Lối thoát cho nền kinh tế có đuôi

Tân Phong

Bên trong các văn phòng giao dịch của Ngân hàng SCB hầu như bị quá tải với khách hàng đòi rút tiền. Ảnh: Báo Xây Dựng

Hành trình sụp đổ

Cách đây hai tháng, giới chức CSVN vẫn còn “tự sướng” với những bài báo “đặt hàng” trên Financial Times, được tâng bốc với những lời có cánh là một trong “7 kỳ quan kinh tế thế giới,” có mức tăng trưởng GDP cao nhất, thị trường chứng khoán ổn định và lạm phát thấp nhất thế giới. Nhưng trong thực tế, nền kinh tế có cái đuôi XHCN lại đang trên hành trình đi xuống …địa ngục, nhanh hơn mọi dự đoán bị coi là tiêu cực nhất.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến mức sụt giảm thảm họa. Vnindex rớt xuống gần ngưỡng 900 điểm, mất 600 điểm so với “đỉnh” kể từ đầu tháng Tư năm 2022. Trái ngược với những chỉ số vĩ mô hào nhoáng, thị trường chứng khoán Việt Nam – nơi được coi là “phong biểu kế” của nền kinh tế đang cho thấy một cuộc sụp đổ kinh hoàng.

Một FBker nổi tiếng đồng thời là một nhà báo như Hoàng Hải Vân đã thốt lên “Hàn thử biểu CC* gì vậy?” thể hiện sự bất bình với cách điều hành và năng lực của những cơ quan mà nhẽ ra nó có tác dụng “điều chỉnh, định hướng” thị trường theo như lý thuyết của “nền kinh tế có đuôi.” Nhưng xem ra, “cái đuôi” đó hoàn toàn vô dụng.

Khủng hoảng ở SCB đã thực sự tạo ra hiệu ứng “hòn tuyết lăn” với mức tàn phá lan rộng nhanh chóng. Những sai phạm, lừa dối, và trộm cắp tài khoản tiền gửi của khách hàng đã bị phát giác không chỉ ở khối ngân hàng thương mại tư nhân mà giờ đã xảy ra ở cả những ngân hàng trong nhóm Big4 của nhà nước như Vietinbank. Khắp mọi nơi, người dân kéo đến các phòng giao dịch ngân hàng, hội sở các công ty bất động sản, tập đoàn đã phát hành trái phiếu 3 KHÔNG để đòi tiền, khiếu kiện… Cảnh tượng chưa bao giờ hỗn loạn như thế.

Tuyệt vọng, giận dữ, hoảng loạn… là cảm xúc của hàng trăm ngàn các “nhà đầu tư bất đắc dĩ và tham lam” trong những ngày qua. “Giọt nước làm tràn ly” là tuyên bố phủi sạch trách nhiệm vừa qua của Bộ Tài chính – cơ quan chủ quản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, là cơ quan phê duyệt cho phép các doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán phát hành hàng trăm ngàn tỷ trái phiếu 3 Không.

Tháng Mười, 2022, ông Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thì hôm nay Bộ Tài chính đã phán xanh rờn “Đơn vị phát hành trái phiếu phải có trách nhiệm với nhà đầu tư.” Nhưng vấn đề ở đây là chính Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước đã cho phép và khuyến khích vụ lừa đảo một cách hệ thống mang tầm vóc quốc gia này được thực hiện một cách công khai, thậm chí truyền thông nhà nước ca ngợi sự phát triển của kênh huy động vốn trực tiếp trái phiếu doanh nghiệp khiến cho doanh nghiệp “thay da đổi thịt,” tạo đà tăng trưởng… bla bla.

Việt Nam đang đứng trước rất nhiều các nguy cơ sụp đổ rủ nhau đến cùng vào một thời khắc của Thiên Nga Đen. Nó rất giống với Thái Lan vào những năm thập niên 90s, nhưng tệ hơn. Và cuộc khủng hoảng này sẽ dẫn đến một cuộc sụp đổ toàn diện nền kinh tế. Kết quả đó từ rất nhiều nguyên nhân và rủi ro tích lũy cả một quá trình dài.

Việc thiếu hụt xăng dầu kéo dài và không còn là câu chuyện của Miền Nam nữa mà ngay ở thủ đô, việc thiếu hụt xăng dầu đã trở thành trạng thái “bình thường mới.” Nói như lời ông Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên thì xăng dầu không thiếu mà chỉ bị ách tắc ở một vài chỗ trong chuỗi cung ứng. Nhưng đến bây giờ, điểm ách tắc lớn nhất và duy nhất là “tắc tiền.” Dự trữ ngoại hối đang sụt giảm rất nhanh và có thể không còn đủ 3 tháng nhập khẩu nữa. Do đó, ngoại tệ dành cho việc nhập khẩu xăng dầu đã bị “thiếu trước, hụt sau.”

Một quốc gia có trữ lượng dầu khí lớn trong Đông Nam Á, có nhà máy lọc dầu nhưng không thể chủ động xăng dầu mà phần lớn vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và đang không có đủ xăng dầu để sử dụng nhu cầu cơ bản. Câu chuyện này chẳng phải giống như Venezuela sao?

Ngân hàng Trung ương hiện đang phải bơm tiền với mức độ giống như thủy điện sông Đà, mở hết cửa xả đáy để duy trì tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thương mại đang phải gồng sức chống lại làn sóng rút tiền của người dân. Cần phải thấy rằng, có một cuộc khủng hoảng khác, nguy hiểm và khó đo lường cũng như đối phó hơn nhiều đang diễn ra ngầm phía dưới mọi bất ổn hiện nay. Đó là khủng hoảng niềm tin của xã hội. Khi hàng vạn người phát hiện thấy mình bị mất tiền, bị lừa gạt một cách trắng trợn, thì đương nhiên nó sẽ xảy ra những hệ lụy như chúng ta đang thấy.

Tràn ngập trên mạng xã hội là hình ảnh biểu tình khắp các tỉnh thành liên quan đến việc người dân đòi doanh nghiệp, ngân hàng trả tiền. Cách nay mấy hôm, ngày 15 tháng Mười Một, trong một khu dân cư cao cấp của Vingroup Long Biên, những chủ sở hữu đòi hỏi quyền lợi khi họ ký hợp đồng cho Vinpearl khai thác tài sản nhưng không nhận được lợi tức như cam kết.

Giống như câu chuyện Condotel, các nhà đầu tư và chủ sở hữu ở đây đã ký kết, giao tài sản cho bên khai thác để hưởng lợi nhuận theo phần trăm hứa hẹn đã vỡ mộng. Không những không có lợi nhuận mà việc đòi lại tài sản cũng không xong. Không những thế còn bị bên thuê tài sản cho bảo vệ đuổi đánh dập mặt các ông chủ. Quả thực là một phen náo loạn, bi hài.

Lối thoát nào cho nền kinh tế có đuôi?

Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước rất nhiều nguy cơ và rủi ro hệ thống. Nhưng điều đang thấy rõ nhất và cũng là rủi ro lớn nhất là khủng hoảng tài chính, chen lấn tín dụng, sụt giảm ngoại hối nhanh chóng, mất kiểm soát tỷ giá hối đoái và vỡ nợ doanh nghiệp trên qui mô quốc gia. Thảm họa này đến nhanh hơn dự đoán bởi nó được kích hoạt bởi sự kiện SCB. Việc Bộ Công an ra tay bắt Trương Mỹ Lan và hàng loạt nhân sự cấp cao ở tập đoàn này tử vong bất thường đã khiến cho những quả bom hẹn giờ được kích hoạt sớm hơn.

Thực ra, với khối tài sản và thực lực tài chính của SCB, việc để cho ban lãnh đạo tập đoàn này tại ngoại và có trách nhiệm xử lý hết khối trái phiếu 3 Không hàng chục ngàn tỷ cho các nhà đầu tư không phải là điều gì khó khăn. Nhưng phe “đốt lò” đã lặp lại y chang kịch bản Tăng Minh Phụng năm xưa. Một vụ cướp đúng nghĩa, trắng trợn, bất chấp phản ứng và hậu quả có thể gây ra với thị trường và nền kinh tế.

Đương nhiên, Vạn Thịnh Phát (VTP) không vô tội nhưng cách giải quyết kiểu thô bạo và bất chấp hậu quả như tổng Trọng và Tô Lâm đang làm đương nhiên gây ra những hậu quả kinh tế xã hội vô cùng nghiêm trọng. Giống như FLC, VTP …hay những đại gia trong mắt đám quan chức chóp bu CSVN không khác gì những con lợn béo đến ngày xẻ thịt. SCB đã thực sự là hòn tuyết lăn rơi xuống và trên đường đi của nó, sẽ tạo ra một vụ lở núi kéo sập cả nền kinh tế vốn dĩ đã èo uột này.

Không có một giải pháp nào hoàn toàn cho cuộc khủng hoảng và sụp đổ này. Mọi thứ phải trả giá. Chỉ có điều xã hội và hệ thống tài chính, nền kinh tế có thể chịu đựng sự trả giá ở mức nào, thiệt hại đến đâu mà thôi. Nhưng để tìm một lối thoát cho nền kinh tế có cái đuôi “định hướng XHCN” này thì không gì hơn là việc chấm dứt càng sớm càng tốt sự can thiệp thô bạo vào thị trường hiện nay. Cũng như việc buộc phải chấp nhận luật nhân quả “có ăn có chịu” và để thị trường tự điều chỉnh.

– Thứ nhất, Bộ Công an chấm dứt ngay việc phong tỏa các tài khoản và tài sản của SCB và phải tạo điều kiện để cho tập đoàn này có thời gian và lộ trình để giải quyết có trách nhiệm với người dân, các trái chủ, chủ sở hữu và khách hàng của họ. Việc Bộ Công an giữ tiền và tài sản SCB, cũng như giam giữ các lãnh đạo tập đoàn này sẽ gây ra hệ lụy xã hội không thể đánh giá hết được. Việc kiểm soát SCB là cần thiết nhưng nếu biến đây thành một cuộc cưỡng đoạt thì sẽ là một thảm họa xã hội.

– Sự sụp đổ và vỡ bong bóng bất động sản ở Việt Nam là không thể tránh khỏi. Với khối tài sản bất động sản (BĐS) thế chấp lớn hơn nhiều GDP quốc gia, mức giá mặt bằng cao hơn cả Mỹ, Nhật, Hàn, Bắc Kinh… Thị trường BĐS Việt Nam quả thực là một khối u ác tính đã phát triển quá mức, di căn và hút cạn mọi nguồn lực xã hội.

Lòng tham mù quáng, tâm lý tích trữ bất động sản và sự méo mó của thị trường được hình thành từ câu bùa chú tai ác “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất đại diện quản lý” đã biến cả quốc gia thành quĩ đầu cơ. Nên điều cần thiết bây giờ không phải là “cứu” đám doanh nghiệp bất động sản vô lương mà là cứu dân sinh đã cùng kiệt. Sự sụp đổ của thị trường bất động sản là cần thiết để kiến tạo lại. Sẽ rất đau đớn nhưng không có lựa chọn khác nếu muốn tạo dựng một thị trường lành mạnh và để dành không gian phát triển cho các ngành kinh tế sản xuất dịch vụ hữu ích hơn là công cuộc “phân lô bán nền, xây chung cư, resort.”

– Với thông điệp mới đây thủ tướng Đức gửi đến Hà Nội, rõ ràng lợi ích kinh tế sẽ gắn chặt với lựa chọn chính trị. Hà Nội không thể tiếp tục “đu dây” vừa trục lợi từ EU và Hoa Kỳ, trong khi ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine của Putin và nhiệt thành toa rập đường lối chống Tây Phương của Bắc Kinh. Nền kinh tế gia công Việt Nam không thể tồn tại nếu hai thị trường xuất khẩu quan trọng nhất là Hoa Kỳ và EU cắt giảm đơn hàng.

Với những chỉ dấu tồi tệ đang diễn ra ở đầu tàu kinh tế phía Nam như  Bình Dương, TP.HCM và mới đây thông báo cắt giảm sản lượng ở các nhà máy lắp ráp điện thoại của Samsung Việt Nam để chuyển dịch sang các thị trường lao động có chuỗi cung ứng tốt hơn như Ấn Độ… cho thấy tương lai ảm đạm, xám xịt.

Hóa ra, nền kinh tế ưu việt có cái đuôi “định hướng XHCN” hoàn toàn bị phụ thuộc vào các quốc gia “giãy chết.” Và giờ đây, miếng bánh mì cũng kèm theo lựa chọn chính trị không dễ tiêu hóa đối với giới chức CSVN. Nhưng vì tiền, lựa chọn này có thể dễ được chấp nhận đối với giới chức CSVN. Điều này sớm chừng nào, thì sẽ góp phần cứu vớt một nền kinh tế đang trên bờ vực thẳm.

Tân Phong