Kinh Tế Việt Nam Không Thể Phát Triển Vì Có Rào Cản

Ngô Văn

Nếu so sánh với thời kỳ bao cấp thì nền kinh tế của Việt Nam hiện nay khá hơn rất nhiều, nhưng với một đất nước có nhiều tài nguyên thiên nhiên cộng thêm sự năng động của người dân mà Việt Nam vẫn bị xếp hạng là một trong những nước nghèo và chậm tiến trên thế giới thì chẳng thế nào lý giải được. Thành tựu kinh tế của Việt Nam hiện nay chưa xứng với kỳ vọng, đó là những mỹ từ mà một số quan chức kinh tế hàng đầu của chế độ dùng để diễn tả tình trạng này.

Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế thế giới của chế độ là tiến sĩ Võ Trí Thành thổ lộ rằng: hầu hết các vấn dề như bộ máy, pháp lý, nhân lực, hạ tầng, thị trường…vẫn bộc lộ điểm yếu. Từ những rào cản này, trong thời gian tới Việt Nam khó tiến triển hứng khởi, nếu như không nỗ lực cải cách để hội nhập. Tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ…có thể vẫn ổn định, song đó chỉ là bề nổi. Điểm yếu và vấn đề Việt Nam cần tìm câu trả lời là những năm tiếp theo thì tăng trưởng, đầu tư, thị trường có duy trì được sự phát triển khi mà bộ máy pháp lý, nhân lực, hạ tầng…không hề được cải thiện để thỏa mãn nhu cầu..Vì thế năm nay có thể 10 tỉ USD vào Việt Nam, nhưng năm sau 10 triệu USD cũng khó nuốt vì năng lực thực hiện bị giới hạn. Song song với hạn chế này, vấn đề pháp lý và thực thi cũng phơi bày rào cản. Cụ thể, khi hàng trăm giấy phép con được dẹp bỏ (theo như đã cam kết khi vào WTO) thì lại có hàng chục văn bản tương tự ra đời. Điều đó vừa ’’tự trói tay nhau’’, lại vừa hạn chế nội lực hội nhập. Ông Thành còn nói thêm là năng lực hấp thụ vốn của Việt Nam đã bộc lộ hạn chế.

Theo sự công bố của bộ Kế hoạch và Đầu tư CSVN thì trong 5 tháng đầu của năm 2007 đã có 2,1 tỉ USD vốn được các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vào Việt Nam, tuy có tăng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chỉ bằng 1/3 so với kế hoạch đề ra. Con số 10 tỉ mỹ kim mà ông Tiến sĩ Thành đưa ra là không thật, nhưng ý của ông ta không phải ở chổ con số mà muốn nói rằng năm tới chưa chắc nhà nước đã kêu gọi được 1% vốn nước ngoài của năm nay.

Khác với những suy nghĩ của những ngưởi cầm quyền ở Hà Nội là mỗi khi đã vào được WTO rồi thì sớm muộn gì nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ phát triển, nhưng sáu tháng đã đi qua mà nền kinh tế Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ, nếu không muốn nói là gặp nhiều khó khăn hơn trước. Lý do là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, nhưng tinh thần cũng như cách thức làm việc của bộ máy công quyền hiện nay chẳng khác bao nhiêu so với thời kỳ bao cấp trước kia. Các điều mà Tiến sĩ Võ Trí Thành nêu ra chẳng phải là những người cầm quyền ở Hà Nội không thấy, nhưng khó lòng mà cải thiện được vì nếu tháo gỡ những rào cản đó thì sẽ mất đi nhiều quyền lợi béo bở cho riêng cá nhân và phe nhóm của mình.

Căn bản của sự phát triển kinh tế quốc gia không phải là một vài chuyến đi ngửa tay xin tiền các nước của lãnh đạo, nên cho dù chế độ ra sức tuyên truyền nói là chuyến đi Mỹ vừa qua của ông Nguyễn Minh Triết (thực chất là đi ăn xin) rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam cũng chẳng còn ai thèm tin.

Một số phân tích gia kinh tế hàng đầu của Nhật đánh giá về chuyến đi sang Mỹ của ông Triết như sau: Cho dù ông Triết có mang đôi hia bảy dặm thì cũng chẳng bước được vì đôi hia đó đã bị một khóa bởi các luật lệ đầu tư khó hiểu của Việt Nam mà công Triết là một trong những người đã dự phần vào. Trước đây, ông Phan Văn Khải hay ông Nông Đức Mạnh đến Nhật kêu gọi đầu tư đã hứa là sẽ về sửa đổi luật lệ sao cho phù hợp với thời đại hội nhập thế mà có sửa gì đâu. Nếu có thì cũng chỉ là việc thay thế luật này bằng chỉ thị khác mà nội dung trước sau như một. Nếu chuyến này thành công thì ông Triết dự định sẽ sang Nhật vào tháng 11 tới đây, nhưng các nhà đầu tư Hoa Kỳ không phải là con cừu non. Một quy luật rất căn bản của những nhà đầu tư là nếu thấy có ăn là họ nhảy vào ngay khỏi cần mời gọi, còn như khó nuốt là có trải thảm đỏ cũng chẳng ai dại gì lao đầu vào.