Lời Kêu gọi của Ủy Ban Thụy Sĩ Việt Nam và Đảng Việt Tân

Cosunam & Việt Tân

Ngày 23/4/2009 Bộ Ngoại giao CSVN công bố trên trang web chính thức của Bộ bản Báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam. Báo cáo này sẽ được trình bày tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thụy Sỹ ngày 8 tháng 5 sắp tới. Việc trình báo cáo này được thực hiện trong khuôn khổ cơ chế Kiểm điểm định kỳ phổ cập UPR về việc bảo đảm thực hiện các quyền con người, áp dụng đối với toàn bộ 192 quốc gia thành viên Liên Hiệp quốc. Tình hình nhân quyền của mỗi nước sẽ được xem xét trong một phiên tranh luận kéo dài ba giờ đồng hồ. Cho đến nay Hội đồng Nhân quyền đã thực hiện được 4 kỳ xem xét các báo cáo của 64 nước. Các nước còn lại được tiếp tục xem xét cho đến năm 2011.

Trong tinh thần này, Ủy Ban Thụy Sĩ Việt Nam và Đảng Việt Tân đã phổ biến lá thư kêu gọi các đại diện dân cử của nền Cộng Hòa và Bang Genève ký tên vào kiến nghị, nhằm hỗ trợ những tiếng nói dân chủ tại Việt Nam hiện vẫn còn bị đàn áp, khủng bố trong lao tù Cộng Sản. Sau đây là nội dung bản kiến nghị:


Lời Kêu gọi của Ủy Ban Thụy Sĩ Việt Nam và Đảng Việt Tân

nhân dịp khóa Lượng Duyệt Định Kỳ và Phổ Thông của Hội Đồng Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc/UPR về tình hình nhân quyền tại Việt Nam

Genève, ngày 27 tháng tư năm 2009

Kính thưa qúy vị,

Dù đã tiến hành chính sách mở cửa về kinh tế thị trường và du lịch, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia trên thế giới mà Nhân Quyền tiếp tục bị chà đạp nặng nề, như trường hợp Trung Quốc 20 năm sau biến cố Thiên An Môn và trường hợp Bắc Hàn. Những vị lãnh đạo tôn giáo đều bị cấm hành đạo; cũng như nhiều người dám bày tỏ bất đồng ý kiến với nhà cầm quyền đã bị cầm tù hay quản thúc tại gia.

Tuy bị đàn áp nghiệt ngã như vậy, và dù phải trả cái giá rất đắt bằng sinh mạng hay bằng sự tự do của chính mình, đông đảo người Việt Nam đã can đảm dám lên tiếng đòi hỏi những quyền tự do căn bản, đặc biệt là tự do ngôn luận; đòi hỏi áp dụng những nguyên tắc của một xã hội dân sự công bằng; và đòi hỏi thiết lập thể chế dân chủ. Vì đó là phương cách duy nhất để mang lại sự phát triển bền vững và hài hoà, đúng đắn cho đất nước.

Những tiếng nói trên bị đe dọa một cách thường trực, và chỉ có sự hỗ trợ tích cực của công luận quốc tế mới có thể bảo vệ và gia tăng sức mạnh cho những tiếng nói này.

Với tư cách đại diện dân cử của nền Cộng Hòa và Bang Genève, nhân dịp khóa Lượng Duyệt Định Kỳ và Phổ Thông của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, ngày 8/5 sắp tới, chúng tôi nghĩ rằng quí vị có cơ hội, bên cạnh các tổ chức Phi Chính Phủ vẫn thường xuyên bày tỏ mối quan ngại về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, lên tiếng hỗ trợ công khai cho những người tay không, đang đấu tranh cho tự do dân chủ tại VN.

Các tổ chức nhân quyền, phi chính phủ này bao gồm:

1. AI – Amnesty International 2. ATLP – Association Tourner la Page 3. CSW – Christian Solidarity WorldWide 4. ECLJ – European Centre for Law and Justice 5. FIDH & VCHR – Fédération Internationale des Droits de l’Homme & Vietnam Committee on Human Rights 6. GIEACPC – Global Initiative to End All Corporal Punishment of Children 7. HRW – Human Rights Watch 8. INDIG – Indig 9. International PEN – International PEN 10. IRPP- Institute on Religion and Public Policy 11. KKF – Khmers Kampuchea Krom Federation 12. UNPO – Unrepresented Nations and People Organization

Một ủy ban gồm ba quốc gia Nhật Bản, Gia Nã Đại, Burkina Faso nghiên cứu bản tường trình của 12 tổ chức trên, và sẽ chất vấn phái đoàn chính thức của Nhà Nước Việt Nam và sau đó đúc kết một bản tường trình với các khuyến cáo.

Qua việc ký tên vào Kiến nghị trước ngày 4/5/2009, quý vị sẽ góp phần hỗ trợ tích cực cho những người đang tiến hành việc xây dựng một xã hội tự do và tốt đẹp cho mọi công dân của nước Á Châu hiền hoà này. Chúng tôi sẽ gởi danh sách chữ ký này đến các phái đoàn Nhật Bản, Gia Nã Đại, Burkina Faso và Việt Nam.

Nguyễn Tăng Lũy,
Tổng Thư Ký, Ủy Ban Thụy Sĩ Việt Nam

Nguyễn Đăng Khải,
Đại diện Việt Tân tại Thụy Sĩ


KIẾN NGHỊ

Xin qúy vị gởi lại cho chúng tôi Bản Kiến Nghị với chữ ký của quý vị bằng email, trước ngày Thứ Hai 4/5 là thời hạn chót.

Nhân khóa Lượng Duyệt Định Kỳ và Phổ Thông của Hội Đồng Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc/UPR, dành cho Việt Nam ngày 8/5/2009, tại Genève, những vị đại diện dân cử và nhân sĩ Thụy Sĩ sau đây rất quan tâm về bản tường trình sơ khởi ngày 23/2/2009 của 12 tổ chức về những vi phạm quyền tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng. Xin yêu cầu quý vị làm áp lực tối đa nhằm đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam tôn trọng các khuyến cáo được đúc kết sau phần lượng duyệt sau cùng.

(Tên Họ, Trách Vụ , Địa Chỉ, Chữ Ký)

Trách nhiệm Bản Kiến Nghị: Nguyễn Tăng Lũy và Nguyễn Đăng Khải

Genève ngày 27/04/2009