Lạc quan để vượt qua nghịch cảnh

Vi Lê - Người Việt

Những ngày vừa qua, đồng bào ở các tỉnh phía Bắc đang phải sống trong sự vất vả và nỗi lo âu cùng cực. Ảnh minh hoạ: SAI AUNG MAIN/ AFP via Getty Images

Những ngày vừa qua, đồng bào ở các tỉnh phía Bắc đang phải sống trong sự vất vả và nỗi lo âu cùng cực. Đứng trước sự tàn phá khốc liệt của thiên nhiên, con người dẫu có mạnh mẽ thế nào cũng trở nên bé nhỏ, yếm thế. Họ còn có thể làm được gì nếu không phải là cầu nguyện và cố gắng lạc quan chờ “sau mưa trời lại sáng”?

Bệnh tật, đau khổ, tai ương là những rủi ro ngoài ý muốn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chưa kể cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực khiến con người ta luôn sống trong sự lo âu, căng thẳng để bắt kịp guồng quay của thời đại. Dù thực tế cho thấy người ta có khuynh hướng dễ bị tác động bởi những điều tiêu cực hơn, nhưng để trở thành người sống lạc quan không phải là điều không thể. Chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục tình trạng bi quan để vượt qua nghịch cảnh bằng những gợi ý dưới đây:

Chấp nhận sự thật

Thay vì không dám nhìn thẳng vào những sự việc đau đớn như mất việc, mất người thân, người yêu ruồng bỏ, mắc bệnh nan y… chúng ta nên mạnh mẽ chấp nhận rồi gạt qua một bên để bắt đầu lại công việc mới, xây dựng một mối quan hệ mới hay tích cực chữa trị thay vì cứ đắm chìm trong cảm xúc hiện tại, cứ như thế cũng chẳng thay đổi được gì. Nhiều người thường tự huyễn hoặc mình bằng ý nghĩ rằng những sự việc này đang diễn ra vì một sai lầm hay sự cố tạm thời nào đó rồi sẽ trở lại như cũ, họ cố gắng không (muốn) tin vào sự thật nhưng như vậy chỉ càng làm cho tình trạng tồi tệ hơn.

Biết ơn thay vì oán trách

Thay vì than thở, oán trách số phận hay tự kỷ ám thị rằng mọi chuyện xui rủi sao cứ đổ xuống mình mà không phải ai khác, hãy biết ơn những sự cố không vui ấy đã cho mình cơ hội được thử thách bản thân, để được nhờ vậy mà tôi luyện thêm bản lĩnh sống, để hoàn thiện mình và ngày càng mạnh mẽ hơn.

Tranh thủ đến phút cuối cùng

Sống trọn vẹn từng giây phút khi phải đối mặt với điều gì đó bất như ý trong cuộc sống này là điều không dễ dàng nhưng không phải là bất khả. Như triết lý “một nửa ly nước”: với người tích cực thì đó là ly nước đầy nhưng với người tiêu cực thì đó là ly nước bị vơi mất một nửa, hãy thay ý nghĩ “trong lúc này vui vẻ gì nữa mà hưởng thụ” bằng “cuộc sống này quá ngắn ngủi, sao lại phí hoài những khoảnh khắc còn được sống, dù chỉ một ngày?”

Tìm lý do, ý nghĩa để cố gắng

Mất người yêu không có nghĩa là mất tất cả. Chúng ta vẫn còn cả một cuộc đời dài đằng đẵng phía trước để có thể bắt đầu lại với những mối quan hệ mới có khi còn thú vị hơn người cũ. Một người thân nào đó mắc bệnh nan y? Hãy xem cái chết của họ là một sự giải thoát khỏi những đau đớn, khổ sở khi y học đã thực sự bó tay. Hãy mừng khi họ đã sớm chấm dứt sự khổ ải của mình để ra đi thanh thản. Người đã mất sẽ vui khi người ở lại tiếp tục sống vui, sống tốt. Điều này hẳn là mong muốn của người bệnh trước khi lìa đời. Vậy hà cớ gì chúng ta cứ đắm chìm trong đau khổ và nước mắt?

Không ngừng tin và hy vọng

Khi bạn tuyệt vọng, xem như bạn đã đóng bớt một cánh cửa dẫn tới những điều tốt đẹp hơn. Ngạn ngữ nước ngoài có câu “while there’s life, there’s hope” (tạm dịch: còn sống thì còn hy vọng), Việt Nam ta thời kỳ COVID-19 thì có câu nói vui: “còn thở là còn gỡ.” Sao lại đóng tất cả cánh cửa hy vọng trong khi mọi việc vẫn “còn nước còn tát”?

Chia sẻ

Đừng ngại chia sẻ với người thân, bạn bè, một ai đó tình cờ quen trên mạng. Chẳng phải “khi có bạn, niềm vui tăng gấp đôi còn nỗi buồn giảm một nửa” đấy sao? Khi chia sẻ với ai đó, bạn sẽ nhận ra mọi nỗi buồn sẽ chẳng còn là nỗi buồn khi nó không còn là bí mật của riêng bạn nữa.

Ở gần người lạc quan

Những người có óc khôi hài, vui tính, có ý chí phấn đấu, mạnh mẽ… dễ phát ra nguồn năng lượng tích cực để truyền cảm hứng khiến những ai ở gần cảm thấy dễ chịu, có động lực và lạc quan theo. Nên tránh xa những người hay than vãn, làm gì cũng ngại khó, ngại thất bại, hay bàn ra.

Ngã ở đâu đứng lên ở đó

Học hỏi kinh nghiệm từ chính thất bại của mình hoặc từ sai lầm của người khác thay vì đổ lỗi cho người hay tự dằn vặt mình cũng là cách hữu hiệu để thoát ra khỏi tâm trạng tiêu cực.

Không tự ti, tự kỷ ám thị

Ghi nhớ những thành tựu lớn nhỏ của chính mình không phải là thái độ tự cao tự đại mà là đánh giá đúng giá trị bản thân để tự cân bằng với những khi thất bại, để thấy mình không phải là quá tệ hay vô tích sự.

Xác định mục tiêu

Mua một chiếc xe mới, trả hết tiền nhà, lập gia đình, thay đổi công việc, thực hiện một chuyến du lịch để đời, về hưu sớm mà không phải bận tâm về chi phí sinh hoạt… là những mục tiêu giúp bạn có động lực để vượt qua khó khăn, thất bại thay vì buông xuôi hay than thở sao số mình không được may mắn.

Đừng đòi hỏi nhiều

Nhìn xuống những cảnh đời bất hạnh để thấy khó khăn của mình chẳng là gì so với vô vàn nỗi đau của nhân loại. Cũng đừng đòi hỏi quá nhiều hay so sánh, ghen tỵ với những người ở vị trí cao hơn mình. Tay còn có ngón dài ngón ngắn nữa là. Chấp nhận bản thân như vốn dĩ giúp tránh được cảm giác tiêu cực do mặc cảm tự ti, thua kém.

Tập thể dục

Vận động thể chất kích thích cơ thể sản xuất ra những hormone hạnh phúc và giải toả stress rất hiệu quả.

Luôn bận rộn

Đừng để mình có nhiều thời gian rảnh rang. Thay vào đó, hãy ra ngoài nhiều hơn, gặp gỡ mọi người, du lịch đó đây, làm những việc mình thích như trồng cây, đọc sách, xem phim, nghe nhạc, nấu ăn… thay vì để đầu óc luẩn quẩn những chuyện tiêu cực.

Cuộc sống không bao giờ hoàn hảo như ta mong muốn. Tuy vậy, người có suy nghĩ lạc quan sẽ có cuộc sống an nhiên, tĩnh tại và dễ vượt qua nghịch cảnh hơn. Chỉ cần thay đổi cách nhìn nhận, đối phó với sự việc là có thể xoay ngược vấn đề. Chỉ là ta có muốn thay đổi hay thụ động buông xuôi thôi.

Vi Lê

Nguồn: Người Việt