Liên Âu đề nghị yểm trợ Việt Nam về vấn đề Biển Đông

Người Việt

Đại diện cấp cao EU về Ngoại giao và An ninh Josep Borrell (trái) nói với Ngoại trưởng CSVN Bùi Thanh Sơn (không thấy trong hình) trong cuộc họp ở Hà Nội ngày 30/7/2024. Ảnh: Nhạc Nguyễn/ AFP/ Getty Images

EU muốn bảo đảm hòa bình tại Biển Đông và có thể giúp Việt Nam tăng cường khả năng an ninh hàng hải và an ninh mạng.

Nói với phía Việt Nam ngày Thứ Ba 30 Tháng Bảy, Đại diện cấp cao Liên Âu về Ngoại giao và An ninh Josep Borrell cho phía Việt Nam hay như trên, trong cuộc họp báo với Ngoại trưởng CSVN Bùi Thanh Sơn sau cuộc họp ở Hà Nội, hãng tin Reuters thuật lại.

Việt Nam tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc và một số nước khu vực tại Biển Đông suốt nhiều năm qua. Vùng biển rộng lớn này không những là hải lộ quan trọng hàng đầu thế giới với 5 ngàn tỉ [USD] hàng hóa được vận chuyển mỗi năm. Nó còn là ngư trường rộng lớn cho ngư dân các nước ở khu vực và tiềm năng dầu khí hàng tỉ triệu tấn.

Vì tầm quan trọng chiến lược nhiều mặt, Trung Quốc tham lam muốn độc chiếm Biển Đông, dẫn đến những căng thẳng ngày càng gia tăng. Một số nhà phân tích thời sự từng cảnh báo chiến tranh thế giới thứ ba có thể xảy ra từ tranh chấp vùng biển này nếu Bắc Kinh không từ bỏ tham vọng ngang ngược của họ.

Trong cuộc họp với Ngoại trưởng CSVN ở Hà Nội, ông Borrell hiện đang ở cuối nhiệm kỳ 5 năm ở vai trò đại diện cấp cao của EU về Ngoại giao và An ninh, nói rằng khối EU với 27 nước thành viên “có lợi ích trực tiếp trong việc duy trì hòa bình và ổn định” tại Biển Đông, khu vực chuyển vận một phần ba hàng nhập cảng và hơn 20% hàng xuất cảng của cả khối.

“EU có thể là một thành tố thông minh mang đến hòa bình và ổn định,” ông Borrell nói với báo giới trong cuộc họp báo sau cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn. Ông lưu ý rằng EU có khả năng “nâng cao năng lực của Việt Nam về an ninh mạng, an ninh hàng hải và quản lý khủng hoảng.”

CSVN dựa vào trang bị an ninh quốc phòng của Nga suốt nhiều thập niên qua, nhưng từ năm 2022, bắn tiếng muốn đa dạng hóa mua sắm trang thiết bị quốc phòng từ nhiều quốc gia khác, gồm cả Châu Âu. Ông Borrell nhấn mạnh là việc thực thi pháp luật quốc tế mà Việt Nam viện dẫn tại Biển Đông cũng phải được áp dụng khắp mọi nơi, gồm cả tại Ukraine. Nhiều nước Châu Âu coi lập trường trung lập của Hà Nội khi Nga xâm lăng Ukraine là nghiêng quá gần với Moscow chứ không đúng nghĩa trung lập.

Bên cạnh đó, ông Borrell hối thúc Việt Nam tiến hành nhanh kế hoạch thỏa thuận với EU và nhiều nhà tài trợ quốc tế khác nhằm giảm bớt lệ thuộc vào than đá. Họ thấy chẳng có bao nhiêu tiến bộ trong vấn đề này khi Hà Nội và EU đã thỏa hiệp từ cuối năm 2022.

Ông Borrell hối thúc Việt Nam xác định mau chóng những dự án nào ưu tiên để được cùng cấp ngân khoản từ các nhà tài trợ quốc tế, chẳng hạn như năng lượng tái tạo hay cải tiến hệ thống chuyển tải điện cao thế.

Ông Sơn cho hay Việt Nam hoan nghênh sự yểm trợ tài chánh của EU. Tuy nhiên nước này đã bỏ lỡ mấy tỉ đô la tài trợ mấy năm gần đây khi chậm giải ngân một số dự án vì bị kẹt trong vấn đề chống tham nhũng. Các nhà tài trợ cũng chỉ cho Việt Nam vay với lãi suất cao thay vì yểm trợ lãi suất ưu đãi cho nước này để từ bỏ dần các nhà máy điện chạy than đá.

“Tôi muốn cuộc thăm viếng của tôi là cơ hội để khởi đầu tiến trình nâng cấp quan hệ giữa hai bên.” Ông Borrell nói. Không có câu hỏi nào được cho phép đặt ra khi họp báo. Ông chỉ nhấn mạnh về quan hệ thương mại mạnh mẽ với Việt Nam và đề cập vắn tắt về vấn đề nhân quyền tại nước này.

Nhiều cường quốc, gồm cả Mỹ và Nhật Bản, những năm gần đây đã nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam lên mức cao nhất, một dấu hiệu gia tăng tầm quan hệ chiến lược. Trong khi đó, các nước Liên Âu có lập trường khác về cơ hội nâng cấp ngay tức thì, theo Reuters.

Nguồn: Người Việt