Làm Mẹ

Ngô Nhân Dụng

Nhiều người ví đất nước quê hương với mẹ. Nhưng ví như vậy là chưa thấy đúng giá trị của các bà mẹ. Người ta có thể hờn dỗi với quê hương, có người oán giận quê hương suốt đời, có người từ bỏ đi luôn không thương tiếc. Nhưng không mấy ai oán giận mẹ đến như vậy. Nhiều chàng trai gặp cơn thất bại (hoặc thất tình), giận thân giận đời, chẳng biết trút hận cho ai bèn trút hết cơn giận dữ lên quê hương, nòi giống: “Lũ chúng ta lạc loài dăm bẩy đứa – bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh!”. Có người giận đến mức gọi tên tổ quốc ra bắt ông (hay bà ấy) phải “ăn năn” mới bớt giận. Lúc hờn giận như vậy chắc họ nghĩ đến tổ quốc như một người đàn ông (một người cha đầy lầm lỗi), chứ không phải là một bà mẹ. Có ai nỡ lòng oán mẹ mình như vậy hay không? Chắc là không.

Các bà mẹ đã làm gì để được người ta yêu thương như vậy? Tốt nhất là các bà không làm cái gì ghê gớm cả. Họ chỉ cần “làm mẹ” thôi, cũng đủ mang hạnh phúc đến cho mọi người và được nhân loại biết ơn rồi. Làm mẹ nghĩa là sao? Nếu bạn là một người mẹ, bạn không cần hỏi câu đó. Làm mẹ là làm mẹ. Một người cha nhìn đứa con là thấy một “đối tượng” để mình dạy dỗ, để uốn nắn, rèn cặp, nâng đỡ, xây dựng,vân vân. Các bà mẹ không cần như vậy; họ chỉ làm mẹ thôi là đủ. Phần lớn những gia đình mà người mẹ không quan tâm đến việc răn dạy, đe nẹt, uốn nắn các con, là những gia đình sống vui nhất, và những bà mẹ đó thường được các con yêu thương nhất. Mà rồi những đứa trẻ từ các gia đình đó ra đời cũng đều thành công, tất cả đều nhờ phúc đức ông bà, không khác gì những gia đình sống trong quy củ “học tập cải tạo” vì lúc nào cũng được người cha khép trong vòng kỷ luật.

Trong văn chương, sách vở, những người hay bày tỏ nỗi hờn giận đối với quê hương, tổ quốc phần lớn cũng là đàn ông cả. Ðó là văn chương của những người đàn ông oán hận vì những đàn ông khác. Chẳng mấy khi chúng ta thấy các nữ văn sĩ tỏ ý hờn giận quê hương mình như vậy. Trái lại, cả những phụ nữ phải rời bỏ quê hương mà đi, vì sống ở đó không nổi, họ cũng vẫn sẵn lòng tha thứ, bao dung cho đất mẹ. Thử hỏi các bà Trần Khải Thanh Thủy (đang chống chọi với căn bệnh ngặt nghèo ở trong nước), hay bà Dương Thu Hương (đang ở nước ngoài) xem các bà có oán giận quê hương mình như các ông nhà văn hay không? Hình như trong bài vở, văn chương của họ, những vai xấu nhất, đáng giận nhất, là đàn ông. Những người đáng kính, đáng yêu nhất vẫn là phụ nữ.

Những tác phẩm của ông Nguyễn Huy Thiệp là các biến khúc của một bài hợp tấu ngợi ca người phụ nữ. Trong cả cuốn “Ðêm Giữa Ban Ngày” của Vũ Thư Hiên, nhà văn (đàn ông) này mở ra bao nhiêu hồ sơ nhơ nhuốc của một chế độ. Nhưng trên bối cảnh của một xã hội meo mốc, đen tối và nhiều khi ti tiện đó, chỉ có một nhân vật kiên cường dũng cảm nhưng vẫn hiền đức, dịu dàng, là bà mẹ của tác giả. Người phụ nữ đó nổi bật lên như một vầng trăng giữa sa mạc; sau khi đọc xong cuốn sách người đọc ghi nhớ nhất trong lòng hình ảnh của bà. Nguyễn Văn Trấn viết về Mẹ và Tổ Quốc, nhưng trong cuốn hồi ký của ông chúng ta thấy nhiều nhất là một nỗi oán hận khó tả. Ông oán những người đàn ông, những nhân vật đóng vai cha. “Cha già” lại càng đáng giận hơn nữa.

Có những chế độ trong đó các bà mẹ chỉ được đề cao khi họ đóng “mẹ nuôi chiến sĩ,” hoặc “công nhân tiên tiến” vượt các mục tiêu sản xuất, chứ không phải vì họ làm mẹ. Còn chúng ta, loài người bình thường, không ai cần hô khẩu hiệu “Toàn dân yêu quý mẹ!”. Chúng ta yêu thương mẹ vì các bà chỉ làm mẹ thôi. Chỉ cần làm những việc bình thường của một bà mẹ, họ đã được loài người yêu kính một cách tự nhiên không ai cần thưởng huy chương, cũng không cần một bộ máy tuyên truyền nào cổ động cả.

Có những bà mẹ nấu nướng không giỏi, thêu thùa may vá không hay, tướng người thô kệch, cư xử cũng vụng về; nhưng cả đời bà chỉ có một công đức đáng nhớ là yêu con, thương con một cách giản dị, tự nhiên. Khi các con lớn lên không cần bàn tay mẹ chăm lo săn sóc nữa, thì các bà quay ra yêu cháu. Và cứ như vậy, đời này qua đời khác, các bà mẹ thay phiên nhau vun đắp cho nền công đức ấy cho cả loài người. Và chỉ thế thôi cũng đủ để loài người tôn kính các bà, gọi các bà bằng một danh hiệu cao quý, là Mẹ!

Có những người cha suốt đời lo làm việc lớn, kinh bang tế thế, đội đá vá trời, đến cuối đời mình mới biết bầy tỏ lòng biết ơn đối với bà mẹ của các con mình. Những người phụ nữ bình thường đó xây góp công xây dựng nên dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam, nhiều hơn là những người đàn ông hay hô khẩu hiệu và thích làm những chuyện lớn lao.

Lúc cuối đời, cụ Phan Bội Châu viết cho người con trưởng, kể công đức của cụ bà, một người mẹ hiền, vợ thảo cũng là một người con dâu chí hiếu. Cụ Phan Bội Châu lo rằng mình sắp nhắm mắt lìa đời, nếu không kể những công lao, các đức tính của cụ bà thì người con sẽ không biết đầy đủ về mẹ. Phan Bội Châu ca ngợi: “Khổ cực mấy nhưng sắc mặt không buồn; khó nhọc mấy nhưng không tiếng giận.” Cho nên Phan Bội Châu ghi ơn: “Nếu không có mẹ mày thì chí khí cha mày đã hư hỏng từ những bao giờ kia.” Bài viết của Phan Bội Châu cho thấy hình ảnh một người phụ nữ Việt Nam đời xưa bây giờ không còn nữa; và chắc phụ nữ thời nay cũng không nên sống nhẫn nhục chịu đựng và chịu thiệt thòi nhiều như thời một trăm năm trước. Nhưng cũng có những đức tính của cụ bà mà dù là nam hay nữ người nào cũng nên học.

Cụ bà Phan Bội Châu đã hy sinh nhẫn nhục trong suốt thời gian cụ ông lìa bỏ gia đình ra đi tìm đường cứu nước; ra Bắc, vào Nam, khi vượt biển sang Trung Hoa, Nhật Bản, Xiêm La. Hơn hai mươi năm sau cụ bị Pháp bắt cóc đem về Việt Nam xử án, rồi lưu đầy, vẫn tiếp tục phải xa gia đình cho đến khi qua đời. Cụ giữ được ý chí kiên trì suốt đời cũng là nhờ người vợ “không hé răng một lời” ngăn trở. Cụ Phan kể, sau khi lãnh án tù giam lỏng, được đưa từ Hà Nội vào Huế, trên đường đi, sau hai mươi năm mới được gặp cụ bà một lần: “Tới ngày ta bị bắt về nước, mẹ mày được gặp ta một lần ở thành tỉnh Nghệ An, hơn nửa tiếng đồng hồ chỉ nói có một câu rằng ‘Vợ chồng ly biệt nhau hơn hai mươi năm, nay được một lần giáp mặt thầy, trong lòng tôi đã mãn túc rồi. Từ đây về sau chỉ trông mong thầy giữ được lòng thầy như xưa; thầy làm những việc gì mặc thầy, thầy không (cần phải) phiền nghĩ đến vợ con.’” Phan Bội Châu tán thán: “Hỡi ơi câu nói ấy bây giờ còn phảng phất bên tai ta…”.

Cụ bà Phan Bội Châu phải là một con người có một tấm lòng luôn luôn bình thản, an lành, ngay trong cảnh sống khó khăn, vất vả nhất. Cụ hy sinh, nhẫn nhục, im lặng làm đầy đủ những bổn phận mà ngày nay chúng ta không có quyền đòi hỏi các phụ nữ phải làm như vậy nữa. Nhưng trong lúc chúng ta muốn vai trò xã hội của người phụ nữ thay đổi, thì cả loài người chắc không bao giờ thay đổi quan niệm về vai trò của một người mẹ. Xin các bà mẹ cứ làm mẹ, cho chúng con nhờ! (Người Việt; Friday, May 09, 2008)

Ngô Nhân Dụng