lợi dân tộc đều chỉ là lớp trang điểm bên ngoài. Rõ ràng “Đảng” được đặt trên và đặt trước “Đất Nước”.

Trở về quê hương VN chúng ta, tình hình chẳng tươi sáng gì hơn vì suốt quá nửa thế kỷ vừa qua vẫn bị cai trị bởi một đảng luôn đứng trên và đứng trước cả nước. Từ những phần lãnh thổ quê hương đến sinh mạng của người dân Việt trên biển Đông đều trở thành thứ yếu khi những người cầm quyền tại Hà Nội cần sự bảo hộ từ Bắc Kinh để bảo vệ quyền cai trị và tài sản của họ.

Hơn bao giờ hết, đất nước Việt Nam cần sự kết tụ của những người đủ lòng yêu nước thương nòi để đặt tương lai quốc gia và hạnh phúc dân tộc lên trên những tham vọng quyền lực. Quốc gia Việt Nam cần những đảng ái quốc chân chính, xem quyền lực chỉ là phương tiện để phục vụ dân tộc, và sẵn sàng đóng góp cho đất nước dù đứng trong hay ngoài vị trí cầm quyền.

Vũ Thạch