Miến Ðiện Có Cơ Hội Thay Đổi

Ngô Nhân Dụng

Ngô Nhân Dụng

Các tăng sĩ Miến Ðiện (Myanmar) bắt đầu tham dự vào những cuộc biểu tình của nhân dân phản đối chế độ độc tài quân phiệt làm vật giá leo thang quá đáng. Chắc họ cũng biết tin tháng trước ở Việt Nam một số tăng sĩ cùng Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, Thượng Tọa Thích Không Tánh đã xuất hiện ở Sài Gòn rồi ra tới Hà Nội để hỗ trợ những nông dân Việt Nam đòi bồi thường đất đai.

Dân Miến Ðiện nổi giận xuống đường trên khắp nước, hai ngày sau khi chính quyền quân phiệt cho tăng giá xăng dầu hôm 15 Tháng Tám, khiến cho vé xe đò tăng, giá các nhu yếu phẩm tăng theo. Các nhà chính trị đối lập, các sinh viên đại học ở nhiều nơi cũng tham gia. Chính quyền quân phiệt đã bắt giam nhiều lãnh tụ sinh viên thời 1988, năm đó các cuộc biểu tình lớn đã lật đổ chế độ độc tài của các tướng lãnh. Nhóm tướng lãnh mới đã tổ chức bầu cử năm 1990, nhưng khi đảng Liên Minh Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi thắng đa số phiếu, các tướng lãnh đã xóa bỏ kết quả bầu cử rồi thi hành chính sách đàn áp với những hàng động tàn bạo.

Nhóm quân phiệt đã dẹp các cuộc biểu tình ôn hòa ở các tỉnh và thủ đô, nhưng hai tuần sau khi dân chúng xuống đường chắc họ bắt đầu lo sợ một phong trào sẽ nổ lớn khi thấy các tăng sĩ trẻ bắt đầu tham dự. Nhiều tu sĩ Phật Giáo ở thành phố Pakokhu đi biểu tình trương biểu ngữ yêu cầu nhà nước giảm giá sinh hoạt theo nguyện vọng của dân. Pakokhu là một trung tâm Phật Giáo ở phía Tây Bắc thủ đô Yangon, có 80 tu viện, 15 Phật học viện, với 35,000 nhà sư và học tăng. Trong khi các tu sĩ vừa tuần hành vừa tụng kinh, hàng chục ngàn dân chúng đứng bên đường hoan nghênh. Trong ngày Thứ Năm, 5 Tháng Chín, chính quyền quân phiệt đã cho quân đội bắn súng dọa rồi bắt các nhà sư thẩy lên xe chở về chùa. Ngày hôm sau, 20 viên chức nhà nước tới chùa để thảo luận, một số tăng sĩ trẻ đã đóng cửa không cho họ ra, và đốt bốn chiếc xe trước khi vị thượng tọa đứng đầu tu viện ra lệnh ngưng.

Công an Miến Ðiện đã mạnh tay hơn các đồng nghiệp của họ ở Sài Gòn. Nhưng họ cần phải sang Việt Nam học tập các thủ đoạn đàn áp tinh vi của đảng Cộng Sản. Ðể dẹp cuộc biểu tình hàng tháng trời ở Phú Nhuận sau khi Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ tới thăm đồng bào, công an đã đợi tới gần nửa đêm mới ra tay. Lúc đầu là những người mặc thường phục đi xe đạp tới dựng xe chắn các ngã tư. Tiếp theo là những chiếc xe xích lô cũng tới án ngữ không cho người qua kẻ lại. Rồi bất thình lình các công an thường phục và cảnh sát đánh thức những người biểu tình dậy, cứ hai công an túm lấy một người kéo lên những chiếc xe ô tô đã tới chờ. Như thể là tất cả những người biểu tình “được thuyết phục trở về nguyên quán” để cho địa phương xử lý!

Nhưng phong trào nhân dân biểu tình ở Myanmar mạnh và rộng rãi hơn ở Việt Nam rất nhiều, và người dân có nhiều sáng kiến hơn. Chẳng hạn, những tờ truyền đơn đã kêu gọi mọi người hãy “biểu tình ở trong nhà” trong ba buổi tối, bắt đầu từ ngày 11 Tháng Chín, ngày đầu tháng âm lịch. Người dân chỉ việc ngồi trong nhà mình và gõ lên nồi niêu xoong chảo hoặc các món đồ kim khí khác. Dân sẽ bắt đầu gõ ba lần, lúc 7 giờ 2 phút, 8 giờ 1 phút và lúc 9 giờ tối, cộng các con số đều thành số 9! Gõ nồi niêu là một hành động để “trừ tà,” và giới quan quyền Miến Ðiện cũng rất mê tín không khác gì các quan chức Việt Nam hiện nay! Thủ lãnh quân sự Than Shwe và bà vợ Kyaing Kyaing đều luôn luôn vấn kế các thầy bói, một bà đồng cốt tin cẩn nhất tên là E Thi, bị bệnh câm khi phát âm chỉ có một cô em hiểu được và thông dịch!

Người Miến đã tổ chức việc phản đối theo một niềm tin cổ truyền, nhưng họ kết hợp với việc truyền bá tin tức bằng kỹ thuật hiện đại, qua điện thoại di động, điện thư email và các điểm lưới web sites! Năm 1988, khi Tướng Sein Liwn phải từ chức, dân chúng đã “ăn mừng” bằng cách ở trong nhà gõ nồi niêu như vậy! Ông Sein Liwn có biệt danh là “đao phủ Rangoon” vì đã ra lệnh bắn vào các đoàn biểu tình của sinh viên, những lãnh tụ sinh viên thời đó bây giờ nhiều người mới bị bắt lại!

Không thể đoán trước được phong trào đòi quyền dân của người Miến sẽ thành công hay không. Nhưng cả thế giới đang chú mục nhìn về nước Myanmar, các nhà trí thức quốc tế như cựu Tổng Thống Cộng Hòa Tiệp Vaclav Havel, cho tới các tài tử chiếu bóng ở Hollywood đã lên tiếng kêu gọi chế độ độc tài quân phiệt ở Myanmar ngưng đàn áp dân chúng biểu tình. Bà Laura Bush, trong khi ông chồng đang công du ở Úc, cũng gọi điện thoại cho ông tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon (Phan Cơ Văn) yêu cầu ông can thiệp để chính quyền Myanmar tôn trọng dân quyền. Nhưng chế độ độc tài ở Myanmar đã bỏ ngoài tai tất cả dư luận thế giới từ lâu, dư luận thế giới khó lòng lay chuyển họ. Nhất là họ vẫn được Nga, Trung Quốc ủng hộ để ngăn cản các biện pháp trừng phạt trong Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Cộng Sản Việt Nam cũng như Cộng Sản Bắc Hàn thì vẫn đứng về phía chính quyền quân phiệt Miến.

Chế độ quân phiệt Miến Ðiện chỉ có thể lung lay nếu người dân nhân cơ hội này tiếp tục tranh đấu cho tới khi đạt được kết quả. Tuy chế độ quân phiệt rất độc tài nhưng ở trong nước Miến Ðiện vẫn có nhiều tổ chức độc lập với chính quyền, và họ bắt đầu tham gia phong trào nhân dân đòi quyền sống. Sinh viên nhiều đại học đã tổ chức hội thảo về dân quyền. Nhiều tổ chức của các sắc dân thiểu số, các tổ chức phụ nữ đã xuất hiện gần đây. Một tổ chức mới mang tên “Ủy Ban Phát Triển Myanmar” đã tổ chức các cuộc biểu tình đòi cải thiện tình trạng y tế, xã hội từ đầu năm nay. Ðảng Dân Chủ Hòa Bình của cố Thủ Tướng U Nu cũng hoạt động trở lại, lên án chính sách đàn áp dã man dân biểu tình.

Ðảng Liên Minh Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi là lực lượng mạnh nhất trong các nhóm đối lập cũng tham dự các cuộc biểu tình. Những cuộc biểu tình đòi quyền dân tự động nổi lên ở các thành phố khắp nước. Người ta đang nhớ lại Cuộc Cách Mạng 8888 (ngày 8 tháng 8 năm 1988) khi dân chúng nổi lên vì chính sách kinh tế “xã hội chủ nghĩa” của tập đoàn quân phiệt gây cảnh khốn cùng, đã đưa tới sự sụp đổ của chính quyền quân phiệt trước. Và ngày nay, sự có mặt của các tu sĩ Phật Giáo có thể là những giọt nước làm tràn ly, đưa tới sự sụp đổ của một chế độ chính trị hủ lậu nhất Á Châu này. Ở thành phố Madalay, một trung tâm Phật Giáo quan trọng, chính quyền quân phiệt đã yêu cầu các tu sĩ không tham dự phong trào và đặt công an thường phục trấn ở các cổng chùa, nhưng một vị sư đã nói nếu chính quyền đàn áp dân biểu tình ở đó thì các tăng sĩ chúng tôi sẽ không thể đứng bên ngoài cuộc tranh đấu của dân. (Người Việt, Thursday, September 06, 2007)

Ngô Nhân Dụng

Những thông tin trong bài này lấy từ nhiều điểm lưới của các tổ chức người Miến Ðiện ở hải ngoại, đặc biệt ở Na Uy và Mỹ.)