Linh Mục Chân Tín Trả Lời Về Việc Cầu Nguyện Của Giáo Dân Dòng Chúa Cứu Thế

RFA

(Mặc Lâm, phóng viên đài RFA, 2008.01.18)

Sau những vụ cầu nguyện công khai tại nhiều giáo xứ miền Bắc thì Dòng Chúa Cứu Thế tại đường Kỳ Đồng (Sài Gòn) cũng bày tỏ ý nguyện.

Bấm vào đây để nghe cuộc phỏng vấn này

Tải xuống để nghe

Đây là lần đầu tiên một dòng tu công giáo tổ chức các cuộc cầu nguyện cũng trong tinh thần đòi lại các tài sản của Giáo Hội một cách yên lặng nhưng không kém phần cương quyết. Mặc Lâm phỏng vấn Linh Mục Chân Tín, hiện đang làm việc tại đây, để tìm hiểu thêm chi tiết.

Mặc Lâm: Thưa Linh Mục, xin ngài cho biết diễn tiến của việc cầu nguyện tập thể của giáo dân và chủng sinh, cũng như các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế tại Sài Gòn trong những ngày vừa qua ý nghĩa như thế nào ạ?

Linh mục Chân Tín: Đất của chúng tôi thì người ta chiếm cũng nhiều lắm, tư nhân cũng có, nhà nước chiếm cũng có, nhất là có một nhà may bây giờ họ cũng chiếm thêm.

Chuyện này là chuyện chúng tôi rất phản đối, bởi vì chuyện đất của chúng tôi muốn thế nào thì phải bàn hỏi thế nào. Họ làm rồi thì họ cứ làm, rồi có công an, cả trăm công an đến ủng hộ để cho người ta xây. Giáo dân thấy đó thì giáo dân phản đối.

Mặc Lâm: Xin Linh Mục cho biết cụ thể giáo dân phản đối như thế nào, thưa Ngài?

Linh mục Chân Tín: Cũng đâu có bạo động đâu. Yêu cầu họ ngưng, nhưng sau cùng họ không làm thì chúng tôi – giáo dân đến cầu nguyện rất là nhẹ, đêm hay ngày gì đó, cho họ thấy rằng chúng tôi phản đối việc đó bằng cầu nguyện chớ không có làm bạo động gì cả. Và trước đó thì có nhà của đức khâm sứ Toà Thánh thì họ cũng chiếm thì giáo dân cũng đã ra cầu nguyện. Chúng tôi (phản đối) bằng cách cầu nguyện chứ không bạo động.

Trong Sài Gòn, hôm Thứ Sáu vừa rồi chúng tôi có một cái lễ, nói đúng hơn không phải chuyện đòi đất, đám đất đó là chuyện nhỏ, chúng tôi làm một cái lễ cầu nguyện cho công lý và hoà bình. Công lý và hoà bình ở Việt Nam chưa có. Chúng tôi thấy việc bóc lột dân chúng, chận lấy đất lấy đai của các giáo hội.

Giáo Hội Công Giáo trước hết lên tiếng về chuyện bất công đó, lên tiếng đòi công lý và hoà bình. Cứ bóc lột người ta để người giàu càng ngày càng giàu. Hiện tại nên chấm dứt chuyện này, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo rất là xa. Vừa rồi người ta xây cất một cái nhà rất là sang trọng. Cán bộ có tiền họ đã mua đất mua đai, ở nhà quê dân chúng có biết gì đâu.

Hiện nay anh thấy ở phía Nam này nơi nào cũng có bị người ta lấy đất đai của dân và lấy quá rẻ khiến đồng bào đi kiện cáo rất là khổ cực, mưa nắng nọ kia đó. Cái đó là cái quan trọng chứ miếng đất nhỏ của giáo hội chúng tôi không có gì là đáng quan trọng lắm. Đó cũng là cái tượng trưng.

Mặc Lâm: Thưa Linh Mục, chính bản thân của Ngài cũng đã rất nổi tiếng về chuyện tranh đấu chống lại bất công của nhà cầm quyền từ trước tới nay và hình như Hội Đồng Giám Mục không đồng tình lắm với hoạt động của Ngài. Xin Linh Mục cho biết từ nguyên do nào mà lần này hình như có sự chuyển hướng mạnh mẽ từ các vị chủ chiên của Giáo Hội Việt Nam như vậy ạ?

Linh mục Chân Tín: Thiệt ra thì lâu năm nay thì sự bất công quá nhiều nhưng mà không phải riêng gì bất công đối với Giáo Hội Việt Nam, đối với nhân dân, mà tôi vẫn đấu tranh cho công lý, cho nhân quyền, phải nói rằng các ngài rất kỳ quá, các ngài cũng lên tiếng mà âm thầm thôi, cũng có lần nói rất mạnh, nhưng mà rồi trên nguyên tắc nhiều hơn là trên việc cụ thể.

Cho đến nay thì Giáo Hội cũng lên tiếng nhưng mà một cách nào đó nhẹ nhàng để cho nhà nước thấy. Nhưng cái chế độ này thì nhẹ nhàng chẳng đi đến đâu, cho nên lần này cũng không phải bạo động chi cả, chỉ lên tiếng, và nhất là tự lòng giáo dân họ làm lấy. Giáo Hội thì ủng hộ chuyện này chắc chắn rồi. Thật sự ra thì cũng không phải là cái chi lớn lắm, chính là đơn giản thôi. Giáo dân ngày nào cũng tụ tập cầu nguyện thì đó cũng là một điều trái mắt (chính quyền).

Mặc Lâm: Và theo nnhận xét của Linh Mục thì lý do nào mà lần này nhà nước im lặng hơi lâu như vậy?

Linh mục Chân Tín: Theo ý tôi, họ sợ nhượng bộ một chỗ thì các chỗ khác người ta cũng đòi thôi. Cả Việt Nam này mà đòi thì rất là lớn. Đối với giáo hội khác thì tôi không rõ, còn Giáo Hội Công Giáo Việt Nam thì đât đai, nhà cửa, có sở bị lấy quá nhiều. Bây giờ có thể họ sợ nhưọng bộ một chỗ thì phải nhượng bộ chỗ khác. Và tôi nghĩ thế. Bao lâu họ giữ được thì họ giữ.

Vừa rồi là Linh mục Chân Tín với những nhận xét của ngài trước phong trào cầu nguyện đòi đất của giáo dân Việt Nam.

Thưa quý vị, sau một thời gian im lặng thì nhà nước đã chính thức lên tiếng ngăn cấm các hoạt động này với lý do là tụ tập đông người sẽ gây bất ổn cho xã hội. Quyết định này cho thấy mức độ cứng rắn nhằm đối phó với bất cứ đòi hỏi nào của dân chúng vẫn đang được nhà cầm quyền tiếp tục áp dụng như chính sách chung từ trước đến nay.