Liên Hiệp Quốc Nói Về Vấn Đề Tham Nhũng Tại Việt Nam

Ngô Văn

Ngày 18 tháng 5 năm 2007, các nhà tài trợ quốc tế cho Việt Nam đã có một cuộc đối thoại với chính quyền Hà Nội, để nói về sự tác hại của tệ nạn tham nhũng sẽ làm cho đất nước tụt hậu khiến người dân bất mãn, đưa đến tình trạng bất ổn chính trị. Tất cả những điều đó được chuyên gia kinh tế Viny Bhargava của World Bank tóm gọm lại trong bốn chữ ’’điểm sôi sục’’ để miêu tả về mức độ bất bình cực điểm của người dân đối với nạn tham nhũng. Các nhà tài trợ quốc tế cho Việt Nam cũng thừa hiểu chính quyền CSVN biết rất rõ sự tác hại của nạn tham nhũng, nhưng vẫn nói để coi như là một lời cảnh báo với Hà Nội, nếu họ chỉ nói ngoài miệng chứ không thật tâm ngăn chặn tham nhũng, thì ngân sách tài trợ trong tương lai sẽ bị cúp hay cắt giảm nhiều phần.

Bà Setsuko Yamazaki, người Nhật, Giám đốc chương trình viện trợ phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) nói rằng: Chúng ta có thể thấy ở Việt Nam sự chênh lệch giữa người nghèo và người giàu ngày càng tăng. Những người giàu được hưởng lợi nhiều hơn người nghèo. Ngày càng nhiều người bị bỏ lại trong tiến trình phát triển và tham nhũng làm tình hình thêm xấu đi. Đó là lý do vì sao UNDP trợ giúp chính quyền Việt Nam chống lại tham nhũng dưới mọi hình thức. Tại cuộc đối thoại với chính phủ Việt nam, chúng tôi quan tâm nhất tới việc xem xét nạn tham nhũng từ khía cạnh phát triển và đặc biệt làm sao chúng ta có thể bảo đảm được nguồn lợi công tới được những nơi cần nhất. Theo bà Setsuko Yamazaki, tham nhũng không chỉ là vấn đề quản trị mà đòi hỏi sự tham gia của quần chúng, ví dụ báo chí chẳng hạn, nhằm điều tra và công khai các vụ tham nhũng, tăng cường nhận thức về sự cần thiết phải chống tham nhũng cũng như phổ biến luật pháp và các quy định. Cũng như truyền thông, xã hội dân sự có một vai trò quan trọng trong việc đấu tranh chống tham nhũng. Bà Setsuko Yamazaki nhận định rằng việc duy trì đối thoại với tất cả các đối tác là cực kỳ hệ trọng, và nó cần bao gồm cả khu vực tư nhân và các công dân. Ngoài ra theo bà Setsuko Yamazaki, chính quyền CSVN cần đi xa hơn các cuộc đối thoại bằng cách thực thi các thỏa thuận pháp lý để chống tham nhũng, những biện pháp cụ thể và sự cưỡng chế thi hành. Hà Nội đã phê chuẩn công ước quốc tế của LHQ về chống tham nhũng, yêu cầu đặt ra là CSVN phải đầu tư vào việc thi hảnh nó.

Về phía chính quyền CSVN đã báo cáo là đang đẩy mạnh việc chống tham nhũng, nhưng đồng thời cũng thú nhận rằng còn nhiều vụ việc tiêu cực tồn tại do các địa phương cũng như các bộ, ngành chậm khai triển, chưa thực thi triệt để. Nội dung báo cáo cũng nêu rõ tại thời điểm này trên địa bàn toàn quốc vẫn chưa có người đứng đầu bị xử lý vì thiếu trách nhiệm.

Căn cứ theo báo cáo của ông Tổng thanh tra cơ quan phòng chống tham nhũng của nhà nước CSVN thì việc phát hiện tham nhũng còn nhiều hạn chế. Một số vụ đã đưa ra xét xử thì xử lý chưa nghiêm minh, thậm chí còn bao che, nương nhẹ…. Nhiều vụ việc cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra chuyển Viện kiểm sát truy tố và tòa án xét xử, nhưng chậm truy tố, xét xử. Chính quyền khoe là tập hợp được nhiều con số nhưng trên thực tế không có số liệu cụ thể từ kết quả một vụ án tham nhũng, càng không định hướng được những hệ lụy do chậm xử lý tham nhũng gây nên.

Theo nhận xét của một chuyên gia kinh tế Nhật là Giáo sư tiến sĩ Tsuboi của đại học Waseda, thì tham nhũng tại Việt Nam không đơn thuần là vấn đề đạo đức mà còn là vấn đề cơ cấu trong tổ chức và tài chánh của quốc gia này. Đúng, nếu chỉ là vấn đề đạo đức thì hy vọng một ngày nào đó nó sẽ giảm, vì người ăn hối lộ ít ra cũng cảm thấy hổ thẹn chính ngay với lương tâm mình, nhưng khi đã được tổ chức thành hệ thống rồi thì làm sao mà bài trừ được. Ai bài trừ ai khi mà tất cả từ trên xuống dưới đều tham nhũng? Không tham nhũng thì lấy tiền đâu mà đưa cho cấp trên hầu giữ vững cái ghế của mình? Bài toán phòng chống tham nhũng không có lời giải, ngoại trừ khi cái chế độ CSVN sụp đổ.