Lãnh Đạo Hà Nội Đổ Lỗi Nhau Vì Không Vào Được WTO Trong Năm 2005

Mục tiêu của Cộng sản Việt Nam đặt ra trước đây là vào cuối năm 2005 phải gia nhập WTO cho bằng được với bất kỳ mọi giá. Trong hội nghị cấp Bộ trưởng của tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO) diễn ra tại Hồng Kông từ ngày 13 đến 18 tháng 12 năm 2005, người ta thấy ông Lương Văn Tự, Thứ trưởng bộ Thương mại Cộng sản Việt Nam ngồi ở hàng ghế quan sát viên, nghĩa là mục tiêu mà chính quyền Hà Nội đặt ra trước đây đã không thành tựu. Tối ngày 15 tháng 12 năm 2005, Tonga, một đảo quốc nhỏ nằm ở phía Nam Thái Bình Dương, đã được hội nghị kết nạp vào làm thành viên mới của WTO.

Sau khi thất bại không được vào WTO vào cuối năm nay, ông Trương Đình Tuyển, Bộ trưởng Thương mại và cũng là Trưởng phái đoàn đàm phán của chính quyền Hà Nội về việc gia nhập WTO, đã có những lời chỉ trích các quan chức thuộc cấp của mình. Ông Tuyển nói rằng: Mỗi ngành khi di đàm phán đều có phương án riêng của mình mà Trưởng đoàn không biết. Chỉ riêng chuyện ấy thôi đã khó đàm phán với người ta rồi. Nếu lúc nào cũng hỏi thì làm sao có thể trả lời những điều vừa nhạy cảm, vừa thiết thực. ‘‘nhà giàu’’ , những ‘‘ông chủ’’ của WTO- luôn thích vặn vẹo người nghèo.

Trong khi đó Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán hiệp định Thương mại song phương Việt-Mỹ (BTA) thì nói : Bài toán được mất, ta chỉ giải bằng phương pháp suy đoán, đôi khi cần phải hiểu đúng nguyên tắc Lênin đã đề ra xưa kia ‘‘nếu có lợi cho cách mạng thì dù phải đi với những người bạn đường một nửa chỉ trong một phút chúng ta vẫn phải đi’’. Không có cuộc chơi nào, dù lớn, dù bé mà không phải hy sinh… Cái giá mà Việt Nam phải trả hẳn phải lớn hơn Trung quốc, Saudi Arabia đã trả. Nếu ngang bằng đã là thắng lợi rồi. Chợ chiều, hoa héo là hai trong ba điều nên tránh, nên quên. Tại sao không thể đấu tranh, thương lượng theo từng nhóm vấn đề, từng hạng mục một. Còn bàn cụ thể, chi tiết thì biết đến bao giờ mới xong ?. Gia nhập WTO là vấn đề không thể khác của Việt Nam bây giờ. Mỗi ngày chậm vào WTO là nền kinh tế Việt Nam thiệt hại thêm một khoản tiền đáng kể.

Những điều ông Lương phát biểu cho thấy sự bất đồng ý kiến của ông ta với Vũ Khoan và Trương Đình Tuyển vì hai ông này đã từng tuyên bố :bây giờ chúng tôi nghĩ là không đặt ra mục tiêu ngày tháng nữa. Bao giờ đáp ứng điều kiện của ta thì ta vào. Càng sớm càng tốt”.

Lê Kim Dung, một nhân viên của tổ chức OXFAM tại Hà Nội, một tổ chức NGO có trụ sở chính tại Anh quốc thì khoe rằng trong những năm qua OXFAM đi vận động hành lang rất nhiều với các nước để cho Cộng sản Việt Nam gia nhập WTO. Tuy nhiên, khi đi vận động, OXFAM cũng thấy rằng các nước còn hiểu rất ít về thực tế đời sống kinh tế và tình trạng nghèo đói ở Việt Nam mà đang lo ngại Việt Nam có tiềm năng trở thành một Trung quốc thứ hai. Kết quả những cuộc đàm phán song phương về việc xin gia nhập WTO của Cộng Sản Việt Nam cho thấy các nước rất ngại Việt Nam sẽ là một Trung quốc thứ hai nghĩa là khi vào được WTO là không tuân thủ theo quy luật của WTO và những gì mà Hà Nội đã đặt bút ký, chứ không phải ngại Việt Nam có tiềm năng sức mạnh kinh tế như Trung quốc theo như Lê Kim Dung diễn dịch.

Trong khi hội nghị cấp Bộ trưởng của tổ chức WTO đang họp thì ngoài đường phố Hồng Kông có rất nhiều đoàn biểu tình chống đối. “Tháng hành dộng vì người nghèo” là chủ đề của cuộc biểu tình do Mạng lưới an ninh lương thực Châu Á-Thái Bình Dương đứng ra tổ chức. Hà Nội đã gởi đại diện sang tham gia biểu tình, nhưng lại từ chối không ký vào tuyên bố chung của cuộc biểu tình để phản đối WTO. Ông Marco, Đại diện tổ chức NGO Veco tại Hà Nội, đã thay mặt đoàn Đại biểu Cộng sản Việt Nam khẳng định tất cả các đại biểu của Việt Nam từ chối không ký vào bản tuyên bố chung này. Ông Marco còn cho biết thêm đoàn đại biểu Cộng sản Việt Nam không phản đối chính phủ mà hoàn toàn ủng hộ quyết tâm của chính phủ gia nhập WTO.

Những người đi biểu tình chống đối WTO rất ngạc nhiên về thái độ của đoàn đại diện do Hà Nội gởi sang tham dự. Các Đại diện của Mạng lưới an ninh lương thực Châu Á-Thái Bình Dương, một đơn vị tổ chức biểu tình phản đối, nói rằng: Chống đối hay ủng hộ là quyền của mỗi người, nhưng đã đến tham gia trong một đoàn biểu tình chống đối WTO mà lại từ chối ký tên phản đối rồi lại nhờ người khác tuyên bố giùm là mình ủng hộ WTO. Không hiểu họ hay nói đúng hơn là chính quyền Hà Nội muốn dở trò gì?